Thứ Hai ngày 23 tháng 12 năm 2024

10 năm rong ruổi từ nước trong đi ra nước ngoài

 

Cách đây tròn 10 năm (ngày 16-2-2003), tôi lóng nga lóng ngóng ra sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất làm thủ tục cho chuyến đi từ nước trong ra nước ngoài đầu tiên của mình. Đó là chuyến đi Singapore dự hội thảo của hãng Intel.

Xui rủi cho tôi, ngay trong chuyến xuất ngoại đầu đời này lại là một chuyến đi “chụp giựt”.Buổi trưa 16-2-2003, tôi bay sang Singapore, ngủ một đêm, sáng hôm sau dự hội thảo cho tới 12 giờ trưa là phải trả phòng xách valy chạy ra sân bay về Saigon, chẳng kịp ăn bữa trưa ở nơi họp. Lúc đó Mỹ mới đưa quân sang uýnh Iraq, tình hình an ninh các nước có người Hồi giáo hay thân Mỹ rất căng thẳng. Mới ra nước ngoài lần đầu mà tôi đã đụng ngay với cái không khí ngột ngạt, binh lính vũ trang tận răng đi tuần tra khắp nơi. Chập tối, tôi cùng anh bạn Tuyên bên tạp chí Thế giới Vi tính lơn tơn xuống ga xe điện ngầm tính làm một chuyến metro cho “mở mắt”, dè đâu hệ thống tạm đóng cửa và nhà ga được trưng dụng làm nơi cho ban quản trị khu dân cư tập huấn cho người dân cách thức xử trí khi có báo động hay bị tấn công. Thấy hai đứa tôi, anh cảnh sát tới mời vô dự tập huấn, tôi khiếp quá, giải thích mình là khách nước ngoài rồi ba mươi sáu chước, “tẩu vi thượng sách”.

10 năm, tôi đã đi nước ngoài được gần 100 chuyến. Nghĩ lại mà thấy tự ớn cho mình. Có những cao điểm hội nghị tới tấp, có khi hôm nay vừa về tới nhà, đổi quần áo để ngày mai lại bay nữa. Sau này, các nhà khảo cổ học khi khai quật các di chỉ hóa thạch ắt sẽ tìm thấy vết AND của tôi ở cùng khắp, có lẽ họ sẽ ghi vào sổ tay: “một sinh vật lạ biết bay và có khả năng bay vượt đại dương”.

Đi nước ngoài nhiều thì phải chấp nhận mang nhiều điều tiếng, thậm chí nguy hiểm, chủ yếu do vẫn còn đây đó những não trạng từ nửa cuối thế kỷ 20 chưa chịu update.

Ở nước trong, thấy ai đi nước ngoài nhiều, có người suy diễn chắc hắn có liên hệ với những lực lượng nước ngoài nên được mời đi hội họp.

Ở nước ngoài, một số bà con mình lại chụp cho hắn cái mũ “hoạt động cho chính quyền” vì theo họ, nếu không thì làm sao mà được nhà nước cho đi nước ngoài nhiều như vậy?

Nói chung là kiểu nào cũng ná thở.

Cũng hên tôi là dân công nghệ thuộc loại có chút ít “số má” ở Việt Nam, cũng như trong cộng đồng những người Việt xuất cảnh từ thập niên 1990 trở về sau này. Các chuyến đi nước ngoài của tôi chủ yếu là về công nghệ và máy tính. Các đối tác mời đi dự hội thảo công nghệ hầu hết là những thương hiệu có tiếng tăm. Nếu không thì chết là cái chắc!

Tính tôi vốn hay cẩn thận, luôn gài vô bìa cuốn passport hoặc thẻ nhà báo hoặc namecard để cho biết rõ “who am I?” Tôi cũng trước sau như một khai báo mình là nhà báo công nghệ. Vậy mà có lần sau khi được đóng cộp cái dấu cho phép xuất cảnh, tôi tình cờ nghe anh chàng Immigration ở sân bay Tân Sơn Nhất kháo với cô bạn ngồi bên cạnh về tôi rằng: “Cái tay này là dân buôn đồ cổ ở gần chợ Bến Thành”, Giàng ơi, báo hại tôi phải chạy vô cái restroom soi gương coi thử mặt mũi mình có hân hạnh được giống dân buôn không.

