Khi tàu sân bay làm chuyện nhân đạo…
Đâu có phải hễ tàu sân bay Mỹ đi tới đâu là nổ ra chiến tranh, gieo rắc tang thương tới đó. Chứng cứ rành rành là tàu sân bay USS George Washington đã có mặt tại Philippines từ ngày 14-11-2013 và đang trở thành đầu tàu trong hoạt động cứu giúp các vùng bị siêu bão Haiyan tàn phá.
Ngay khi vừa tới vùng biển Philippines, tàu sân bay Mỹ đã lập tức hành động. Các hãng tin quốc tế nhận xét rằng: sự có mặt của tàu sân bay USS George Washington cùng đội tàu 7 chiếc của nó với hàng cứu trợ mang theo và đội máy bay trực thăng hùng hậu đã thay đổi hẳn hoạt động cứu trợ: nhanh và hiệu quả hơn. Vậy là các nạn nhân đỡ khổ hơn nhờ đã có thức ăn, nước uống và được chăm sóc y tế, ngay cả ở những hóc bà tó, hỗm rày các cơ quan cứu trợ chưa thể với tới được.
Mấy ngày trước, 2 chiếc máy bay vận tải quân sự khổng lồ KC-130 của Mỹ phối hợp với các máy bay của Philippines bay như con thoi để chở hàng cứu trợ tới rồi chở nạn nhân đến các trung tâm tạm cư. Nhưng cái khó là số lượng người và hàng cần vận chuyển quá lớn, loại máy bay này lại chỉ có thể đáp xuống sân bay thành phố Tacloban. Nhờ có đội tàu vận tải của Mỹ mới tới, hoạt động vận chuyển hàng hóa và sơ tán người từ ngày 14-11 đã được bổ sung thêm 4 chiếc máy bay Osprey – loại máy bay vận tải có cánh với 2 động cơ có thể quay lên giúp máy bay hạ cánh thẳng đứng như trực thăng, có thể đáp xuống bất cứ chỗ nào, rất hữu dụng trong việc cứu nạn như thế này.
Khi tới Biển Philippines, tàu sân bay USS George Washington thả neo ngoài khơi tỉnh đảo Samar bên cạnh tỉnh Leyte để có thể bao vùng toàn bộ các khu vực bị thiên tai nặng nhất. Có người thắc mắc vì sao Mỹ cần phải điều cả một tàu sân bay tới cứu nạn thiên tai. Thông cáo của Hạm đội 7 Hoa Kỳ cho biết: với tầm cỡ và chức năng của mình, con tàu khổng lồ như một thành phố nổi này sẽ đóng vai trò một trung tâm điều hành nổi và cũng là một trạm trung chuyển cho các hoạt động cứu nạn, đặc biệt là nơi cung cấp nước uống và dịch vụ y tế cho các nạn nhân. Nó cũng chẳng ngán ngại gì những trận bão tố sắp tới đang tiếp tục đe dọa nơi đây.
Lính Mỹ đang vận chuyển hàng cứu trợ từ máy bay vận tải C-130 chất lên trực thăng Sea Hawk tại sân bay Tacloban ngày 16-11-2013.
Khi tới Philippines, các trực thăng trên các tàu chiến Mỹ đã được gỡ bỏ vũ khí và các khí tài không cần thiết để lấy chỗ chứa hàng. Những can nhựa chứa đầy nước uống và những bao thực phẩm được chất lên các khoang trực thăng. Ngày 16-11, những người sống sót bị mắc kẹt trên đảo Manicani (tỉnh Samar) đã được tiếp tế thực phẩm và nước uống từ các trực thăng Hải quân Mỹ.
Người dân đảo Manicani đang nhận hàng cứu trợ từ trực thăng Mỹ chở tới ngày 16-11-2013.
Đành rằng tàu sân bay, tàu chiến được chế tạo làm công cụ chiến tranh hay nói một cách thuận lỗ nhĩ hơn là “bảo vệ quốc phòng”, nhưng chúng có thể làm những chuyện khác tùy theo con người điều khiển. Mỹ và Anh ở xa tít mù khơi đã và đang điều tàu sân bay và nhiều tàu chiến tới Philippines tham gia cứu nạn. Tàu sân bay Mỹ USS George Washington đã có mặt từ ngày 14-11, còn tàu sân bay Anh HMS Illustrious với 7 chiếc trực thăng và thiết bị lọc nước sẽ tới đây khoảng ngày 25-11. Kênh truyền hình thời sự NBC San Diego đưa tin: sau khi nhận lệnh điều động vào ngày 13-11, tàu bệnh viện hải quân Mỹ USNS Mercy tới ngày 15-11 đã chất hơn 1.000 kiện hàng cứu trợ (thực phẩm và đồ dùng) và y cụ, thuốc men lên khoang tàu để có thể rời căn cứ ở San Diego trong vòng 3 ngày tới trực chỉ Philippines. Trong khi đó, phóng viên hãng tin Anh Reuters từ Hong Kong ngày 17-11 cho biết: tàu bệnh viện Trung Quốc Peace Ark có trọng tải 14.000 tấn vẫn án binh bất động tại cảng Thượng Hải. Đây là một trong những tàu bệnh viện mới nhất, lớn nhất và hiện đại nhất thế giới. Tàu này vừa trở về cảng hồi tháng trước sau một chuyến đi dài 4 tháng tới thăm 8 nước Đông Nam Á, có tham gia diễn tập phối hợp cứu nạn ở Đông Nam Á (chẳng lẽ là cốt để khoe của sao). Ngay cả tờ nhật báo tiếng Anh Global Times thuộc Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc ngày 15-11 cũng phải sốt ruột lên tiếng kêu gọi tàu Peace Ark sang giúp Philippines – quần đảo láng giềng nước này. Trong một diễn biến khác, hãng tin Pháp AFP đưa tin: ngày 16-11, một đội tàu Cảnh vệ Duyên hải Trung Quốc gồm 4 chiếc đã xuất hiện ở khu vực các đảo của Nhật Bản mà Trung Quốc đang đòi chủ quyền.
Suy cho cùng, bản chất của những con tàu vẫn chỉ là một loại phương tiện vận chuyển dưới nước. Chúng do con người đóng ra, nếu may mắn được con người sử dụng cho những mục đích tốt đẹp vì loài người thì đó là những con tàu tốt, được thiên hạ nhìn với những ánh mắt đầy thiện cảm và được nhắc tới tên với những nụ cười tươi. Giống như tôi đang kể câu chuyện về những chiếc tàu chiến Mỹ và Anh đang cứu nhân độ thế ở vùng bão tố Philippines.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 17-11-2013)
+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.
Hình ảnh tàu sân bay Mỹ tới cứu dân Philippines được chiếu trên màn hình lớn trước một cửa hàng fast-food McDonald ở Bắc Kinh ngày 14-11-2013.
Trực thăng Mỹ tại Tacloban ngày 16-11-2013.
Trực thăng Mỹ đang bay cứu nạn trên tỉnh Leyte.
Nhân viên tàu sân bay Mỹ đang tháo gỡ vũ khí và khí tài không cần thiết trên những chiếc trực thăng Gumman E-2 Hawkeye để lấy chỗ chứa hàng cứu trợ.
Hàng cứu trợ trên tàu sân bay USS George Washington.
Nhân viên tàu sân bay Mỹ đang kiểm tra thuốc và dụng cụ y khoa chuẩn bị cho việc cứu nạn ở Philippines.