Thứ Tư ngày 13 tháng 11 năm 2024

Diwali: lễ hội ánh sáng của người Ấn giáo

Mùa lễ hội Ánh sáng (Diwali Festival) năm nay bắt đầu từ ngày 13-11-2012 và kéo dài 5 ngày. Đây là một lễ hội pha trộn giữa tôn giáo và văn hóa được các tín đồ Ấn giáo, Jana (Jain), Phật giáo và Sikh trên khắp thế giới cử hành.

Diwali (cũng được gọi là Devali hay Deepavali ở một số nước) được tổ chức dựa theo lịch Ấn giáo (một loại lịch Lunisolar theo chu kỳ của cả mặt trời lẫn mặt trăng). Nó bắt đầu vào ngày Dhanteras, ngày thứ 13 trong kỳ Krishna paksha (nửa tháng tối) của tháng Ashwin và kết thúc vào ngày Bhaubeej, ngày thứ 2 của kỳ Shukla paksha (nửa tháng sáng) của tháng Kartik. Nếu theo Dương lịch, lễ hội Diwali rơi vào khoảng từ giữa tháng 10 tới giữa tháng 11. Đây là ngày nghỉ lễ chính thức ở Ấn Độ, Nepal, Sri Lanka, Myanmar, Mauritius, Guyana, Trinidad & Tobago, Suriname, Malaysia, Singapore và Fiji.

Trong mùa Diwali – vốn bắt nguồn từ lễ hội thu hoạch mùa màng – người ta thắp sáng các ngọn đèn để chào mừng chiến thắng của các vị thần trước bọn ma quỷ, đốt hay bắn pháo hoa để xua đuổi các linh hồn ác quỷ, dâng các lời cầu nguyện sự thịnh vượng lên Lakshmi, nữ thần phồn thịnh.

Mời bạn cùng sống trong không khí ngày lễ hội Diwali 2012 ở Ấn Độ và Nepal qua phóng sự ảnh của báo The Atlantic.

Vào buổi tối 12-11-2012 áp ngày khai mạc lễ hội Diwali ở thành phố Chandigarh (miền bắc Ấn Độ), một cô gái đang thắp những ngọn đèn bằng đất nung (earthen lamp) được xếp thành hình tượng thần Ganesh, một vị thần cai quản sự giàu sang của người Ấn giáo. (Reuters/Ajay Verma)

Ngày 8-11-2012, một thợ thủ công Ấn Độ đang trang điểm cho những pho tượng nữ thần Kali, thần quyền năng của Ấn giáo, được làm bằng đất sét tại làng Kumartoli ở Kolkata. Lễ thờ phượng thần Kali được cử hành vào ngày 13-11-2012 ở các bang miền đông Ấn Độ cùng với dịp lễ hội Diwali.(Dibyangshu Sarkar/AFP/Getty Images)

Một quầy bán hoa ven đường tràn ngập loài hoa cúc vạn thọ trong dịp lễ hội Diwali ở Allahabad (Ấn Độ) ngày 13-11-2012. (AP Photo/Rajesh Kumar Singh)

Một công nhân đang chuẩn bị thuốc súng để chế tạo pháo dùng cho dịp lễ Diwali tại một xưởng pháo ở Kolkata (Ấn Độ) ngày 2-11-2012.(Reuters/Rupak De Chowdhuri)

Đêm 9-11-2012, những tình nguyện viên của một tổ chức xã hội thắp những chiếc đèn trời (sky lantern) để cổ vũ cho một mùa lễ hội Diwali an bình và thân thiện với môi trường. Họ cũng kêu gọi dư luận quan tâm tới tình trạng sử dụng lao động trẻ em trong ngành công nghiệp sản xuất pháo ở Kolkata (Ấn Độ). (Dibyangshu Sarkar/AFP/Getty Images)

Hành khách ngồi chen chúc trong một toa xe lửa cố gắng về nhà trước ngày lễ hội Diwali ở Chennai (Ấn Độ) ngày 11-11-2012. Thậm chí những chiếc giá treo chứa hành lý cũng được tận dụng để… ngồi. (AP Photo/Arun Sankar K)

Một người đàn ông Ấn Độ hóa trang thành thần khỉ Hanuman đang chuẩn bị cho một nghi lễ Ấn giáo dịp Diwali ở Allahabad (Ấn Độ) ngày 12-11-2012. (AP Photo/Rajesh Kumar Singh)

Sau đó ông ra nhảy múa giữa đám đông.(AP Photo/Rajesh Kumar Singh)

Những chiếc vòng đeo cổ tay, cổ chân bày bán tại chợ trước ngày diễn ra lễ hội Diwali ở New Delhi (Ấn Độ) ngày 9-11-2012. (AP Photo/Altaf Qadri)

Một tiệm bán hoa trong dịp Tihar (tên địa phương chỉ lễ hội Diwali) ở Kathmandu (Nepal) ngày 12-11-2012. Lễ hội ánh sáng Tihar là một trong những lễ hội Ấn giáo quan trọng nhất ở Nepal, được các tín đồ cử hành để thờ kính nữ thần phồn thịnh Lakshmi. Trong dịp này, họ trang hoàng nhà cửa với những ngọn đèn dầu. (AP Photo/Niranjan Shrestha)

Những ngọn nến và đèn được thắp sáng trên một cái sân rộng tại Allahabad (Ấn Độ) đêm 12-11-2012 – áp ngày khai mạc lễ hội Diwali. (AP Photo/Rajesh Kumar Singh)

