Chủ nhật ngày 22 tháng 12 năm 2024

Chào nửa… năm mới

 + Photo: Từ lời tiên tri của Maya, Hollywood đã làm bộ phim ăn khách “2012” nói về ngày tận thế. Ta cứ coi bộ phim “2012” như một lời cảnh báo tỉnh thức chớ hề thừa.

Sáng nay bất chợt liếc tờ lịch bloc bằng nửa con mắt mà đã phải giật thót người khi nhận ra đã là ngày 1-7-2012. Có nghĩa là ta đã tiêu vèo hết nửa năm 2012 trong cái quỹ thời gian ngày càng thu hẹp dần của cuộc đời. Kiếm điểm tức thời 6 tháng đã qua thấy mình lỗ nặng, chi xài hết nửa tài khóa thời gian mà chẳng làm được cái gì ra hồn. Thậm chí còn bê bết hơn khi mới được ông Thần Thời gian trao cho tài khóa 2012. Ngước mắt lên trời hự 3 tiếng, dòm xuống đất rên 3 cái mà than: ta không bất tài, nhưng đành bất lực!

Hôm qua, đọc tin của hãng truyền hình MSNBC (http://www.msnbc.msn.com/id/48000582/ns/technology_and_science-science/#.T–x3vWjYcd ) thấy nói rằng lâu nay người ta đã diễn dịch sai văn bản của người Maya. Năm 2012 không phải là năm kết thúc của thế giới (the end of the world) mà chỉ là thời điểm kết thúc của lịch Maya (the end date for the Maya calendar). Marcello Canuto, Giám đốc Viện Nghiên cứu Trung Mỹ của Đại học Tulane, nói rằng: “Văn bản Maya cổ này nói về lịch sử chính trị cổ đại hơn là tiên tri. Bằng chứng mới này cho thấy rằng thời điểm “bak’tun thứ 13” là một sự kiện lịch quan trọng được những người Maya cổ đại ăn mừng; tuy nhiên họ không đưa ra các lời tiên tri khải huyền về bất cứ cái gì gắn với cái thời điểm đó.”

Lịch Maya được chia thành các bak’tun, tức chu kỳ 144.000 ngày, bắt đầu từ ngày khởi lập nền văn minh Maya. Ngày Đông chí của năm 2012 (tức 21-12) là ngày cuối cùng của bak’tun thứ 13, đánh dấu điều mà người Maya coi như một chu kỳ tạo dựng trọn vẹn.

Một số tín đồ New Age và những người bị ám ảnh bởi ngày tận thế đã liên hệ ngày cuối cùng của bak’tun thứ 13 đó (tức ngày 21-12-2012 theo dương lịch) với sự cáo chung của thế giới mà chúng ta đang sống.

Người ta đã phát hiện được lời ám chỉ đó trong một câu khắc trên một đài tưởng niệm Maya cổ có niên đại từ năm 669 tại Tortuguero (Mexico). Các nhà khảo cổ học Mexico cũng báo cáo đã tìm thấy lời ám chỉ thứ hai về cái thời điểm kết thúc đó hồi năm ngoái, được khắc vào một viên gạch tại di tích Comacalco gần đó.

Trên một viên đá trên cầu thang ở di chỉ khảo cổ La Corona có khắc hình vua Maya đang ngồi.

Bây giờ, các nhà nghiên cứu thám hiểm các di tích Maya ở La Corona (Guatemala) đã khám phá một lời ám chỉ khác. Trên một khối cầu thang được khắc các chữ tượng hình, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy dấu tích lưu niệm cuộc viếng thăm của Yuknoom Yich’aak K’ahk’ của Vương quốc Calakmul, vị vua Maya hùng mạnh nhất thời đó. Vị vua, cũng được gọi là Jaguar Paw (Móng Báo đốm), này đã bị thua thê thảm trong một trận đánh với Vương quốc Tikal hồi năm 695. Từ lâu nay, các nhà sử học cho rằng vua Jaguar Paw đã chết hay bị bắt trong trận chiến đó. Nhưng bản khắc mới phát hiện cho thấy họ đã lầm. Sự thật là vị vua này đã tới thăm La Corona vào năm 696.

Trong chuyến thăm này, vua Jaguar Paw đã tự xưng là “chúa tể k’atun thứ 13”. K’atun là một đơn vị khác của lịch Maya, tương đương 7.200 ngày hoặc gần 20 năm. Chính vị vua này đã chủ trì việc kết thúc k’atun thứ 13 vào năm 692. Có lẽ trong một nỗ lực liên kết bản thân mình và đế chế của mình với tương lai, vua Jaguar Paw đã liên kết đế chế của mình với chu kỳ thứ 13 khác, tức bak’tun thứ 13, có thời điểm kết thúc là ngày 21-12-2012.

