Vì sao viết tiếng Việt phải có dấu?
Điều làm nên sự khác biệt của tiếng Việt so với các ngôn ngữ khác là hệ thống dấu giọng. Nó không chỉ giúp tiếng Việt nói nghe như hát – tới 6 thanh điệu lận, suýt soát 7 nốt nhạc Tây (còn nghe như hát opera hay Hồ Quảng tùy người), mà còn giúp đọc sao viết vậy và chữ nghĩa rõ ràng.
Nhưng cũng chính vì cái hệ thống dấu giọng đó mà người viết tiếng Việt không thể không xài dấu. Viết tiếng Việt mà không bỏ dấu thì dễ gây “hậu quả nghiêm trọng”, nhẹ thì được một trận cười bể bụng, nặng thì tiêu tán đường.
Trước năm 1975 ở Saigon có lưu truyền câu chuyện vui (nghe đâu có từ thời tiến chiến ở miền Bắc lận). Một chàng học sinh ở Hà Nội nhận được tờ dây thép (điện tín) ghi vỏn vẹn 4 chữ: “VE NGAY VO DE”. Tưởng là làng mình bị “vỡ đê”, anh chàng tức tốc đáp xe hỏa về ngay. Ai dè, đó là “VỀ NGAY VỢ ĐẺ”.
Cũng trước 1975, ở miền Bắc có giai thoại về chuyện Hồ Chủ tịch phê bình ban lãnh đạo nhà máy cơ khí xe lửa Gia Lâm do trước cổng nhà máy có treo tấm bảng tên không có dấu. “NHA MAY CO KHI GIA LAM” có thể đọc thành “nhà máy có khỉ già lắm”.
Còn chuyện cười chính hiệu Nam bộ là có một ứng cử viên hội đồng tỉnh khi ra mắt trước cử tri vùng có nhiều tôn giáo đã đọc bài diễn văn do thư ký đánh máy chữ không có bỏ dấu: “DAO NAO CUNG LA DAO. DAO THIEN CHUA CUNG LA DAO. DAO CAO DAI CUNG LA DAO,…” Thay vì đọc “DAO” là “đạo”, ông ta lại lầm là “dao”…
Thời vi tính, lại có câu chuyện vui mới. Một anh chàng viết e-mail gởi cho một người bạn du học nước ngoài rằng: “VO MAY O NHA RAT DAM DANG”. Anh kia bối rối, thậm chí muốn nhồi máu cơ tim, vì không hiểu hai chữ “DAM DANG” là “dâm đãng” hay “đảm đang”.
Một bà mẹ đã phải gọi điện xác minh sau khi nhận được tin nhắn của con gái: “BA O NHA DANG COI DO DI UT”. Bà bắt xây xẩm mặt mũi vì không biết đó là “coi đồ” hay “cởi đồ”.
Chỉ còn 1 tuần nữa là đám cưới, chú rể nhận được tin nhắn SMS từ cô dâu: “DUNG CO CUOI EM NUA”. Giàng ơi, lùng bùng cái lỗ tai nghen: ý cô nàng muốn nói “đừng cười” hay “đừng cưới” hoặc (xin lỗi) “đừng cưỡi”.
Ngay cả nhà thơ Nguyễn Du khi viết kiệt tác Truyện Kiều cũng phải dè chừng: “Chữ TÀI liền với chữ TAI một vần”.
(Nguồn ảnh: Internet)
Mời bạn thử xem một số từ dễ gây ngộ nhận nhé:
– ANH TA CO TAI HOA là “tài hoa” hay “tai họa”.
– CON DI CHO là “con đi chợ” hay “con đ… chó”.
– CHONG MAY CHO CO GAI là “chờ cô gái” hay “chở cô gái”.
– HAN DUNG MO MONG MAY CO GAI là “hắn đứng mơ mộng mấy cô gái” hay “hắn đứng mò mông…”
– NGAY RAM NHA CHUA CO CHAO… là “ngày rằm nhà chùa có chao…” hay “có cháo…”
– KHONG CO TIEN LE là “không có tiền lệ” hay “tiền lẻ”.
Còn nhiều, rất nhiều thí dụ như thế trong tiếng Việt.
Chắc chắn cũng như tôi, bạn từng không ít lần lúng túng khi nhận những tin nhắn qua điện thoại hay e-mail không có bỏ dấu. Lúc đó đành phải đoán mò, dựa theo ngữ cảnh, và phó mặc cho hên xui. Nhưng có lẽ cũng nhờ vậy mà ta có thể tăng thêm được trình độ đoán chữ và vốn tiếng Việt cho tới khi nào chưa từ “TÀI HOA” thành “TAI HỌA”.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 12-11-2012)