COLORADO KÝ SỰ 9-2013 #12: Dạo phố Denver
Chủ nhật 22-9-2013 là ngày cuối cùng trong đợt 9 ngày tôi ở thăm thầy cô Nguyễn Hữu Thành – Huỳnh Kim Thọ tại Denver (Colorado). Nửa khuya gà gáy canh ba này, tôi sẽ bay sang Bờ Đông Hoa Kỳ.
Ăn sáng xong, thầy cô Mai Văn Nhãn (từ Texas qua chơi với đồng nghiệp và học trò), thầy cô Thành – Thọ mà tụi tôi gọi là TT Colo (để phân biệt với TT Cali là thầy cô Ngọc Trang – Bích Thủy ở California và TT Saigon là thầy cô Trung Tính – Tuyết Huỳnh ở Saigon), và tôi xoay qua, trở lại trong nhà thầy cô TT Colo chụp những tấm ảnh lưu niệm cho cuộc hội ngộ đầy cơ duyên trời cho tới đâu, hưởng tới đó này.
Thầy cô Mai Văn Nhãn và PHP.
Từ trái: thầy Mai Văn Nhãn, PHP, thầy Nguyễn Hữu Thành.
Sẵn còn chiếc xe Dodge Grand Caravan 7 chỗ đời 2013 có 6 máy, dung tích 3,6 lít, mà thầy Thành thuê đi South Dakota tới chiều mai mới trả, thầy Thành chở mọi người đi chơi downtown Denver, thủ phủ của bang Colorado, cách nhà chừng 40 phút xe.
Denver có nickname là “thành phố cao 1 dặm” (Mile-High city) do nằm trên cao độ đúng 1 mile (5.280 feet hay 1.609,3m) so với mực nước biển.
Thành phố Denver hơn 600.000 dân, nhưng nếu tính luôn khu vực gọi là Denver-Aurora-Broomfield, CO Metropolitan Statistical Area gồm 10 hạt thì có tới hơn 2,6 triệu dân. Còn nếu tính khu Denver-Aurora-Boulder Combined Statistical Area gồm 12 hạt, số dân lên tới hơn 3,1 triệu người. Nếu tính trong vòng bán kính 500 mile (800km), Denver là thành phố đông dân nhất Hoa Kỳ. Nó là thành phố đông dân thứ 3 ở vùng núi miền tây và tây nam Hoa Kỳ, sau Phoenix (Arizona) và El Paso (Texas). Bởi dân Mỹ khoái các con số thống kê nên tôi liệt kê ra cho nó thêm phần… nhiều chuyện.
Được xây dựng hồi tháng 11-1858, khởi đầu là một thị trấn mỏ trong cái thời đổ xô đi tìm vàng Pike’s Peak Gold Rush ở Lãnh thổ Kansas miền Viễn Tây, nên Denver ngày nay vẫn có những tòa nhà, kiến trúc cổ rải rác xen với những tòa nhà hiện đại cao vút.
Thầy Mai Văn Nhãn không ngớt tấm tắc khen là Denver đẹp và hoành tráng hơn thành phố Dallas (Texas) của mình.
Trong khu downtown, thành phố dành hẳn một đoạn dài của đường 16th, đặt tên là đường 16th Mall Street để phân biệt với các phần đường 16th khác, làm đường dành cho người đi bộ. Đoạn đường này không rộng lắm, ở giữa có 2 hàng cây xanh nhỏ, hai bên là hai làn đường vừa dành cho xe đạp, vừa là đường của những chiếc xe buýt Free Mall Ride chạy điện và khí đốt chở khách miễn phí đi dọc từ đầu tới cuối đường 16th Mall này. Hai bên đường san sát những khách sạn, mall, cửa hàng, tiệm ăn bán đồ ăn thức uống và những hàng hóa khác.
Có một nhà hàng Việt Nam tên Phở Vietnamese Grill. Thầy Thành thổ địa nói rằng bán phở ở đây giàu lắm. Nhưng do họ nấu phở để bán cho người Mỹ với cách nêm nếm hợp với người Mỹ nên người Việt mình ăn không thấy giống phở bên nhà. Đã từng nhiều phen trải nghiệm cái vụ này từ châu Á qua châu Âu tới Mỹ, tôi tự rút cho mình cái cảm nhận là ăn phở Việt ở xứ người hỗng “phê” bằng ăn mấy gói mì tôm mang theo từ Việt Nam.
