Thứ Hai ngày 23 tháng 12 năm 2024

Lan man chuyện Facebook chịu chi tới 19 tỷ USD mua lại WhatsApp

whatsapp-facebook

 

Quả là một tin  chấn động khi chiều 19-2-2014 (theo giờ Mỹ), mạng truyền thông xã hội lớn nhất thế giới Facebook loan báo đã mua lại được toàn bộ hệ sinh thái ứng dụng WhatsApp với giá 19 tỷ USD.

Số tiền này bao gồm 4 tỷ USD tiền mặt và 12 tỷ USD trị giá của 183.865.778 cổ phiếu phổ thông Facebook Class A cho công ty sở hữu ứng dụng tin nhắn di động đa nền tảng này; cộng thêm 3 tỷ USD cổ phiếu hạn chế (RSU) cho toàn bộ nhân sự WhatsApp chịu về với Facebook (số cổ phiếu này sẽ được giao sau 4 năm kể từ khi thương vụ thâu tóm này hoàn tất). WhatsApp hiện có khoảng 50 nhân viên. Như vậy bình quân mỗi người làm ra được một giá trị tài sản lên tới 380 triệu USD.

Xin lưu ý là toàn bộ ngân sách của cơ quan không gian Mỹ NASA trong năm 2014 là 17,6 tỷ USD. Những người ăn cơm dưới đất nói chuyện trên trời, thậm chí cả vũ trụ, cũng chỉ có ngần ấy tiền mà xoay xở trọn năm. Tất nhiên tình cờ ngứa tay mà gõ thêm vậy thôi, chớ chuyện nào ra chuyện đó, sao có thể so sánh, suy bì được hén!

Hồi sáng có một bạn bên báo Tuổi Trẻ Mobile hỏi tôi phân tích gì về thương vụ Facebook mua lại WhatsApp với số tiền khổng lồ như vậy. Thiệt ra cái anh chàng tỷ phú trẻ sắp 30 tuổi Mark Zuckerberg, ông trùm của Facebook, muốn mua thêm cái gì? Câu hỏi cao vòi vọi khiến tôi bị “tràn bộ nhớ” (memory overcommit) mém chút bị bung cái màn hình xanh chết chóc (blue screen of death) làm cả hệ thống bị “đổ nợ” (crash).

Theo tôi, hầu như các thương vụ thâu tóm các công ty, dịch vụ trên môi trường di động hay Internet đều tập trung vào vào việc thu gom thêm số lượng khách hàng hay người dùng. Số lượng người dùng này tất nhiên thể hiện giá trị thương hiệu, tính phổ cập; cũng như cho thấy đối tượng đã đi trúng khía và cho thấy triển vọng tương lai. Sau đó mới tới những công nghệ, giải pháp độc đáo của đối tượng. Khi bỏ ra 900 triệu USD mua lại dịch vụ VoIP Viber với khoảng 300 triệu người đăng ký sử dụng trên toàn thế giới, Rakuten, một hãng thương mại Internet đang tăng trưởng nhanh của Nhật Bản, thừa nhận rằng việc thâu tóm được thêm Viber giúp tăng số lượng khách hàng tiềm năng của hãng lên hơn gấp đôi.

Vì thế, món hàng béo bở nhất trong thương vụ thâu tóm WhatsApp là số lượng người dùng khổng lồ lên tới 450 triệu người của dịch vụ này. Sau khi ra đời vào năm 2009, WhatsApp đã tăng trưởng như pháo thăng thiên. Hiện nay, mỗi ngày người dùng chia sẻ hơn 400 triệu tấm ảnh, gửi và nhận hơn 10 tỷ tin nhắn. Trong cuộc họp báo ngày 19-2, Zuckerberg, nhà sáng lập và CEO của Facebook, nói rằng: “WhatsApp đang trên đường kết nối với 1 tỷ người. Các dịch vụ đạt tới con số này đều có giá trị khó mà tin nổi (incredibly valuable). Tôi biết Jan (nhà đồng sáng lập WhatsApp) từ rất lâu và tôi hào hứng làm đối tác với anh ấy và đội của anh ấy để làm cho thế giới này mở rộng hơn và được kết nối hơn”. Mỗi ngày có khoảng 1 triệu người dùng mới đăng ký với WhatsApp. Đó quả là một con số “khó mà tin nổi”.

facebook-Mark Zuckerberg

Mark Zuckerberg

Thôi thì, ta hãy nghe ông chủ Facebook giải thích lý do họ quyết định chi một núi tiền để có được ứng dụng WhatsApp và đội ngũ làm ra nó. Theo báo Anh The Guardian (19-2-2014), Zuckerberg viết rằng: “Sứ mạng của chúng tôi là làm cho thế giới được mở rộng và được kết nối hơn. Chúng tôi làm việc này để xây dựng các dịch vụ giúp người ta có thể chia sẻ bất cứ dạng nội dung nào với bất kỳ nhóm người nào mà mình muốn. WhatsApp sẽ giúp chúng tôi làm điều này bằng cách tiếp tục phát triển một dịch vụ mà mọi người trên khắp thế giới yêu thích mà dùng mỗi ngày.”

