Người ta chết vì vũ khí hóa học như thế này…
Thiệt tình là tôi chớ hề muốn làm khiếp đảm ai, nhưng đây là những hình ảnh người thiệt, việc thiệt về một tội ác thuộc loại trời không dung, đất không tha. Liệu ai dù chỉ còn một xíu xiu lương tri và lương tâm có thể dửng dưng khi nhìn thấy cảnh hàng trăm thi thể người dân Syria, có cả người già và trẻ em, người may mắn thì được quấn trong tấm vải liệm trắng, kẻ bất hạnh thì phong phanh tấm áo manh quần nằm sắp lớp trên mặt đất chờ chôn tập thể.
Họ là những nạn nhân của một vụ tấn công bằng chất độc hóa học xảy ra ngày 21-8-2013 ngay ở ngoại ô thủ đô Damascus. Tổ chức Thầy thuốc không biên giới (DWB) nói rằng có 355 người đã chết với những triệu chứng “nhiễm độc thần kinh” từ vụ tấn công này. Trong khi đó, các nhà hoạt động nhân quyền và phe đối lập ở Sya cho biết có từ 322 tới 1.300 người đã chết trong vụ tấn công này.
Do nhiều ngày trước đó các thanh sát viên Liên hiệp quốc bị phía chính quyền Syria ngăn cản, ngày 24-8, đích thân bà Angela Kane, Cao ủy LHQ về giải trừ quân bị, đã phải bay tới Damascus để thúc ép chính quyền Syria cho phép các chuyên gia LHQ tới điều tra các nơi xảy ra các vụ tấn công bị tình nghi là bằng chất độc hóa học. Sau khi được phép, một toán thanh sát viên LHQ ngày 26-8 đã tới khu ngoại ô Moadamiyeh để kiểm tra thực địa và tiếp xúc với các nạn nhân còn sống sót của vụ tấn công. Đây là một trong nhiều quận ngoại vi thủ đô đang nằm trong tay quân nổi dậy. Khi đang chạy vào khu vực đệm giữa các vùng do hai bên kiểm soát tại Moadamiyeh, toán thanh sát viên LHQ đã bị những tay bắn tỉa bắn nhiều phát vào một chiếc xe khiến họ phải quay trở lại một chốt kiểm soát của quân đội đổi xe rồi sau đó tiến vào khu vực do quân nổi dậy kiểm soát. Chính phủ Syria chỉ bảo đảm an ninh cho các thanh sát viên trong khu vực do họ kiểm soát. Liên minh Dân tộc Syria (SNC) – lực lượng đối lập chính của Syria đang lưu vong nói rằng nhóm dân quân thân chính phủ Popular Committees đã bắn để ngăn không cho các thanh sát viên vào khu vực để điều tra. Phía đối lập nói rằng các thanh sát viên LHQ đã tới trễ 6 ngày, chứng cứ không còn gì, những người chết vì chất độc đã được chôn cất. LHQ cho biết các chuyên gia đã thu thập được một số mẫu vật.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định rằng vũ khí hóa học đã được sử dụng ở Syria và ông tố cáo rằng chính phủ Assad đang tìm cách phá hủy các chứng cứ. Nhưng ông Kerry cho biết Mỹ đã có thêm những thông tin về vụ tấn công này và sẽ sớm công bố chúng. Cho tới nay, Ngoại trưởng Kerry là quan chức cao cấp nhất của Mỹ khẳng định về cuộc tấn công chấn động này. Ông tuyên bố: “Việc thảm sát bừa bãi dân thường, việc giết hại phụ nữ, trẻ em và những người vô tội bằng vũ khí hóa học là một sự thách thức đạo đức. Cho dù xét với bất cứ chuẩn mực nào, nó là không thể tha thứ được và không thể bác bỏ được. Việc vi phạm quy định quốc tế này phải nhận hậu quả.”
Tổng thống Assad đã bác bỏ cáo buộc phía ông đã thực hiện vụ tấn công này và đổ lỗi cho quân nổi dậy. Để chứng minh sự vô can của mình, ông đã cho phép các chuyên gia LHQ vào Syria điều tra. Mỹ thì nói rằng sau nhiều ngày lần lữa, việc cho phép này đã quá trễ, vì người ta đã có đủ thời gian để phi tang các chứng cớ.
