Thứ Ba ngày 05 tháng 11 năm 2024

Người Hồi giáo cầu nguyện như thế nào?

 

Có lẽ Hồi giáo là tôn giáo quy định (thành giáo luật hẳn hòi) tín đồ phải thực hiện nghi thức cầu nguyện nhiều lần nhất. Từ trước khi mặt trời mọc cho tới sau khi mặt trời khuất núi, tín đồ Hồi giáo phải hướng về Thánh địa Mecca cầu nguyện 5 lần. Không phải chỉ cầu nguyện suông (đứng, nằm, ngồi, quỳ lẩm bẩm), mà phải thực hành đúng nghi thức.

Hồi giáo (tiếng Anh viết là Muslim – thường dùng để chỉ tín đồ hay Islam – thường dùng để chỉ cả tôn giáo) là một tôn giáo Arập độc thần (monotheistic- chỉ thờ một vị thần) dựa trên kinh Koran (Qur’an) mà người Hồi giáo tin là lời của Thượng đế phán truyền cho Tiên tri Mohammed. Để mô tả một tín đồ Hồi giáo, nhà triết học huyền bí người Arập Ibn Arabi (1165-1240) định nghĩa: “Người Hồi giáo là người hiến trọn việc thờ phượng của mình vào Thượng đế…  Hồi giáo có nghĩa là thực hành tôn giáo của con người và chỉ trung thành với Thượng đế.” (A Muslim is a person who has dedicated his worship exclusively to God…Islam means making one’s religion and faith God’s alone.)

Hồi giáo dựa trên 5 cột trụ (the Five Pillars of Islam): Shahadah (tuyên bố đức tin),  Salat (cầu nguyện hàng ngày), Sawm (chay tịnh trong tháng Ramadan), Zakat (bố thí), và Hajj (hành hương tới Mecca ít nhất 1 lần trong đời). Để trở thành một tín đồ Hồi giáo được cộng đồng tôn giáo công nhận rất đơn giản, bạn chỉ cần nói công khai câu: “Tôi chứng thực rằng không có thần linh nào khác ngoài Thượng đế (Đấng Allah) và tôi chứng thực rằng Đức Mohammed là Tiên tri của Thượng đế.” Đây cũng chính là cột trụ Shahadah của Hồi giáo.

Hiện nay có khoảng 1,2 tới 1,5 tỷ tín đồ Hồi giáo trên thế giới (chiếm khoảng 20% số dân toàn cầu).

Bây giờ, ta trở lại chuyện cầu nguyện của người Hồi giáo.

Theo luật định, tín đồ Hồi giáo từ tuổi dậy thì (10 tuổi, nhưng được khuyến cáo tốt nhất là từ 7 tuổi) trở lên phải cầu nguyện 5 lần mỗi ngày (một số người sùng đạo còn tình nguyện cầu nguyện thêm trước và sau mỗi phiên cầu nguyện theo luật định, vì thế số lần cầu nguyện mỗi ngày lên đến trên chục lần). Chỉ được miễn điều luật này đối với những người bị bệnh tâm thần, hay bị bệnh về thể xác không thể thực hiện nghi thức cầu nguyện được. Phụ nữ không được cầu nguyện khi có kinh nguyệt hay đang bị xuất huyết hậu sản.

Bởi vậy, ở các nước có đông tín đồ Hồi giáo như Malaysia, Singapore,… các nơi công cộng – kể cả các siêu thị, nhà ga đều có phòng cầu nguyện có thiết kế cả khu vực cho các tín đồ tẩy rửa, sửa soạn trang phục. Ở Malaysia, đã có lần đang lang thang trong siêu thị, thay vì vào WC, tôi lại lạc chân vào một phòng vệ sinh dành cho tín đồ cầu nguyện, tới chừng nhìn thấy những người đàn ông đang cởi trần lau mình và rửa chân tay, ngó qua thấy có phòng cầu nguyện, tôi vội vàng… tẩu vi thượng sách. Không bé cái lầm sao được khi trên biển báo hiệu có vẽ hình hai cái đầu người nam và nữ kèm mấy dòng chữ Malaysia. Họ làm như ai cũng biết đọc tiếng Malaysia không bằng. Ở Taiwan và Mỹ, tôi cũng từng chứng kiến tại nơi tổ chức những hội nghị quốc tể có phòng cầu nguyện dành cho người Hồi giáo.

