Thứ Sáu ngày 27 tháng 12 năm 2024

“Binh đoàn chuột chết” nhảy dù xuống đảo Guam

Brown Tree Snake-us-guam

 

Cứ như trong một bộ phim hoạt hình Walt Disney, Bộ Nông nghiệp Mỹ vừa cho thả dù 2.000 con chuột chết xuống đảo Guam ở phía tây Thái Bình Dương. Theo kênh truyền hình NBC News, mỗi con chuột được cho đeo một chiếc dù tí hon làm bằng giấy bìa cứng (cardboard) và giấy lụa (tissue paper) thả từ những chiếc trực thăng bay thấp xuống chung quanh căn cứ không quân Mỹ. Mục tiêu của “binh đoàn chuột chết” trong hoạt động mà Yahoo News gọi là “Chiến dịch thả dù chuột chết” (Operation Dead-Mouse Drop) là tiêu diệt lũ rắn hoang bao năm nay là nỗi ám ảnh kinh hoàng cho các cư dân đảo Guam.

Loài rắn cây nâu (tên khoa học: Boiga irregularis) gốc từ Bắc Úc, New Guinea và quần đảo Solomon Islands đã vô tình từ nước ngoài đổ bộ lên đảo Guam hồi thập niên 1940, có lẽ theo những con tàu chở hàng hay tàu quân sự Mỹ về từ Nam Thái Bình Dương sau Chiến tranh thế giới thứ 2. Chúng sinh sôi nảy nở nhanh và không có loài thiên địch khắc tinh, hiện nay có quân số tới khoảng 2 triệu con với mật độ khủng khiếp tới 13.000 con trên mỗi dặm vuông. Loài rắn có răng nanh sống trên cây này thường dài 1m, có khi dài tới 3 mét, có món khoái khẩu là những loài chim bản địa của đảo Guam. Chúng ăn cả các loài thằn lằn, dơi, những loài gặm nhấm,.. Không chỉ tận diệt các động vật hoang dã bản địa, rắn cây nâu còn cắn người (may là nọc rắn này không đủ gây chết người) và phá hoại những công trình hạ tầng, như đường cáp điện thoại, cáp điện,… Bộ Nội vụ Mỹ hồi năm 2005 ước tính rằng mỗi năm loài rắn cây nâu ở đảo Guam gây ra bình quân 80 vụ mất điện do cáp bị cắn phá, làm thiệt hại khoảng 4 triệu USD chi phí sửa chữa và tổn thất trong sản xuất.

Năm 2011, nhân viên Bộ Nông nghiệp đã bắt được 10.000 – 12.000 con rắn cây nâu ở đảo Guam, riêng tại căn cứ không quân Andersen tóm được khoảng 4.000 con. Công đầu là thuộc những chú chó nghiệp vụ Jack Russell được huấn luyện để tìm và bắt loài rắn này. Hồi năm ngoái, có khoảng 24 con chó săn rắn hoạt động tại căn cứ không quân Andersen và căn cứ hải quân Guam để ngăn chặn loài rắn tai hại này “vượt biên” khỏi hòn đảo này. Theo quy định được tuân thủ nghiên ngặt, tất cả máy bay và tàu thuyền trước khi được phép rời đảo Guam đều phải được các chuyên viên với sự hỗ trợ của chó Jack Russell kiểm tra mọi ngóc ngách. Ngay cả các kho vũ khí và các nhà cửa của quân đội Mỹ ở Guam cũng thường xuyên được các đội chó nghiệp vụ kiểm tra. Paul Roberts, huấn luyện viên chó nghiệp vụ của Bộ Nông nghiệp, cho biết họ phải kiểm tra cả nhà ở vì từng xảy ra những trường hợp rắn cây nâu mò vào những nơi như sân sau, khu vực người ta sống.

Sau nhiều nỗ lực dùng chó và lưới bẫy không có kết quả, từ đầu năm 2013 tới nay, nhà chức trách Mỹ quyết định thực hiện một chương trình xóa sổ rắn cây nâu tốn kém tới 8 triệu USD. Đợt thả dù chuột chết hồi đầu tháng 12-2013 này là đòn dĩ độc trị độc, dùng chính món chuột khoái khẩu của rắn cây nâu để tiêu diệt chúng. Các nhà khoa học phát hiện rằng tuy không bị loài động vật nào khác ăn thịt, loài rắn này có một cái gót chân Achilles là thuốc giảm đau của loài người, như Tylenol. Mỗi “lính dù chuột” được tẩm 80mg thuốc giảm đau acetaminophen – lượng vừa đủ giết một con rắn mà không làm chết những loài vật khác lỡ ăn phải những con chuột này. Một số con chuột còn được gắn thêm máy phát tín hiệu để giúp nhà chức trách theo dõi tình hình. Sở dĩ phải dùng dù giấy là để “lính chuột” vướng trên những cành cây – nơi loài rắn này sống và săn mồi, hạn chế rơi xuống đất làm mồi cho các loài khác.

Chiến dịch thả dù chuột này còn mang tính quân sự vì có cả Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ tham gia. Để trấn an dư luận, nhất là với những người “yêu” chuột, nhà chức trách phân bua rằng những con chuột được dùng trong chiến dịch này đều đã bị chết trước khi được “tuyển quân”.

Ở cách đảo Guam hơn 3.000 dặm, giới hữu trách trên đảo Hawaii bấy lâu nay luôn hồi hộp sợ lâm vào tình cảnh như đảo bạn. Một cuộc nghiên cứu do Trung tâm Nghiên cứu Cuộc sống hoang dã quốc gia (NWRC) thực hiện năm 2010 ước tính rằng loài rắn cây nâu sẽ gây thiệt hại kinh tế mỗi năm từ 593 triệu tới 2,14 tỷ USD nếu như chúng tràn ngập Hawaii giống như đảo Guam. Trước hết là khách du lịch – nguồn lợi chính của Hawaii – sẽ bỏ chạy mất dép khỏi thiên đường hạ giới này.

map-west-pacific-islands-2

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 5-12-2013)

Có thể đọc bản đăng trên báo Tuổi Trẻ Online ở http://tuoitre.vn/The-gioi/The-gioi-muon-mau/583724/binh-doan-chuot-chet-nhay-du-xuong-dao-guam.html#ad-image-0

Brown Tree Snake-us-130205

Một con rắn cây nâu (Brown Tree Snake) ở đảo Guam đang nằm trong tay Tony Salas, chuyên gia về cuộc sống hoang dã của Bộ Nông nghiệp Mỹ, ngày 5-2-2013. (Ảnh: Eric Talmadge/AP)

dead-mice-drop-helicopters

“Binh đoàn chuột chết” được thả dù từ trực thăng xuống đảo Guam. (Nguồn: news.discovery.com)

andersen-airbass-guam-inspect

Nhân viên kiểm tra và chó nghiệp vụ chuẩn bị kiểm tra một chiếc máy bay vận tải quân sự KC-135 Stratotanker tại sân bay quân sự Andersen để tìm rắn cây nâu trước khi cất cánh. (Ảnh của Air Force Senior Airman Benjamin Wiseman/Released)

bts_rapid_response_team_guam

Một đội săn rắn cây nâu trên đảo Guam.