Nhật Bản đổ tiền ra mua thêm vũ khí
Mặc dù kinh tế đang tiếp tục bị suy thoái tới mức phải nhường vị trí nền kinh tế lớn số 2 thế giới cho Trung Quốc, Nhật Bản vẫn phải tăng thêm ngân sách quốc phòng để đối phó với tình hình an ninh căng thẳng trong khu vực do Bắc Kinh gây ra. Hôm 17-12-2013, chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe – một người cứng rắn, loan báo sẽ chi thêm tiền mua một số lượng lớn các chủng loại máy bay và tàu ngầm để tăng cường sức mạnh bảo vệ chủ quyền trên biển và trên không.
Cụ thể, nội các Nhật Bản đã đồng ý chi 24.700 tỷ yen (240 tỷ USD) từ tháng 4-2014 tới năm 2019 để phục vụ cho công cuộc chuyển đổi chiến lược hướng về phía nam và tây của nước này. Trong 5 năm trước đó (tới tháng 3-2014), ngân sách của Nhật Bản là 23.500 tỷ yen. Ngân sách quân sự sẽ tăng thêm 5% so với 5 năm trước. Tuy nhiên, khoản chi phí cho quân sự trong 5 năm tới có thể giảm tới 700 tỷ yen nếu như Bộ Quốc phòng Nhật Bản tìm được các biện pháp hiệu quả và tiết kiệm hơn.
Trong danh sách mua thêm khí tài quân sự mà Tokyo vừa thông qua, người ta thấy có 28 chiếc chiến đấu cơ F-35, 1 máy bay tàng hình, 17 máy bay Osprey có cánh với động cơ có thể xoay lên để hạ cánh thẳng đứng như trực thăng, 3 máy bay không người lái, 5 tàu ngầm, 2 tàu khu trục trang bị hệ thống chống tên lửa Aegis, 52 tàu đổ bộ,… Điều đáng chú ý là các khí tài này đều của Mỹ.
Từ sau khi thua trận phải đầu hàng Đồng minh trong Chiến tranh thế giới thứ 2, theo thỏa thuận, Nhật Bản không được phép có quân đội chính quy mà chỉ có các lực lượng phòng vệ tuy được trang bị tốt và chuyên nghiệp nhưng chỉ giới hạn ở vai trò phòng thủ. Trong thời Chiến tranh Lạnh, lực lượng quốc phòng Nhật Bản chủ yếu tập trung ở miền bắc và đông để đề phòng nguy cơ bị xâm lược từ Liên Xô cũ. Trong phương hướng phát triển mới vừa công bố, Nhật Bản sẽ có một sức mạnh quốc phòng năng động nhằm giúp các lực lượng hải, lục và không quân phối hợp với nhau một cách hiệu quả hơn.
Hiện nay, hơn bao giờ hết, Nhật Bản đang đứng trước mối nguy hiểm bị mất chủ quyền lãnh thổ trước những yêu sách tranh chấp của Trung Quốc, cụ thể là chủ quyền nhóm đảo trên biển Hoa Đông ở khu vực mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư (Diaoyu), còn Nhật Bản gọi là Senkaku. Tình hình tranh chấp chủ quyền không chỉ ở trên biển mà gần đây còn phát triển lên tới chủ quyền trên không sau khi Bắc Kinh công bố vùng nhận diện phòng không ADIZ mới trên khu vực biển Hoa Đông, bao gồm các đảo mà hai nước đang tranh chấp chủ quyền. Ngoài ra Nhật Bản vẫn luôn ẩn chứa mối đe dọa từ phía Triều Tiên. Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục phát triển và phóng thử các thế hệ tên lửa mới có khả năng mang đầu nổ hạt nhân.
Thủ tướng Abe nhấn mạnh rằng sự chuyển đổi chiến lược này sẽ cho phép Nhật Bản gánh vác tốt hơn trách nhiệm của mình trên phạm vi toàn cầu, thông qua cái mà ông gọi là “chủ nghĩa hòa bình tiên phong thực hiện” (proactive pacifism). Ông nói: “Chúng tôi hy vọng sẽ góp phần hơn nữa cho hòa bình và ổn định của cộng đồng quốc tế thông qua chủ nghĩa hòa bình tiên phong thực hiện. Điều này cho thấy tính minh bạch của các chính sách ngoại giao và quốc phòng của nước chúng tôi.”
Không chỉ có Nhật Bản, tình hình căng thẳng trong khu vực đang khiến các nước ở đây phải tăng cường khả năng quốc phòng của mình, tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang tốn kém và nguy hiểm trong khu vực vốn được coi là năng động này.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 18-12-2013)
Một phi đội chiến đấu cơ F-15 của Nhật Bản đang bay luyện tạp tại trung tâm huấn luyện Asaka ngày 27-10-2013. (Ảnh: Toru Yamanaka/AFP)
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) bắt tay Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong chuyến thăm Tokyo ngày 3-12-2013. (Ảnh: Toru Hanai/Reuters)
Máy bay FA-18 Hornet của Mỹ hạ cánh trên tàu sân bay USSS George Washington tại khu vực đảo Okinawa trong cuộc tập trận chung với Nhật Bản ở Thái Bình Dương ngày 28-11-2013. (Ảnh: AP/Kyodo).
Máy bay FA-18 Hornet của Mỹ trên tàu sân bay USSS George Washington tại khu vực đảo Okinawa trong cuộc tập trận chung với Nhật Bản ở Thái Bình Dương ngày 28-11-2013. (Ảnh: AP/Kyodo).