Thứ Tư ngày 22 tháng 1 năm 2025

Bài học thực tế từ game di động Flappy Bird

Flappy-Bird-3

 

Nếu như những ngày trước, sự thành công choáng ngợp của game di động Flappy Bird do chàng trai Việt 29 tuổi Nguyễn Hà Đông viết ra gây “phong ba bão táp” trên các phương tiện truyền thông đại chúng toàn cầu, kể cả những “tên tuổi lớn” trong làng báo cũng tham gia, ngày 9-2-2014, việc tác giả loan báo sẽ rút lại game này lại khuấy động giới truyền thông đại chúng.

Vào nửa đêm về sáng ngày 9-2-2014, Hà Đông đã đưa lên mạng xã hội Twitter những thông báo có liên quan tới việc anh quyết định gỡ game Flappy Bird ra khỏi dịch vụ App Store – nơi cung cấp các ứng dụng phần mềm dành cho các thiết bị chạy hệ điều hành iOS (iPhone, iPad), cho dù hiện nay game này vẫn đang giữ vị trí số 1 trong bảng ứng dụng miễn phí của cả hai dịch vụ App Store và Google Play (kho ứng dụng cho thiết bị Android). Lúc 2g02ph, Đông post bằng tiếng Anh: “Tôi xin lỗi những người dùng “Flappy Bird”, 22 giờ kể từ bây giờ, tôi sẽ gỡ “Flappy Bird” xuống. Tôi không phổ biến game này nữa.” Chỉ 2 phút sau, anh đưa thêm tin nhắn mới: “Chẳng có chuyện gì liên quan tới các vấn đề pháp lý cả. Tôi chỉ không thể giữ nó nữa.” Và tới 2g26ph, Hà Đông post tiếp: “Tôi cũng không bán “Flappy Bird”, xin đừng hỏi.”

140209-flappy-bird-down-twitter

Theo truyền thông nước ngoài, một ngày trước khi loan báo việc gỡ bỏ Flappy Bird khỏi App Store, Hà Đông đã cập nhật game này với việc gỡ bỏ tất cả các tính năng chia sẻ trên các dịch vụ xã hội của nó. Đây là một tính năng được đánh giá cao, tạo thêm sự hấp dẫn cho ứng dụng, như người chơi có thể chia sẻ điểm số của mình qua Facebook, Twitter, SMS hay e-mail, cũng như mời bạn bè cùng chơi với mình.

Được đưa lên App Store từ tháng 5-2013, và tới tháng 11-2013, game Flappy Bird bắt đầu trở nên nổi tiếng. Tác giả thú nhận mình không hề dùng một phương cách quảng bá nào cho game mà tự “tiếng lành đồn xa”, những người chơi quá kết với game này đã tự lập những tài khoản trên các mạng xã hội để truyền bá nó. Tới nay đã có hàng chục triệu lượt người tải Flappy Bird. Theo trang web công nghệ TechCrunch, tính tới ngày 31-1-2014, có khoảng 300.000 người dùng trên thiết bị iOS đã xếp hạng Flappy Bird. Còn trên Google Play cho tới trưa 9-2-2014, Flappy Bird đã có hơn 10 triệu lượt người dùng thiết bị Android download và 539.226 người đánh giá, trong đó có tới 324.211 người cho nó 5/5 sao, và nó đang đạt thứ hạng 4/5 sao. Có hơn 194.000 người trên Google Plus “Like” nó.

Flappy Bird là một game không mới hay có công nghệ hiện đại. Nó chẳng dùng thuật toán gì cao siêu hay gameplay nào phức tạp, và thậm chí còn sử dụng lại đồ họa của những game cũ. Nhưng chính sự đơn giản mà đầy thách thức đó đã giúp nó được ưa chuộng trong cộng đồng di động vốn tuyệt đại đa số là những người dùng rộng rãi chỉ cần những thao tác đơn giản và tiện dụng, cũng như chỉ muốn được giải trí mà không phải nặng óc.

