Họa thơ nhớ bạn cũ trường xưa
Thầy trò trường Trung học Công lập tỉnh Kiến Tường chúng tôi “tan đàn xẻ nghé” từ giữa năm 1975. Sở dĩ phải dùng cụm từ khá nhạy cảm này vì thực tế là như vậy, khi trường đổi tên khác – thành trường Trung học Mộc Hóa (Long An), còn thầy trò trước 1975 tứ tán khắp mọi miền đất nước và tứ xứ hải ngoại.
Sau đó, khi mọi sự đã tạm ổn, thầy trò chúng tôi kiên trì tìm nhau, chắp nối từng mẩu tin tức, lần dò từng manh mối, nhưng mấy chục năm trời trôi qua trong vô vọng. Rồi như một cơ duyên thiên định, mùa Xuân 2010, nghĩa là tròn 35 năm, chúng tôi tìm lại được nhau vào cái lúc mà “thầy trò tóc bạc như nhau”.
Thầy trò chúng tôi như sống lại. Thiệt đó, vì chúng tôi cầm bằng kiếp này hết còn được gặp lại nhau. Có những thầy cô, những học trò lâu nay sống trong cô đơn, lẻ loi – đặc biệt khi tuổi đã cao và đã nghỉ hưu – thậm chí bệnh tật tới mức con cháu không biết khi nào sẽ ra đi. Vậy mà từ khi gặp lại được đồng nghiệp và học trò xưa hay đồng môn và thầy cô cũ có bạn bè đông đảo để hàn huyên, tâm sự, để cùng sống lại những ký ức của một thời xuân trẻ, họ đã khỏe hẳn lại, có người quẳng cả túi thuốc đi. Có những thầy cô ngày trước không thể đi quá xa khỏi nhà, nay thì hễ có họp mặt trường xưa ở đâu cũng đều có mặt. Có nhiều người trước nay chưa từng đụng tới máy tính, nay cũng sắm nó để vào trang web của trường xưa, gửi e-mail, chat với nhau ngày này qua tháng nọ. Phu nhân một thầy hiệu trưởng, thậm chí từng làm tới chức Chủ sự Sở Học chánh tỉnh (như Giám đốc Sở Giáo dục bây giờ) đã cảm ơn đám học trò nay đầu hai thứ tóc mà vẫn chưa tiệt cái nòi “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” đã “cứu sống” phu quân của mình, khi gia đình đã phải sẵn sàng lo chuyện “lâu dài” cho thầy. Bản thân thầy, ngay sau ngày đi dự buộc họp mặt đầu tiên trở về đã mày mò lập ngay địa chỉ e-mail để “thư đi tin lại” với những bạn cũ, trò xưa.
Để biết thầy trò chúng tôi hiện sống ra sao, kính mời các bạn khi nào quởn quởn có thể ghé Từ đường của chúng tôi www.trunghockientuong.com.
Hôm qua, tôi nhận được một chùm thơ Đường của thầy Nguyễn Văn Hòa mời họa lại. Phận học trò, cung kính sao bằng tuân thượng lịnh. Tôi chẳng dám mon men tới cái lầu thơ Đường cao sang, chỉ dám loanh quanh ở cái chòi thơ Mật mà thôi. Trong bài họa lại ăm ắp những địa danh, những “sự tích” mà những người THKT “luôn luôn thấu hiểu”.
Ngôi trường ngày xưa của tôi (2 ông thầy và 4 chị nữ sinh, năm 1966). (Ảnh tư liệu của Gia đình THKT).
Tự thuật
Sáu mươi ba tuổi đời thêm chín
Trái gió trở trời nghe nhuốm bịnh
Trông ngóng tri âm thôi mịt mờ
Đợi người bằng hữu cùng ngâm vịnh
Đêm khuya dỗ giấc trí mơ màng
Sáng sớm định thần tâm chợt tỉnh
Thế sự thăng trầm những bể dâu
Cuộc đời thôi thế do Thiên định.
***
Sáu mươi ba tuổi thấy thêm già
Xuân đến lâu rồi xuân cũng qua
Một thuở thư sinh hồn sáng láng
Nay thì bạc tóc mắt hoen mờ
Vui cùng bè bạn câu thi phú
Hát với cháu con một khúc ca
Mộng ước bay cao đành khép lại
Hương xưa còn đọng sẽ thăng hoa.
***
Đã theo nghiệp giáo suốt con đường
Phấn trắng nhuộm dần tóc điểm sương
Đưa khách con đò nay đã cũ
Lửa tàn bếp ấm vẫn còn vương
Buồn nhìn chữ đạo màu lem luốc
Lo thấy trò đời bạc thếch gương
Mặc ai tô vẽ màu đen trắng
Dặn lòng hoa quý phải lưu hương.
NGUYỄN VĂN HÒA
(Saigon 29-11-2013)
Tôi và lớp Đệ Thất A3 của mình năm học 1969-1970. (Ảnh tư liệu của Gia đình THKT).
Bạn cũ, trường xưa
Nồi cháo kê hề chưa kịp chín
Tuổi nhiều xồng xộc quá chừng bịnh
Kẻ Hoa Thịnh Đốn đón mùa đông
Người Cựu Kim Sơn chờ gió vịnh
Canberra đầu vẫn trống trơn
Seattle rượu còn chưa tỉnh
Kiến Tường tình nghĩa mãi vuông tròn
Bạn cũ trường xưa trời đã định
***
Cho dẫu chín mươi vẫn chửa già
Tuổi nhiều trải nghiệm đã từng qua
Dòng sông Vàm Cỏ khi trong đục
Xóm nhỏ Cá Rô lúc tỏ mờ
Xị rượu Bắc Chan khơi vọng cổ
Gốc dương Núi Đất gợi tình ca
Từ nơi viễn xứ nào quên được
Bạn cũ trường xưa tươi sắc hoa
***
Rong ruổi đời ta khắp nẻo đường
Gian nan giờ cũng thoảng như sương
Bốn mươi năm đó bao chìm nổi
Nửa kiếp đời rồi lắm vấn vương
Tình nghĩa không buồn khi đối mặt
Lương tâm chẳng hổ lúc soi gương
Sống sao thanh thản khi về đích
Bạn cũ trường xưa luôn ngát hương
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 1-12-2013)