Hiệp ước buôn bán vũ khí toàn cầu đầu tiên trong lịch sử đã được thông qua
Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc gồm 193 nước thành viên ngày 2-4-2013 đã làm nên lịch sử với việc thông qua bằng đa số áp đảo hiệp ước đầu tiên về buôn bán vũ khí toàn cầu (Arms Trade Treaty, ATT). Đây không phải là cấm buôn bán vũ khí. Mục tiêu của hiệp ước này là đưa vào vòng kiểm soát hoạt động buôn bán vũ khí quy ước (vũ khí thông thường) trên toàn cầu trị giá 70 tỷ USD và ngăn ngừa vũ khí khỏi rơi vào tay những kẻ vi phạm nhân quyền.
Có 155 nước bỏ phiếu thuận, 3 nước bỏ phiếu chống và 22 nước không bỏ phiếu. Các nước Zimbabwe, Cộng hòa Dominica, Sierra Leone và Vanuatu không được phép bỏ phiếu vì chưa hoàn tất các nghĩa vụ LHQ. Sau những cố gắng ngăn cản không cho hiệp ước được thông qua với sự nhất trí ngay tại quá trình soạn thảo mà buộc phải đưa ra trước Đại hội đồng, ba nước Iran, Syria và CHDCND Triều Tiên đã bỏ phiếu chống bản hiệp ước này. Syria đang trong cuộc nội chiến khốc liệt đã bước vào năm thứ ba với nguồn cung cấp vũ khí cho quân chính phủ đến từ Nga và Iran. Hai nước kia đang bị LHQ cấm vận vũ khí vì các chương trình phát triển hạt nhân. Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Cuba, Bolivia, Nicaragua,… trong số các nước bỏ phiếu trắng.
Mỹ, nước xuất khẩu vũ khí số 1 của thế giới, đã bỏ phiếu thuận bất chấp sự phản đối kịch liệt của Hiệp hội Súng trường Quốc gia (NRA) – một tổ chức vận động ủng hộ súng đạn có thế lực ở Mỹ. Trong một tuyên bố tại LHQ, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhấn mạnh: “Hiệp ước ATT có thể tăng cường an ninh toàn cầu trong khi bảo vệ chủ quyền của các nhà nước để thực hiện việc mua bán vũ khí hợp pháp.” NRA thề sẽ chiến đấu tới cùng để ngăn cản Quốc hội Mỹ phê chuẩn Hiệp ước ATT. Họ nói rằng hiệp ước này sẽ phá hoại quyền sở hữu súng nội địa của Mỹ. Luận điểm này đã bị Washington bác bỏ mạnh mẽ. Ngoại trưởng Mỹ giải thích: “Không có điều khoản nào trong hiệp ước này xâm phạm tới quyền của công dân Mỹ theo luật trong nước hay theo Hiến pháp, bao gồm cả Tu chính án số 2.”
Ấn Độ dẫn đầu nhóm nước bỏ phiếu trắng với lý do hiệp ước ưu đãi các nước xuất khẩu hơn các nước nhập khẩu vũ khí. Nga cho biết mình cần nghiên cứu kỹ lưỡng hơn trước khi quyét định ký hiệp ước ATT. Syria giải thích lý do chống ATT vì cho rằng hiệp ước này không cấm bán vũ khí cho các khách hàng không phải là nhà nước và cho bọn “khủng bố” – từ mà Damascus dùng để gọi các lực lượng nổi dậy chống Tổng thống Bashar al-Assad trong một cuộc nội chiến vừa bước sang năm thứ ba với ít nhất là 70.000 người đã chết. Thực tế là Hiệp ước ATT không cấm chuyển giao vũ khí cho các nhóm vũ trang, nhưng nêu rõ là tất cả các thương vụ này trước tiên phải được đánh giá nghiêm khắc về nguy cơ và khía cạnh nhân quyền.
