Thứ Tư ngày 22 tháng 1 năm 2025

Hơn 500 nạn nhân chết mà vẫn chưa phải là “nghiêm trọng” sao?

130502-bangladesh-building-collapse-07 

THẢM KỊCH SẬP NHÀ XƯỞNG BANGLADESH:

Khi những cỗ máy xúc hạng nặng kéo lên những tảng bêtông, những mảng tường lộ ra những tầng dưới cùng của tòa nhà xưởng may 8 tầng Rana Plaza ở Bangladesh, hy vọng tìm được xác người thân bị mất tích của hàng trăm gia đình càng lúc càng vỡ tan. Tối hôm qua (2-5-2013), cảnh sát vẫn cho biết còn 149 người trong danh sách mất tích. Cũng tính tới tối 2-5, số nạn nhân chết chính thức được xác nhận đã tăng lên 433 người. Và theo hãng tin Anh Reuters công bố hồi đầu giờ chiều 3-5, số người chết đã lên tới 501 người.

Cảnh sát trong ngày 3-5 cũng đã bắt giữ kỹ sư Adbur Razzak Khan, người mà ngày 23-4 đã cảnh báo rằng tòa nhà 8 tầng tại Savar (bên ngoài thủ đô Dhakar chừng 20 dặm) này không an toàn. Hôm đó, sau khi phát hiện những vết nứt trên các cây cột bêtông của tòa nhà, chủ nhân tòa nhà đã gọi kỹ sư Razzak tới xem xét. Nhưng bất chấp những lời khuyến cáo của anh, Mohammed Sohel Rana, chủ tòa nhà vẫn báo cho các chủ hãng có xưởng may trong tòa nhà biết là “vẫn an toàn, cứ hoạt động bình thường”. Hậu quả là khoảng 9 giờ sáng 24-4, sau khi hơn 3.000 công nhân của 5 xưởng may gia công vào làm việc được gần 60 phút, cả tòa nhà đột ngột sập đổ. Cảnh sát cho biết họ bắt kỹ sư Razzak vì anh ta có tham gia việc xây dựng tòa nhà này. Khan là một cố vấn cho chủ tòa nhà khi nó được xây quá giấy phép tới 3 tầng. Như vậy cho tới nay có 9 người đã bị bắt vì vụ tai nạn công nghiệp thảm khốc nhất trong lịch sử Bangladesh này, trong đó có Rana, cha hắn ta, 4 chủ hãng, 2 kỹ sư,…Thị trưởng thành phố Savar cũng đã bị đình chỉ công tác vì phê duyệt công trình xây dựng này.

Có tới 3,6 triệu công nhân lao động trong khoảng 4.500 xưởng may trong ngành công nghiệp may gia công hàng xuất khẩu lớn thứ 2 thế giới (sau Trung Quốc) của Bangladesh. Đây là tai nạn xưởng may mặc xuất khẩu gây chết người thứ ba trong vòng 6 tháng qua. Nó làm người ta lo ngại về sự an toàn của công nhân và các điều kiện lao động ở nước này. Các tổ chức nhân quyền nói rằng ở nước này chưa bao giờ xảy ra trường hợp một chủ xí nghiệp bị truy tố về cái chết của các công nhân gặp tai nạn trong nhà máy.

5 xưởng may trong tòa nhà Rana Plaza đang gia công cho các hệ thống bán lẻ ở Canada và châu Âu. Phản ứng của các khách hàng phương Tây tuy có khác nhau nhưng thể hiện tinh thần trách nhiệm của mình, đặc biệt là không muốn bị “chết chùm” với Bangladesh. Hồi tháng 3-2013, Công ty Walt Disney Co đã tuyên bố không gia công các sản phẩm mang thương hiệu của mình ở 5 nước, trong đó có Bangladesh, nhằm bảo đảm các sản phẩm được sản xuất trong điều kiện an toàn. Công ty Loblaw Cos Ltd gia công tại một xưởng may trong tòa nhà Rana Plaza để may quần áo cho dòng sản phẩm giá rẻ “Joe Fresh” cho biết vẫn tiếp tục gia công ở Bangladesh vì quan niệm các hãng xưởng hoạt động tốt có thể giúp người dân các nước đang phát triển thoát khỏi cảnh nghèo. Công ty này hứa hình thành một quỹ cứu trợ cho các nạn nhân và bổ sung thêm tiêu chuẩn nhà xưởng vào điều kiện ký kết với các nhà cung cấp. Những khách hàng khác hiện đang hay từng gia công tại các xưởng may trong tòa nhà Rana Plaza, như Primark và Matalan của Anh, Mango của Tây Ban Nha và Benetton của Ý cũng hứa sẽ bồi thường cho các nạn nhân.

