Chủ tòa nhà xưởng bị sập ở Bangladesh: trốn mà không thoát!
Chủ của tòa nhà xưởng Rana Plaza bị đổ sập ở Bangladesh đã bị lực lượng đặc nhiệm RAB (Rapid Action Battalion, Binh đoàn Hành động Nhanh) của nước này bắt giữ ngày Chủ nhật 28-4-2013 tại thị trấn biên giới Benapole khi hắn đang tìm cách chạy sang Ấn Độ. Mohammed Sohel Rana, chủ của tòa nhà Rana Plaza, đã được trực thăng chở về thủ đô Dhaka, nơi hắn sẽ phải đối mặt với những tội danh xây dựng gian dối và gây ra những cái chết.
Sếp cảnh sát quận Dhaka, Habibur Rahman, nói rằng vụ săn lùng kéo dài 4 ngày này đã bắt đầu sau khi nguyên tòa nhà 8 tầng Rana Plaza tại Savar, cách 30km (20 mile) bên ngoài thủ đô Dhaka bị đổ sập lúc 9 giờ sáng 24-4 với hơn 3.000 công nhân, hầu hết là phụ nữ trẻ, đang làm việc trong 5 xưởng may gia công hàng xuất khẩu. Tính tới ngày 28-4, số người chết trong tai nạn nhà xưởng khủng khiếp nhất nước này đã lên tới 377 người. Khoảng 2.500 người đã được giải cứu khỏi đống đổ nát khổng lồ. Còn nhiều người vẫn mất tích.
Cho tới ngày 27-4, nhân viên cứu hộ vẫn còn cứu được nạn nhân sống sót. Và cho tới ngày 28-4, vẫn còn rất đông thân nhân túc trực tại hiện trường với hình ảnh và thông tin về những công nhân đang mất tích. Mỗi lúc một qua rất xa cái ngưỡng 72 giờ (3 ngày 3 đêm) mà giới khoa học cho rằng con người có thể sống sót được trong tình trạng bị vùi lấp như thế này. Trung tướng Chowdhury Hassan Sohrawardi, người điều phối hoạt động cứu hộ tại hiện trường, cho biết: “Cơ hội tìm được nạn nhân còn sống đang mờ dần. Vì thế chúng tôi phải tăng tốc hoạt động tìm cứu của mình.”
Họa vô đơn chí mà. Ngày 28-4, một đám cháy đã phát ra từ hiện trường vụ đổ sập càng gây khó khăn hơn cho việc tìm cứu và có một số nhân viên cứu hộ bị phỏng. Ngành cứu hỏa cho biết đám cháy xuất phát từ thiết bị cắt mà lực lượng cứu hộ đang sử dụng để cắt bêtông, sắt thép.
Tòa nhà xưởng Rana Plaza được xây năm 2010 trên một vùng đầm lầy, chỉ được cấp phép xây 5 tầng, nhưng đã được xây tới 8 tầng, Chiều ngày hôm trước, sau khi phát hiện có những vết nứt nguy hiểm trong tòa nhà, thanh tra đã yêu cầu sơ tán công nhân và đóng cửa các cơ sở đặt trong tòa nhà này. Hầu hết công nhân tập trung trên con đường phía trước, chỉ có ít người dám trở vào xưởng may ở các tầng phía trên. Chủ tòa nhà Rana lập tức xuất hiện, nói với báo chí đang có mặt rằng: “Tòa nhà chỉ bị hư hỏng nhẹ. Chẳng có gì nghiêm trọng hết.”
Sáng 24-4, nhiều cửa hàng và ngân hàng ở tầng trệt đóng cửa. Nhưng các xưởng may vẫn làm việc như bình thường. Ca sáng bắt đầu lúc 8 giờ. Khoảng 45 phút sau tòa nhà đột nhiên đổ sập, sập từ tầng trên cùng đổ xuống.
Rana đã biến mất sau tai nạn. Báo chí địa phương cho biết hắn đã rời văn phòng ở tầng hầm không lâu trước khi tòa nhà bị đổ sập.
