Thứ Tư ngày 15 tháng 1 năm 2025

Nokia thời Microsoft qua một cuộc phỏng vấn tại TP.HCM

131029-nokia-stephen-elop-hcm-01
 

 Ông Stephen Elop, Phó chủ tịch bộ phận thiết bị và dịch vụ của hãng Nokia đã mở đầu cuộc trả lời phỏng vấn báo chí chiều 29-10-2013 tại TP.HCM bằng việc chia sẻ những cảm xúc tuyệt vời của mình trong lần đầu tiên tới thăm Việt Nam.

Ông hào hứng giới thiệu về sự kiện Nokia World: Abu Dhabi ở thành phố Abu Dhabi (Liên hiệp các tiểu vương quốc Arập thống nhất United Arab Emirates) ngày 22-10-2013, nơi Nokia tung ra 6 sản phẩm mới. Bên cạnh máy tính bảng đầu tiên của Nokia: Lumia 2520  màn hình 10,1 inch chạy hệ điều hành Windows RT 8.1, còn có 2 smartphone Windows Phone lớn nhất hiện nay là Lumia 1520 và 1320 với màn hình 6 inch. Có thêm 3 model của dòng máy ảnh phổ thông Asha 500, Asha 502 và Asha 503. Và hôm nay, ông Elop đã cầm trên tay giới thiệu với giới truyền thông Việt Nam 2 sản phẩm trong số đó là Lumia 1520 và Asha 503. Ông nói: “Nokia nổi tiếng với công nghệ máy ảnh tích hợp trên điện thoại. Vì thế, từ nay các bạn phóng viên đừng lo, không cần phải đi tác nghiệp với những chiếc máy ảnh nặng nề, mà có thể chụp ảnh bằng điện thoại.”

Mục đích chính trong chuyến thăm Việt Nam lần này của ông Elop là dự lễ chính thức khánh thành nhà máy Nokia tại Khu Công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) ở tỉnh Bắc Ninh ngày 28-10-2013. Nhà lãnh đạo Nokia nhấn mạnh rằng việc thành lập nhà máy đẳng cấp quốc tế này sẽ giúp tăng khả năng đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong nước và khu vực. Đi vào sản xuất từ tháng 6-2013, hiện nay nhà máy này chủ yếu đang sản xuất dòng điện thoại phổ thông (feature phone). Sản phẩm đầu tiên là Nokia 105 với giá 20 USD, chủ yếu xuất khẩu (với tỷ trọng khoảng 95%). Dây chuyền và khả năng của nhà máy này có thể sản xuất các loại smartphone high-end. Nhà máy nằm trên diện tích gần 70 hecta này có số vốn đầu tư ban đầu 200 triệu euro (khoảng 300 triệu USD). Theo kế hoạch, nhà máy sẽ hoạt động đạt 92% công suất trong năm 2013 và tới cuối năm 2014 sẽ đi vào hoạt động ổn định với 95% công suất, tương đương khoảng 45 triệu sản phẩm/quý.

Bây giờ, xin mời các bạn cùng tham gia cuộc trả lời phỏng vấn báo chí của ông Stephan Elop tại văn phòng Nokia Việt Nam ở TP.HCM chiều 29-10-2013.

131029-nokia-stephen-elop-hcm-03

+ e-CHIP Mobile: Nokia giờ là một thành viên của Microsoft, vậy chiếc tablet Nokia Lumia 2520 có đối đầu trực tiếp với chiếc Surface 2 của Microsoft mới ra đời cách đây không lâu không?

– Khi 2 công ty đã trở thành người một nhà thì chúng tôi phải có dải sản phẩm thống nhất với nhau. Mỗi sản phẩm sẽ phục vụ cho nhóm đối tượng khác nhau và các nhu cầu khác nhau. Như Lumia 2520 là dành cho nhu cầu “vừa đi, vừa làm”. Thí dụ nó có màn hình có thể làm việc được ở ngoài trời.

 

+ Saigon Tiếp Thị: Thị phần của Nokia trên thi trường điện thoại trong thời gian gần đây có sụt giảm. Vậy với việc có nhà máy mới ở Việt Nam và việc đã về với Microsoft, theo ông, Nokia sẽ làm như thế nào để khôi phục lại thị phần của Nokia, cụ thể là ở Việt Nam?

