Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

1.200 USD một… cô dâu

Con đường buôn lậu cô dâu từ Triều Tiên sang Trung Quốc. (Tư liệu: AFP)

Tuần báo Mỹ Newsweek hôm 20-8-2012 có một phóng sự dài về chợ mua bán cô dâu Triều Tiên ở Trung Quốc.

Theo số liệu của các tổ chức nhân quyền, có hàng ngàn người đã từ Triều Tiên chạy sang Trung Quốc. Có tới 80% số phụ nữ nhập cảnh lậu này đã trở thành “món hàng” mua bán trên thị trường cô dâu Trung Quốc.

Các chợ cô dâu nổi tiếng nhất là tại 3 tỉnh Liaoning, Jilin và Heilongjiang, giáp biên giới Triều Tiên. Từ đó, các cô dâu Triều Tiên bị bán cho những người đàn ông ở khắp Trung Quốc. Nhiều khách mua là nông dân. Một số là người khuyết tật và bệnh tâm thần. Nói chung đó là những người mà dưới mắt phụ nữ Trung Quốc thì không thể trở thành chồng được.

Tại sao đàn ông Trung Quốc phải mua cô dâu nước ngoài? Chính sách mỗi cặp vợ chồng chỉ có 1 con được áp dụng ở Trung Quốc từ năm 1979 để giảm tốc độ gia tăng dân số quá nhanh của đất nước đông dân nhất hành tinh này. Ai vi phạm đều bị xử phạt rất nặng, thậm chí ngồi tù, bị buộc phá thai hay triệt sản. Trong khi đó, truyền thống bao đời của người Hoa là phải có con trai nối dõi tông đường. Vì thế, do chỉ được có 1 con, nhiều người dân tìm mọi cách để chỉ đẻ con trai. Mặc dù luật cấm siêu âm để biết giới tính thai nhi, nhưng nhiều cặp vợ chồng vẫn phớt lờ. Chi phí siêu âm để biết giới tính thai nhi chỉ khoảng 12 USD. Và khi phát hiện ra thai nhi là gái, người ta thường phá thai. Hậu quả là tình trạng mất cân đối giới tính trong dân số Trung Quốc ngày càng thêm nghiêm trọng. Đàn ông Trung Quốc ngày càng khó kiếm được vợ hơn. Và phụ nữ Trung Quốc ngày càng có nhiều lựa chọn người làm chồng hơn. Điều này dẫn tới tình trạng ngày càng có nhiều đàn ông Trung Quốc bị “dạt” ra, không có thể kiếm được vợ trong nước.

Ở các khu vực nông thôn, tình trạng khan hiếm cô dâu càng trầm trọng hơn. Phụ nữ Trung Quốc ngày nay chuộng cuộc sống thành thị và thích có chồng là người có đầu óc hiện đại. Ngày càng có thêm nhiều phụ nữ trẻ bỏ nông thôn tới các thành thị để làm việc và kiếm chồng. Theo Ủy ban Nhân quyền ở Triều Tiên, tại 3 tỉnh Trung Quốc giáp Triều Tiên, tỷ lệ đàn ông trẻ so với phụ nữ trẻ là 14:1.

Thị trường có cầu ắt có cung. Hoạt động buôn lậu phụ nữ từ Triều Tiên sang Trung Quốc bán làm cô dâu ngày càng rôm rả hơn. Những tay cò mồi đi khắp các làng mạc Triều Tiên dụ dỗ các cô gái với lời hứa hẹn được đi du lịch sang Trung Quốc và làm việc với lương cao, sau vài tháng có thể trở về nhà với vốn liếng rủng rỉnh. Bọn cò mồi này chủ yếu là người bản xứ hay người Hoa gốc Triều Tiên, và thường là đàn ông. Bọn chúng đi từ làng này sang làng khác để ý tìm những cô gái mà chúng tin rằng có thể dụ dỗ được. Chi phí mà các đầu nậu Trung Quốc trả cho các cò mồi này là từ 80 tới 300 USD mỗi phụ nữ, tùy theo “chất lượng món hàng” và mức độ khó khăn khi vượt biên. Có tin nói rằng bọn cò mồi phải chi 70-100 USD cho nhân viên biên phòng để có thể đưa lọt “hàng” qua biên giới.

Khi sang được Trung Quốc qua những con đường lậu, các phụ nữ Triều Tiên nhẹ dạ này lập tức bị đưa đi bán cho những người đàn ông Trung Quốc đang tranh nhau mua vợ.

Tỉnh Jilin có một khu tự trị của người Triều Tiên tại Yanbian. Đây là nơi lý tưởng để bọn buôn lậu cô dâu Triều Tiên giấu những người nhập cảnh lậu vừa đưa sang. Một số phụ nữ được bán trực tiếp cho những người Hoa gốc Triều sống trong vùng này. Đây là những phụ nữ may mắn hơn những nạn nhân bị đưa đi sâu vào nội địa.

Có nhiều cô dâu Triều Tiên bị mua đi bán lại tới nhà bán lẻ với giá từ 500 USD tới 800 USD một người. Sau đó, những người này bán cô dâu cho khách mua với giá từ 1.200 USD tới 1.500 USD tùy nhan sắc và tuổi tác.

PHP

(Saigon 24-8-2012)