Nghi phạm Dzhokhar ở tù ra sao?
Nghi phạm Dzhokhar Tsarnaev 19 tuổi của vụ đánh bom kép trong cuộc đua Boston Marathon hiện đang ở trong một căn buồng giam nhỏ với cửa bằng thép tại Trung tâm Y khoa Nhà tù Liên bang Devens cách thành phố Boston (bang Massachusetts) khoảng 40 mile.
Anh ta đã được chuyển từ Trung tâm Y khoa Beth Israel Deaconess ở Boston tới đây ngày 26-4-2013 sau đúng một tuần bị bắt. Tối thứ Sáu 19-4, Dzhokhar đã bị cảnh sát tìm thấy và bắt giữ khi đang trốn bên trong một chiếc thuyền máy ở sân sau một ngôi nhà tại Watertown (ngoại ô của Boston) và được đưa ngay vào bệnh viện trong tình trạng thập tử nhất sinh với nhiều vết thương trên đầu, cổ, họng và tay chân.
Trung tâm Y khoa Devens nằm trong căn cứ cũ Fort Devens của Quân đội Mỹ là một cơ sở thuộc Bộ Tư pháp Mỹ có nhiệm vụ điều trị các tù phạm nhân mắc bệnh tâm thần hay cần phải điều trị lâu dài. Hiện có khoảng 1.000 bệnh nhân ở đó trong 124 trại giam. Trong số các tù nhân ở đây có William Masso, cựu sĩ quan cảnh sát thành phố New York lãnh án 57 tháng tù về tội thông đồng với một đường dây buôn lậu súng; Daniel Van Pelt, cựu Nghị sĩ bang New Jersey lãnh án 41 tháng tù vì tội nhận hối lộ 10.000 USD để cấp phép cho một dự án phát triển; Sabri Benkahla, một thành viên của hệ thống Thánh chiến Hồi giáo bang Virginia lãnh án 10 năm tù vì tội nói dối FBI và bồi thẩm đoàn về một trại huấn luyện khủng bố Hồi giáo; John Franzese, một bố già Mafia 96 tuổi của thành phố New York lãnh án 8 năm tù. Nói chung đây là nhà tù chỉ có mức an ninh tối thiểu với chi phí cho mỗi tù nhân khoảng 157 USD một ngày.
John Collauti, người phát ngôn của Trung tâm Y khoa Devens, cho hãng tin Mỹ AP biết rằng: Dzhokhar đang được canh giữ rất cẩn mật. Cửa buồng bằng thép đặc có 1 cửa sổ giám sát và 1 khe để đưa thức ăn và thuốc vào. Ông cho biết tại bệnh xá nhà tù Ayer này, các nhân viên y tế thay phiên nhau giám sát các phạm nhân suốt ngày đêm. Một số buồng có trang bị máy quay video giám sát. Tại những khu quan trọng, phạm nhân không được xem TV hay nghe radio hoặc đọc báo, nhưng có thể đọc sách.
FBI ngày 27-4 cho biết ngày hôm trước, họ đã tịch thu chiếc thuyền máy mà nghi phạm Dzhokhar ẩn trốn trước khi bị bắt. Đây là chiếc thuyền của ông David Henneberry sống tại nhà số 67 trên đường Franklin (Watertown) được phủ kín bạt để ở góc sân sau nhà. Khi chạy trốn cảnh sát lúc nửa khuya về sáng ngày 19-4 sau một vụ đấu súng dữ dội với cảnh sát truy đuổi mà người anh Tamerlan Tsarnaev bị bắn chết, Dzhokhar trong tình trạng bị thương đã rạch tấm bạt chui vào trốn bên trong chiếc thuyền. Trên chiếc thuyền chi chít vết đạn do cảnh sát xả súng bắn vào trong suốt hơn 1 tiếng đồng hồ khi nghi phạm không chịu đầu hàng.
Theo luật, chiếc thuyền này là một tang vật của vụ án. Nữ phát ngôn viên của FBI Laura Eimiller cho biết cơ quan này đã cho kéo chiếc thuyền về nơi cất giữ. Không rõ chủ chiếc thuyền có được thanh toán tiền hay không. Theo tôi, nhà chức trách Mỹ – thậm chí đích thân Tổng thống Barack Obama – phải thưởng công lớn cho ông David vì đã giúp bắt được nghi phạm còn lại. Xin lưu ý rằng ông đã gọi điện báo 911 sau khi các sếp cảnh sát loan báo trong cuộc họp báo rằng họ thất bại trong việc bắt nghi phạm và kết thúc cuộc săn lùng tại khu vực này.
