Chia tay Đà Nẵng mà nhớ lâu…
Chẳng phải là “thường trú nhân” nên dù có nấn níu bi nhiêu cuối cùng tôi cũng phải xách balô lên mà chia tay với Đà Nẵng – thành phố miền trung bên sông Hàn nổi tiếng với nhiều cây cầu mới xây trong những năm gần đây theo đà phát triển của nơi từng được gọi là thủ phủ của miền Trung.
Thấy mà bắt ghét. Bốn bữa tôi ở Đà Nẵng, trời sau trận bão số 11 cứ sập sùi miết, hết mưa thì lại âm u mịt mờ mây khói. Sáng nay, thấy tôi sắp ra về, trời bèn hửng nắng vàng như muốn dụ gã lãng tử giang hồ ở lại. Tới chừng thấy gã quyết “về thì là về”, kiên định lập trường bằng cách chui tọt vào khu cách ly ngồi đồng bên cửa ra máy bay, trời bèn đổ mưa từng chặp, làm ướp mẹp những đôi cánh máy bay và làm loang loáng nước đường bằng – muốn gì đây ta, bộ muốn tôi “bị gì đó” cho bõ ghét hả?
Chuyến bay VN1319 của Vietnam Airlines từ Đà Nẵng đi TP.HCM ghi giờ bay là 17:55. Giờ trả phòng khách sạn là 12:00. Nghĩa là phải chờ tới gần 6 giờ. Hỏi khách sạn cho trả phòng muộn tới 16g (trễ 4 tiếng) nhé. Cô nàng tiếp tân thỏ thẻ rằng: Anh cứ vô tư mà ở lại, nhưng phải trả thêm 40% tiền phòng nhé. Vậy là ra sân bay ngồi chờ cho nó an lành cái hầu bao thời kinh tế suy thoái. Khoản tiền phải trả thêm đó để dùng cho chuyện lèn chặt cái bao tử mà bồi bổ tấm thân hao gầy còn hợp tình hợp lý hơn.
Thấy còn sớm nên tôi nhờ bác tài xe ôm chở ra đường Hải Phòng, đối diện bệnh viện C Đà Nẵng, để ghé tiệm Bà Đệ mua ít tré đặc sản. Bị hoa mắt với mấy cái tiệm cùng treo biển “Tré Bà Đệ – đặc sản Đà Nẵng”. Hỏi ông chạy xe ôm, người Hội An lấy vợ Đà Nẵng ở đây hơn 30 năm rồi, ông cũng bó tay. Thôi đành vô tiệm đầu tiên tên Thanh Bình có ghi là “đặc sản chính hiệu – con gái Bà Đệ” ở số 77 Hải Phòng. Loại tré gói thành từng cuộn đóng hộp nhựa vuông 400g giá 75.000 đồng. Có loại tré không gói rời và vô nguyên hộp nhựa tròn. Cô chủ dặn là có thể ăn sau ngày sản xuất 3-4 ngày và để được 15 ngày. Thấy trên nhãn có in website www.trebade.vn, nhưng vô thử thì báo tên miền này chưa được cấp phát!
Do đi xe ôm, nên tôi phải xuống ở ngoài cổng xa rồi cuốc bộ vô bên trong (nếu đi taxi hay xe ôtô thì được vào tận nhà ga). Mới có 12g30, còn rất lâu mới tới giờ bay, quầy check-in chỉ có thể làm thủ tục cấp boarding-pass cho hành khách, hẹn tới 15g30 quay lại ký gửi hành lý (do quy định chỉ nhận hành lý trước khi bay 2 tiếng). Cô nàng nhân viên quầy check-in nói giọng Đà Nẵng bảo rằng: Tại vé máy bay của anh thuộc loại rẻ không còn có thể rẻ hơn, nếu muốn đổi vé thì phải bù khá nhiều tiền, chớ nếu không thì em có thể đổi cho anh chuyến bay sớm hơn. Tôi đâu có mua vé hè, biết mần răng!