Những chiếc đèn lồng được bày bán dọc đường chuẩn bị cho lễ hội Diwali ở Mumbai (Ấn Độ) đêm 11-11-2012.(AP Photo/Rafiq Maqbool)

Pháo hoa sáng rực bầu trời trên Đền Kapaleeshwarar ở Mylapore (Chennai, Ấn Độ) đêm 12-11-2012. (Vinoth Chandar)

Một nhà buôn tại New Dehli (Ấn Độ) đang cúng một chiếc iPad và những đồ dùng điện tử khác như laptop, điện thoại di động, điện thoại bàn, máy tính… trong ngày khai mạc lễ hội Diwali 13-11-2012. Tục cúng sổ sách kế toán cho thần linh từ xa xưa là một phần thiết yếu của lễ hội Diwali đối với cộng đồng buôn bán, làm ăn ở Ấn Độ để cầu mong sự thịnh vượng cho công việc kinh doanh của mình. Trong thời kỳ công nghệ cao này, các nhà kinh doanh đã cúng luôn các thiết bị điện tử phục vụ cho doanh nghiệp của mình. (Sajjad Hussain/AFP/Getty Images)

Các thành viên một tổ chức kinh doanh địa phưong ở New Delhi (Ấn Độ) đang cúng các thiết bị điện tử cho thần linh trong lễ hội Diwali ngày 13-11-2012. (Roberto Schmidt/AFP/Getty Images)

Bột màu được bày bán phục vụ cho lễ hội Tihar (Diwali) ở Kathmandu (Nepal) ngày 12-11-2012. (AP Photo/Niranjan Shrestha)

 

Những chú chó nghiệp vụ của cảnh sát Nepal cũng được chấm màu trên trán và đeo những vòng hoa cúc vạn thọ trong mùa lễ hội Tihar (Diwali) ở Kathmandu (Nepal) ngày 13-11-2012. Vào dịp lễ hội này, theo tập quán, người Nepal chúc phúc cho những con chó mà theo truyền thống Ấn giáo được coi là những sứ giả của Tử thần Yamaraj. (Prakash Mathema/AFP/Getty Images)

Những ngọn đèn đất nung được xếp thành hình thần Ganesh, vị thần cai quản sự phồn thịnh của Ấn giáo. Dòng chữ Hindi có nghĩa là “Chúc mừng Diwali” (Happy Diwali). Ảnh chụp đêm 12-11-2012 tại thành phố Chandigarh, miền bắc Ấn Độ.(Reuters/Ajay Verma)

Một tiệm bán đèn trang trí cho lễ hội Diwali ở Mumbai (Ấn Độ) tối 12-11-2012. (Reuters/Vivek Prakash)

Giáo sĩ Ấn giáo cử hành nghi lễ quanh hình tượng thần khỉ Hanuman trong lễ hội Hanuman Jayanti ở Allahabad (Ấn Độ) ngày 12-11-2012. Đây là lễ mừng sinh nhật của thần Hanuman được cử hành ở một số địa phương miền bắc Ấn Độ ngay trước lễ hội Diwali. (AP Photo/Rajesh Kumar Singh)

Pho tượng bằng đất sét mô tả nữ thần Kali tại Allahabad (Ấn Độ) ngày 10-11-2012.(Sanjay Kanojia/AFP/Getty Images)

Một người phụ nữ đang sơn những chiếc đèn đất sét phơi khô ở ngoại ô Jammu (Ấn Độ) ngày 5-11-2012. Trong dịp lễ hội Diwali, người ta mua rất nhiều đèn đất nung về trang hoàng nhà mình.(Reuters/Mukesh Gupta)

Những tín đồ Sikh Ấn Độ tại Đền thờ Golden Temple ở Amritsar trong dịp lễ hội Diwali mà họ gọi là Bandi Chhor Divas ngày 13-11-2012. Người Sikh cử hành lễ hội này để đánh dấu sự trở lại của tổ sư thứ 6, Guru Hargobind Ji, người đã thoát khỏi ngục tù và cũng tổ chức giải thoát được 52 tù nhân chính trị từ pháo đài Gwalior của Hoàng đế xứ Mughal là Jahangir hồi năm 1619. (Narinder Nanu/AFP/Getty Images)

Đền thờ Golden Temple của người Sikh ở Amritsar (Ấn Độ) đêm 12-11-2012 áp lễ hội Bandi Chhor Divas – tên người Sikh gọi lễ hội Diwali.(Narinder Nanu/AFP/Getty Images)

Một phụ nữ Nepal cho một con bò ăn trong lễ hội Tihar (Diwali) ở Kathmandu (Nepal) ngày 13-11-2012. Bò được người Ấn giáo coi là loài vật linh thiêng mà linh hồn cha ông, người nhà của mình nhập vào. (AP Photo/Niranjan Shrestha)

Một nhóm góa phụ ngồi quây quần chung quanh một cây hương liệu và thắp những ngọn đèn dầu để mừng lễ hội Diwali ở một ngôi nhà khách do một tín đồ quản lý tại Bhubaneswar (Ấn Độ) ngày 13-11-2012.(AP Photo/Biswaranjan Rout)

Cảnh sát Nepal chấm bột màu lên những chú chó nghiệp vụ tại Kathmandu trong dịp lễ hội Tihar (Diwali) ngày 13-11-2012. Họ cử hành nghi thức cúng những chú chó này để chấp nhận vai trò của chúng trong việc bảo vệ an ninh trong mùa lễ hội.(AP Photo/Niranjan Shrestha)

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 16-11-2012)

Diwali in history.

Diwali 2012.

MỜI ĐỌC THÊM:

Lễ hội Deepavali ở Malaysia.