Hiện nay, Trung Quốc đã vượt lên thay thế Anh ở vị trí số 5 trong nhóm Top 5 nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Theo số liệu do Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố hồi trung tuần tháng 3-2013, số lượng vũ khí xuất khẩu của Trung Quốc trong thời kỳ 2008-2012 tăng 162% so với 5 năm trước, với thị phần tăng từ 2 lên tới 5%. Khách hàng lớn nhất của Trung Quốc là Pakistan, mua tới 55% số vũ khí do nước này xuất khẩu. Mỹ vẫn tiếp tục là nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, chiếm 30% thị phần. Kế đó là Nga chiếm 26% thị phần. Đức xếp thứ 3 và Pháp thứ 4. Hôm 3-4, Tổng thống Nga Vladimir Putin loan báo rằng tổng giá trị xuất khẩu vũ khí của nước này trong năm 2012 đạt tới 15,2 tỷ USD, tăng 12% so với năm trước.
Trong một thông cáo đại diện cho 98 nước thành viên LHQ, Mexico nhấn mạnh: “Việc thực thi có hiệu quả hiệp ước này sẽ tạo ra một sự khác biệt thật sự cho nhân dân thế giới.”
Các nước thành viên LHQ từ ngáy 18-3-2013 đã bắt đầu gặp nhau trong một nỗ lực thúc đẩy cuối cùng nhằm kết thúc nhiều năm tranh luận về một hiệp ước quốc tế để chấm dứt tình trạng buôn bán vũ khí quy ưóc xuyên biên giới một cách không kiểm soát được như trước nay. Giới ủng hộ việc kiểm soát vũ khí và giới nhân quyền cũng nhấn mạnh cần có một hiệp ước để ngăn chặn những dòng lưu thông không kiểm soát của súng đạn mà họ cho là nguyên nhân làm gia tăng các cuộc chiến tranh, diệt chủng và vi phạm nhân quyền trên toàn cầu.
Hiệp ước ATT thiết đặt các chuẩn mực cho tất cả các hoạt động chuyển vận qua biên giới đối với các loại vũ khí quy ước. Nó yêu cầu các nhà nước phải xem xét tất cả các hợp đồng buôn bán vũ khí qua biên giới để bảo đảm vũ khí đó sẽ không được sử dụng trong các hành vi vi phạm nhân quyền, khủng bố hay vi phạm luật nhân đạo.
Hiệp ước này sẽ được từng nước thành viên LHQ phê chuẩn từ ngày 30-6-2013 và sẽ có hiệu lực 90 ngày sau khi có được 50 nước phê chuẩn. Bình thường quá trình này phải mất 2-3 năm. Giới quan sát hy vọng rằng do vấn đề bức thiết này, hiệp ước kiểm soát vũ khí toàn cầu sẽ có thể có hiệu lực sớm hơn. Tuy nhiên, hiệp ước ATT cho dù có hiệu lực cũng gặp khó khăn nếu như các nhà xuất khẩu vũ khí lớn từ chối phê chuẩn.
Thủ tướng Anh David Cameron nhận định rằng việc Đại hội đồng LHQ thông qua với đa số áp đảo Hiệp ước ATT là “một thỏa thuận mang tính bước ngoặt sẽ cứu nhiều sinh mạng và làm giảm những đau khổ khủng khiếp mà con người phải chịu đựng bởi xung đột vũ trang trên khắp thế giới.”
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 5-4-2013)
Máy bay chiến đấu Sukhoi Su-27 của Nga hiện là một trong những mặt hàng vũ khí được ưa chuộng trên thế giới.
Máy bay tiêm kích F-35 của Mỹ đang được nhiều nước đặt mua.
VIDEO CLIPS:
Sukhoi Su-27 Flanker warbird N131SU first flight
Su-27 Dog Fight Sokoly Rossii Russian Air Force 100th Anniversary Air show 2012.
Lockheed F-35 Luke AFB (2012)
F-35 Year In Review (2012)