Thiệt tình thì cái valy của tôi thuộc loại xách tay carry-on “con cò be bé” mà thôi, nhưng do bữa nay làm biếng kéo, muốn gửi cho rảnh tay. Vậy là tôi kéo valy vào khu vực cách ngồi chờ ly tại cổng ra máy bay. Mở tablet vô Internet coi 2 bộ phim hành động là “giết” được gần 4 tiếng đồng hồ. Còn 2 tiếng ngồi ngó ông đi qua, bà đi lại.
Nhà ga mới của sân bay Đà Nẵng được khánh thành hồi tháng 12-2011 sau 4 năm xây dựng, rộng rãi, khang trang và tiện nghi hơn nhiều, đạt chuẩn một sân bay quốc tế. Mỗi lần tới đây, tôi cứ nhớ tới cái thời mình làm thủ tục ở sân bay Đà Nẵng cũ với những boarding-pass được viết bằng tay. Còn bây giờ, từ Đà Nẵng đã có những chuyến bay tới Hàn Quốc, Trung Quốc, Hong Kong, Singapore, Malaysia, Lào, Campuchia, …
Bên trong khu vực chờ có một số gian hàng bán đồ lưu niệm, đặc sản Đà Nẵng, thời trang và đồ ăn thức uống. Chỉ có điều giá ngất ngưỡng mây xanh. Trong một mini-mart, giá 1 hộp tré Bà Đệ được ghi là 130.000 đồng (lúc nãy tôi mua ở bên ngoài giá chỉ 75.000 đồng). Một chai nước trà xanh giá 20.000 đồng, một lon Coke giá 30.000 đồng.
Ngồi đợi tới 3g chiều, bao tử làm reo, “đói thì đầu gối phải bò”, tôi đi rảo lại khu bán thức ăn. Giá ghi 95.000 đồng một tô bún bò Huế, 85.000 đồng một tô mì Quảng. Không chỉ đắt hơn ngoài chợ mà còn cao hơn cả cái quán gần chỗ check-in cách một bức tường ngay bên ngoài kia thôi (lúc mới tới Đà Nẵng, tôi ăn tô mì Quảng ở đó chỉ 60.000 đồng). Hỗng lẽ càng gần máy bay, giá càng trên trời sao ta? Có lẽ là mọi việc được hiểu và hành xử theo cái lý lẽ: khách vô phòng cách ly rồi, không thể ra bên ngoài được nữa, không ăn uống tại chỗ thì đói ráng chịu.
Do đã được “test” cái món mì Quảng ở sân bay, tôi quyết định đi ăn món Tây cho nó hợp khẩu vị Tây hơn – dù sao các thương hiệu Tây cũng phải bảo đảm một chuẩn quốc tế của họ. Tại quầy của Burger King, tôi chọn được một combo gồm 1 cái hamburger nhân cheese và thịt gà nướng, 1 gói khoai tây chiên (French fries) và 1 ly Coke, giá 84.000 đồng. Vậy là xong cái vụ “trấn áp bao tử”.
Tôi hơi bị ngạc nhiên với giá cả ở sân bay Đà Nẵng. Cách đây vài tháng, sau khi bị công chúng phản ứng, ngành hàng không – cụ thể là công ty dịch vụ mặt đất – của cả nước đã thông báo sẽ kiểm tra lại việc kinh doanh tại các sân bay, đặc biệt là chấn chỉnh lại cái vụ giá cao bất hợp lý. Đành rằng giá cả các hàng hóa và dịch vụ ở sân bay không thể rẻ như bên ngoài (ở nước nào cũng vậy thôi), nhưng cũng không thể đắt gấp đôi, gấp ba lần như vậy. Chức năng chính của sân bay là phục vụ hành khách đi máy bay. Các dịch vụ và hàng hóa bán trong sân bay là một giá trị gia tăng, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ hành khách. Chúng không thể bị coi như là kinh doanh đơn thuần, giống như trong các mall, các siêu thị, mà hễ có cái hơi hướm của thế độc quyền chém được là vung dao!
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 21-10-2013)