Tờ báo Silicon Valley Business Journal (26-4) cho biết Quỹ Crowdtilt ở San Francisco (California) đã quyên góp được hơn 50.000 USD để mua một chiếc thuyền máy khác đền cho David Henneberry, chủ chiếc thuyền đã bị cảnh sát bắn te tua khi bắt nghi phạm. Ban đầu, Craig Dunlap ởTexas chỉ muốn quyên góp 2.500 USD đủ để sửa chữa chiếc thuyền. Nhưng sau đó một số người gây quỹ khác cùng tham gia để thay thế luôn chiếc thuyền đó. Ông David nói với đài truyền hình WCBV rằng ông rất cảm kích với tấm lòng của những người gây quỹ. Tuy nhiên ông xin không nhận số tiền đó mà đề nghị chuyển nó vào quỹ giúp cho các nạn nhân của vụ đánh bom. Ông nói: “Người ta bị mất chân tay. Còn tôi mất chiếc thuyền.” Coi như của đi thay người vậy mà.
Cũng trong ngày 26-4, FBI đã kết thúc cuộc đào bới một hầm chôn rác tại New Bedford để tìm kiếm chiếc laptop của Tamerlan sau khi có tin rằng nghi phạm có thể chôn nó ở đó sau vụ đánh bom. Từ ngày 25-4 một nhóm nhân viên điều tra mặc bộ đồ phòng hộ chất độc và vi trùng đã đào bới hầm chôn rác này. Người phát ngôn FBI Eimiller không cho biết họ có tìm thấy gì không. Báo chí địa phương thì loan tin FBI đang cố gắng tìm chiếc laptop của nghi phạm em.
Đài tưởng niệm các nạn nhân vụ đánh bom Boston.
Trong mấy ngày gần đây, giới truyền thông liên tục tiết lộ những tin nhắn, những comment và cả những cái Like mà Dzhokhar từng làm trên các mạng xã hội cho thấy quan điểm của nghi phạm này đối với Hồi giáo và tư tưởng bài Mỹ – cho dù cả gia đình anh ta (ngoại trừ người anh Tamerlan bị từ chối do phạm tội hành hung bạn gái) đều đã có quốc tịch Mỹ. Gây sốc nhất là những tin nhắn trên Twitter của Dzhokhar sau vụ đánh bom. Anh ta đùa cợt về những nạn nhân, thậm chí có tin nhắn nói rằng việc các nạn nhân “bị nướng” là “tức cười”. Người thì cho rằng Dzhokhar lộ rõ bản chất tàn ác, mất nhân tính. Nhưng cũng có người coi đó là sự nông nỗi của giới trẻ vốn quá phổ biến. Theo tôi, cho dù có biện minh là do não trạng tôn giáo, (người Hồi giáo được những giáo sĩ cực đoan dạy rằng người dân của nước bị coi là kẻ thù của Hồi giáo là những kẻ đáng chết), việc Dzhokhar cười cợt trước cảnh đớn đau và chết chóc của nạn nhân là đáng bị đánh đòn. Sẽ càng đáng bị trừng phạt nghiêm khắc hơn khi người ta xác định đó lại là những nạn nhân của chính anh ta.
Hai người bạn cùng lớp với Dzhokhar ở trường đại học bang University of Massachusetts Dartmouth bị “văng miểng” khi xuất hiện trong một tấm ảnh chụp chung nghi phạm và nhóm bạn trong chuyến đi chơi tại Quảng trường Times Square ở thành phố New York hồi năm 2012. Dias Kadyrbayev và Azamat Tazhayakov từ Kazakhstan (một nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ) sang Mỹ du học đã bị FBI thẩm vấn. Tuy không bị cơ quan điều tra coi như nghi phạm đồng bọn, họ lại bị cơ quan xuất nhập cảnh Mỹ phát hiện vi phạm quy định visa khi lâu nay không còn đi học nữa. Vì tội này, họ đã bị bắt giam từ ngày 20-4.
