Những biểu tượng về Giáng sinh
* Khảo luận
Lễ kỷ niệm Chúa Kitô Giáng sinh (goị tắt là lễ Giáng sinh) vốn là một lễ tôn giáo, nay đã trở thành một lễ hội dân gian mang tính quốc tế. Toàn thể thế giới đón mừng ngày lễ này với niềm hứng khởi sâu đậm. Thật khó mà diễn tả không khí Giáng sinh ở từng nơi, vì ở đâu cũng có nét độc đáo riêng, mặc dù mọi nơi đều cảm nhận tinh thần ngày lễ qua những biểu tượng chung. Biểu tượng của lễ Giáng sinh có rất nhiều như cây thông, ngôi sao, ông già Noel, tục lệ tặng quà v.v… nhưng biểu tượng chính vẫn là “bộ Giáng sinh”. Đây là một bộ gồm những hình tượng (icons) diễn tả hoạt cảnh lúc Hài nhi Giêsu ra đời. Vì lẽ đó chúng ta cũng nên biết ý nghĩa của những hình tượng Giáng sinh. Tuy chúng là những biểu tượng tôn giáo, nhưng chúng cũng phản ảnh nét đặc thù văn hóa của mỗi lục địa.
Theo sử liệu ghi trong kinh điển, khi Hài nhi Giêsu ra đời, Bé được Mẹ Maria đặt trong cái máng đựng cỏ cho súc vật ăn. Từ chi tiết nhỏ nhoi đó, người đời sau dựa vào mối xúc động chung của cộng đồng mà suy diễn ra những bối cảnh khác nhau.
Theo khuynh hướng văn hóa Tây phương, đại chúng cho rằng máng cỏ của súc vật thì phải nằm trong chuồng súc vật. Vì vậy Hài nhi Giêsu ra đời trong chuồng súc vật. Chuồng này, đúng ra, chỉ là túp lều cho dân chăn cừu tạm trú qua đêm. Đối với dân nghèo xứ Bết-lê-hem (Bethlehem) họ chỉ có những túp lều sơ sài mà thôi. Theo suy luận đó, các họa sĩ đã sáng tác ra những tác phẩm Giáng sinh. Chẳng hạn tác phẩm sau đây của họa sĩ William Bell Scott (1811-1890).
Như trên đã nói, chủ đề Giáng sinh được trình bày qua ý niệm biểu tượng. Các nghệ nhân không có ý tái tạo một cảnh thật trong lịch sử. Như bức tranh trên của Scott, túp lều và y phục mang nét thiết kế theo kiểu trung cổ Tây phương. Lý do dễ hiểu vì Scott là người Anh. Cũng từ cảm hứng túp lều, Woonbo Kim Ki-chang (1914-2001), một họa sĩ Đại Hàn, đã không ngần ngại diễn tả theo ý của mình. Vách của túp lều xếp bằng đá bây giờ trở thành vách đất, đúng với nhà tranh miền quê Đại Hàn.
Khác với khuynh hướng Tây phương, Kitô hữu Đông phương lại cho rằng dân Bết-lê-hem không làm chuồng (stable) cho thú vật. Cái gọi là chuồng đúng ra chỉ là cái hang đá thiên nhiên nằm rải rác trên sườn đồi ngoài cánh đồng. Vì vậy họ tin rằng Hài nhi Giêsu sinh ra trong hang đá, nơi nuôi súc vật. Trên thực tế không có cái hang nào đủ lớn để chứa bò, lừa và cừu. Vì vậy hình tượng cái hang cũng chỉ có tính cách biểu tượng. Bức tranh sau đây của họa sĩ Sint Geertgen, vẽ năm 1490, đã diễn tả cảnh hang đá. Xin lưu ý, hang đá thường được trình bày đầy bóng tối, bởi vì bóng tối là một căn tố của biểu tượng hang đá. Chúng ta sẽ đi vào chi tiết của những biểu tượng ở cuối bài.
Kitô hữu Việt Nam thường dùng biểu tượng hang đá theo truyền thống Đông phương khi dựng lại hoạt cảnh Giáng sinh. Tuy nhiên đôi khi họ lại đặt ba vua, vốn là hình tượng theo truyền thống Tây phương, vào hang đá. Những tấm thiệp Giáng sinh cũng rất đa dạng, có thiệp vẽ hình túp lều, có thiệp vẽ hình hang đá. Đồng thời cũng có nguồn cảm xúc dung hòa ghi nhận cả hang đá lẫn túp lều, như tranh của Taddeo Gaddi, sáng tác năm 1325 sau đây.