Rana, một người đàn ông thấp đậm, chắc nịch ở độ tuổi 30, là một nhà chính trị được mô tả là đáng sợ ở Savar. Tuy bỏ học ở năm lớp 7, nhưng là con một nhà doanh nghiệp có những mối quan hệ chính trị, hắn đã ngoi lên thành một nhân vật đầy quyền thế và tiền bạc. Hắn là thủ lĩnh địa phương của mặt trận thanh niên thuộc đảng Awami League – AL cầm quyền (nhưng có một tiết lộ đang ngạc nhiên là hắn cũng làm việc cho cả đối thủ của đảng này là đảng Dân tộc Bangladesh – BNP). Rana có sức mạnh đáng gờm khi là nhà tổ chức ở địa phương cho cả 2 đảng chính trị vốn cạnh tranh quyền lực với nhau suốt nhiều thập niên nay. Ashrafuddin Khan Imu, một thủ lĩnh của đảng AL và là một đối thủ lâu năm của Rana, cho biết: “Hắn không thuộc một đảng phái chính trị cụ thể nào. Hễ đảng nào mạnh là có hắn tham gia.” Tiền bạc luôn đi đôi với các mối quan hệ chính trị của hắn.
Theo nhiều nguồn tin, Rana bây giờ đã bị các đồng minh chính trị của mình bỏ rơi. Trước đây khi hắn còn quyền lực và tiền bạc thì khác, bây giờ chẳng ai dại dột liên quan tới kẻ đang bị quần chúng lên án kịch liệt như vầy. Ngày cả hiệp hội công nghiệp may mặc mạnh mẽ nhất của Bangladesh cũng lên án Rana đã phớt lờ việc họ từng khuyến cáo hắn đóng cửa tòa nhà mất an toàn này. Chính Thủ tướng Bangladesh, Sheikh Hasina đã ra lệnh bắt giữ Rana sau khi xảy ra tai nạn thương tâm.
Người dân đang có mặt tại hiện trường vụ đổ sập với hy vọng tìm cứu được thêm nạn nhân đã hò reo mừng vui khi loa phóng thanh loan tin đã bắt được Rana. Trước đó, khi Rana trốn thoát, cảnh sát đã tạm giữ vợ hắn để thuyết phục hắn ra tự thú. Nhưng Rana đã chọn con đường chạy trốn sang Ấn Độ và bị bắt khi đang tìm cách vượt biên giới.
Ngày 28-4, một chủ xưởng may đã ra đầu thú sau khi cảnh sát bắt giữ 2 chủ xưởng may khác và 2 kỹ sư hôm trước. Người ta khó lòng mà tin các chủ xưởng may chật ních công nhân này hoàn toàn vô can trong tai nạn thảm khốc này. Áp lực thời gian giao hàng luôn ám ảnh họ cặp kè với lợi nhuận tăng lên khi công nhân may được nhiều sản phẩm.
Quần chúng giận dữ đã kéo biểu tình phản đối tại Savar với gậy gộc đòi tính sổ những kẻ chịu trách nhiệm về tai nạn thương tâm này. Họ đã phóng hỏa những chiếc xe hơi trên đường. Cảnh sát đã phải dùng hơi cay, vòi rồng và đạn cao su để trấn áp những đám đông quá khích. Các lực lượng đối lập chính ở Bangladesh kêu gọi tổng đình công phản đối trên quy mô cả nước vào ngày 2-5.
Liệu tai nạn công nghiệp tồi tệ nhất trong lịch sử Bangladesh này có đủ sức răn đe để giúp cứu các nạn nhân tương lai? Nước Nam Á này có ngành công nghiệp gia công may mặc xuất khẩu lớn thứ 2 thế giới với kim ngạch xuất khẩu hàng năm tới 20 tỷ USD (tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước là 24 tỷ USD). Hiện có 3,6 triệu công nhân làm trong hơn 4.500 xưởng may gia công. Nhiều xưởng may đặt trong những tòa nhà xây dựng trái phép với chất lượng rất kém. Ở Bangladesh, tiền bạc và quyền lực chính trị luôn là “bạn đồng hành cánh hẫu” của nhau!
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 29-4-2013)
+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.
Mohammed Sohel Rana, chủ tòa nhà xưởng bị bắt.
Một số nạn nhân được cứu thoát hôm 27-4.
Vụ hỏa hoạn tại hiện trường ngày 28-4 làm một nhân viên cứu hộ bị phỏng.
Tới ngày 28-4 vẫn còn nhiều thân nhân chưa tìm được người thân là công nhân của các xưởng may.
Đám đông dân chúng nổi cơn thịnh nộ đòi tính sổ những kẻ chịu trách nhiệm.
Nhân viên cứu hộ chuẩn bị sẵn vải tẩn liệm các nạn nhân xấu số.