– Chúng tôi vẫn là nhà cung cấp điện thoại di động số 1 ở Việt Nam, đặc biệt là ở phân khúc phổ thông. Chúng tôi vẫn đang đi đúng đường, đúng hướng để cải thiện kết quả kinh doanh của mình qua hàng quý. Cụ thể như trong vòng một năm qua, quý thứ nhất chúng tôi có giai đoạn khó khăn, nhưng chúng tôi đã kịp thời cải thiện tình hình. Quý 3-2012, chúng tôi bán được 2,9 triệu chiếc Lumia. Sau đó tăng dần lên, quý 4-2012 được 4,4 triệu chiếc. Quý thứ 1-2013 là 5,6 triệu chiếc. Và quý 2-2013 là 7,4 triệu chiếc. Trong ngày hôm nay, chúng tôi sẽ công bố kết quả kinh doanh của quý 3-2013. (Chú thích của PHP: Quý 3-2013, Nokia đã đạt kỷ lục với 8,8 triệu chiếc Lumia được bán ra, tăng hơn 200% so với cùng kỳ năm trước. Tính tới ngày 30-9-2013, Nokia đã bán được 36,1 triệu chiếc Lumia, tính từ khi hãng xuất xưởng thiết bị Windows Phone đầu tiên của mình là Lumia 800 hồi tháng 11-2011. Hiện nay, dẫn đầu về tăng trưởng là chiếc Lumia 520.)

131029-phphuoc-nokia-stephen-elop-saigon-01_resize

+ Một báo: Chúng tôi được biết nhà máy mới của Nokia ở Việt Nam hiện chỉ sản xuất điện thoại phổ thông, trong khi nhu cầu về smartphone đang ngày càng gia tăng trên toàn thế giới. Vậy nhà máy này có hướng sản xuất thêm smartphone và tablet hay không? Việc đặt nhà máy ở Việt Nam có giúp giảm giá điện thoại ở Việt Nam và người tiêu dùng Việt Nam được hưởng lợi gì?

– Theo chiến lược toàn cầu của Nokia, chúng tôi vẫn luôn luôn điều chỉnh chiến lược ở mỗi nhà máy sản xuất những dòng sản phẩm chuyên biệt phục vụ cho thị trường nào. Vì thế, theo chiến lược hiện thời của chúng tôi, nhà máy ở Việt Nam chỉ sản xuất các mẫu sản phẩm phổ thông, nhưng trong tương lai, khi nhu cầu thị trường thay đổi, chúng tôi sẽ điều chỉnh sau. Thật ra về việc đặt nhà máy ở nhiều nơi trên thế giới, chi phí không chênh lệch nhau nhiều. Điều làm cho giá điện thoại chênh lệch giữa các nơi trên thế giới là mức thuế mà chính phủ sở tại đánh trên điện thoại di động. Vì thế, việc đặt nhà máy ở Việt Nam cũng không làm ảnh hưởng nhiều tới giá. Một điều mà chúng tôi rất tự hào là chúng tôi đã góp phần tạo ra công ăn việc làm cho cả ngàn lao động tại nhà máy ở Bắc Ninh. Và chúng tôi chắc chắn một điều là Nokia có tác động tới cộng đồng ở nơi chúng tôi hoạt động.  

 

+ Stuff Việt Nam: Nokia có thế mạnh về máy ảnh trong điện thoại, vậy trong tương lai hãng có dự định đưa ra mẫu điện thoại chuyên về chụp ảnh nào mới nữa? Xu hướng của các nhà sản xuất thế giới là phát triển các sản phẩm “variable target”, vậy Nokia đã có những động thái nào để phát triển những sản phẩm như vậy?

– Chúng tôi biết rằng chụp ảnh có một vai trò quan trọng, và nó đã được kết hợp một cách tối ưu với các tính năng khác trên một điện thoại Nokia. Về “variable target”, chúng tôi tập trung làm sao để mang lại những trải nghiệm đồng nhất cho khách hàng, như có những dạng trải nghiệm về cuộc sống di động số. Họ có thể trải nghiệm về thiết bị như là di động, laptop, tablet, máy tính để bàn, tất cả các trải nghiệm này phải liền lạc và xuyên suốt với nhau. Đó là những gì chúng tôi muốn tạo ra cho khách hàng của mình. Khi nói là chúng tôi muốn tạo ra sự khác biệt với các thương hiệu khác là chúng tôi tập trung tạo ra sự khác biệt trong tính năng chụp hình. Thí dụ như với công nghệ của Nokia, hình ảnh sau khi chụp được có thể được điều chỉnh, thay đổi khung hình.

 131029-nokia-stephen-elop-hcm-02

– PC World Việt Nam: Ông có thể nói về chính sách của Nokia đối với các lập trình viên để có thể tạo ra nhiều ứng dụng cho sản phẩm Nokia

– Chúng tôi có chương trình hỗ trợ cho các nhà phát triển. Ngoài việc cung cấp các nền tảng chương trình dành cho các nhà phát triển để họ viết ra các ứng dụng trên điện thoại di động Nokia Lumia, chúng tôi cũng hỗ trợ cho họ trong việc tiếp thị và bán sản phẩm của mình. Trong buổi ăn trưa hôm nay giữa tôi và các nhà phát triển hàng đầu ở Việt Nam, một anh chàng lập trình viên kể rằng khi anh viết ứng dụng cho App Store, ứng dụng của anh đã bị chìm lỉm, không có một công cụ hay phương thức nào giúp đẩy ứng dụng của anh lên về mặt tiếp thị tới mọi người. Còn khi làm việc với chúng tôi trên nền tảng Windows Phone, chúng tôi giúp anh ta về mặt tiếp thị, chia sẻ ứng dụng với người dùng rộng rãi để anh ta bán được nhiều sản phẩm hơn. Và hầu hết những người mà chúng tôi được hân hạnh tiếp xúc ngày hôm nay đều thấy sự kết hợp giữa Microsoft và Nokia là một sự kết hợp tích cực, bởi vì nó mang lại sức sống mới cho hệ sinh thái di động của chúng tôi. Bởi vì 2 người khổng lồ sẽ đầu tư nhiều nỗ lực và thời gian đem lại kết quả tốt hơn.