Trong bức tranh trên, tính cách biểu tượng nổi bật vì trên đầu của Hài Nhi, của Mẹ Maria, và của thánh Giuse đều có vòng hào quang bằng vàng. Đó là biểu tượng diễn tả các vị thánh theo văn hóa cổ.
Để cho trọn vẹn sự tích, cảnh Giáng sinh không thể thiếu ba vị khách viếng thăm, tuy rằng những vị này không có mặt vào lúc Hài Nhi sinh ra. Phải khoảng chừng 2 tuần sau họ mới tới. Thánh Kinh chỉ ghi vắn tắt rằng họ là những nhà thông thái (Magi) ở phương Đông, theo ngôi sao dẫn lối, đến viếng Hài Nhi và tặng quà. Sự kiện này lại cũng được diễn tả qua hai hướng văn hóa Đông Tây khác nhau.
Theo truyền thống văn hóa Tây phương, căn cứ vào những món quà ba vị khách mang tới gồm vàng, trầm hương và mộc dược, người ta cho rằng họ là ba vị vua. Bởi vì chỉ có những bậc vua chúa mới dùng những thứ cao sang này. Người Tây phương còn đi xa hơn trong việc tra cứu danh tính và quốc gia của ba vị vua. Theo họ, vị cao tuổi nhất tên là Melchior người Trung Đông, Vị trung niên là người Âu châu có tên là Balthasar, và Caspar là vị trẻ nhất người Phi châu.(*) Vua Melchior mang tặng phẩm vàng. Vua Balthasar mang tặng phẩm mộc dược. Vua Casper mang tặng phẩm trầm hương.
Sau đây là chân dung ba vua, tranh vẽ của họa sĩ Jean Pierre Granger (1779-1840).
Trái lại theo truyền thống Đông phương ba vị khách nói trên được nhận diện là ba nhà đạo sĩ. Có thể họ là những bậc hiền nhân trong thời đại đó. Ba ông này coi tinh tú mà biết có bậc thánh ra đời, rồi nhờ ngôi sao dẫn đường mà tìm ra nơi sinh của Hài nhi Giêsu, vì vậy họ còn được gọi là ba nhà chiêm tinh. Văn hóa Đông phương thường nhìn vào tổng thể của vấn đề hơn là đi vào chi tiết, nên Kitô hữu Đông phương không có tên cho ba đạo sĩ. Gọi họ là đạo sĩ đã là đầy đủ. Điều thú vị là chính ba nhân vật này đã khai sinh ra tục lệ tặng quà trong dịp lễ Giáng sinh.
Như vậy trọn vẹn cảnh tượng Giáng sinh gồm có ba nhân vật chính là Hài nhi Giêsu, Đức Mẹ Maria, và thánh Giuse. Ngoài ra còn có những nhân vật phụ là: ngôi sao dẫn đường, thiên thần, vài người chăn cừu, súc vật, túp lều (hay hang đá), và ba nhà đạo sĩ (hay ba vua). Từ đó tùy theo sắc thái văn hóa của mỗi dân tộc, cảnh trí “bộ Giáng sinh” được xếp đặt và thêm vào những sinh vật khác nhau để tạo nên một sự tích. Sự tích này tuy căn cứ vào sử liệu mà mô phỏng, nhưng chúng chỉ là biểu tượng cốt diễn tả niềm tin tôn giáo mà thôi.
Chúng ta hãy lược qua ý nghĩa của những biểu tượng Giáng sinh.
Thiên thần, ngôi sao dẫn đường, và ba nhà đạo sĩ là biểu tượng hài nhi Giêsu có nguồn gốc thần thánh siêu việt.
Thiên thần cầm hàng chữ “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm”.(**) Đây là lời hát của thiên thần chào mừng vào lúc đó, nhưng cũng là thông điệp Thiên Chúa gửi cho loài người.
Túp lều tơi tả diễn tả một thế giới đang hư nát. Đức Giêsu đến với một thế giới đang trên đường hủy hoại và Ngài đến với những người sống trong cảnh bất hạnh.
