Thứ Năm ngày 23 tháng 1 năm 2025

Tôi học nghề cắt cỏ ở Colorado

130914-phphuoc-colorado-009_resize

 

Tôi tới thăm nhà thầy cô Nguyễn Hữu Thành – Huỳnh Kim Thọ ở ngoại ô Denver (Colorado) tối 13-9-2013 và tới ngày 14-9 đã tìm được job mới – phụ ông thầy đi cắt cỏ mướn cho… cô Kim Thọ.

Sau khi 3 thầy trò đi shopping ở siêu thị Costco về, tranh thủ trời còn nắng (sau 4 ngày liền mưa dầm), cỏ tương đối khô, thầy Hữu Thành bèn ký hợp đồng miệng với phu nhân nhận cắt ba vuông cỏ xanh trước và sau nhà.

Theo quy định của hầu hết các địa phương ở Mỹ, nhà nào cũng phải có một cây xanh và thảm cỏ xanh trước nhà.

Trồng cỏ nhưng không được phó mặc cho thiên nhiên. Chủ nhà phải siêng tưới, mỗi năm bón phân 1 hay 2 lần, phun thuốc diệt cỏ dại, và đặc biệt cái công việc khó chịu nhất là phải thường xuyên cắt cỏ cho gọn gàng (hàng xóm mà thấy để cỏ nhếch nhác là họ báo chính quyền địa phương ngay). Ở Colorado thì mùa hè cắt một tuần một lần, mùa thu chừng 2 tuần một lần, mùa đông tuyết phủ thì lo ủi tuyết, dọn tuyết hàng ngày. Cũng theo luật Mỹ, khoảng vỉa hè phía trưóc nhà nào thì nhà đó phải giữ cho sạch tuyết, lỡ người ta đi ngang mà trợt té bị thương thì chủ nhà phải bồi thường.

Ở đây dịch vụ cắt cỏ rất phát đạt. Dân Mễ cạnh tranh với dân Việt. Những ông thầu cắt cỏ hốt bạc. Thợ cắt cỏ được trả công 125-150 USD/ngày. Mỗi chiếc xe van nhỏ chở theo 2-3 người thợ, khi tới nhà người thuê thì người nào việc nấy, người lo trim cỏ ở các gốc cây, rìa vuông cỏ; người đẩy máy cắt cỏ; người hút lá và cỏ khô. Giá dịch vụ tùy theo kích thước thực tế các vuông cỏ. Như ở nhà thầy cô TT Colo, 3 vuông cỏ có phí cắt cỏ 25-30 USD/lần, chỉ làm trong 15 phút là xong.

Chẳng biết thầy Thành deal với cô Thọ công xá ra sao, nhưng phận học trò, vừa phải phụ thầy mình, vừa tò mò muốn thử cho biết, tôi đã nhờ thầy hướng dẫn cho mình cách điều khiển máy cắt cỏ. Vậy là thầy lo tỉa góc, tôi đẩy máy cắt cỏ. Cái khó là tay điều khiển các cần gạt phải nhịp nhàng đồng bộ. Giựt máy nổ xong (máy chạy xăng), đè chiếc nút trên tay cầm để cho dao cắt xoay rồi bóp hai thanh sắt tay cầm đẩy về phía trước cho dao ăn cỏ; sau đó đẩy cần số về trước cho máy đi nhanh chậm tùy nấc. Nếu quen rồi thì người cắt cỏ chỉ việc nương đi theo máy cắt, tới cuối hàng hay chỗ vòng lại thì hơi nhấc đầu máy cắt cho hổng lên trời rồi quay máy. Để bảo đảm cắt đều, không bị lỏi ở khu vực gần hai bên bánh xe, ta cần cắt theo hàng với nửa bánh xe chồng lên nhau. Cỏ cắt được phun vào chiếc túi vải bạt gắn sau máy, khi thấy nặng thì phải dừng lại gỡ túi đó ra đổ cỏ vào chiếc túi nilông màu đen có sẵn dây cột dành đựng rác và cỏ.

Thầy cô TT Colo ngó giò xem cẳng học trò biểu rằng khi nào ở VN bị thất nghiệp, tôi cứ qua đây ở mấy tháng, thầy cô bao chỗ ăn ở và giới thiệu cho đi cắt cỏ kiếm mớ tiền lận lưng. Đại sư huynh An Ngọc Quang ở Oklahoma thì cứ dặn đi dặn lại là có gì qua đây, anh sẽ kêu con anh nhận tôi vào mấy tiệm bán rượu làm công. Nói chung là đại gia đình THKT với tình nghĩa “chỉ có ở Kiến Tường” sẽ không bao giờ bỏ rơi ai trong lúc khốn khó. Tôi thì luôn ấp ủ làm cái nghề đứng kế bên các cô gái Mỹ da trắng để làm vật so sánh cho thấy da họ “trắng gì mà trắng thế”. Mai mốt đi South Dakota, biết đâu có thể trộn da vàng và da đỏ lại thành da cam chói lóa.

Sáng thứ Hai 16-9, cô Kim Thọ bắt đầu cái job “tình bà cháu” của mình. Lâu nay cô giữ con cho 2 cô con gái, một bé trai khoảng 21 tháng, bé trai kia lớn hơn ít tháng. Cô nói mệt lắm, mấy nhỏ siêu quậy (đặc biệt là những trẻ có dòng máu lai), cô lại hơi bị nhiều tuổi, day trở khó khăn, cúi xuống đứng lên dễ đau lưng. Nhưng thương con, yêu cháu quá, biết làm sao.

Ngoài ra, nhờ có cô làm baby-sitter, vợ chồng hai người con của thầy cô vừa an tâm (xưa nay có ai coi cháu bằng bà), vừa tiết kiệm được bộn tiền. Tiền chi phí gởi trẻ tại nhà trẻ chính quy khoảng 75 USD/ngày (trẻ vừa được nuôi giữ, vừa được dạy dỗ). Nếu đưa trẻ tới các bà bảo mẫu (chủ yếu là lớn tuổi) giữ trẻ ở nhà họ, chi phí khoảng 1.000 – 1.400 USD/tháng. Nhưng việc giữ trẻ tại nhà này là tự phát, làm lén. Nếu đăng ký thì sẽ phát sinh nhiều chi phí, thủ tục (như người giữ trẻ phải có giấy phép giữ trẻ – ở Mỹ thường thì mần gì cũng phải có giấy phép). Khi xui xẻo xảy ra sự cố cho trẻ, người giữ trẻ tại gia cầm chắc phải ngồi tù, lâu mau tùy theo mức độ cảm thông của cha mẹ trẻ.

Sắp tới sĩ số “nhà trẻ tại gia” của cô tăng lên 3 nhóc, vì thầy cô mới có thêm một cháu ngoại trai được hơn 3 tháng. Chỉ biết nhắc cô “bảo trọng” và chúc cô “good luck”.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Denver, Colorado 16-9-2013)

130914-phphuoc-colorado-001_resize

Thầy Hữu Thành đang trim cỏ quanh các gốc cây.

130914-phphuoc-colorado-004_resize

130914-phphuoc-colorado-005_resize

130914-phphuoc-colorado-007_resize

130914-phphuoc-colorado-014_resize

Bà chủ Kim Thọ ngồi giám sát hai thợ cắt cỏ nghiệp dư.

130916-phphuoc-colorado-001_resize

 

Job baby-sitter của cô Kim Thọ với nhóc cháu ngoại hơn 21 tháng tuổi.

130916-phphuoc-colorado-003_resize

130916-phphuoc-colorado-004_resize

130916-phphuoc-colorado-005_resize