 

+ Nhịp cầu đầu tư: Nhà máy Bắc Ninh tập trung cho thị trường nội địa hay xuất khẩu và tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm thế nào?

– Nhà máy này là một nguồn thu ngoại tệ tốt cho các bạn do phần lớn sản phẩm của nó sẽ được xuất khẩu đi rất nhiều thị trường trên thế giới.

 131029-phphuoc-nokia-stephen-elop-saigon-05_resize

+ Siêu thị số: Vốn là một nhà lãnh đạo của Microsoft trước khi chuyển sang Nokia, ông có thể nói vắn tắt với người tiêu dùng như thế nào về một Nokia sau khi trờ thành một thành viên của Microsoft, có những thế mạnh nào? Hầu hết các nhà sản xuất điện thoại hiện đang tập trung phát triển các dòng sản phẩm cho nền tảng Android. Vậy thì khả năng và thế mạnh cạnh tranh của Nokia Lumia với Windows Phone ra sao?

– Đầu tiên khi mà chúng tôi hợp nhất 2 công ty thì nó sẽ loại bỏ được những cái ma sát giữa những cái không tương thích của 2 công ty như hồi còn riêng rẽ mà chỉ cộng tác với nhau. Thương hiệu của chúng tôi cũng sẽ rõ ràng hơn, chỉ còn một thương hiệu duy nhất, thay vì trườc đây kết hợp cả 2 thương hiệu. Thứ hai là về đầu tư thiết kế, kỹ thuật, cũng như đầu tư về tài chính và lợi nhuận của chúng tôi sẽ có hiệu quả hơn rất nhiều. Chúng tôi tối ưu hóa được các khoản đầu tư của mình, loại bỏ những khâu không cần thiết và dùng chung với nhau nhiều thứ. Đối với các nhà phát triển bây giờ đang trong xu thế hội tụ, họ viết ra ứng dụng có thể chạy trên nhiều môi trường khác nhau. Thay vì trườc đây ứng dụng được viết cho riêng từng loại thiết bị, nay nó có thể chạy trên di động, tablet,… giúp cho môi trường ứng dụng của họ được mở rộng hơn. Điều này rất có lợi cho các nhà phát triển.

 

+ Zing News: Ông nói rằng Nokia đầu tư nhiều vào việc phát triển các ứng dụng. Nhưng rõ ràng các ứng dụng của Windows Phone chưa phong phú, đặc biệt là các ứng dụng Việt. Nokia sẽ làm như thế nào? Hiện có những mẫu điện thoại nội địa chạy các ứng dụng Việt, vậy sắp tới Nokia có những mẫu Asha nào chạy ứng dụng Việt như vậy không?

– Hồi trước khi mới phát triển ứng dụng cho hệ sinh thái di động của mình, chúng tôi tập trung vào số lượng ứng dụng. Còn bây giờ, chúng tôi tập trung vào 3 điiểm. Thứ nhất là chúng tôi phải bảo đảm chất lượng các ứng dụng và chúng phải chạy thật tốt trên Windows Phone, tốt hơn hoặc bằng các môi trường khác. Thứ hai, chúng tôi cũng muốn bảo đảm rằng các ứng dụng hàng đầu trên thế giới phải có mặt trong hệ sinh thái di động của Nokia. Đó là lý do mà tại sự kiện Nokia World vừa rồi, chúng tôi có loan báo ứng dụng về football sẵn sàng có trên điện thoại Nokia. Điểm thứ ba, chúng tôi nhắm tới các ứng dụng được phát triển tại thị trường địa phương, nhưng không chỉ dùng cho thị trường địa phương mà còn có thể dùng trên cả toàn cầu.

 

+ Tinh tế: Ông nói đối với Nokia, thị trường Việt Nam rất quan trọng và Nokia chiếm thị phần lớn nhất. Nhưng trong thực tế có những dịch vụ Nokia ở Việt Nam chưa được tốt lắm, như bộ gõ tiếng Việt, bản đồ Here Maps và dịch vụ âm nhạc. Trong tương lai, Nokia có đầu tư để cho các dịch vụ này tốt hơn hay không?

– Chúng tôi sẽ tập trung cải thiện các dịch vụ này trong tương lai.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 29-10-2013)

MỜI ĐỌC THÊM: Gặp Stephan Elop – “kiến trúc sư trưởng” hệ sinh thái di động mới của Nokia