Thứ Năm ngày 31 tháng 10 năm 2024

Cô gái Hà Lan bây giờ có vua

130430-new-dutch-king-01 

Sau hơn 100 năm do nữ hoàng trị vì, giờ đây Vương quốc Hà Lan đã có vua. Thái tử Willem-Alexander ngày 30-4-2013 đã được mẫu hậu là Nữ hoàng Beatrix truyền ngôi sau 33 năm trị vì.

Nữ hoàng Beatrix đã kết thúc triều đại của mình trong một lễ ký chiếu chỉ được trực tiếp truyền hình cả nước. Hàng ngàn người mặc trang phục màu cam truyền thống của Hà Lan tụ tập bên ngoài Hoàng cung ở Quảng trường Dam Square của Amsterdam reo mừng sự kiện có vua mới toanh.

130430-new-dutch-king-08

Tân vương Willem-Alexander cầm bàn tay mẹ mình và nhìn vào mắt bà sau khi hai mẹ con cùng ký văn kiện thoái vị. Cựu Nữ hoàng Beatrix có vẻ ngân ngấn lệ khi xuất hiện trên balcony nhìn khoảng 20.000 thần dân của mình đang tụ tập bên dưới. Bà nói: “Tôi hạnh phúc và biết ơn để giới thiệu với các bạn vị vua mới của các bạn: Willem-Alexander.” Đám đông hò reo: “Bea bedankt.” (Cảm ơn Bea). Người Hà Lan trìu mến gọi Nữ hoàng yêu kính của mình là “Bea” từ tên Beatrix của bà.

130430-new-dutch-king-04

130430-new-dutch-king-05

130430-new-dutch-king-09

130430-new-dutch-king-03

Sau đó, trong một biểu tượng nhường ngôi, chuyển giao thế hệ, cựu Nữ hoàng Beatrix rời balcony để Vua Willem-Alexander, Hoàng hậu Maxima và 3 công chúa Catharina-Amalia, Ariane, và Alexia mặc váy màu vàng mang bandeau màu vàng xuất hiện vẫy chào mọi người. Tân vương nói: “Mẹ yêu, hôm nay mẹ từ bỏ ngai vàng. 33 năm hoạt động và đầy hứng khởi. Chúng con vô cùng, vô cùng biết ơn mẹ.”

130430-new-dutch-king-06

Từ hôm nay, cựu Nữ hoàng Beatrix được gọi là Bà hoàng Beatrix (Princess Beatrix).

Willem-Alexander, 46 tuổi, là vị vua Hà Lan đầu tiên kể từ khi vua Willem III băng hà vào năm 1890. Phu nhân sinh trưởng ở Argentina rất được lòng dân trở thành Hoàng hậu Maxima. Công chúa lớn nhất Catharina-Amalia trở thành Công chúa Cam (Princess of Orange) và là người đầu tiên trong danh sách những người có quyền kế vị. (Thú thiệt, tôi không biết gọi chính xác tước vị của cô là gì. Nếu là nam thì là Thái tử – phân biệt với Hoàng tử. Hỗng lẽ nữ lại gọi là… Thái chúa – phân biệt với Công chúa? Tiếng Anh thì rõ ràng Crown Prince và Crown Princess).

Ở Hà Lan, Thái tử có tước hiệu là “Hoàng tử Cam” (Prince of Orange). Ngày 17-4-2013, trong cuộc phỏng vấn cuối cùng trên truyền hình quốc gia NOS và RTL với tư cách Thái tử, nhà vua tương lai Hà Lan Willem-Alexander đề nghị mọi thần dân chớ có gọi ngài là “Đức hoàng thượng” hay thưa bẩm “Tâu bệ hạ” (Majesty). Ngài nói: “Tôi không phải là một người tôn thờ nghi thức. Người dân có thể gọi tôi theo bất cứ cách nào mà họ muốn. Đối với tôi, điều quan trọng là người dân cảm giác thoải mái khi có tôi bên họ.” Trước đó, ngài cũng nói như vậy trong phỏng vấn của đài BBC (Anh). Thậm chí ngài còn cẩn thận nhắc cho mọi người nhớ tên (first name) của mình là Alexander. Báo The Inquisitr (22-4) viết: “Nhà vua tương lai của Hà Lan Willem-Alexander chỉ muốn được là một trong những gã người Hà Lan.” (Willem-Alexander just wants to be one of the guys). Trong 33 năm làm Nữ hoàng, mẹ ngài được người dân yêu kính tới mức không gọi bà với tên đầy đủ là Beatrix mà trìu mến gọi là “Bea”. Quả là một vương quốc “open” cực kỳ thoáng, thoáng từ ngai vàng xuống tận ghế đẩu.

Dự lễ đăng quang có khách mời từ 18 nước, trong đó có Thái tử Anh Charles và phu nhân Camilla, Thái tử Nhật Bản Naruhito và phu nhân Masako. Thái tử Charles là thái tử lâu đời nhất thế giới – bởi Nữ hoàng Anh Elizabeth II lên ngôi từ năm 1952 ở miết tới giờ. Ông từng dự lễ đăng quang của Nữ hoàng Beatrix hồi năm 1980. Hỗng hiểu sau khi từ Hà Lan về ngài có lăn tăn, nhất là khi năm nay đã 64 tuổi rồi mà vẫn chưa được thăng chức!

Phu quân của bà Hoàng Beatrix là Quận công Claus đã qua đời hồi năm 2002. Năm ngoái, Hoàng tử Út Friso gặp tai nạn tuyết lở trong khi trượt tuyết ở Áo đã bị tổn thương não nghiêm trọng, hiện giờ vẫn trong tình trạng gần như hôn mê.

Để bảo đảm an ninh tối đa, bầu trời thủ đô Amsterdam bị đóng cửa 3 ngày, từ thứ Hai 29-4. Cảnh sát Hà Lan với sự trợ giúp của các nhân viên an ninh Đức với chó nghiệp vụ đã lùng sục khắp quảng trường Dam để tìm bom.

Giới quan sát quốc tế cho rằng dù không còn tại vị, bà Hoàng Beatrix vẫn còn đóng một vai trò quan trọng ở Hà Lan. Trước nay bà được coi là một nhân tố ổn định ở đất nước ngày càng có đông đảo người nhập cư, chủ yếu là người Hồi giáo đến từ Bắc Phi. Hà Lan trước nay có uy tín là một trong những nước có lòng nhân hậu nhất thế giới (the world’s most tolerant nations).

Đất nước hoa Tulip với gần 17 triệu dân này vốn có truyền thống thương mại đã phải vất vả vật lộn suốt cuộc suy thoái kinh tế kéo dài do ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế châu Âu. Người dân Hà Lan hy vọng nhà vua mới sẽ đem lại cho họ một làn sinh khí mới. Tôi thì mong rằng Cô gái Hà Lan (Dutch Lady) sẽ tiếp tục cung cấp cho toàn cầu những dòng sữa tốt lành, bổ dưỡng có hương hoa Tulip. Trước nay tôi vẫn ghiền sữa Cô gái Hà Lan! Thiệt mà!

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 30-4-2013)

+ PHOTO: Lễ thoái vị của Nữ hoàng Beatrix và lễ đăng quang của nhà vua Willem-Alexander tại Amsterdam (Hà Lan) ngày 30-4-2013. (Nguồn ảnh: Internet. Thanks.)

130430-new-dutch-king-07

130430-new-dutch-king-02

VIDEO CLIPS:

Willem Alexander becomes Dutch king after Beatrix abdicates

Amsterdam prepares to crown Dutch King Willem-Alexander

BBC News – Don’t call me Majesty, says future Dutch King