Mới nhìn thấy hình chú chim, người ta nghĩ ngay tới trò Angry Bird lâu nay làm mưa làm gió trên di động. Nhìn thấy những cái ống nước màu xanh lá, người chơi liên tưởng lại trò chơi cũ Super Mario Bros. Và nhìn tổng thể đồ họa rất đơn giản, người ta như được trở về với thời của game 8-bit của Nintendo. Cho tới ngày nay, giữa thời của các game máy tính và console ngày càng có yêu cầu về sức mạnh đồ họa và tính toán nặng nề, những công cụ giả lập game Nintendo để chơi lại những video game thời xưa vẫn còn được ưa chuộng. Lợi thế của những game “hoài cổ” này giờ đây là có những thiết bị mạnh hơn, đẹp hơn, tiện dụng hơn và đặc biệt là cái màn hình cảm ứng.

Sự cuốn hút đến mức gây nghiện của Flappy Bird chính là từ yếu tố đơn giản và đầy thách thức, dễ chơi nhưng khó thắng, luôn đòi hỏi người chơi phải vượt lên chính mình. Người chơi chỉ với một thao tác chạm lên màn hình cảm ứng để điều khiển chú chim cách điệu tiếp tục bay và bay lên hay xuống để tránh những chiếc ống nước. Hễ đụng phải ống nước là chim chết và “game over”, buộc người chơi phải “làm lại từ đầu”. Nhiều người chơi nhận xét: đây là game khó chơi nhất mà họ từng gặp. Game này không dành cho những ai đang bị stress và có tính khí dễ nổi nóng, mất bình tĩnh.

Game Flappy Bird càng mang tính “kỳ bí” hơn khi tác giả của nó cố gắng không lộ mặt ra trước công chúng. Anh không trả lời báo chí, ngoại trừ một số thông tin được anh chia sẻ qua e-mail với trang mạng công nghệ TechCrunch của nước ngoài. Chủ yếu, Hà Đông giao tiếp qua tài khoản của mình trên mạng xã hội Twitter, và cũng chỉ bằng tiếng Anh.

Nhưng trong những ngày qua, sau khi Flappy Bird trở thành “sự kiện hot” trong cộng đồng di động, được giới truyền thông cả thế giới quan tâm, bên cạnh những thông tin về lợi nhuận khổng lồ mà tác giả có thể thu được, người ta bắt đầu nói tới những nguy cơ Hà Đông bị kiện tụng vì bản quyền đồ họa mà anh sử dụng cho game này lấy từ những nhà phát triển khác, đặc biệt là hãng Nintendo với game Super Mario Bros. Rồi còn cả chuyện có thể bị truy thu thuế từ khoản tiền thu được.

Theo trang The Verge, mặc dù là ứng dụng miễn phí, game Flappy Bird đã mang về cho tác giả khoảng 50.000 USD mỗi ngày từ nguồn thu quảng cáo kèm theo game. Cho tới nay, đây vẫn là thông tin không được kiểm chứng. Nhưng rõ ràng là có ai đó hưởng lợi. Khi chơi game, người ta thấy xuất hiện một ô nhỏ phía trên màn hình dành cho quảng cáo.

Rõ ràng là sự nổi tiếng của Flappy Bird nằm ngoài sự hình dung của chính tác giả. Hà Đông tâm sự: “Công việc của chúng tôi chịu ảnh hưởng nặng bởi các game có đồ họa dựa theo điểm ảnh (pixellated game) cũ trong thời hoàng kim của thể loại này. Mọi thứ đều trong trẻo, rõ ràng và cực kỳ khó nhưng vô cùng vui để chơi.” Anh chủ yếu vẫn phát triển những game đơn giản chỉ mất vài phút để chơi trên điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng, nhưng với yêu cầu là phải “vừa khó vừa vui.” Và với suy nghĩ đơn giản như vậy, Hà Đông thoải mái “mượn” lại một số đồ họa từ những game nổi tiếng trước đây. Như trong Flappy Bird là chiếc ống nước màu xanh lá của trò chơi Super Mario Bros.

Vậy đây chính là cái gót chân Achilles của tác giả. Bình thường thì chẳng sao, nhưng một khi đã trở thành nổi tiếng và thu được lợi nhuận lớn, anh chắc chắn sẽ bị truy cứu chuyện bản quyền về đủ thứ cái trong game, từ hình ảnh, tên gọi, kiểu chữ, âm thanh cho tới cả cách chơi và những đoạn mã lập trình. Cho dù là vô tình thôi, anh cũng có thể bị cho là “ăn theo” hai cái tựa game nổi tiếng một nay Angry Bird và một xưa Super Mario Bros.

