Chủ nhật ngày 22 tháng 12 năm 2024

Buồn tình ra Hà Nội… ngủ

130610-phphuoc-hanoi-003-1024

Đi Mỹ về, chưa hết chập cheng vì cái đồng hồ sinh học bị khô nhớt, ngủ ở Saigon chưa đã, tôi bèn quảy bị ra Hà Nội… ngủ tiếp.

Sáng nay (10-6-2013) do “máy bay về trễ” (thông báo nói như vậy) nên chuyến bay Vietnam Airlines VN 232 từ Saigon đi Hà Nội bị delay đúng… 10 phút. Tội nghiệp, chỉ muộn có bi nhiêu mà VNA cũng phát loa thông báo và xin lỗi hành khách. Tôi giựt cả mình, hỗng lẽ mình mới đi xa có 3 tuần về mà “Delay Airlines” đã cải thiện vượt bậc như vầy sao? Thiệt ra bi giờ, chuyện delay không còn là độc quyền của VNA nữa, hãng hàng không VN nào cũng thi đua delay coi ai là “vô địch quốc gia”. Sang Mỹ thấy các hãng hàng không giá rẻ delay thấy mà thương!

Dạo này thấy VNA coi mòi tính toán hơn, bữa ăn thường chỉ còn một chiếc bánh mì kẹp thịt nguội và một ly nước, không phải bữa nào cũng cơm mì đình huỳnh như xưa. Nếu hãng hàng không biết tính chi li, tiết kiệm được những khoản chi không cần thiết để khỏi tăng giá vé (hay chỉ tăng ít thôi) thì may phước cho hành khách. Còn nếu cắt giảm đủ thứ để cho hãng thêm lời thì tệ hơn vợ thằng Đậu. Hy vọng VNA hỗng có vậy hén!

Có lẽ VNA cũng nên bỏ luôn cái khoản cung cấp báo cho hành khách. Bây giờ ngày càng nhiều hãng hàng không quốc tế bỏ vụ cung cấp báo một cách lãng phí rồi. Mấy chuyến đi Mỹ vừa qua, tôi thấy hãng American Airlines và Japan Airlines cũng đã tề bớt cái khoản báo bung này. Nhiều khách sạn ở Mỹ và Singapore bây giờ cũng không còn sáng sáng treo báo mới trước cửa từng phòng ngủ nữa, mà để báo tại lobby, ai có nhu cầu thì lấy đọc, không còn bị ép đọc nữa.

Ý ủa, đang nói chuyện ra Hà Nội ngủ mà.

Máy bay hạ cánh xuống sân bay Nội Bài đúng 11 giờ, sau 1g45ph bay bằng máy bay Airbus A-321. Nhiệt độ bên ngoài 25 độ C nhờ mới có một trận mưa lênh láng đường sá. Mưa lắc rắc suốt cả buổi trưa. Sau khi mần tô bún mọc giá 25.000 đồng trên đường Hai Bà Trưng mà không được cho uống nước, tôi bèn lơn tơn đi kiếm quán nước. Ở Hà Nội lâu nay vẫn có một cái liên minh: bên ngoài quán ăn, tiệm cơm là những xô, những mâm hàng nước bán nước trà, nước ngọt cho khách ăn. Phàm thì là mà rằng có ai ăn lại không uống đâu! Có một đặc sản Hà Nội mà Saigon chớ hề có: đi dọc theo những con phố thỉnh thoảng khách thấy có những ông cụ bà cụ bày những chiếc ấm nước để bán nước trà nóng. Người ta gọi là “bán chè” (nước chè) – coi chừng bị hố vì tưởng là họ bán chè đậu xanh, chè đậu đỏ như ở trong Nam à nghen. Tôi nhớ hồi trước còn mần ở báo Long An, có anh bạn đồng nghiệp đi học đại học báo chí ở Hà Nội. Thời đó kham khổ, thiếu thốn đủ thứ nên thèm đủ thứ, trong đó có thèm ngọt, thèm đường. Bữa nọ được một anh bạn chung khóa là dân Hà Nội “mời đi xơi chè”, anh ta mừng húm. Ai dè anh bạn kia kéo tới một chỗ bán nước trà trên đường gọi cho mấy bát nước chè xanh, nước vối uống óc ách bụng luôn!

130610-phphuoc-hanoi-001-1024

Tôi tạt vô một quán cà phê trông bảnh tỏn ở góc đường Bà Triệu – Tràng Thi ngó ra Hồ Gươm kêu một lon “bò cụng” có đá giá 25.000 đồng. Quán nhỏ xíu, chỉ đủ chỗ cho 14 chiếc ghế nhỏ, không mở máy lạnh, nóng bức vô cùng. Có lẽ nhờ vậy mà uống “bò cụng đá” thấy phê chi lạ! Dạo này có dịch vụ xe điện nho nhỏ như xe lam chở khách tham quan quanh Hồ Gươm.

Hồi sáng, một cô bạn đồng hành trên máy bay là dân Hà Nội vừa từ Saigon ra nói với tôi: “Anh ở Saigon ra Hà Nội sẽ buồn chết được, phố xá nho nhỏ, cũ kỹ, nhếch nhác, xô bồ chứ không như ở Saigon đâu.” Dân Hà Thành đã nói như vậy thì mình biết vậy thôi!

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Hà Nội 10-6-2013)

 + PHOTO: Góc phố Bà Triệu – Tràng Thi. Phía sau là Hồ Gươm.