Chủ nhật ngày 22 tháng 12 năm 2024

Ma túy nóng trở lại ở Tam Giác Vàng

 

Nằm sâu trong vùng núi non không có luật pháp nhà nước của vùng Tam giác Vàng là những triền núi tràn ngập cây anh túc – hay còn gọi là cây á phiện. Tháng 3 này đang vào cao điểm sản xuất ma túy ở đây. Hoạt động sản xuất và buôn lậu thuốc phiện – nguyên liệu điều chế heroin và ma túy tổng hợp methamphetamine đang rộ lên khắp vùng biên giới của Myanmar với sản lượng mà Liên hiệp quốc và cảnh sát các nước láng giềng phải báo động là cao nhất trước nay.

Hai năm sau khi thay thế chế độ quân sự cầm quyền kéo dài từ sau cuộc đảo chính quân sự năm 1962, hiện nay chính quyền dân sự của Tổng thống Thein Sein vẫn đang rất vất vả trong cuộc chiến tranh chống ma túy. Hoạt động sản xuất và buôn lậu ma túy diễn ra tập trung ở vùng nghèo khổ xa xôi hẻo lánh, nơi chính quyền khó kiểm soát và các đội quân sắc tộc dính vào những cuộc nội chiến suốt nhiều thập niên nay – những cuộc chiến được nuôi bằng tiền ma túy.

Mới đây hãng tin AP đã có một cơ hội hiếm hoi xâm nhập trung tâm điểm sản xuất ma túy của Myanmar nằm trong vùng rừng núi rộng bao la ở bang Shan (đông bắc Myanmar), ở sâu trong vùng ngừng bắn vốn nhiều thập niên nay cấm tiệt người nước ngoài. Chuyến khảo sát này thuộc một sứ mạng của LHQ chỉ được cho phép với sự hộ tống của cảnh sát vũ trang.

Cả khu vực hiểm trở này đầy những phòng điều chế ma túy tổng hợp dã chiến và những ngôi làng nghèo khổ nhỏ bé với nguồn sống duy nhất là trông cây anh túc.

Tổng thống Thein Sein đã ký được một thỏa thuận ngừng bắn với một tố chức các nhóm phiến quân trong khu vực. Đại tá cảnh sát Myint Thein, người đứng đầu Ủy ban Trung ương Kiểm soát và chống lạm dụng ma túy (CCDAC), giải thích: “Để chấm dứt vấn đề ma túy, chúng tôi cần có hòa bình.”  Nhưng thực tế là sự hòa bình này rất mong manh và những cuộc đụng độ vẫn lác đác xảy ra. Việc triệt hạ các tổ hợp ma túy hay bắt giữ những nông dân nghèo trồng ma túy đều có thể ảnh hưởng tới các nhóm sắc tộc đang là đối tác thương thuyết hòa bình của chính phủ.

Ngôi làng Thon Min Yar có 73 túp nhà bằng tre lá là nơi những người nông dân sinh sống bao năm nay bằng việc trồng cây anh túc. Ở đây không có cơ sở y tế, chỉ có một ngôi trường có một phòng học dành cho tất cả mọi lứa tuổi. Nông dân 28 tuổi Peter Ar Loo cho biết vào năm suôn sẻ, anh kiếm được khoảng 1.000 USD từ diện tích trồng anh túc rộng khoảng 1 mẫu Anh (0,4 hecta). Số tiền này chưa bao gồm khoảng 15% chi phí “cống nạp” cho các bộ máy cầm quyền ở đây để được làm ngơ. Anh cho biết: cảnh sát kiểm soát các thị trấn, binh lính kiểm soát các con đường và quân của sắc tộc kiểm soát vùng rừng núi, chỗ nào cũng phải dùng tiền để “được làm ngơ”.

Tam giác Vàng là khu vực của người Shan Myanmar tiếp giáp với biên giới Lào và Thái Lan. Nó từng là vùng trồng cây á phiện lớn nhất thế giới suốt nhiều năm liền. Hồi thập niên 1990, sau khi Afghanistan trở thành nơi sản xuất á phiện hàng đầu thế giới, các tập đoàn ma túy ở Tam giác Vàng bắt đầu tập trung vào điều chế ma túy tổng hợp. Còn hiện nay, cả heroin và ma túy tổng hợp đều đang phát triển mạnh ở vùng biên giới 3 nước Đông Nam Á này. Ở Thái Lan, năm ngoái nhà chức trách đã tịch thu được con số kỷ lục 82,2 triệu viên ma túy tổng hợp sản xuất từ Myanmar (tăng 66% so với năm trước). Nhà chức trách ở Singapore, Lào và một số nước Đông Nam Á khác cũng báo cáo bắt giữ được những khối lương ma túy kỷ lục mà LHQ cho biết chủ yếu xuất xứ từ Myanmar.

Theo Cơ quan LHQ về Ma túy và Tội phạm (UNODC), sản lượng cây anh túc ở Myanmar đã tăng hơn gấp đôi từ năm 2006. Riêng năm 2012, nước này đã sản xuất ước khoảng 690 tấn á phiện (tăng 17% so với năm trước). Chính phủ Thái Lan đã yêu cầu Myanmar phối hợp để cùng chống lại tình trạng buôn lậu ma túy. Trước nay hầu hết hoạt động buôn lậu ma túy của Myanmar diễn ra dọc theo đường biên giới dài 1.100km với Thái Lan, biến Thái Lan thành nước trung chuyển ma túy đi khắp thế giới cho các tập đoàn ma túy Myanmar. Trong khi đó, coi như một biện pháp để dung hòa với các nhóm phiến quân sắc tộc, hồi tháng 10-2012, chính quyền Myanmar đã thay đổi thời hạn mà nhà cầm quyền quân sự hồi năm 1999 đặt ra để xóa sạch nạn buôn lậu ma túy vào năm 2014 thành năm 2019. Họ cũng đặt ra một mục tiêu thực tế hơn. Liên minh châu Âu (EU) và Đức đã đồng ý đóng góp 7 triệu USD cho các dự án chống ma túy của LHQ ở Myanmar trong 2 năm tới. Nhưng vấn đề vẫn ở chỗ nhà cầm quyền ở Myanmar hợp tác ra sao?

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 28-3-2013)

Binh lính Myanmar trong một cuộc hành quân triệt phá các cánh đồng trồng cây á phiện ở bang Shan.

 

VIDEO CLIPS

East Golden Triangle (part 1)

East Golden Triangle (part 2)