Thứ Tư ngày 22 tháng 1 năm 2025

ISIL là ai mà đang đe dọa Trung Đông?

ahrar-al-sham-fighters-syria-131129-2

 

Trong những ngày cuối năm 2013 và đầu năm 2014, những tay súng ISIL đã gây chấn động thế giới khi chiếm được một thành phố lớn và nhiều vùng của một thành phố khác ở Iraq.

Tổ chức Hồi giáo cực đoan Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIL) đã hình thành được những mối quan hệ xuyên biên giới ở Syria trong cuộc nội chiến ở nước láng giềng này. Hiện nay, ISIL là một lực lượng quan trọng trong cuộc xung đột Syria nằm trong thành phần nổi dậy chống Tổng thống Bashar al-Assad. Và điều khiến người ta lo ngại nhất là ISIL có liên hệ với hệ thống khủng bố Hồi giáo quốc tế al-Qaeda từ năm 2004 và được gọi là “al-Qaeda ở Iraq”.

ISIL ra đời trong cộng đồng bộ tộc phái Hồi giáo Sunni ở Iraq trong những năm đầu của cuộc chiến tranh Iraq sau khi Mỹ tấn công nước này để đánh đổ chế độ của Tổng thống Saddam Hussein năm 2003. Mục tiêu của nó là xây dựng một nước Iraq theo luật Hồi giáo nghiêm khắc. ISIL đã bị lính Mỹ đánh tơi tả, đặc biệt là sau khi các bộ tộc thuộc phái Hồi giáo Sunni vốn là chỗ dựa của ISIL liên minh cùng lực lượng Mỹ hồi cuối năm 2006. Nhưng sau khi Mỹ rút hết quân khỏi Iraq vào tháng 12-2011, ISIL và những nhóm phiến quân khác đã ngóc đầu dậy, tổ chức lại lực lượng. Tổ chức này đã gây ra hàng loạt vụ tấn công bạo lực khủng bố, từ đánh bom giết dân thường, đánh rồi chạy, tới tấn công các nhà tù. Cho tới nay, ISIL đã giải thoát được hơn 500 tù nhân từ các nhà tù Iraq. Phần đông là những chiến binh thánh chiến Hồi giáo (jihad) sau khi thoát nhà tù đã gia nhập trở lại hàng ngũ của ISIL.

Daniel Byman, một nhà nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm Saban về chính sách Trung Đông thuộc Viện Brookings (Mỹ), nhận xét: “ISIL có khả năng dùng các hệ thống và năng lực của nó ở Iraq để làm đòn bẩy hòng trở thành một lực lượng mạnh mẽ ở Syria, rồi dùng sự có mặt ở Syria để gia tăng vị thế của mình ở Iraq. Bây giờ nó đã có lại khả năng để tiến hành cuộc chiến tranh du kích hạn chế cũng như duy trì một chiến dịch khủng bố kéo dài.”

Đâu dừng lại ở đó. Ngày 4-1, ISIL ra tuyên bố là mình đã thực hiện vụ đánh bom liều chết ngày 2-1 tại quận Haret Hreik của thủ đô Beirut (Libăng) nhằm vào hang ổ của lực lượng vũ trang Hezbollah của phái Hồi giáo Shiite khiến 4 người chết và 77 người bị thương.

Chiến sự đã bùng nổ tại tỉnh Anbar nằm giữa thủ đô Baghdad về phía đông và biên giới với Syria ngày 30-12-2013 khi các lực lượng an ninh triệt hạ khu vực đóng trại biểu tình của lực lượng chính thuộc phái Sunni tại thành phố Ramadi rồi lan ra tới thành phố Fallujah sát bên Baghdad. Đây là lực lượng lâu nay chống lại chính phủ của Thủ tướng Nouri al-Maliki vốn do phái Shiite chiếm lĩnh. Sau đó, các lực lượng chính phủ đã phải rút bỏ hai thành phố này để cho ISIL kiểm soát chúng. Ngày 3-1-2014, người ta thấy hàng trăm tay súng ISIL mang những lá cờ đen của thánh chiến Hồi giáo tập trung tại nơi cầu nguyện hàng tuần ở Fallujah hô vang: “Fallujah là một nhà nước Hồi giáo.” Ngày hôm sau, một quan chức an ninh cao cấp của Iraq cho biết thành phố Fallujah đã hoàn toàn nằm trong tay phiến quân ISIL.

