Thứ Năm ngày 26 tháng 12 năm 2024

Chủ nhật tí tởn trốn nóng ở Hà Nội


 

Chiều thứ Bảy 6-4-2013 từ Saigon nóng bức 32-34 độ C, tôi bay ra Hà Nội với một chút hí hửng khi nghe tin mới có đợt gió mùa Đông Bắc mới đổ về. Xuống sân bay Nội Bài lúc 4g40 chiều sau khi chuyến bay bị delay 1 tiếng đồng hồ ở Tân Sơn Nhất, tôi nghe thông báo nhiệt độ ngoài trời 24 độ C.

Trời lạnh mà lòng tôi đổ quạu khi lấy hành lý ký gởi ra thì phát hiện cái balô có tay kéo của tôi bị nhân viên hàng không quăng sao mà bể luôn cái chân nhựa một bên. Híc, cái balô này đã theo tôi đi cùng trời cuối đất, qua Nhật sang Mỹ, suốt 6 năm nay vẫn bền bỉ và dai sức, vậy mà mới đi có một chuyến hàng không giá rẻ trong nước đã “xi-cà-que”. Người 2 chân đành ngậm ngùi khóc bạn đồng hành nay chỉ còn “độc cước lãng tử”. 

Đã chịu bay ra Hà Nội lần đầu tiên bằng máy bay giá rẻ JetStar Pacific, tôi quyết tâm khẳng định lập trường “rẻ cho tới cùng”, nên thay vì đi taxi vô nội thành như thường lệ, đã mua vé xe bus của hãng hàng không, chỉ 40.000 đồng/người, từ sân bay Nội Bài tới phòng vé 206 Trần Quang Khải, quận Hoàn Kiếm. Từ đó, tiếp tục đi xe ôm giá 80.000 đồng ra quận Cầu Giấy ở vùng ven. Thôi thì đành hy sinh thân mình một cái gọi là gỡ gạc lại cái vố bị hãng hàng không low-cost này phạt tội dư… 2kg hành lý xách tay với giá tới 360.000 đồng (mua vé ký gởi lúc book chỗ chỉ có 120.000 đồng cho 15kg). Tôi tự an ủi mình hỗng hề phạm cái tội tính già hóa non, mà chỉ do chưa có kinh nghiệm bay hàng không giá rẻ ở Việt Nam. Chuyến về Saigon, tôi sẽ không để bị phạt hành lý quá tải bằng cách quẳng cái balô gãy càng, mặc áo lạnh, mặc hai lớp quần, hai lớp áo, đeo máy ảnh, cầm laptop và tablet hòng bảo đảm chắc cú cái balô nhỏ không vượt 7kg. Gặp thời thế thế thời phải thế thôi mà!

Trời xế chiều ở Hà Nội lành lạnh dễ chịu quá chừng. Bà con thủ đô lợi dụng trời lạnh để ra đường với những chiếc áo lạnh thời trang bảnh tỏn, hít hà ra vẻ “bị lạnh”. Kẻ lữ hành phương xa như tôi thì vừa từ cõi nóng tới phong phanh trong chiếc áo sơmi ngắn tay mà hí hửng “được lạnh”.

Tôi hiên ngang bước vào khách sạn Thu Giang ở Cầu Giấy, rút cái voucher đã đăng ký phòng trước qua dịch vụ book vé khách sạn quốc tế Agoda trên Internet trình cho nhân viên tiếp tân. Nụ cười “thương hiệu” cầu tài, mần quen của tôi tắt bụp. Giàng ơi, họ coi rồi lắc đầu, khách sạn đâu có quan hệ gì với hãng này, họ đâu có nhận được yêu cầu đặt phòng nào. Họ kêu tôi liên hệ lại với hãng Agoda, đâu hay rằng nó ở tuốt bên… Thái Lan. Tiền thì hãng này đã charge qua thẻ tín dụng của tôi mất tiêu rồi. May mắn là khách sạn vẫn còn 1 phòng nhỏ tuốt trên tầng 5 ở khu không có thang máy. Tôi đành đồng ý lấy phòng này và tự thanh toán, sau này khiếu nại Agoda sau. Để không phải cuốc bộ lên tận tầng 5, nhân viên khách sạn dẫn tôi đi thang máy ở khu phòng có thang máy lên tuốt sân thượng, chui qua những dãy dây phơi khăn, tấm trải giường, rồi theo cầu thang bộ xuống tầng 5 của khu phòng bên cạnh.