Mainuddin Khandkar, người đứng đầu ủy ban điều tra của chính quyền về thảm họa này, ngày 3-5 nói rằng toàn bộ các vật liệu xây dựng tòa nhà đều không đủ chuẩn, không phù hợp dùng cho việc xây dựng một nhà xưởng trang bị các máy móc của ngành may mặc. Khoảng 15 phút trước khi đổ sập, tòa nhà bị cúp điện. Các máy phát điện lớn đã được chạy làm tòa nhà đang bị nứt hôm trước thêm rung động mạnh.

Trong khi nữ Thủ tướng Sheikh Hasina của Bangladesh đang vất vả xoa dịu dân chúng trong nước và trấn an cộng đồng quốc tế, Bộ trưởng Tài chính Abul Maal Abdul Muhith ngày 3-5 trong chuyến thăm thủ đô New Dehli (Ấn Độ) đã gây tranh cãi khi tìm cách giảm nhẹ ảnh hưởng của thảm kịch Rana Plaza đối với ngành công nghiệp gia công may mặc xuất khẩu của nước mình. Chỉ vái giờ sau khi lực lượng cứu hộ tìm thấy xác công nhân thứ 500, cái ông bộ trưởng này lại tuyên bố: “Tôi không nghĩ vụ này thật sự nghiêm trọng – nó là một tai nạn. Nó xảy ra mọi nơi.” (I don’t think it is really serious — it’s an accident. It happens everywhere.” Ông này nói thêm: “Các bước mà chúng tôi tiến hành để bảo đảm điều này không xảy ra, chúng khá là công phu và tôi tin rằng nó sẽ được tất cả đánh giá đúng.”

Thú thiệt là tôi không rõ cái ngài Bộ trưởng Tài chính Muhith có bị ma ứng quỷ nhập không mà lại đi tuyên bố như vậy giữa lúc tình hình quá nhạy cảm như vầy. Cần bao nhiêu người chết nữa thì đây mới là một “thảm họa nghiêm trọng”? Chẳng lẽ một vụ tai nạn công nghiệp được đánh giá là thảm khốc nhất trong lịch sử Bangladesh như thế này vẫn chỉ là một “tai nạn chưa nghiêm trọng”? Phải chăng là bộ trưởng tài chính, tiêu chí để đánh bất cứ sự việc gì đều dựa vào tiền bạc? Tội nghiệp cho những người lao động Bangladesh, một khi vẫn còn có nhưng quan chức cao cấp chính phủ có quan niệm như vậy thì họ sẽ phải tự giữ lấy thân mình khi bán mạng kiếm sống!

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 3-5-2013)

+ PHOTO: Trong những ảnh chụp ngày 3-5-2013 này, bạn sẽ thấy những phụ nữ khóc thảm thiết khi vừa tìm được xác người thân từ trong đống đổ nát. Một bà mẹ vẫn chưa tìm thấy xác con trai. Một người chị chưa tìm được em gái. Những người phụ nữ không sợ mùi hôi nồng nặc của tử thi đang phân hủy sau gần 10 ngày xảy ra tai nạn để tìm coi có phải là người thân của mình không. Những phụ nữ sống sót bị cắt cụt chân. Cô bé công nhân 16 tuổi Anna bị cắt một cánh tay sau khi bị mắc kẹt 3 ngày trong đống đổ nát. Cô bé đang được mẹ chải đầu trong bệnh viện. Chiếc quần jeans trong ảnh được gia công tại một xưởng may ở đây. (Nguồn ảnh: Internet. Thanks.)

130503-bangladesh-building-collapse-11 130503-bangladesh-building-collapse-10 130503-bangladesh-building-collapse-09 130503-bangladesh-building-collapse-08 130503-bangladesh-building-collapse-07 130503-bangladesh-building-collapse-06 130503-bangladesh-building-collapse-05 130503-bangladesh-building-collapse-04 130503-bangladesh-building-collapse-03

130503-bangladesh-building-collapse-02

130503-bangladesh-building-collapse-01 130502-bangladesh-building-collapse-09-anna-16years-02

Cô bé công nhân 16 tuổi Anna bị cắt một cánh tay sau khi bị mắc kẹt 3 ngày trong đống đổ nát. Cô bé đang được mẹ chải đầu trong bệnh viện.

130502-bangladesh-building-collapse-09-anna-16years-01 130502-bangladesh-building-collapse-08

Những phụ nữ sống sót bị cắt cụt chân.

130502-bangladesh-building-collapse-07 130502-bangladesh-building-collapse-06 130502-bangladesh-building-collapse-05

Chiếc quần jeans trong ảnh được gia công tại một xưởng may ở đây.

130502-bangladesh-building-collapse-04 130502-bangladesh-building-collapse-03 130502-bangladesh-building-collapse-02 130502-bangladesh-building-collapse-01