Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

Dzhokhar bắt đầu nếm mùi nhà tù….

130426-devens-fmc-ma-01 

Nghi phạm Dzhokhar Tsarnaev ngày thứ Sáu 26-4-2013 đã chính thức vô tù. Anh ta đã bị chuyển từ Trung tâm Y khoa Beth Israel Deaconess ở Boston (bang Massachusetts), nơi anh ta được cảnh sát đưa vào trong tình trạng thập tử nhứt sinh tối thứ Sáu 19-4 sau khi bị bắt tới nơi giam giữ của Bộ Tư pháp để tiếp tục được chữa trị.

Thiệt là tiếc cho hai anh em đã tự chôn vùi cuộc đời mình bằng cách sát thương hơn 200 người vô tội – trong đó có 3 nạn nhân thiệt mạng trong vụ đánh bom kép tại cuộc đua Boston Marathon chiều 15-4-2013. Người anh Tamerlan Tsarnaev, 26 tuổi, đã bị cảnh sát bắn chết trong cuộc đọ súng khốc liệt nửa khuya về sáng 19-4. Dzhokhar cho dù có thoát án tử hình cũng sẽ phải sống suốt đời còn lại ở trong nhà tù bởi Mỹ có loại bản án tù chung thân không ân xá (life sentence without parole). Năm nay mới 19 tuổi, anh ta có phần đời còn lại quá dài mà tôi tin rằng khi tuổi ngày càng cao hơn, anh ta sẽ suy nghĩ chín chắn hơn để rồi ân hận không thể sửa chữa cho một lúc lỗi lầm thời trai trẻ.

130426-devens-fmc-ma-02

Trung tâm Y khoa Liên bang Devens của Bộ Tư pháp – nơi Dzhokhar vừa được chuyển tới ngày 26-4-2013. (Nguồn ảnh: Internet. Thanks.)

Cơ quan U.S. Marshals Service (một bộ phận của Bộ Tư pháp đảm trách việc giam giữ phạm nhân và tù nhân) cho biết: nơi Dzhokhar được đưa tới là Trung tâm Y khoa Liên bang FMC Devens thuộc Bộ Tư pháp tại thành phố Fort Denvens, cách Boston khoảng 39 dặm. Đây là nơi chuyên giam giữ các phạm nhân bị bệnh tâm thần hay phải điều trị thời gian dài, hiện có khoảng 1.000 tù nhân ở đó.

Miriam Conrad, một nữ luật sư công đã được chỉ định bào chữa cho Dzhokhar.

Ngày 25-4, Dzhokhar bị thành phố New York tròng thêm một mớ trọng tội vô đầu. Thị trưởng Michael Bloomberg và Cảnh sát trưởng thành phố Raymond Kelly cùng nhau họp báo nói rằng họ được FBI báo cho biết nghi phạm Dzhokhar đã khai về một âm mưu đánh bom tại Quảng trường Thời Đại (Times Square) ở khu Manhattan của thành phố New York.

Theo lời kể của hai quan chức cao cấp New York, tối 18-4, sau khi cướp một cửa hàng tạp hóa 7-Eleven tại Cambridge rồi bắn chết viên cảnh sát Sean Collier, 26 tuổi, của Học viện Massachusetts Institute of Technology đang ngồi trong xe tuần tra (trước đây nhiều nguồn tin nói rằng anh này chạy tới tiếp ứng sau khi nhận được điện thoại báo cửa hàng bị cướp), hai anh em cướp một chiếc xe Mercedes dạng thế thao và bắt theo người đàn ông lái xe. Tamerlan cầm lái, nạn nhân ngồi ghế trước bên cạnh và Dzhokhar ngồi ghế sau. Hai anh em tính chạy tới New York để đánh bom tại Times Square. Trên xe có 1 quả bom nồi áp suất giống như loại nổ tại Boston và 5 quả bom ống (pipe bomb). Nhưng họ phát hiện xe không đủ xăng. Họ kêu nạn nhân dưa tiền và người này chỉ có 45 USD rồi ghé một cây xăng Shell tại Cambridge để đổ xăng. Tại đây, Dzhokhar còn dùng thẻ của nạn nhân để rút 800 USD từ máy ATM. Khi Dzhokhar vào một cửa hàng tạp hóa ngay tại cây xăng để trả tiền xăng rồi nhân tiện mua rất nhiều bánh snack và nước ngọt và lợi dụng lúc Tamerlan lơ là, nạn nhân đã tông cửa xe bỏ chạy. Khi tới một cây xăng Mobil ở bên kia đường, nạn nhân đã nhờ nhân viên thu ngân gọi điện thoại báo cảnh sát. Cuộc truy đuổi chiếc xe của hai anh em đã bắt đầu với tốc độ cao như trong phim và kết thúc tại Watertown (vùng ngoại ô Boston) bằng một cuộc đấu súng khốc liệt.

Nạn nhân bị cướp xe là một kỹ sư người Mỹ gốc Hoa 26 tuổi có nickname là Danny. Anh khai là mình đang dừng xe để trả lời một tin nhắn thì có một chiếc xe áp sát rồi bị chĩa súng cướp xe. Ban đầu, người anh lái chiếc xe vừa cướp, còn người em chạy chiếc xe của họ theo sau, lát sau thì hai anh em đều lên chiếc Mercedes. Hai anh em trao đổi với nhau không phải bằng tiếng Anh, nhưng Danny nói mình nghe họ nhắc tới tên Manhattan.