Hai người này cũng đang gặp rắc rối với một trò đùa cợt. Đó là việc họ chạy một chiếc BMW có mang biển số ấn tượng là “Terrorista#1” (tiếng Tây Ban Nha có nghĩa “kẻ khủng bố số 1”).
Luật sư Robert Stahl bào chữa cho Kadyrbayev nói rằng tấm biển số xe này được bạn bè tặng cho thân chủ mình như một trò đùa. Phía sau chiếc xe BMW 330XI màu đen của Kadyrbayev còn dán tấm sticker có nội dung tục tĩu. Ngoài ra, chữ “Terrorista” còn là một tiếng lóng của người Tây Ban Nha có nghĩa là “bạn bè thân”.
Trên mạng lại vừa tiết lộ một thông tin mới có liên quan tới Ruslan Tsarni, ông chú của hai nghi phạm đang sống tại bang Maryland. Thì ra ông này từng là con rể của một cựu điệp viên CIA. Ngày 27-4, ngay sau khi tin tức này xuất hiện, cựu điệp viên Graham Fuller đã buộc phải giải thích về mối quan hệ này. Cô con gái Samantha đã kết hôn với Ruslan và ly dị hồi năm 1999 sau 3-4 năm chung sống. Ruslan thậm chí đã sống trong nhà của cha vợ ở Maryland suốt 1 năm trước khi hai vợ chồng ly hôn. Ông Fuller đã nghỉ hưu hồi năm 1987.
Ruslan hiện sống tại Montgomery Village (Maryland). Trong cuộc phỏng vấn của báo chí sau khi hai đứa cháu bị cảnh sát săn lùng, ông này đã gọi họ là những “kẻ thất bại” (Loser) và thậm chí còn nói rằng việc đứa cháu Tamerlan bị cảnh sát bắn chết là “đáng đời”. Chính Ruslan đã tiết lộ về một nhân vật bí ẩn tên là Misha mà ông này nói là kẻ đã “tẩy não” Tamerlan, biến anh ta thành một kẻ cực đoan Hồi giáo.
FBI mới đây cho biết đã lần được nhân thân của “Misha”, một người Mỹ gốc Armenia (một nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ nằm ở khu vực Nam Caucasus). Nhưng cơ quan này nói họ không tin nhân vật người Cơ đốc giáo cải sang Hồi giáo này có liên quan tới vụ đánh bom Boston.
Hãng tin Mỹ AP (28-4) cho biết: cơ quan an ninh Nga FSB hồi năm 2011 đã nghe lén các cuộc điện thoại giữa hai mẹ con Tamerlan. Trong một cuộc nói chuyện, nghi phạm số 1 đã bị cảnh sát Mỹ bắn chết Tamerlan đã trao đổi với mẹ mình – bà Zubeidat Tsarnaeva về Thánh chiến Hồi giáo Jihad. Hồi tháng 3-2011, FSB đã báo tin cho FBI, nhưng chỉ cho biết Nga lo ngại hai mẹ con này là những phần tử Hồi giáo cực đoan. Mùa thu 2011, sau khi FBI không điều tra được thông tin gì, Nga đã liên lạc với CIA.
Ông bác Said Tsarnaev ở Chechnya lên án Nga.
Một ông bác của hai nghi phạm là Said Tsarnaev trong cuộc phỏng vấn của hãng tin Anh Reuters ngày 23-4 tại nhà mình ở Grozny (thủ phủ Chechnya) tố cáo rằng Moscow đang gởi thông tin giả cho Mỹ để cố gắng thuyết phục phương Tây rằng các tổ chức nổi dậy Hồi giáo ở vùng Bắc Caucasus của Nga đã mở rộng hoạt động ra toàn cầu, mà chứng cứ nhãn tiền là vụ đánh bom ở Boston. Trước nay, Washington vẫn phê phán việc Nga cứng rắn trấn áp các phần tử Hồi giáo cực đoan ở Chechnya và Dagestan.
Người mẹ Zubeidat Tsarnaeva luôn khẳng định các con trai của mình chỉ có một tội duy nhất đối với Mỹ, đó là “tội là người Hồi giáo”.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 28-4-2013)
+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.