Thứ Hai ngày 23 tháng 12 năm 2024

Tổng thống Hồi giáo Morsi đã bị quân đội Ai Cập phế truất

130704-egypt-president-morsi-ousted-02

Tối 3-7-2013, quân đội Ai Cập đã phế truất ông Mohammed Morsi, tổng thống được bầu một cách dân chủ đầu tiên của nước này, chỉ sau một năm cầm quyền. Họ đã tạm đình chỉ hiến pháp, thành lập một chính quyền dân chủ tạm thời và kêu gọi tổng tuyển cử mới. Tổng thống của phe Hồi giáo đã tuyên bố đây là “một cuộc đảo chính hoàn toàn” của quân đội.

Sau khi Tướng Abdel-Fattah el-Sissi, Bộ trưởng Quốc phòng kiêm tổng tư lệnh quân đội, tuyên bố trên truyền hình lúc 9g20ph tối, hàng triệu người biểu tình chống Tổng thống Morsi tại các thành phố khắp cả nước đã reo hò mừng vui hô vang “Thượng đế vĩ đại” và “Ai Cập muôn năm”. Pháo hoa đã bừng nở phía trên đám đông đang nhảy múa và vẫy cờ tại Quảng trường Tahrir ở thủ đô Cairo, trung tâm điểm của cuộc nổi dậy năm 2011 trong làn sóng cách mạng dân chủ Mùa Xuân Arập với kết quả đã đánh đổ được Tổng thống độc tài Hosni Mubarak sau 30 năm cầm quyền (1981-2011).

Tổng thống Morsi và đảng Huynh đệ Hồi giáo (Muslim Brotherhood, MB) của ông dường như quá chủ quan, không biết mình là ai và coi thường sức mạnh của quần chúng ở một đất nước cách đây chưa lâu đã làm cách mạng lịch sử đánh đổ cả một chế độ cầm quyền bị coi là độc tài để bầu ông lên cầm quyền.

Trở thành Tổng thống Ai Cập hồi tháng 6-2012 chỉ với 51,73% số phiếu bầu, ông Morsi đã chỉ hưởng được tuần trăng mật ngắn ngủi với cử tri. Lực lượng đối lập tố cáo ông Morsi và phong trào MB đã lợi dụng chiến thắng trong bầu cử để thâu tóm và độc chiếm quyền lực, loại bỏ các đối thủ chính trị và mưu toan thông qua một hiến pháp mới biến Ai Cập thành một nhà nước Hồi giáo. Họ nói rằng: sau khi đắc cử, Tổng thống Morsi tập trung vào việc thực hiện các mưu toan chính trị này mà ít quan tâm tới các vấn đề quốc kế dân sinh, vực dậy nền kinh tế và ổn định tình hình an ninh.

Giới quan sát quốc tế cho rằng bừng tỉnh dậy sau cơn phấn khích từ cái không khí của những ngày cách mạng Mùa Xuân Arập, người dân Ai Cập giờ đây có vẻ hối hận khi đã dồn phiếu cho phong trào Hồi giáo cứng rắn MB của ông Morsi. Đó là lý do khiến Ai Cập rơi vào bất ổn suốt từ đó tới nay.

Làn sóng bạo lực chính trị ở Ai Cập giữa Tổng thống Morsi và phong trào MB của ông với những người dân phản đối bùng nổ từ ngày 24-1-2013 và leo thang nguy hiểm. Ngày 29-1, Tư lệnh quân đội el-Sissi đã lần đầu tiên cảnh báo rằng nhà nước Ai Cập có thế sụp đổ dưới sức nặng của tình trạng rối loạn hiện nay.

Trong những ngày gần đây, để đối đầu với lực lượng chống đối đông hàng triệu người, hàng vạn người Hồi giáo ủng hộ ông Morsi đã xuống đường thề sẽ chiến đấu tới cùng. Và quân đội đã ra tay.

Ngay sau khi quân đội ra tuyên bố phế truất Tổng thống Morsi, tài khoản mạng xã hội Twitter của Phủ Tổng thống, đã trích dẫn lời của ông Morsi nói rằng: các biện pháp của quân đội “thể hiện một cuộc đảo chính hoàn toàn mà dứt khoát bị bác bỏ bởi tất cả những người đàn ông tự do của đất nước chúng ta”.

Quân đội Ai Cập từng đứng ra trực tiếp cầm quyền ở Ai Cập suốt gần 17 tháng sau khi Tổng thống Mubarak bị phế truất. Bây giờ, họ khẳng định mình không hề làm đảo chính mà chỉ hành động theo ý chí của nhân dân để dọn đường cho một bộ máy lãnh đạo mới. Trong tuyên bố của mình, Tướng el-Sissi cho biết Chánh án Tòa án Hiến pháp Tối cao sẽ làm tổng thống tạm quyền cho tới khi tổ chức xong bầu cử. Ông này sẽ tuyên thệ trước các thẩm phán của tòa án hiến pháp. Một chính quyền của các nhà kỹ trị (technocrat) sẽ được thành lập với đầy đủ quyền hành để điều hành đất nước.

Hiến pháp bị quân đội tạm đình chỉ này chính là bản vừa được các đồng minh Hồi giáo của Tổng thống Morsi soạn thảo và bị phe đối lập chỉ trích là muốn Hồi giáo hóa đất nước này, cũng như thâu tóm quyền hành vào phong trào Hồi giáo MB. Ngay sau khi quân đội ra tuyên bố, kênh truyền hình của phong trào MB đã ngừng hoạt động.

