Vĩnh biệt hai “nghệ sĩ của nhân dân” Hồ Kiểng và Văn Hiệp
Chỉ cách nhau chưa kịp một tuần, hai “nghệ sĩ của nhân dân”, người phương Nam (Hồ Kiểng), kẻ xứ Bắc (Văn Hiệp) đã lần lượt hoàn thành một nhiệm kỳ làm người trên chốn trần gian.
Nghệ sĩ Hồ Kiểng chiều 3-4-2013 đã từ trần sau khi bị trượt ngã cầu thang tại nhà riêng tại Q.3 (TP.HCM), thọ 87 tuổi (ông sinh năm 1926 tại Giồng Trôm, Bến Tre).
Nghệ sĩ Hồ Kiểng. (Nguồn ảnh: Internet. Thanks.)
Trong sự nghiệp điện ảnh của mình (từ năm 1959 với bộ phim đầu tay “Chung một dòng sông”), ông đã đóng hơn 200 bộ phim, hầu như toàn là vai phụ, khi chính diện, lúc phản diện. Dù chỉ đóng vai phụ, nhưng ông đóng ra đóng với tài năng và thái độ lao động nghệ thuật nghiêm túc, khiến khán giả luôn nhớ tới các vai của ông. Ông gắn với cái biệt danh “ông già Nam bộ ăn cá sống” do khi đóng trong bộ phim truyền hình nhiều tập “Đất phương Nam”, ông đã nhập vai tới mức bỏ cả con cá sống vào miệng mà nhai. Ông cũng từng bị rắn độc cắn suýt mất mạng khi đóng phim “Đêm săn tiền” (lần đó ông chết lâm sàng 3 ngày). Có lẽ sau hơn 50 năm chung thủy với nghề, ông được tổ đãi nên trong vai diễn cuối cùng của đời mình trong bộ phim “Mùa hè lạnh” của đạo diễn Ngô Quang Hải, nghệ sĩ Hồ Kiểng lần đầu tiên được đóng một vai sang trọng là một ông chủ đại gia có vợ đẹp (do Lý Nhã Kỳ đóng). Ông được Nhà nước phong danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1997, và tới năm 2006 tuy được TP.HCM xác nhận là đủ chuẩn của Nghệ sĩ Nhân dân, nhưng không hiểu vì sao ông vẫn không được công nhận.
Cuộc đời nghệ sĩ Hồ Kiểng lận đận cho tới cuối đời. Gọi là nhà riêng nhưng thiệt ra đó chỉ là một căn phòng xập xệ khoảng 15 mét vuông trong một chung cư cũ kỹ trên đường Cao Thắng. Cho tới cuối đời, ông sống một mình với một quả tim nhân tạo. Nghe nói ông mất mà chẳng có người thân bên cạnh (hai con đã chết, hai người còn sống thì có gia đình ở riêng).
Nghệ sĩ Hồ Kiểng đã sáng tác tới 664 bài thơ và 240 bài vọng cổ. Ông thường ngâm nga những lời thơ tự vịnh mình:
“”Hồ Kiểng đeo kiếng không tròng
Nhưng anh vẫn thấy ngoài, trong cuộc đời
Dẫu rằng thiên hạ trêu cười
Kiểng còn nhìn thấu dạ người trắng đen”.
Tôi từng có thời gian được tiếp xúc với nghệ sĩ Hồ Kiểng hồi giữa thập niên 1980, khi tôi là chủ biên tờ báo Long An Cuối Tuần, còn ông là một cộng tác viên mảng văn nghệ – sân khấu. Ông thường viết những mẩu tin ảnh ngắn về sinh hoạt của giới nghệ sĩ, thỉnh thoảng có những tiểu phẩm hay những bài vọng cổ hoặc những bài thơ.
Nghệ sĩ Văn Hiệp. (Nguồn ảnh: Internet. Thanks.)
Còn nghệ sĩ Văn Hiệp qua đời sáng 9-4-2013 tại nhà riêng thọ 81 tuổi (sinh năm 1942 ở Thanh Trì, Hà Nội) sau nhiều năm bị ung thư phổi.
Trong sự nghiệp điện ảnh và sân khấu dài 40 năm của mình (khởi đầu với bộ phim “Vợ chồng A Phủ”), ông đã đóng tới 1.000 vai phim và kịch. Ông chết danh “Bác trưởng thôn” từ chương trình Gặp nhau cuối tuần trên Truyền hình Việt Nam. Tết Quý Tị 2013, ông đóng phim cuối cùng là “Tết Văn Lang cả làng nói phét” do chính ông viết kịch bản.
Cũng giống như hoàn cảnh của nghệ sĩ Hồ Kiểng, nghệ sĩ Văn Hiệp lận đận trong tình cảm. Hơn 20 năm nay, ông sống cảnh gà trống nuôi con do vợ ông đi xuất khẩu lao động sang Đức rồi vì hoàn cảnh mà nhập tịch ở luôn bên đó. Hai người vẫn là vợ chồng nhưng phải sống cảnh chia ly như vợ chồng Ngâu. Trong cuộc trả lời phỏng vấn của đài BBC ngày 10-4-2013, đạo diễn Khải Hưng, người từng dàn dựng vai để đời “bác trưởng thôn” cho nghệ sĩ Văn Hiệp cách đây 25 năm nhận xét: “Văn Hiệp là người cha, người chồng rất mẫu mực, nhưng gặp phải những người con không mẫu mực và người vợ cũng không mẫu mực”. Cái chi tiết làm được bao nhiêu tiền ông đều gởi cho vợ con đang sống ở Đức làm ta nhói lòng. Là một nghệ sĩ hài, ông chọc cười khán giả trong khi lòng nát tan.