Tôi thì nghĩ rằng sau khi ổn định tinh thần, Hà Đông có thể làm lại game này, thay những chiếc ống nước “ngoại lai” bằng những thân tre xanh “thuần Việt”, để rồi con chim kia tiếp tục vỗ cánh mà đi “chọc tức” thiên hạ.

Sáng 10-2, một bạn biên tập của Tuổi Trẻ Mobile hỏi tôi liệu sau khi chỉnh sửa lại, game Flappy Bird mới có còn hot nữa không? Theo thiển ý của tôi, Flappy Bird hiện nay được cộng đồng đón nhận không phải bởi cái ống nước hay bất cứ chi tiết nào khác, mà chính là nhờ bản thân của game với gameplay đơn giản nhưng gay cấn và cuốn hút của nó. Không loại trừ khả năng một khi chỉn chu rồi, Flappy Bird còn “ăn tiền” hơn nữa chớ! Tôi cũng ước ao rằng có một doanh nghiệp làm nội dung số nào đó tham gia hỗ trợ Hà Đông để phát triển game này và những ứng dụng tương lai. Tôi thấy anh đã tìm được hướng đi tốt, nhưng bao giờ cũng vậy, buôn có bạn, bán có phường. Anh không thể một mình chèo xuồng ba lá ra biển lớn được đâu.

Ở một góc độ nào đó, Hà Đông còn là một nạn nhân của bão tố truyền thông. Anh trở thành đối tượng để các cơ quan thông tin đại chúng làm tin và cạnh tranh nhau làm tin. Điều nghiệt ngã là anh chỉ có một mình và không có kinh nghiệm trong trận cuồng phong này. Tác giả đã lặp đi lặp lại trên Twitter rằng báo chí đã “đề cao quá mức sự thành công” của các game mà anh làm ra, và việc bỗng dưng nổi tiếng và được chú ý như vậy là điều anh không hề muốn. “Hãy cho tôi sự bình an,” – Hà Đông năn nỉ.

Cho dù ngoài game Flappy Bird đứng số 1, Hà Đông còn 2 game tương tự đứng trong Top 10 của bảng free game apps: Super Ball Juggling (số 2) và Shuriken Block (số 6), tôi nghĩ rằng tác giả vẫn làm kiểu “vui là chính”. Giá như có được cả một ê-kíp hỗ trợ về mọi mặt, có lẽ anh đã có thể không gặp những phiền toái có thể thấy trước và tránh được.

Bất luận thế nào, game Flappy Bird của một nhà phát triển phần mềm Việt trẻ tuổi cũng đã gây được tiếng vang trên toàn cầu và được hơn chục triệu người tải về chơi. Sự việc này đem lại nhiều bài học cho cộng đồng, đặc biệt là giới phát triển phần mềm, ứng dụng di động. Các nhà bình luận về công nghệ game nhấn mạnh rằng sự thành công của game Flappy Bird đã cho giới phát triển ứng dụng di động hiểu hơn về nhu cầu và ý thích của người dùng thế hệ mới. Có những cái thoạt trông rất đơn giản nhưng lại đem lại sự thành công vang dội.

Yếu tố làm nên thành công của Flappy Bird chỉ nằm ở chỗ tác giả đã biết cách nghĩ điều mà người khác không nghĩ ra. Flappy Bird khiến tôi liên tưởng tới giai thoại quả trứng của Christopher Columbus. Để đặt một quả trứng đứng được trên mặt bàn, nhà thám hiểm từng tìm ra châu Mỹ chỉ cần đập dập một đầu trứng – điều mà chẳng ai khác nghĩ tới!

Hy vọng rằng bài học từ Flappy Bird sẽ không làm chùn tay hay làm giảm nhuệ khí và lòng đam mê của các bạn trẻ mà có giá trị tích cực thúc đẩy họ làm tới hơn nữa trên con đường lập nghiệp. Chỉ có điều, làm bất cứ điều gì không phải cho riêng mình thì phải hiểu và tuân thủ các luật chơi, nhất là trên thương trường quốc tế.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 10-2-2014)

 

Mời nghe câu chuyện về game Flappy Bird trên Radio Tuổi Trẻ chiều 10-2-2013.

http://m.tuoitre.vn/radio/detail?act=play&id=89089,TDC-10-02-2014-Bai-hoc-thuc-te-tu-game-Flappy-Bird