Có tin nói rằng chỉ trong vòng 2 ngày đã có hơn 160 người bị giết chết trong cuộc đấu súng giữa ISIL, lực lượng an ninh và dân quân bộ tộc.

Giới quan sát lo ngại rằng một khi tỉnh Anbar rơi vào tay phiến quân ISIL, một cửa ngõ sẽ được mở thẳng từ miền đông Syria tới thủ đô Baghdad của Iraq. Không khó gì để hình dung những gì bất trắc cho Iraq sẽ xảy ra sau đó. Mohammed al-Askari, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Iraq, cũng đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của sự kết nối với Syria này.

Người ta hy vọng mọi việc sẽ diễn ra như dự báo của công ty tình báo toàn cầu Stratfor. Đó là bất chấp sự bùng nổ sức mạnh trên khắp khu vực như gần đây, tổ chức ISIL vẫn sẽ có một tương lai đầy ảm đạm. “Cho dù các chiến binh của mình sẵn sàng hy sinh và có động cơ mạnh mẽ, ISIL đơn giản là không có nhân lực hoặc sức mạnh để vượt qua hằng hà sa số kẻ thù của mình để có thể đạt được mục tiêu hình thành phiên bản của nó về một vương quốc Hồi giáo ở Syria và Iraq.”

Ông Imad Salamey, một giáo sư về quan hệ quốc tế tại trường Đại học Lebanese American, nói rằng ngay cả phe đối lập ở Syria cũng đã nhận ra rằng tổ chức ISIL là một nguy cơ lớn – không chỉ cho hình ảnh của lực lượng đối lập mà còn khiến những người Syria quay sang chống lại phe đối lập. Ông nhấn mạnh: “Toàn bộ trật tự chính trị của Trung Đông đang được thương thuyết lại.”

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 5-1 cho biết: Mỹ sẽ hỗ trợ Iraq chống lại phiến quân có liên hệ với al-Qaeda nhưng sẽ không bằng lính Mỹ. Theo ông, Mỹ vẫn có mối liên hệ với các thủ lĩnh bộ tộc ở tỉnh Anbar và đây là những người chống lại bọn khủng bố. Ngoại trưởng Mỹ nói: “Al-Qaeda và ISIL là những tay chơi nguy hiểm nhất trong khu vực đó. Sự man rợ của chúng chống lại dân thường tại Ramadi và Fallujah, và chống lại các lực lượng an ninh Iraq đang bày ra cho toàn thế giới thấy.”

Và thêm một vụ việc nữa để từ Iraq, người ta lo ngại cho Afghanistan với khả năng trỗi dậy của phong trào Hồi giáo cực đoan Taliban sau khi quân NATO rút hết vào cuối năm 2014 này.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 14-1-2014)

isil-iraq

isil-fighters-syria-140102

Các tay súng của ISIL tại thi trấn Tel Abyad của Syria nằm sát biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ ngày 2-1-2014. (Ảnh: REUTERS/Yaser Al-Khodor)

isil-fighters-fallujah-140105-2

Một số tay súng ISIL tại thành phố Fallujah (Iraq) ngày 5-1-2014. (Ảnh: AP)

ahrar-al-sham-fighters-syria-131129-2

Các tay súng của ISIL tại thi trấn Tel Abyad của Syria nằm sát biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ ngày 2-1-2014. (Ảnh: REUTERS/Yaser Al-Khodor)

isil-fighters-ramadi-131230

Phiến quân ISIL trên đường phố thành phố Ramadi ngày 30-12-2013.

isil-fighters-fallujah-140105

Một tay súng ISIL tại thành phố Fallujah (Iraq) ngày 5-1-2014. (Ảnh: AP)