Các khu vực được David Stuart, nhà nghiên cứu văn khắc của Đại học Texas (Mỹ), tô đỏ trong ảnh bên phải cho thấy chữ tượng hình Maya có nghĩa là ngày 21-12-2012, tức ngày kết thúc chu kỳ thứ 13 của lịch Maya. Bên trái là ảnh chụp các chữ tượng hình này khắc trên viên đá.

David Stuart, giáo sư lịch sử nghệ thuật tại Đại học Texas ở Austin, đã ghi nhận sự ám chỉ tới cái thời khắc này trong 56 chữ tượng hình được khắc trên khối đá. Ông giải thích trong một thông báo của Đại học Texas rằng: “Đó là thời đại rối loạn chính trị ở khu vực Maya, và vị vua này đã bị buộc phải ám chỉ tới một chu kỳ thời gian lớn hơn mà sẽ kết thúc vào năm 2012.”

Nhà nghiên cứu Trung Mỹ Canuto nói rằng: “Những gì mà văn bản cổ này cho chúng ta biết là trong các thời kỳ khủng hoảng, người Maya cổ đại đã dùng lịch của mình để cổ vũ cho sự liên tục và ổn định hơn là dự báo khải huyền.”

Tại di chỉ La Corona, các nhà khảo cổ học đã khám phá được sự ám chỉ thứ hai về ngày kết thúc của một chu kỳ lịch Maya.

La Corona là di tìch Maya bị cướp phá nhiều nhất và chỉ được các nhà khảo cổ học đương đại thám hiểm trong khoảng 15 năm gần đây. Vào năm 2010, các nhà nghiên cứu đầu tiên đã phát hiện những bậc thang bằng đá được chạm khắc gần một dinh thự bị bọn trộm cướp phá hủy nặng nề. Tuy nhiên bọn trộm cướp cổ vật đã bỏ qua bộ 12 bậc thang này, và chúng vẫn còn ở ngay vị trí gốc của mình. Các nhà nghiên cứu sau đó đã tìm được 10 tảng đá khác từ cầu thang này đã bị bọn trộm di chuyển nhưng bỏ lại. Tổng cộng có 22 hòn đá chứa 264 chữ tượng hình ghi lại lịch sử chính trị của La Corona. Đây là văn bản Maya cổ dài nhất mà người ta biết được ở Guatemala.

Tóm lại, vậy ra người Maya chớ hề nói năm 2012 là tận thế. Nhưng nếu con người muốn tự hủy diệt mình thì điều đó có thể xảy ra ngay lập tức. Ngạn ngữ phương Tây nói rằng: Hãy sống như thể ngày mai ta chết. Hãy luôn tỉnh thức, sẵn sàng và việc gì có thể làm được hôm nay thì chớ để lại ngày mai.

Nào ta cùng hy vọng nửa năm mới còn lại của năm 2012 sẽ sáng sủa, tinh tươm hơn. Còn được sống là còn hy vọng mà!

PHP

(Saigon 1-7-2012)

 

  Một số hình ảnh về cuộc khám phá di chỉ khảo cổ La CoronaLa Corona là một thành phố của người Maya cổ đại tại vùng Petén ở Guatemala. Nó được phát hiện vào năm 1996. La Corona trong tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là “vương miện”. Các nhà khảo cổ học đầu tiên nghiên cứu di chỉ này đã đặt tên cho nó như vậy sai khi nhìn thấy một vòng 5 ngôi đền xếp thành hình chiếc vương miện.Một công chúa Maya, con của vua Yuknoom Took’ K’awiil, đã kết hôn với một vị vua của La Corona vào năm 721.Những chữ tượng hình của người Maya khắc trên một tảng đá có niên đại thế kỷ thứ 7 vừa được phát hiện tại La Corona.

Thành phố cổ La Corona đã bị bọn trộm cướp cổ vật hủy hoại nặng nề. Nhưng bây giờ, các nhà nghiên cứu đã tìm được 22 khối đá của một chiếc cầu thang có khắc các chữ tượng hình. Có 10 khối đá còn nằm ngay vị trí nguyên thủy của chúng.

Nhà nghiên cứu chữ khắc David Stuart của Đại học Texas đang giải mã các chữ tượng hình khắc trên các khối đá tại La Corona.

Những chữ tượng hình khắc trên khối đá 5 tại La Corona. Chúng kể một lịch sử chính trị về thành phố này, các đồng minh và kẻ thù của nó.

Trên khối đá 8 có khắc hình vị vua Maya đang ngồi.

Các nhà khảo cổ học đang nghiên cứu các khối đá tại di chỉ La Corona.

Tham khảo: LiveScience