Trước nay cả hai bên quân đội và quân nổi dậy đều tố cáo lẫn nhau đã sử dụng vũ khí hóa học. Hồi tháng 2-2013, các chuyên gia quốc tế đã tiến hành điều tra về những cáo buộc quân nổi dậy sử dụng vũ khi hóa học. Tuy nhiên kết quả vẫn chưa có được. Rõ ràng một cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học đã xảy ra ngày 21-8. Vấn đề chỉ còn ở chỗ ai là thủ phạm? Nếu lần này, các thanh sát viên LHQ xác nhận vụ tấn công bằng vũ khí hóa học này do binh lính của Tổng thống Assad gây ra, tình thế của chính phủ Syria sẽ cực kỳ nguy hiểm. Phương Tây, mà chủ yếu là bộ tam sên Mỹ, Anh và Pháp, sẽ có cớ để can thiệp vào Syria. Hoặc họ sẽ trực tiếp dùng vũ lực như trong vụ loại bỏ Tổng thống Saddam Hussein của Iraq năm 2003, hoặc họ sẽ hỗ trợ quân sự cho lực lưộng nổi dậy trong nước ra tay như từng làm với Tổng thống Muammar Gaddafi của Libya năm 2011.
Kênh truyền hình thời sự CNN (Mỹ) ngày 22-3-2013 cho biết: giới chuyên gia quân sự tin rằng chính phủ Syria có thể sở hữu một trong những kho vũ khí hóa học lớn nhất thế giới. Có tin nói rằng kho vũ khí giết người hàng loạt này do quân đội Syria quản lý.
LHQ cho biết hơn 100.000 người đã bị giết chết trong cuộc nổi dậy biến thành nội chiến ở Syria từ tháng 3-2011 tới nay.
Có thể nói là giờ đây tâm điểm của mọi sự chú ý tới Syria đều đang nhằm vào Tổng thống Assad. Nếu quả thật lực lượng của ông này đã dùng vũ khí hóa học tấn công dân lành thì Moscow và Bắc Kinh lâu nay vì những lợi ích của mình ở Syria và khu vực luôn dựng tấm khiên bảo vệ cho ông Assad cũng đành ngậm quả bồ hòn làm ngọt. Những người tỉnh táo hơn thì vẫn thắc mắc rằng giữa tình hình cực kỳ nhạy cảm như lâu nay hỗng lẽ lực lượng của ông Assad lại làm cái việc thách thức toàn cầu như vậy? Thêm nữa, với vụ tấn công xảy ra ngay ngoại ô thủ đô, cách đoàn thanh sát viên LHQ không xa, nếu là thủ phạm thì phe ông Assad hoặc quá khờ khạo, hoặc quá ngông cuồng, thách thức.
Từ lâu rất lâu rồi, người ta vẫn luôn cảnh báo nguy cơ của những cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học. Một cuộc chiến tranh hóa học thì khó xảy ra rồi. Nhưng các cuộc tấn công bằng chất độc hóa học thì có khả năng hơn nhiều. Năm 1925, thế giới đã ký Nghị định thư Geneva cấm các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học. Động thái này là hậu quả của thảm họa chất độc hóa học trong Chiến tranh thế giới thứ nhất đã giết chết gần 100.000 người. Tuy nhiên, theo LHQ, từ sau Chiến tranh thế giới thứ nhất tới nay có hơn 1 triệu người đã bị vũ khí hóa học giết chết. Năm 1988, trong cuộc chiến tranh Iran – Iraq, Tổng thống Saddam Hussein của Iraq đã dùng chất độc hóa học thảm sát người Kurd tại thành phố Halabja của người Kurd và chống lại quân đội Iran. Công ước về Vũ khí Hóa học (CWC) đã được thông qua năm 1992 kêu gọi cấm các loại vũ khí hóa học, cho tới nay được 165 nước ký và đã được 65 nước phê chuẩn. Vậy mà chất độc hóa học vẫn bị những đầu óc bệnh hoạn và mất nhân tính sử dụng chống lại con người ở nơi này, nơi nọ. Và nguy cơ tấn công bằng chất độc hóa học vẫn là một trong những thanh gươm Damocles treo lơ lửng trên đầu nhân loại.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 29-8-2013)
Những hình ảnh nạn nhân của vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ngày 21-8-2013 tại Damascus. (Nguồn ảnh: Internet. Thanks.)
VIDEO CLIP:
Video clip về vụ tấn công bằng chất độc hóa học tại Damascus ngày 21-8-2013