Ấm ức quá, vừa vô phòng, tôi mở laptop ra, nhưng không thể vào mạng Wi-Fi của khách sạn vì không có password, mà điện thoại trong phòng lại không có chú thích cách gọi xuống lễ tân, bấm số 0 chẳng xi-nhê (sau này mới biết là phải nhấn 100). May là tôi có thủ theo cái USB 3G Dongle. Tôi gởi mail cho Agoda càm ràm, kèm theo lời “hăm dọa tế nhị” rằng mình là một nhà báo, có website, có blog và chơi Facebook (hình như là để ngụ ý coi chừng tôi làm mất uy tín mấy bạn à nghen). Đây là hãng book vé khách sạn mà tôi thường sử dụng trong nhiều năm nay để book vé khi đi nước ngoài. Bao nhiêu năm và bao nhiêu chuyến ở nước ngoài đều “ngon cơm”, lần đầu dùng dịch vụ này để book phòng khách sạn trong nước lại dính chấu. Agoda có chuyên viên phụ trách thị trường Việt Nam và có giao diện website bằng tiếng Việt hẳn hoi (ngay cả cái voucher cũng bằng tiếng Việt). Tôi chỉ sợ mình bị hacker mạo danh Agoda để lừa thôi. Khoảng 1 tiếng đồng hồ sau (lúc 19g17ph), tôi nhận được email hồi đáp của Agoda (nhanh ngoài sức tưởng tượng), họ xin lỗi vì sự cố này và nói rằng sẽ trả lại tiền (refund) cho tôi. Agoda ghi rõ cả giá tiền phòng mà khách sạn lấy của tôi (320.000 đồng/đêm) – rẻ hơn mức giá 455.000 đồng mà họ charge của tôi – và cho biết sẽ trả lại khoản chênh lệch đó. Lát sau tôi hỏi khách sạn và được biết một nhân viên nói tiếng Việt của Agoda đã gọi điện cho khách sạn xác minh và hỏi giá phòng. Tuy là nạn nhân, nhưng tôi vẫn khoái cái cung cách làm ăn nhiệt tình, chu đáo, chuyên nghiệp và mau lẹ của họ. Tuy nhiên, từ nay tôi sẽ không bao giờ dùng một dịch vụ quốc tế nào để book phòng, book vé trong nước. Nói cho công bằng, không phải tôi mất niềm tin vào họ mà chỉ là thiếu lòng tin vào các đối tác của họ ở Việt Nam.

Sáng Chủ nhật 7-4, trời Hà Nội ít lạnh hơn, chỉ se se thôi. Sướng cực! Tôi ghé cái quán cạnh khách sạn ăn môt dĩa bánh cuốn nóng giá 20.000 đồng. Bà chủ ngồi tráng bánh cuốn nóng hôi hổi ngay trước cửa. Dân Hà Nội ăn bánh cuốn khác Saigon. Trong Nam là một dĩa bánh cuốn, một chén nước mắm “chuyên dùng” và một dĩa giò chả (ngoài Bắc gọi là chả lụa),… Còn ở đây là một dĩa bánh cuốn (bánh có nhưn không ngon bằng nhưng có rắc nhiều mè đen) và một chén nước chấm (nước mắm pha thiệt loãng và trong có những lát dưa củ cải, cà rốt xắt mỏng và những miếng chả lụa xắt nhỏ). Khách gắp một miếng bánh cuốn đã được xắt sẵn nhúng vào chén nưóc chấm và… “nhập khẩu”. Thỉnh thoảng “nêm nếm” bằng một miếng chả lụa.

Sau đó, tôi và người bạn cuốc bộ ra quán café Pro Boss trên đường Trần Thái Tông leo lên tầng 2 (tức lầu 1 ở trong Nam) vừa uống nước, vừa ngó xuống đường coi ông chạy qua, bà đi lại. Bạn gọi một ly nâu đá, tôi kêu một ly cà phê sữa đá. Lát nhân viên mang ra 2 ly y chang nhau, thì ra ngoài này gọi cà phê sữa đá là nâu đá. Giá 30.000 đồng/ly trong một tiệm café máy lạnh khá sang trọng.  Tôi liếc trong thực đơn có món khoái khẩu truyền kiếp của mình là cacao sữa đá có giá 50.000 đồng và tự hào sáng nay tiết kiệm được 20.000 đồng.

Khoảng 1 giờ trưa, đi theo tiếng réo gọi của… cái bao tử, tôi trở lại quán ăn hồi sáng, kêu một tô bún chả. Tôi cứ ngỡ như trong Saigon đó là một tô bún kèm rau sống xắt nhỏ với “linh kiện” là chả giò chiên xắt sẵn và những “phụ tùng” như gìò chả, nem chua,… và một chén nước mắm “chuyên dùng” y như khi ăn bánh cuốn. Ai dè, bún chả ở đây là một dĩa bún ú nụ, một tô nước chấm âm ấm và một rổ nhỏ rau sống. Cái tô nước chấm kia được bà chủ bào chế như sau: gắp một ít thịt heo nướng cắt nhỏ và những viên nhỏ thịt băm chiên gọi là chả, thêm một ít lát củ cải và cà rốt làm chua, rồi mở chiếc bình thủy (ở đây gọi là phích nước) rót vào nước xốt trong vắt được ủ ấm. Ban đầu, tôi chớ hề biết “sử dụng” ra sao, vì không có thể “đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng”, ngó quanh quất không có chiếc chén nào để gắp bún ra mà chan nước xốt. Bí kế, tôi cho bún vào tô nước xốt rồi hì hụp “input”. Sau này mới biết người ta ăn bún chả bằng cách lấy một chiếc muỗng canh, gắp một ít bún vô đó rồi nhúng vào tô nước xốt mà xơi. Thỉnh thoảng “refresh” bằng một miếng thịt nướng hay chả. À há, bún chả ở đây giống bún thịt nướng ở Saigon đó mà. Cô bạn Java Script gọi chính xác đây là món “bún thịt nướng chan canh”. Giá một xuất 25.000 đồng. Kêu thêm một chai Samurai tăng lực 7.000 đồng nữa là chỉ cần 32.000 đồng đã có thể hoàn thành nghĩa vụ với cái bao tử đã chung sống với tôi được 50 năm giác.

Nhập gia tùy tục, mỗi vùng miền có phong cách ẩm thực và khẩu vị riêng. Vì thế hỗng có cái khái niệm ngon dở, mà là hợp hay không hạp khẩu vị của mình

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Hà Nội 7-4-2013)