Có một giai thoại sau khi xảy ra vụ không tặc Arập Hồi giáo cướp máy bay làm bom sống tấn công nước Mỹ ngày 11-9-2001 là hành khách trên một chuyến bay quốc tế đã nhốn nháo khi thấy mấy ông hành khách Arập như có hẹn trước đùng đùng đứng dậy và mở ngăn hành lý. Thì ra họ lấy những tấm thảm cá nhân rồi ra lối đi giữa máy bay sì sụp làm nghi thức cầu nguyện.

Mục đích chính của việc cầu nguyện là để tín đồ giao tiếp và nhớ tới Thượng đế.

Nghi thức cầu nguyện có thể khác biệt giữa các dân tộc và hệ phái Hồi giáo Sunni và Shia, nhưng chỉ chút ít thôi. Thí dụ, vào cuối phiên cầu nguyện, người Hồi giáo Shia giơ 2 tay lên 3 lần, miệng đọc “Allah hu akbar”, trong khi người Hồi giáo Sunni chỉ quay nhìn sang vai trái rồi vai phải và nói “salam” (bình an).

Người cầu nguyện trước khăn “sutrah”.

Nơi cầu nguyện phải sạch sẽ. Để ngăn cách người đang cầu nguyện với ai khác vô tình đi ngang qua phía trước, người cầu nguyện đặt trước mặt mình một tấm khăn phủ gọi là “sutrah”. Người Hồi giáo đại kỵ khi đang cầu nguyện mà có một con lừa, con chó đen hay một phụ nữ đi ngang qua trước mặt.

Phụ nữ Hồi giáo cầu nguyện.

Phụ nữ Hồi giáo ở Iran cầu nguyện tại thánh đường.

Trước khi cầu nguyện, tín đồ phải tắm rửa (có thể xúc miệng, rửa chân tay) và mặc quần áo sạch sẽ. Riêng phụ nữ thì phải mặc áo choàng che kín toàn thân. Người cầu nguyện quỳ trên tấm thảm cá nhân và ngực hướng về Thánh địa Mecca.

Một bộ nghi thức cầu nguyện gọi là “Raka’ah” (bao gồm các động tác và lời cầu). Trong một phiên cầu nguyện, tín đồ thực hiện 2-4 bộ “Raka’ah”.

Tên phiên cầu nguyện

Thời điểm (waqt)

Tự nguyện trước phiên bắt buộc

Bắt buộc

Tự nguyện sau phiên bắt buộc

Sunni

Shia

Sunni

Shi’a

Fajr (فجر) Rạng đông (ít nhất 10-15 phút trước khi mặt trời mọc) 2 Raka’ah Sunnat-Mu’akkadah 2 Raka’ah 2 Raka’ah
Zuhr (ظهر) Từ sau giữa trưa tới trước giờ cầu nguyện chiều 4 Raka’ah Sunnat-Mu’akkadah 4 Raka’ah 4 Raka’ah 2 Raka’ah Sunnat-Mu’akkadah
Asr (عصر) Chiều 4 Raka’ah Sunnat-Ghair-Mu’akkdah 4 Raka’ah 4 Raka’ah
Maghrib (مغرب) Sau khi mặt trời lặn cho tới chạng vạng tối 0 Raka’ah 3 Raka’ah 3 Raka’ah 2 Raka’ah Sunnat-Mu’akkadah 2 Raka’ah
Isha (عشاء) Từ chạng vạng tối cho tới rạng đông hôm sau 4 Raka’ah Sunnat-Ghair-Mu’akkadah 4 Raka’ah 4 Raka’ah 2 Raka’ah Sunnat-Mu’akkadah,
3 Raka’ah Witr
2 Raka’ah

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 13-11-2012)

How to pray of a Muslim?