Hang đá đầy bóng tối tượng trưng cho thế giới đang sống trong tối tăm của tội lỗi. Hài nhi Giêsu mang lại ánh sáng cho thế gian. Hang đá còn là biểu tượng của sự vững vàng và kiên trì của ơn cứu độ.
Các trẻ mục đồng tượng trưng cho những người có tâm hồn giản dị. Họ không sở hữu của cải thế gian. Hình ảnh của họ là biểu tượng cho đời sống khiêm nhường và nhiệt tình yêu thương tất cả.
Máng cỏ là vật đựng đồ ăn, Hài nhi nằm trong máng cỏ vì Hài nhi sẽ là của ăn nuôi sống nhân loại bằng lời dạy và bằng sự hy sinh của chính mình. Máng cỏ làm bằng gỗ nên còn là biểu tượng cho cây gỗ thập tự mà sau này Đức Giêsu phải nằm lên để chịu nạn đóng đanh. Cuộc khổ nạn của Hài nhi không thể tránh vì nó không phải là một tai nạn nhưng là nền tảng siêu việt phát sinh ra sự sống cho nhiều người.
Súc vật tụ xung quang máng cỏ là biểu tượng Thiên Chúa là chủ của vạn vật. Súc vật như cừu, bò, dê chỉ đi theo chủ của chúng chứ không theo kẻ lạ. Ở đây súc vật tụ xung quang máng cỏ vì Hài nhi là chủ của toàn thể thiên nhiên, tức chủ của chúng.
Ba vị vua quì trước Hài nhi là biểu tượng uy quyền của Đức Giêsu, vua trên các vua. Ba món quà của ba vua là biểu tượng ứng với vị thế cuộc đời Đức Giêsu. Vàng để đúc vương niệm, ngụ ý Đức Giêsu là vua trên trời. Trầm hương để xông hương đền thờ, ngụ ý Đức Giêsu là giáo chủ. Mộc dược để xức các vết thương và để tẩm liệm khi qua đời, ngụ ý Đức Giêsu bị khổ hình tra tấn và bị tử nạn.
Nói chung, về mặt tâm lý xã hội, lễ Giáng sinh chỉ là một cái khung cho niềm hy vọng của con người. Là con người, ai cũng ấp ủ niềm hy vọng về một tương lai tốt lành. Vì vậy chưa bao giờ có một biến cố lịch sử nào được đón nhận một cách đa dạng trong mọi nền văn hóa như lễ Giáng sinh. Đối với tín đồ Thiên Chúa giáo, từ thời điểm của biến cố đó, Thiên Chúa trao ban ý nghĩa hiện hữu cho con người, và đặt niềm tin vào con người. Con người có thể tự cứu mình vượt khỏi những đau khổ trần gian, kể cả sự chết, và tự mang lại ý nghĩa cho đời sống. Tuy nhiên đây chỉ là lời mời gọi. Vì con người là một hiện hữu tự do, nên con người có quyền từ chối lời mời gọi này. Đối với những ai chấp nhận lời mời gọi, điều kiện quan trọng hơn cả là phải có lòng thiện tâm. Đó là thông điệp của lễ Giáng sinh. Nói cho cùng, dù chẳng phải là tín đồ Thiên Chúa giáo, nhưng vào dịp này, ai cũng có thể tham dự vào lòng vị tha và thắp sáng ngọn nến hy vọng trong tim của mình.
ĐỖ NGỌC TRANG
(Elk Grove, California, Giáng sinh 2013)
————————
(*) Có nhiều tài liệu ghi tên ba vua khác nhau và quốc gia của họ cũng khác. Chẳng hạn những tín đồ Ấn Độ, Ba Tư… tin rằng một trong ba vua là người của nước họ. Lạ hơn cả nhiều tín đồ Trung Quốc cho rằng một trong ba vị vua là người Trung Hoa. Công giáo không đặt nặng vấn đề chính xác của sử liệu, vì tất cả hình ảnh chỉ mang tính biểu tượng cho sự hiển vinh (epiphany) của Hài đồng Giêsu.
(**) Hàng chữ này thường viết bằng chữ Latin, nguyên văn: “Glória in excélsis Deo et in terra pax homínibus bonae voluntátis.” Ghi chú thêm: Latin là văn tự chính thức của Kitô giáo Tây Phương; Hy Lạp là văn tự chính của Kitô giáo Đông phương.
Nguồn hình minh họa: Internet.