Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

Gọi là “mắc-DỊCH-vật”

Cậu em Nguyễn Hồng Phúc ở tạp chí e-CHIP mới phát hiện một tấm biển chỉ dẫn tên của một cây cổ thụ (ở đâu không rõ) là “cây gạo đại thụ trồng năm Giáp Thân” được dịch sang tiếng Anh như sau:

“Cây Gạo Đại Thụ” = “PLANT RICE UNIVERSITY ACCEPTANCE”

Cây = PLANT

Gạo = RICE

Đại (học) = UNIVERSITY

Thụ = ACCEPTANCE

“Giáp Thân” = BODY ARMOR

Giáp = ARMOR (áo giáp)

Thân = BODY

Tôi thử dùng công cụ dịch trực tuyến Google Translate để dịch thì ra kết quả y chang.

Đây quả là một (dịch) đại tác phẩm của Google (mắc) Dịch.

Nhưng cũng phải khen là hắn dịch sát nghĩa chan chát từng chữ một chớ đâu có giỡn. Máy móc giỏi và nhanh hơn người nhưng chẳng bao giờ có thể thông minh hơn người – dù sao máy móc cũng do con người chế tạo ra mà.

Cái điệu này mà mai mốt khi muốn đề xuất “ly hôn” với một nàng Tây, ta viết “Tui muốn ly hôn với bà” mà nó lại dịch là “ I want glass kiss you” thì thiệt là đổ nợ. Hoặc là nàng ngộ nhận ta yêu nàng tới mức muốn tặng nàng cả một “ly nụ hôn”, hoặc là nàng cho ta là kẻ bạo hành muốn cho “cái ly hun nàng” (diễn tả một cách văn chương cho hành động “cho nàng ăn ly”), hoặc nàng nghĩ ta là kẻ biến thái muốn “hun cả cái ly”. Cỡ nào cũng chết chắc!

Cách đây vài năm, tôi được một ông bạn cho coi một tấm namecard của một thượng tá công an ở miền Tây với cấp bậc được in bằng tiếng Anh là “Upper Nurse” (y tá cấp trên). Nếu không do máy dịch thì cũng là dịch một cách máy móc.

Nói vậy cũng không nên trách móc gì Google Dịch hay bất cứ công cụ dịch máy nào. Bởi tiếng Việt mình quá phong phú. Nè coi thử hén: black chicken (gà ác), black horse (ngựa ô), black face (mặt chì), black cat (mèo mun), black dog (chó mực), black board (bảng đen),…. Một thông dich viên con người mà nếu không hiểu sâu về văn hóa của người Việt chắc chắn không thể nào dịch cho chính xác được. Vấn đề chung quy vẫn là ở người sử dụng những bản dịch mà thôi. Vậy thì “no table more” – không bàn nữa!

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 10-4-2013)