Chưa hết kiếp nạn đâu. Người đi nước ngoài nhiều còn bị sở làm xầm xì là “giành đi”. Giàng ơi oan ôi Thị Kính lắm thay. Chẳng hạn như tôi, hầu hết chuyến đi nước ngoài là được mới đích danh, với tư cách là một dân công nghệ. Cũng có những chuyến là do lãnh đạo phía đối tác đi công tác mời tôi cùng đi. Và nói chung còn với cương vị một người “có chút ghế ngồi” ở đơn vị, tôi đi giao tiếp với các leader của đối tác nước ngoài tranh thủ mối quan hệ hợp tác đem lại lợi ích cho đơn vị mình. Nhưng khốn khổ ở chỗ mấy cái chuyện đó thuộc diện “tế nhị” và “nhạy cảm” đâu thể vác loa phóng thanh mà la làng, người ta thì rành rành thấy hắn cứ kéo valy đi miết!

Ông bà mình dạy “sẩy nhà ra thất nghiệp”, nên ra nước ngoài, ta bị xáo trộn nề nếp sinh hoạt thường ngày. Ta cũng phải chịu tình cảnh thiếu thốn những tiện nghi quen thuộc và cần thiết cho nhu cầu thường ngày. Đơn giản nhất là chuyện kết nối Internet. Càng tới những nước hiện đại, ngay cả ở Mỹ, ta càng khó khăn trong việc kết nối Internet. Vừa không phải chỗ nào cũng có Internet, vừa nếu có thì giá cước đắt như quỷ Satan. Lẫm rẫm lại chỉ có Việt Nam là có cơ sở hạ tầng Internet bao la bát ngát, từ hang cùng ngõ hẻm tới các thôn xóm hốc bà tó, chẳng có sóng Wi-Fi thì đã có 3G, giá lại rẻ như bèo!

Có người nhận xét: đi nước ngoài một chuyến về nhà kéo cày trả nợ mấy tháng tới nửa năm chưa dứt. Bởi vậy tôi là kẻ đau khổ triền miên dài lê thê theo những dặm bay nước ngoài. Trong cả trăm chuyến đi nước ngoài, tôi chỉ có vài ba chuyến là vacation, nhưng chủ yếu cũng là do có vé thưởng của hãng hàng không. Còn lại là do đối tác mời. Nhưng dân làm ăn xứ người tính toán tới mức “cọng tóc chẻ làm tư”. Thường là họ chỉ chịu tiền vé máy bay đi về, tiền khách sạn trong thời gian làm việc và những bữa ăn “chính bữa” của “chính chủ”. Còn tất tần tật các khoản khác thì “hồn ai nấy giữ, túi ai nấy móc”, thậm chí cả lệ phí visa rồi tiền xe taxi giữa sân bay và khách sạn, giữa khách sạn tới nơi hội họp,… Mà chẳng lẽ cả ngày không ăn uống gì nữa, thấy món là lạ, thứ hấp dẫn không mua, ở xứ người mà không chạy tới chạy lui “thăm dân cho biết sự tình”,… Giá cả thì theo mức sống ở xứ người, cao chót vót như mấy cái building chọc trời. Một trong những khoản “ớn da gà” là tiền cước điện thoại, mua thẻ trả trước đã tiêu điều mà xài roaming nối mạng quốc tế càng chết thảm. Ai thanh toán các khoản “phụ” mà “lớn” đó? Chỉ có “chính chủ” mà thôi!

Ai từng đi hội họp ở nước ngoài ắt tỏ tường. Họ bỏ ra một đồng mời mình thì phải vắt mình cho tới giọt mồ hôi cuối cùng. Họp mờ cả mắt. Họ thường tính chi li lắm để không bị lãng phí. Có những lần vừa tới sân bay, đối tác cho xe tới đón chở về một khu resort ở tít xa ngoại ô, ở đó theo chương trình suốt mấy ngày rồi được chở ra sân bay hồi cố quốc. Tại cái nghiệp tôi mê công nghệ quá tay nên đành an ủi mình theo kiểu AQ: miễn tri thức mình được nâng cấp để có cái mà share củng đồng đạo là mãn nguyện rồi.

