Chủ nhật ngày 22 tháng 12 năm 2024

Cuộc khủng hoảng nước đang lan rộng trên toàn cầu

Nước là nguồn mạch sự sống. Nước chiếm khoảng 60-70% trọng lượng cơ thể con người. Mỗi ngày một người lớn cần uống khoảng 2 lít nước. Người ta có thể nhịn ăn hàng tháng, nhưng có nguy cơ tử vong sau vài ngày không có nước uống.

Trái đất là một hành tinh xanh, có tới 75% bề mặt được bao phủ bằng nước. Thế nhưng, điều bi kịch là loại nước có thể sử dụng được cho cuộc sống chỉ chiếm có 2,5% lượng nước trên Trái đất. Và có tới 2 phần 3 nước sạch lại bị khóa chặt trong các sông băng, các mũ băng trên đỉnh núi và băng tuyết vĩnh cửu.

Từ lâu nay, các nhà nghiên cứu đã lên tiếng báo động về một thảm họa khủng hoảng nước toàn cầu. Các chuyên gia trong các lĩnh vực khoa học, kinh tế và phát triển đều khuyến cáo rằng cuộc khủng hoảng nước toàn cầu đó có thể đe dọa sự ổn định của các quốc gia và sức khỏe của hàng tỷ người.

Trong khi các nguồn nước có thể sử dụng ngày càng giảm đi, nhu cầu nước cho con người lại không ngừng gia tăng theo tốc độ tăng chóng mặt của dân số và những cách sống. Không chỉ cần nước sạch cho những nhu cầu sinh hoạt cá nhân, người ta còn cần có nước cho công nghiệp, nông nghiệp, thủy điện, các dịch vụ cho xã hội,…

(Nguồn ảnh: Internet. Thanks.)

Theo dự báo, vào năm 2025, thế giới sẽ có thêm 1 tỷ người nữa. Và lượng nước mà ngành nông nghiệp cần để sản xuất đủ lương thực, thực phẩm nuôi sống số người tăng thêm này sẽ tăng lên gần phân nửa. Làn sóng người từ nông thôn kéo nhau đổ vào các thành thị cũng làm nhu cầu nước tăng vọt, do cuộc sống ở đô thị cần nhiều nước hơn. Lần đầu tiên trong lịch sử loài người, sự phân bổ số dân sống tại các thành phố trên toàn cầu sẽ vượt qua ngưỡng 50% hiện nay để lên tới 75% vào năm 2050.

Sản xuất ngũ cốc cần lượng nước nhiều gấp 10 lần sản xuất thịt. Vì thế, các nước giàu có mà người dân có tập quán ăn ngũ cốc như Trung Quốc, Hàn Quốc, Arập Saudi,… sẽ giảm sản lượng ngũ cốc nội địa để tăng cường nhập khẩu ngũ cốc – một hình thức nhập khẩu “nước ảo”, thậm chí thuê đất ở các nước đang phát triển để trồng trọt. Tổ chức Nguồn Nước (WRG) dự báo vào năm 2030, nhu cầu nước toàn cầu có thể vượt khả năng cung cấp khoảng 40%. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo khoảng một nửa dân số thế giới sẽ phải sống trong tình trạng căng thẳng về nước trầm trọng.

Thật ra, ngay từ lâu nay, tình trạng căng thẳng nguồn nước sạch đang ngày càng lan rộng và dự báo sẽ càng nghiêm trọng hơn trong những năm tới, cụ thể là ở Bắc Phi, Trung Đông và châu Á. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), vào năm 2050 có khoảng 1 phần 5 số nước đang phát triển sẽ lâm vào cảnh thiếu hụt nước sạch.

(Nguồn ảnh: Internet. Thanks.)

 

Ngoài lượng nước nổi trên bề mặt, Trái đất còn có một lượng nước khổng lồ nằm sâu dưới mặt đất, gọi là nước ngầm. Không chỉ là những mạch nước nhỏ, mà còn có những dòng sông ngầm. Đây là nguồn nước quan trọng cung cấp cho những nơi không thể khai thác nước theo các phương cách bình thường. Phương thức khai thác nước ngầm phổ biến nhất là đào giếng, cả ở từng gia đình cho tới quy mô công nghiệp (những nhà máy nước ngầm).

Tình trạng khai thác ồ ạt nguồn nước ngầm cũng đang được báo động. Ở miền bắc Ấn Độ, cho dù lượng nước mưa có cao hơn mức bình quân một chút, hàng triệu giếng nước đang làm giảm mực nước ngầm tới 30cm mỗi năm. Trong vòng 7 năm qua, một khối lượng nước ngầm nhiều gần 3 lần lượng nước của Hồ Mead, nguồn trữ nước lớn nhất nước Mỹ, đã bị mất đi. Dựa vào các dữ liệu thu được từ vệ tinh, các nhà khoa học ở cơ quan NASA (Hoa Kỳ) nói rằng: nếu không có biện pháp bảo đảm sử dụng hợp lý nguồn nước ngầm, 114 triệu cư dân ở miền bắc Ấn Độ sẽ lãnh hậu quả là sụt giảm sản lượng nông nghiệp và khan hiếm nước nghiêm trọng. LHQ cho biết lượng nước ngầm được khai thác trên toàn cầu đã tăng gấp 3 lần trong 50 năm qua, riêng Trung Quốc và Ấn Độ tăng gấp 10 lần.

Một bi kịch nữa là tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngầm đang ngày càng lan rộng và trầm trọng hơn theo tốc độ phát triển kinh tế của con người. Những chất thải độc hại không qua xử lý được chôn xuống đất hay thấm xuống lòng đất làm hư hỏng nguồn nước, gây nhiều nguy hiểm cho sự an toàn của con người.

Nguồn nước ngầm bị khai thác nhiều hơn khả năng bù đắp của nó. Nguồn nước ngầm được bổ sung chủ yếu bằng nước mưa thấm xuống đất. Nhưng lượng mưa đang ngày càng giảm đi và phân bổ không đồng đều.

Nhiều nhà nghiên cứu nói rằng: nếu như lâu nay dầu lửa là nguồn gốc của nhiều cuộc xung đột, chiến tranh, trong tương lai nước sẽ gây ra những cuộc tranh chấp, tranh giành khốc liệt giữa các bộ tộc, các nước. Ngoài những cuộc chiến tranh vì nước, người ta còn có thể dùng nguồn nước để gây áp lực lẫn nhau. Cuộc khủng hoảng nước toàn cầu sẽ làm cả thế giới trở nên bất ổn và cuộc sống con người bị nguy hiểm.

Do không thể tạo ra nước bổ sung, con người chỉ có một lối thoát là biết cách tiêu dùng nước hợp lý và an toàn bền vững.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 29-12-2012)