Thứ Hai ngày 23 tháng 12 năm 2024

Tản mạn về cái tóc là góc con người…

phphuoc-1982-apr2004-oct2013-1700

 

Hôm Chủ nhật 3-11-2013 khi các bạn mình ở Mỹ vặn ngược chiều kim đồng hồ lui lại 1 giờ để trở lại giờ chuẩn Standard Time (giờ mùa đông) sau 8 tháng xài giờ tiết kiệm điện Daylight Saving Time, ở Saigon tôi cũng vặn, nhưng là vặn xuôi cái nắp chai dầu gội đầu để vét cho hết lượng dầu còn sót lại dưới đáy chai. Vậy là mấy chai dầu gội đầu trị rụng tóc (anti-hairfall) mà tôi cộ về từ chuyến đi Thái Lan năm ngoái đã hoàn thành nhiệm vụ.

Phải công nhận là mấy hãng shampoo quảng cáo chớ có sai à nghen. Sau một thời gian kiên trì xài dầu gội đầu chống rụng tóc, tới bây giờ tôi không còn phải lo ngại chuyện tóc rụng nữa – bởi lẽ có còn tóc đâu mà rụng!

Xưa nay người ta đồn thổi rằng mấy ông trán trợt hầu hết đều là những nhà thông thái, bác học. Còn tôi thì bị trơ trán là do tác động khách quan thôi, chẳng phải là “chỉ dấu” của cái sự thông minh, học cao biết rộng như họ đâu. Nói nôm na hỗng phải “hói bẩm sinh”.

Có lẽ hồi mang thai tôi, mẹ tôi ăn hột vịt lộn dữ lắm sao mà tôi sinh ra bao la bát ngát tóc. Tóc tôi dày, khô và rậm – ngày xưa vốn bị quy vào cái nhóm “nghèo hèn, ít học”. Đọc sách tướng số, tôi thấy nói rằng mấy người quý tướng, sang giàu có tóc mềm mại và thưa. Đã có những thời gian dài tôi bị tự ti mặc cảm về cái đầu tóc như rừng Amazon của mình. Thiệt tình, mỗi khi soi gương, tôi cũng dự cảm được số phận cuộc đời tôi đen như cái đầu tóc của mình. (Tôi tránh dùng câu thành ngữ “đen như mõm chó” để không “xúc phạm” tới “người bạn động vật trung thành nhất của loài người” đó. Hơn nữa ở Âu Mỹ, chó còn có thân phận xã hội cao hơn… đàn ông nữa kia).

Hồi cuồi năm 2002, khi mới tham gia nhóm sáng lập tờ tạp chí tin học e-CHÍP, tóc tôi còn rậm đám dữ lắm kìa. Tới giữa năm 2003, khi tôi được giao phụ trách tờ báo, chiếc ghế “nóng” chẳng biết có ảnh hưởng gì tới cái “bottom system” của tôi không, nhưng rõ ràng nó tác động mạnh mẽ và nhãn tiền lên cái “top system”. Tóc tôi bắt đầu chia ly như lá vàng mùa thu Paris. Có lẽ tại cái gánh nặng chức trách khiến tôi cứ phải vò đầu, bứt tóc miết… Thế rồi, những năm tháng trầm luân, hụp lặn, vùng vẫy, chòi đạp giữa phong ba cuộc đời thời suy thoái kinh tế cuốn dần những sợi tóc còn sót lại của tôi. Để rồi bây giờ tôi “rửa mặt thì lâu, gội đầu thì chóng”.

Thấy tôi đi Đông, đi Tây nhiều, bạn bè ví cái “mặt bằng trên chân mày” của tôi như cái đường băng sân bay. Hỗng lẽ nó vận vào người thiệt sao? Rõ ràng sau này các sân bay cứ đua nhau mà cơi nới, mở rộng các đường băng đồng hành với cái diện tích ngày càng bị “sa mạc hóa” nhiều hơn trên “thượng tầng kiến trúc” của tôi. Mai kia mốt nọ người ta xây thêm cái sân bay ở Long Thành nữa thì chắc cái từ tóc chẳng còn có mặt trong bộ từ điển cá nhân của tôi!

Ông bà mình dạy “cái răng, cái tóc là góc con người”. Rụng răng thì phải trồng răng sứ thôi để vừa duy trì được cái tính thẩm mỹ cho dung nhan (cho dù là mùa xuân hay mùa hạ), vừa bảo đảm chức năng nhai cho bộ máy tiêu hóa. Tóc rụng trọc lóc như trái dừa khô thì phải đội nón thôi, ít ra cho nó “ấm cái mỏ ác”, không để tia nắng mặt trời mặc tình mà xuyên thấu làm tổn hại tới bộ não. Tôi thì thấy rằng, sợ nhất là rụng răng vì đau đớn (khi làm răng lại) và tốn nhiều tiền (ở Việt Nam vài ba ngàn USD, còn ở Mỹ vài ba chục ngàn USD). Còn đầu trọc lóc thì phơi phới hơn, khỏi tốn tiền mua shampoo và đỡ tốn nước, tốn thời gian cho cái khoản gội đầu. (Có tiếc nuối chăng là hết còn cái cớ để chun ra chun vô mấy cái tiệm gội đầu!)

Chính vì thế, cho dù mọi thứ trên đời thường là “que sera sera”, chẳng biết ngày mai ra sao, nhưng tôi có thể đoan chắc với bạn rằng tôi sẽ không bao giờ tốn tiền mua… tóc giả! Hỗng xài tóc giả, tôi cầu mong rằng các bạn nào đang nhờ vả tới tóc giả thì tóc có thể giả, nhưng cái đầu chớ bao giờ để bị giả! À há!

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 5-11-2013)

+ TRONG ẢNH: Tôi thời làm ở báo Long An năm 1982, khi mới tham gia e-CHÍP tháng 2-2004, và bây giờ tháng 10-2013.