Có những chiếc ghế sắt xếp kê ở làn giữa đường cho khách nghỉ chân ngồi ngắm ông đi qua bà đi lại. Có cả một cây đàn piano cũ kỹ sơn nhiều màu tươi tắn, vẽ hình trang trí cho khách nào muốn trổ tài lướt phím thì xin mời. Tôi cũng ngồi xuống ghế, sửa bộ, tạo dáng để… chụp hình thôi, chớ biết đàn chết liền à!
Cô Huỳnh Kim Thọ.
Đặc biệt trên đường này có 1 tháp chuông đồng hồ cao vút gọi là Daniels & Fisher (D&F) Tower nằm ở góc đường 16th Mall – Arapahoe St. Đây là một phần thuộc cửa hàng bách hóa Daniels & Fisher được xây dựng năm 1910. Tháp đồng hồ 20 tầng cao 325 feet (99m) với những chiếc đồng hồ tròn gắn ở cả 4 mặt. Có 1 cái chuông nặng 2,5 tấn chiếm 2 tầng trên cùng, ngay phía trên tầng quan sát. Kiến trúc sư Frederick Sterner đã thiết kế tháp này mô phỏng tháp The Campanile (St. Mark’s Bell Tower) ở Piazza San Marco của thành phố Venice (Ý). Từ năm 1961, Tháp D&F Tower này đã được đưa vào danh sách đăng ký các di tích lịch sử quốc gia.
Đi lang thang miết thì cũng mỏi cẳng, 5 thầy trò tấp vào quán ăn kem Jamha Juice, chọn những chiếc bàn kê ngay trên vỉa hè để vừa ăn kem, vừa ngắm thiên hạ. Cô Kim Thọ nói rằng có những khi bị stress quá, cô lái xe vào downtown, tới quán này kêu kem hay cà phê ngồi một mình ngó ông đi qua bà đi lại thả những nỗi muộn phiền bay lên ngọn cây cho đầu óc thanh thản trở lại. Theo style người Mỹ, đi ăn uống, phần của ai, người nấy tự trả, vì thế bàn có mấy người thì nhân viên quán phải làm bằng ấy bill tính tiền. Chỉ có cái bàn 5 thầy trò gốc Việt này thì họ tiết kiệm được tới 4 cái bill, do thầy Hữu Thành bao trọn gói!
9 giờ tối, thầy Hữu Thành lái xe chở tôi ra sân bay quốc tế Denver (DEN). Cô Kim Thọ ngủ sớm để có sức ngày mai làm tới 3 job (giữ tới 3 nhóc cháu ngoại, lớn nhất chỉ 28 tháng, nhỏ nhất mới 3 tháng tuổi). Thầy cô Mai Văn Nhãn cũng đi tiễn học trò ra tận sân bay. 4 thầy trò quyến luyến thiệt khó lòng chia tay nhau. Chẳng ai muốn là người quay đi trước. Thầy cô Nhãn cứ nằng nặc đòi phụ tôi kéo hành lý vào check-in xong xuôi mới về. Cuối cùng, với đặc ân dành cho người ra đi, tôi đã quyết liệt nài nỉ ỉ ôi 3 thầy cô lái xe đi trước đi. Khi xe thầy cô khuất vào bóng đêm, tôi mới nặng nề kéo hành lý vào nhà ga. Đâu đó trong tôi như có tiếng hát của ca khúc “Để quên con tim” của Đức Huy với lời đã được thay địa danh “Ngày rời Denver, tôi đã để quên con tim.”
Thầy Hữu Thành, PHP và cô Vân – phu nhân thầy Nhãn.
Thầy cô Mai Văn Nhãn và PHP.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Denver, Colorado 22-9-2013)
Thầy cô Hữu Thành – Kim Thọ.
Cô Kim Thọ và cô Vân.
Downtown Denver.
Thầy cô Mai Văn Nhãn.
Cô Vân và cô Kim Thọ.
Học nghề bán nước giải khát trên đường.
Homeless này cầm bảng đứng bên đường chờ mong lòng hảo tâm của người qua lại.
Còn homeless này kiếm tiền như một nghệ sĩ đường phố.
Riêng homeless này thì theo phái Cái Bang cần có cái giỏ hành nghề.