Thứ Năm ngày 21 tháng 11 năm 2024

Đạo hay tôn giáo?


 

Tôi khoái dùng chữ “đạo” hơn là “tôn giáo”. Trong tiếng Hán Việt, “đạo” là “đường”. Mỗi đạo là một con đường mà tất cả cùng dẫn tới “thành La Mã” là sự cứu rỗi hay giải thoát cho con người, đó là chốn trường sinh – nơi linh hồn con người được an nhiên vĩnh hằng.

Theo tôi, những ai nói mình không tin vào một đấng tối cao siêu nhiên nào đều là nói dối. Chẳng ai sống trên đời này mà không tin vào một quyền lực siêu nhiên cả. Chỉ cần buột miệng kêu Trời tức là đã tin là có trời rồi.

Chuyện vô thần hay hữu thần thì giờ đã rõ, chẳng mất công tranh cãi làm gì cho nó rách việc mà còn dây mơ rễ má này nọ. Có người nói đó là sản phẩm của một thời duy ý chí và lãng mạn bềnh bồng, thậm chí là ngây thơ chính trị. Thay vào đó, thực tế hơn, ta chỉ phân biệt tin hay không tin theo một đạo nào. Càng phi thực tế và đầy ý đồ khi có ai đó định nghĩa: “người vô thần là người không theo đạo Thiên chúa”. Khi ai đó ghi là “không tôn giáo”, ta nên hiểu chính xác là người đó không có tên thành viên hay không công khai tham gia sinh hoạt trong một đạo nào. “Không tôn giáo” đâu có nghĩa là không tin vào đấng Tối cao. Đâu thiếu những người “không tôn giáo” như thế vẫn đi chùa lễ Phật hà rầm trong ngày rằm, dịp lễ; phổ biến nhất là có bàn thờ trong nhà mình sớm hôm nhang khói nghi ngút. Tôi khoái cái vụ này. Bất cứ ai sống trên cõi đời này mà còn biết có đấng Tối cao ở bên trên nắm quyền phán xét lành dữ thì đều đáng mừng rồi và tốt cho tất cả rồi. 

Có người nói mình chỉ theo đạo thờ ông bà. Giàng ơi, đào khắp thế gian cũng chẳng hề có một đạo nào như vậy. Thờ ông bà không phải là đạo theo nghĩa tín ngưỡng, mà là một đạo lý làm người. Tôi tin chắc rằng chẳng ông bà nào muốn bị con cháu đặt lên bàn thờ ngang hàng với đấng Tối cao.

Mới đây, anh Trần Ngọc Bách, một niên trưởng đồng môn trường trung học của tôi, nói với tôi: nhà nữ ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng có khuyên rằng: với những người già, ta nên hướng họ theo một tôn giáo nào đó, tránh để họ phải chịu cảnh bơ vơ, lạc lõng khi về bên kia thế giới. Cũng theo anh, bà Bích Hằng cho biết có những linh hồn cứ phải ngồi co ro giữ mộ mình suốt, không siêu thoát được, vì không biết đi về đâu.

Xin thưa thiệt là tôi chưa từng (và thiệt bụng cũng hỗng dám) “trải nghiệm” cái vụ này nên chẳng rõ thực hư ra sao. Nhưng bằng mớ vốn liếng kiến thức tích cóp được, tôi suy diễn chuyện “bên kia” cánh cửa sinh-tử là mỗi đạo trên cõi trần giống như một cộng đồng ở thế giới bên kia. Có lẽ các cộng đồng đó thuộc dạng “khóa sổ” nên không kết nạp người mới ở cõi bên kia (chỉ có thể sign-in khi còn thở khì khì). Nếu không là thành viên của một cộng đồng nào đó, linh hồn người ta phải sống bên lề, vất va vất vưởng. Đơn giản như vậy thôi.

Việt Nam mình có đạo nào là quốc giáo không? Thời phong kiến thì coi như có đó. Nhưng thiệt ra đó chỉ là thời cực thịnh của Phật giáo, khi nhà vua sùng kính đạo này. Như đời nhà Lý và nhà Trần. Nó cũng giống như dưới thời Cộng hòa sau này ở miền Nam, Công giáo được ưu đãi (hay bị cho là được ưu đãi hơn) do cả Tổng thống Ngô Đình Diệm lẫn Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đều là giáo dân. Còn nói chung thì Việt Nam là một đất nước đa tôn giáo – chưa có bản hiến pháp nào xác định đạo nào là quốc giáo.

Cho tới tận bây giờ, ở thế kỷ 21 rồi và đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng rồi, vẫn có những người quan niệm lầm rằng đạo Phật là của người Việt, đạo Thiên chúa là của nước ngoài. Trong khi thực tế, ở Việt Nam, đạo Phật được du nhập từ Ấn Độ vào thời đầu Công nguyên. Còn Công giáo mãi tới thế kỷ 16 mới được các nhà truyền giáo phương Tây đưa vào Việt Nam. Đây là hai đạo lớn nhất. Theo thống kê dân số năm 2009, Phật giáo có 6,8 triệu tín đồ (số liệu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết có 45 triệu người đã quy y tam bảo). Còn Công giáo có 5,6 triệu giáo dân.