Và lại giống như Hồ Kiểng, Văn Hiệp cũng biết làm thơ. Ông ví von mình là “nghệ sĩ giun” cần mẫn và lặng lẽ làm cho đất đai cuộc đời luôn tươi tốt. Hãy nghe ông tự trào:
“Năm năm, ngày ngày, tháng tháng
Miệt mài thâu đêm suốt sáng
Giun xoắn mình nhọc nhằn nhích dần từng chút một
Và đất và giun tơi xốp
Đơm hoa nảy lộc đón gió lành cùng chim hót véo von
Đất và giun và rất nhiều giun
Đất và giun và rất nhiều giun
Đã biến nỗi đau cằn cỗi tối tăm thành nắng xanh, xanh thẳm
Cho cây đời vượt cạn nhú chồi non
Mình thế đấy, đất gọi chúng mình là những nghệ sĩ giun”.
Cả hai nghệ sĩ Hồ Kiểng và Văn Hiệp đều là những con người giản dị, dễ gần. Họ được cả đồng nghiệp lẫn khán giả yêu quý. Cả hai đều thường trực những nụ cười: Hồ Kiểng thì cười hệch hạc như ông già Nam bộ xởi lởi, Văn Hiệp cười khề khà như ông nông dân vui tính.
Cả hai nghệ sĩ của nhân dân này đều nghèo rớt mùng tơi cho dù sự nghiệp nghệ thuật của họ cực kỳ giàu có. Nghệ sĩ Hồ Kiểng luôn day dứt vì mình chỉ đủ khả năng lây lất sống qua ngày chẳng có gì để lại cho các con. Nghệ sĩ Văn Hiệp thì dặn con chỉ nên cho mình thở oxy vài ngày rồi rút cho ông đi vì “nhà mình không có tiền”.
Hai nghệ sĩ này làm tôi suy nghĩ về hai danh hiệu “nghệ sĩ nhân dân” và “nghệ sĩ của nhân dân”. Tuy chỉ khác nhau có một chữ “của”, nhưng cả hai hoàn toàn khác nhau về bản chất và thực chất. “Nghệ sĩ nhân dân” là danh hiệu của nhà nước phong tặng cho những nghệ sĩ hội đủ những tiêu chuẩn do nhà nước đề ra, còn “nghệ sĩ của nhân dân” là sự tôn kính thật sự mà người nghệ sĩ có được từ khán giả của mình. Trên Facebook của mình vào ngày nghệ sĩ Văn Hiệp qua đời, diễn viên hài Vượng “Râu” viết về ông: “Một nghệ sĩ không được phong tặng gì – nhưng gấp vạn lần một số NSND khác!” Điều đó theo tôi cũng đúng với nghệ sĩ Hồ Kiểng. Và từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, phần thưởng quý giá nhất mà bất cứ người nghệ sĩ nào cũng mong muốn có được chính là được công chúng nhân dân coi mình là nghệ sĩ của họ.
Thực tế có không ít Nghệ sĩ Nhân dân được phong tặng mà chẳng có bao nhiêu nhân dân biết đến tên tuổi. Điều bi kịch tới khôi hài là danh hiệu này không phải do cơ quan quản lý nghệ sĩ đề nghị xét trên công trạng của từng nghệ sĩ xứng đáng, mà phải do tự người nghệ sĩ làm đơn xin – đó là lý do có những nghệ sĩ vì lòng tự trọng đã không “xin danh hiệu cho mình”. Tôi không vơ đũa cả nắm là tất cả các nghệ sĩ có danh hiệu “phải xin mới có” đó là “háo danh”, bởi thực tế họ phải tuân theo quy định và họ xứng đáng được hưởng sự phong tặng đó. Nghe nói nghệ sĩ Văn Hiệp không được phong tặng bất cứ danh hiệu nghề nghiệp nào chỉ vì không đủ… số huy chương của những kỳ hội diễn chuyên nghiệp. Không ít nghệ sĩ được lòng nhân dân không thể vượt vũ môn chỉ vì tấm lưới chắn lãnh cảm này. Nhưng có hề gì, họ là những NGHỆ SĨ (viết Hoa) do chính nhân dân phong tặng. Đó mới là phần thưởng cao quý nhất mà bất cứ một nghệ sĩ chân chính nào cũng đều mơ có được.
Nguyện cầu hương linh hai “nghệ sĩ của nhân dân” Hồ Kiểng và Văn Hiệp sớm được siêu thoát về cõi vĩnh hằng. Tôi tin rằng, hai ông sẽ được các khán giả đi trước của mình chào đón và tiếp tục là “nghệ sĩ của nhân dân” bên kia thế giới.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 9-4-2013)