Giới chức New York cho biết nếu như hai nghi can không bị cảnh sát Boston ngăn chặn được, thành phố New York đã xảy ra một vụ đánh bom. Hồi năm 2010, Times Square là mục tiêu của một vụ đánh bom xe hơi do một người nhập cư gốc Pakistan tên Faisal Shahzad âm mưu thực hiện với một chiếc xe SUV –giống như loại xe mà hai anh em Tsarnaev bắt cóc. Rất may là những người bán hàng rong dọc đường phát hiện có khói bốc lên từ chiếc xe nên báo động và vụ đánh bom bị nhà chức trách vô hiệu hóa. Shahzad sa lưới khi đang tìm cách rời khỏi nước Mỹ và đang lãnh án tù chung thân.

Dzhokhar đã tới Times Square 2 lần trong năm 2012 vào tháng 4 và tháng 11. Bây giờ người ta thắc mắc rằng liệu có phải anh ta đi quan sát trước để phục vụ cho âm mưu đánh bom sau này? Nhưng FBI cho biết Dzhokhar khai mình chỉ mới được người anh tuyển mộ để phụ trong vụ đánh bom Boston.

201211-dzhokar-times-square

Tấm ảnh chụp Dzhokhar và một nhóm bạn trong chuyến thăm Times Square ở New York tháng 11-2012. FBI đang tiếp xúc với một số người trong ảnh để tìm hiểu.

Sau khi hai quan chức New York công bố về âm mưu đánh bom Times Square của hai anh em nghi phạm, có những người thắc mắc chẳng lẽ Dzhokhar lại dại dột tới mức tự khai nhận thêm tội? Ngoài ra, cho dù anh ta có khai như vậy đi nữa, liệu lời khai trong khi anh ta bị cơ quan điều tra tước bỏ quyền Miranda, đặc biệt là không có sự tham gia của luật sư, có giá trị để tăng thêm tội?

Trong khi đó, kênh truyền hình thời sự Mỹ CNN ngày 26-4 tiếp tục nêu lên tình tiết Dzhokhar không có vũ khí khi bị bắt và cảnh sát cũng không tìm thấy khẩu súng nào tại hiện trường. Hai nhà báo Ben Brumfield và Greg Botelho của CNN cho biết tình tiết này trong mấy ngày gần đây đã được nói tới bởi nhiều nguồn từ những cơ quan khác nhau có dính dáng tới cuộc điều tra.

Anzor Tsarnaev and Zubeidat Tsarnaeva, parents of two men suspected of carrying out the Boston bombings, take part in a news conference in Makhachkala

Cha mẹ hai nghi can trong một cuộc họp báo tại Dagestan ngày 25-4-2013.

Ở quê nhà tại tỉnh bán tự trị Dagestan thuộc Nga, cha mẹ của hai nghi phạm trong những ngày qua đã biết khai thác tối đa các phương tiện truyền thông để bênh vực cho con trai. Thậm chí đã có những cuộc họp báo. Người ta nói rằng đây còn là một cuộc chiến truyền thông giữa Nga và Mỹ.

Lẽ ra ngày thứ Sáu 26-4, người cha Anzor Tsarnaev của hai nghi phạm rời Nga để bay sang Mỹ “tìm công lý cho con trai”; nhưng ngày hôm trước, vợ ông đã phải gọi xe cứu thương đưa chồng đi cấp cứu vì sức khỏe suy yếu. Ông này di dân sang Mỹ từ năm 2001, năm 2012 đã trở lại quê hương vì lý do sức khỏe. Cũng có những hãng tin nói rằng hai vợ chồng đã ly dị.

Trong khi đó, bà mẹ Zubeidat Tsarnaeva không thể trở lại Mỹ vì đang có lệnh truy nã của tòa án quận Natick ở Massachusetts về tội ăn cắp quần áo phụ nữ trị giá hơn 1.600 USD trong siêu thị Lord & Taylor hồi tháng 6-2012. Một quan chức tình báo Mỹ cho biết Zubeidat và con trai Tamerlan hồi năm 2011 đều bị đưa vào danh sách Môi trường Dữ liệu Nhận dạng Khủng bố (TIDE), một cơ sở dữ liệu do Trung tâm Chống khủng bố Quốc gia (NCC) lập và quản lý hiện gồm hơn nửa triệu đối tượng bị Mỹ coi là khả năng gây nguy hiểm.

Người ta lo ngại rằng vụ hai anh em Tsarnaev cho thấy chủ nghĩa thánh chiến Hồi giáo Jihad đang bắt đầu nổi lên nguy hiểm ngay trong nước Mỹ. Những thế lực Hồi giáo cực đoan chống Mỹ ở nước ngoài không cần phải mất công và tốn tiền chiêu mộ và huấn luyện các “chiến binh” ở Mỹ nữa. Chúng chỉ cần tăng cường các hình thức tuyên truyền, đặc biệt là qua Internet, vừa làm cho các tín đồ Hồi giáo ở Mỹ – nhất là trong các cộng đồng nhập cư – trở nên sùng tín hơn, vừa kích động họ trở nên cực đoan, sẵn sàng hy sinh bảo vệ Hồi giáo trước “kẻ thù tôn giáo là Mỹ”. Đó chính là những trái bom nổ chậm trong lòng nước Mỹ! Việc xử lý hai anh em Tsarnaev càng trở nên phức tạp hơn để tránh biến họ thành những “anh hùng tử đạo” có thể dẫn tới làn sóng báo thù cực kỳ nguy hiểm.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 26-4-2013)