Có người cho rằng tôn giáo này, tôn giáo nọ làm chính trị. Trên thế giới xưa nay nếu không phải là những đảng phái do chính tôn giáo nào đó lập ra (cũng rất hiếm), thì các đảng phải chính trị đều muốn giữ thế trung lập. Nói chung thì đạo nào cũng tách khỏi chuyện mần chính trị (cần phân biệt rạch ròi với chuyện có những tín đồ, thậm chí giáo sĩ đứng ra lập đảng phái, và đó cũng chỉ với danh nghĩa cá nhân). Người ta cũng quen đánh đồng việc một nhà lãnh đạo quốc gia theo đạo này với việc đạo đó tham chính. Chuyện đó chỉ xảy ra ở một số ít nước đang phát triển và ở một thời kỳ nào đó thôi. Các Tổng thống Mỹ (như ông Barack Obama) thường theo đạo Cơ đốc (Christian), nhưng Hoa Kỳ đâu phải là đất nước Cơ đốc giáo.

Lịch sử ghi lại: Phật giáo Việt Nam có vai trò chính sự qua nhiều triều đại. Thời nhà Đinh, nhà tiền Lê, nhà Lý, và nhà Trần đã nhiều vị cao tăng được triều đình trọng dụng như thiền sư Vạn Hạnh, Khuông Việt, Pháp Loa,… ra giúp tham chính và cố vấn. Khoảng thập niên 1960, Phật giáo lại có mặt trên chính trường ở miền Nam. Công giáo dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm cũng có những giáo sĩ tham gia chính trị. Còn thời Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu sau này, cả Phật giáo lẫn Công giáo đều có những lực lượng chống chiến tranh.

Tùy theo niềm tin và tín lý của mỗi tôn giáo, nhưng xét về lý thế tục, trước khi là một tín đồ, người ta đã là một công dân. Tín đồ cũng là công dân nên phải thực thi nghiêm chỉnh bổn phận công dân của mình – các đạo chân chính cũng đều dạy tín đồ của mình như vậy. Chỉ có điều phải luôn ghi nhớ: đạo có thể và cần nhập thế, nhưng không được mơ hồ lẫn lộn giữa đạo và đời. Cả hai cái: lợi dụng tôn giáo để mưu cầu những tham vọng thế tục và nhân danh thế tục để công kích tôn giáo đều là không nên, không phải – làm nhiễu nhương cuộc sống.

Tôi cũng chớ hề đồng tình với quan niệm: có đấng Tối cao rồi, ta cứ mặc cho ngài lo liệu, quan phòng, chẳng cần nỗ lực hay suy tính gì nữa. Có người hiểu sai câu: “hành sự tại nhân, thành sự tại thiên” để phó thác mọi thứ cho ông Trời, tội nghiệp ngài. Tôi thích quan niệm của thần học phương Đông “đức thắng số”. Còn quan niệm “nhân định thắng thiên” thì trong chừng mực nào đó là đúng thôi, bởi Thượng đế giống như cha của con cái, thậm chí là cha cực kỳ yêu con tới mức dám hy sinh mình để cứu thoát con. Mà xưa nay, do quá yêu con, nhiều khi cha mẹ phải chấp nhận “con cái đặt đâu, cha mẹ ngồi đó”. Thượng đế tạo ra con người để con người có cuộc sống riêng của mình. Ngài chỉ dặn: Nếu con muốn đẹp lòng ta và bảo đảm để linh hồn được cứu rỗi sau này thì mần gì mần cứ phải giữ hài hòa giữa hai sợi cương tín lý: tôn kính Thượng đế và yêu thương tha nhân. Cửa không bao giờ mở sẵn, nhưng khi nào cần hãy gõ thì cửa sẽ mở – rộng hẹp tùy theo thái độ và lòng tin của người gõ.  

Thôi, hỗng lan man, dông dài chi nữa mất công bị suy diễn này nọ. Tôi chỉ muốn đạo là đường, dẫn đưa loài người luôn đi theo đường ngay lối thẳng, làm điều tốt, tránh việc xấu, sống với hai tâm thức chủ đạo: kính đấng Tối cao và yêu thương con người. Khi đạo mà dính líu tới chính trị thì không còn là một đạo nữa (ít nhất là đối với quan niệm của tôi) mà chỉ là một tổ chức gọi là tôn giáo. Nhiệm vụ mà cả đấng Tối cao lẫn cộng đồng tín hữu trao cho các giáo sĩ là dẫn dắt mọi người sống tốt đạo, đẹp đời, sao cho được cứu rỗi phần linh hồn sau khi lìa trần. Xin đừng ai đánh giá đạo này xấu, đạo kia tốt. Đã được người đời gọi là đạo rồi thì đạo nào cũng đều hướng thượng, dạy tín hữu phải làm lành lánh dữ, sống tốt đẹp và thật sự là con người. Mỗi đạo là một con đường mà đường nào cũng dẫn về thành La Mã. Chỉ có người theo đạo xấu chớ không có đạo xấu. Cũng mong đừng ai nhân danh mình ghi trong profile là “không tôn giáo” để mà coi thường, xúc xiểm hay kỳ thị bất cứ đạo nào. Đó là lẽ công bằng và chính trực. Đó là văn minh và văn hóa. Và đó là “đạo làm người”. 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 30-3-2013)

+ Nguồn ảnh minh họa: Internet. Thanks.