Không lâu trước thời điểm 9g20ph đêm, quân đội Ai Cập đã triển khai quân, lính biệt kích và xe bọc thép tại các thành phố trên cả nước. Tại thủ đô Cairo, họ đóng quân tại các cây cầu trên sông Nile và các giao lộ chính. Họ cũng bao vây các đám đông tuần hành của những người ủng hộ ông Morsi. Ông Morsi và các nhân vật chóp bu của phong trào MB, bao gồm thủ lĩnh Mohammed Badie và phụ tá đầy quyền lực Khairat el-Shater đã bị cấm đi lại. Có tin nói rằng quân đội đã ban hành lệnh bắt giữ 300 thành viên thuộc đảng MB.

Có ít nhất 39 người đã bị giết chết trong các cuộc xô xát từ Chủ nhật 30-6. Các cuộc chiến tại thành phố Kafr el-Sheikh ở châu thổ sông Nile hôm 3-7 đã làm ít nhất 200 người bị thương. Ngày 1-7, quân đội đã ra tối hậu thư cho Tổng thống Morsi thời gian 48 tiếng đồng hồ để tìm một giải pháp cứu vãn tình hình bất ổn chính trị đang leo thang ngày càng nguy hiểm. Nhưng mọi nỗ lực thương thảo gần như bất khả thi. Ngay trong ngày 3-7, trước khi ra tuyên bố phế truất Tổng thống Morsi, Tướng tư lệnh quân đội el-Sissi đã gặp gỡ Mohammed ElBaradei, thủ lĩnh ủng hộ cải tổ; Al-Azhar Sheik Ahmed el-Tayeb, giáo sĩ Hồi giáo tối cao của Ai Cập, và  Tawadros II, Giáo chủ Chính thống giáo Coptic; cũng như các đại biểu thanh niên và một số thành viên của các phong trào Salafi cực kỳ bảo thủ.

Đây là lần thứ hai quân đội Ai Cập nhúng tay vào chính trị trong vòng 2 năm rưỡi đầy bất ổn chính trị ở đất nước Arập liên lục địa Đông Bắc châu Phi và Tây Nam châu Á này. Cả hai lần, họ đều phế truất 2 vị tổng thống đương nhiệm.

Liệu lực lượng Hồi giáo cứng rắn của ông Morsi có chịu thúc thủ trước sức mạnh của quân đội? Vấn đề là liệu người dân Ai Cập đã rút được kinh nghiệm từ lần thực thi quyền dân chủ đầu tiên thất bại của mình không?

Washington đã lập tức có phản ứng trước tình hình mới ở Ai Cập. Sau cuộc họp với các cố vấn an ninh quốc gia ngay sau khi quân đội Ai Cập phế truất Tổng thống Morsi, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đưa ra một tuyên bố được viết cho biết Mỹ không đứng về phe nào ở Ai Cập. Ông nói: “Mỹ đang quan sát mọi diễn biến tình hình ở Ai Cập và chúng tôi tin rằng cuối cùng thì tương lai của Ai Cập chỉ có thể được quyết định bởi chính nhân dân Ai Cập. Tuy nhiên, chúng tôi quan ngại sâu sắc về quyết định của các lực lượng vũ trang Ai Cập phế truất Tổng thống Morsi và đình chỉ hiến pháp Ai Cập.”

Nếu như rõ ràng quân đội Ai Cập làm đảo chính quân sự, Washington sẽ phải cắt khoản viện trợ quân sự trị giá 1,3 tỷ USD mà Ngoại trưởng John Kerry đã lặng lẽ thông qua hồi tháng 5-2013 cho Ai Cập mặc dù nước này không đáp ứng các tiêu chuẩn về dân chủ do Quốc hội Mỹ đề ra. Theo luật của Mỹ, hầu hết các khoản viện trợ của Mỹ sẽ bị cắt đối với bất cứ chính quyền nước nào mà vị nguyên thủ được bầu một cách hợp pháp bị quân đội phế truất bởi đảo chính hay mệnh lệnh.

Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF cũng cho biết đang cân nhắc liệu có làm mới các cuộc thương thảo về các chương trình vay nợ trị giá 4,8 tỷ USD cho Ai Cập hay không. Theo truyền thống, thể chế tiền tệ quốc tế đóng tại Washington này không giao dịch với các nước đang có rối ren chính trị nghiêm trọng.

Áp lực đối với quân đội Ai Cập cả từ bên trong lẫn từ bên ngoài quả là cực kỳ nặng nề. Câu hỏi mới là liệu họ xử lý tình hình này ra sao để cuộc khủng hoảng chínn trị ở nước này không nguy kịch thêm và nhân dân của họ không bị tổn hại?

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 4-7-2013)

+ PHOTO: Trong khi lực lượng chống Tổng thống Mohammed Morsi ăn mừng chiến thắng, phe Hồi giáo ủng hộ ông giận dữ. Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

130704-egypt-president-morsi-ousted-01

130704-egypt-president-morsi-ousted-03

130704-egypt-president-morsi-ousted-04

130704-egypt-president-morsi-ousted-05

130704-egypt-president-morsi-ousted-06

130704-egypt-president-morsi-ousted-07

130704-egypt-president-morsi-ousted-08

130704-egypt-president-morsi-ousted-09

130704-egypt-president-morsi-ousted-10

130704-egypt-president-morsi-ousted-12

130704-egypt-president-morsi-ousted-13

130704-egypt-president-morsi-ousted-15

130704-egypt-president-morsi-ousted-16

130704-egypt-president-morsi-supporters-11

Những người ủng hộ Tổng thống Morsi giận dữ…

130704-egypt-president-morsi-supporters-14

… và chỉ còn biết cầu nguyện.

VIDEO CLIPS: