Thứ Năm ngày 23 tháng 1 năm 2025

Thế giới: niềm tin và hy vọng gì cho năm mới?

continents_map

 

Nửa đêm 31-12-2013 khi những người dân đảo quốc Kiribati giữa Thái Bình Dương là những người đầu tiên trên Trái đất đón giao thừa, năm mới 2014 đã bắt đầu với pháo hoa nở rực rỡ trên bầu trời các nước trải dài theo vòng quay hành tinh.

Một năm cũ đầy biến động đã khép lại với quá nhiều tai ương cả do thiên nhiên lẫn bởi con người. Giới truyền thông quốc tế đã tổng kết năm 2013 với những điểm nhấn: leo thang đối đầu giữa Trung Quốc và Nhật Bản ở châu Á, tăng trưởng kinh tế nhưng mất ổn định ở châu Phi, một số khởi sắc nhưng lại lan rộng chủ nghĩa hoài nghi về đồng euro và sự hợp nhất ở châu Âu, sự ra đi của nhân vật biểu tượng cánh tả Hugo Chavez ở châu Mỹ Latinh, cú hồi mã thương chết người của cuộc cách mạng “mùa Xuân Arập” ở Trung Đông.

Vậy năm mới 2014 có thể đem lại những hy vọng gì cho loài người?

Có thể nói rằng trong những năm sau này, tình hình thế giới về mọi phương diện thật phức tạp với những chuyển biến khó ai lường nổi. Vì thế mỗi đầu năm mới về, người ta chỉ biết giữ niềm tin và hy vọng sẽ có được những gì tốt lành nhất có thể được,

Từ những diễn biến cuối năm ở từng khu vực, người ta có thể hy vọng những điểm lóe sáng sẽ được tiếp tục phát triển trong năm 2014.

Nổi trội nhất trên bức tranh toàn cảnh thế giới là những chuyển biến mới theo xu thế tốt về cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran. Ngày 31-12-2013, Abbas Araqchi, trưởng đoàn đàm phán Iran, nói với báo giới rằng: cuộc đàm phán hạt nhân giữa Iran và nhóm 5+1 (gồm 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc: Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc cùng với Đức) đã đạt được “tiến bộ tốt đẹp” trong những vấn đề khác nhau. Ngày 24-11, hai bên đã đạt được một thỏa thuận tạm thời kéo dài 6 tháng. Theo đó, Iran sẽ phải ngừng làm giàu uranium trên mức 5%, làm loãng số lượng uranium đã được làm giàu ở mức 20% xuống còn 5%, không lắp thêm máy ly tâm và ngừng hoạt động những lò phản ứng hạt nhân, chấp nhận cho LHQ thanh tra hàng ngày. Đổi lại, Iran sẽ được phương Tây bãi bỏ cấm vận và được nhận khoản tiền tới 7 tỷ USD. Trong thời gian đó, các bên có liên quan sẽ nỗ lực để đạt được một thỏa thuận thật sự nhằm kết thúc cuộc khủng hoảng kéo dài quá lâu này.

Nếu năm 2012 ở châu Âu là năm “khủng hoảng tồn tại” với sự hấp hối của đồng tiền chung euro, năm 2013 được đánh giá là “nắng ấm hơn” với sự gượng dậy thoát khỏi khủng hoảng kinh tế kéo dài của vài nước (trong đó có Tây Ban Nha). Năm 2014 sẽ là năm kiến tạo công ăn việc làm để giải quyết đội quân thất nghiệp đông khủng khiếp của châu lục này. Kết quả một cuộc thăm dò dư luận châu Âu hồi tháng 5-2013 cho thấy tỷ lệ thích Liên minh châu Âu EU đã sụt giảm 15% so với năm trước.

Trong khi đó, ở châu Á, bên cạnh thảm họa thiên tai khủng khiếp với siêu bão Haiyan tàn phá Philippines, châu lục được coi là trung tâm phát triển của toàn cầu trong thế kỷ 21 này luôn nóng bỏng với những thái độ và cách hành xử “nước lớn” của Bắc Kinh được cụ thể hóa qua những yêu sách mở rộng chủ quyền lãnh thổ cả trên đất liền, lẫn biển đảo và nay là bầu trời. Cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và các nước láng giềng tuy cho tới nay vẫn còn được kiềm chế, nhưng luôn ẩn chứa nguy cơ bùng nổ nguy hiểm. Tình hình này đã tạo điều kiện cho Mỹ đưa sức mạnh quân sự quay trở lại khu vực chiến lược này. Báo Mỹ The Christian Science Monitor (31-12) nhận định rằng: chừng nào Bắc Kinh chưa đạt được các tham vọng của mình, châu Á vẫn còn nóng bỏng nguy hiểm. Người ta lại phải hy vọng sẽ sớm có được những biến chuyển bất ngờ tốt đẹp cho tất cả.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 4-1-2014)

iran-foreign-minister-zarif-hug-french-fm-nov2013

Cái ôm của Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif (trái) dành cho Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius hồi hạ tuần tháng 11-2013 sau khi Iran và các cường quốc thế giới đạt được thỏa thuận tiếp tục đàm phán tại Geneva đã cho thế giới một hy vọng mới trong năm 2014. (Nguồn ảnh: Internet.Thanks).