Muốn đi nước ngoài nhiều thì cái lưng và cặp giò phải cứng cáp kèm thêm bộ bàn tọa phải “có da có thịt”. Ở nhà thì ra khỏi cửa là leo lên xe gắn máy, dù chỉ đi chưa tới 1km. Còn ở xứ người, cuốc bộ vài ba cây số là “chuyện thường ngày ở… bển”. Tôi lại có cái thú là hễ tới đâu, quẳng hành lý lên phòng khách sạn xong là bắt đầu la cà thăm thú cho biết dân xứ người sống ra sao. Lưng và mông không phải “hàng Việt Nam chất lượng cao” thì khó lòng mà ngồi máy bay suốt cả ngày. Có những lần đi Mỹ, thời gian tôi ngồi trên máy bay trong một bận lên tới 22-23 tiếng đồng hồ. Có những chuyến ở Nhật Bản và Trung Quốc, mỗi ngày tôi ngồi xe đi một thành phố. Kinh nghiệm máu xương là buổi tối về khách sạn, tôi xả nước nóng vào bồn để ngâm chân cho bớt mỏi. Cái công cụ đi lại thì dễ ngâm nước nóng, còn cái công cụ để ngồi thì quả là “nhạy cảm”, nhưng rồi cũng xử đẹp được thôi.

10 năm, cái đầu tôi từ tóc tai rậm rịt như cỏ dại dần dần như bị phun thuốc khai quang ngày càng trở nên “sáng chói” với cái “đường băng” không ngừng nới rộng.

Cuối cùng, nhân tính số 10 năm thì ca cẩm chút vậy thôi, chưa tới mức phải chuyển hộ khẩu ra tận Quảng Ninh – xứ than ta đó! Ông bà mình từng tổng kết “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Mỗi chuyến từ nước trong đi ra nước ngoài luôn đem lại cho tôi nhiều điều mới mẻ, bổ ích, giúp tôi vừa “giảm ngu” cho bản thân, vừa “tăng lượng” thông tin hữu ích đặng chia sẻ cùng cộng đồng. Những người ngồi wheelchair còn đi nước ngoài được huống chi kẻ còn lành lặn đôi chân và đầu gối vẫn chưa xộc xệch!

Tròn 10 năm ngao du bốn phương tám hướng, xin cho tôi được gởi lời cảm ơn chân thành tới các đối tác đã đồng hành cùng tôi trên từng cây số. Keep on!

 PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 16-2-2013)

Con dấu xuất nhập cảnh đầu tiên trên passport đầu tiên của tôi ghi ngày 16-2-2003. Hồi đó, công dân Việt Nam đi sang Singapore vẫn phải xin thị thực visa.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH NGAO DU CỦA TÔI.

Singapore tháng 4-2004.

Bangkok (Thailand) tháng 7-2004.

Suzhou (China) tháng 7-2004.

Phuket (Thailand) tháng 10-2004.

Nagoya (Nhật Bản) tháng 4-2005.

Taipei (Taiwan) tháng 6-2005.

Hong Kong tháng 9-2005.

Kuala Lumpur (Malaysia) tháng 10-2005.

Phnom Penh (Campuchia) thang 11-2005.

Bangkok (Thailand) tháng 11-2005.

Bangkok (Thailand) tháng 12-2005.

Bangkok (Thailand) tháng 7-2006.

Beijing (China) tháng 7-2006.

Hàn Quốc tháng 10-2007.

Suwon (Hàn Quốc) tháng 10-2007.

Hàn Quốc tháng 10-2008.

Sapporo (Nhật Bản) tháng 2-2009.

San Francisco (Hoa Kỳ) tháng 9-2010.

Sacramento (California, Hoa Kỳ) tháng 9-2010.

Malaysia tháng 11-2010.

Kuala Lumpur (Malaysia) tháng 11-2010.

Tokyo (Nhật Bản) tháng 11-2010.

Chiangmai (Thailand) tháng 12-2010.

Houston (Texas, Hoa Kỳ) tháng 9-2011.

Eden (Virginia, Hoa Kỳ) tháng 9-2011.

Washington DC (Hoa Kỳ) tháng 9-2011.

Milwaukee (Wisconsin, Hoa Kỳ) tháng 9-2012.

San Francisco (Hoa Kỳ) tháng 9-2012.