Ăn Tết qua mùng, tới mền, rồi còn gì nữa?
Xin nói ngay kẻo mấy ông bạn đời của tôi lại đem lòng “đố kị” rồi “ném đá” tưng bừng, tôi làm công việc của một “Net-oshin”, ngày thường còn 24/7 nên mần chi có vụ nghỉ tết. Hễ không bị “mất mạng” (xin hiểu nghĩa tích cực là bị “disconnect to network”) là tôi lại lang thang trên Internet như một chú ong thợ cần mẫn đi hút hoa thơm mật ngọt về cho cuộc đời. Bởi vậy, có ăn Tết rán, Tết cố, Tết nuối là ai đó, chớ hỗng phải tôi.
Cho tới tối 16-2-2014 (tức đã qua 17 tháng Giêng năm Giáp Ngọ), nàng Mai vẫn còn an vị trong phòng khách nhà tôi. Chẳng phải là ăn Tết qua “mùng”, tới “mền” (tức sang ngày 11 hết còn được gọi là mùng), mọi người lại muốn cho trọn “tháng Giêng là tháng ăn chơi đâu”. Theo đúng quy định của nhà nước, từ ngày 10-2 (tức 11 tháng Giêng), ở nhà tôi ai đi làm đã tới sở, ai đi học đã tới trường. Ban đầu cũng muốn tiễn chân nàng Mai về vườn an dưỡng từ “hết mùng”, nhưng thấy nàng cứ tươi mơn mởn lại chẳng đành lòng.
Thiệt ra, nàng Mai bị tôi ép đó. Năm nay do thời tiết cuối năm trở lạnh bất thường – mà lạnh chưa từng thấy – nên loài mai coi như tiêu điều. Cây mai nhà tôi lác đác nở từ lúc giao thừa tới mùng Ba thì nở rộ rực rỡ. Hôm mùng Hai Tết, tôi có xịt cho nàng ít khói sương dung dịch giữ hoa mai tươi lâu Super A-Z do ông cậu bào chế và đem tới tặng hồi trước tết. Nhờ “thuốc tiên” này mà cây mai cứ tì tì nở cho bằng hết nụ và giữ các đóa hoa tươi miết. Tết năm ngoái, tới mùng 10 mà cây mai này vẫn còn đặc bông. Năm nay qua ngày vía Thần Tài (mùng 10) rồi hết ngày Tết Nguyên tiêu (rằm tháng Giêng), nàng Mai của tôi vẫn còn diễm lệ trữ tình chán.
Chiều nay đứng bên nàng Mai, tôi vẫn còn cái cảm giác hồi hộp và xúc động như lần đầu gặp nhau. Tôi thầm thì với nàng: “Chỉ còn chưa tới 12 tháng rưỡi nữa là hai ta lại cùng đón Tết Ất Mùi 2015. Năm ngựa nhắc ta thời gian như bóng câu qua cửa sổ, nhanh lắm nàng ơi!”
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 16-2-2014)