Nói đùa hỗng chừng có thể là thiệt, mấy nhà sáng lập WhatsApp mà sống ở đâu đó trên hành tinh này có khi bị mấy nhà mạng di động mướn giang hồ xử đẹp. Bởi họ là kẻ thù không đội trời chung với các nhà cung cấp dịch vụ alô truyền thống. WhatsAp chớ hề lén lút mà ghi rõ trên trang chủ Website của mình rằng: “WhatsApp Messenger là một ứng dụng nhắn tin di động đa nền tảng cho phép bạn trao đổi các tin nhắn mà không phải trả tiền cho SMS” (WhatsApp Messenger is a cross-platform mobile messaging app which allows you to exchange messages without having to pay for SMS.) Thấy mà ứa gan giùm mấy nhà mạng di động, nhưng khoái toàn thân (không chỉ có cái bụng) cho bá tánh. Họ còn nói thêm: “WhatsApp Messenger có sẵn cho iPhone, BlackBerry, Android, Windows Phone và Nokia và các loại điện thoại này có thể gửi tin nhắn lẫn nhau. Vì WhatsApp Messenger dùng Internet data plan cùng với cái plan mà bạn dùng cho e-mail và lướt web, không có vụ trả thêm tiền cho tin nhắn và vẫn giúp bạn giữ liên lạc với bạn bè mình.”

WhatsApp là một dịch vụ miễn phí, nhưng chỉ trong một năm đầu mà thôi. Nếu ưng cái bụng và muốn tiếp tục xài dịch vụ này, từ năm thứ hai trở đi, bạn phải trả phí cho WhatsApp. Chỉ có điều, bạn sẽ phải trố mắt ngạc nhiên, thậm chí có thể cười văng cả nước… khi biết là mức phí chỉ 1 USD/năm. WhatsApp cần phải thu tiền để tiếp tục tồn tại, vì họ thề không chèn quảng cáo vào ứng dụng của mình. Trên blog của mình, nhà sáng lập Jan đã giải thích “Vì sao chúng tôi không bán quảng cáo?” Ông cho biết mình và ông bạn Brian Acton, đồng sáng lập WhatsApp, đã làm việc cùng nhau 20 năm ở Yahoo! Họ đã làm việc cật lực để giữ cho dịch vụ này hoạt động, và làm việc cật lực để bán quảng cáo. “Đó là cách Yahoo! đã làm”, Jan viết như vậy. Ông thấu hiểu tâm lý của những người dùng khi bắt buộc phải sống chung với quảng cáo. Và cũng như họ, ông thù ghét kiểu quảng cáo đính kèm như vậy. Bởi lẽ đó, WhatsApp không bán quảng cáo. Jan viết: “Tại WhatsApp, các kỹ sư của chúng tôi dồn hết thời gian của họ để sửa các lỗi, bổ sung thêm các tính năng mới và san phẳng tất cả mọi thứ gồ ghề, rắc rối dù nhỏ trong nhiệm vụ của mình là đưa tác vụ nhắn tin phong phú, giá phải chăng, đáng tin cậy tới mọi chiếc điện thoại trên thế giới. Đó là sản phẩm của chúng tôi và là niềm đam mê của chúng tôi. Chúng tôi thậm chí không quan tâm tới dữ liệu của bạn. Khi ai đó hỏi tại sao chúng tôi thu phí WhatsApp, chúng tôi bảo: “Bạn có cân nhắc tới cái để lựa chọn này không?”

FACEBOOK COMPRA LA APLICACIÓN DE MENSAJERÍA WHATSAPP POR 19.000 MILLONES DE DÓLARES

Jan Koum.

Jan Koum, 38 tuổi, là nhà đồng sáng lập và CEO của WhatsApp. Ông sẽ gia nhập ban lãnh đạo Facebook. Koum là người Do Thái sinh trưởng tại Kiev (Ukraine) và mới sang Mỹ cùng mẹ và bà ngoại năm 1992.

CEO Facebook cho biết WhatsApp sẽ tiếp tục hoạt động độc lập bên trong Facebook. Có nghĩa là dịch vụ Messenger hiện nay của Facebook vẫn tiếp tục phục vụ người dùng. Zuckerberg nói: “Lộ trình sản phẩm của WhatsApp sẽ không có gì thay đổi và đội ngũ của nó vẫn sẽ ở lại Mountain View (nơi đặt trụ sở trước nay của WhatsApp).

Nhà Google quả là khó tránh khỏi xổ mình vì vụ này. Hồi tháng 4-2013, có tin đồn Google đã đề nghị mua WhatsApp (lúc đó có 250 triệu người dùng) nhưng bị WhatsApp “dội nước đá lạnh” do đưa ra mức giá chỉ 1 tỷ USD. Ngày 20-2-2014, tạp chí Fortune nói rằng có nhiều người biết việc Google đã đưa ra mức giá 10 tỷ USD để mua lại WhatsApp. Nhưng không như Facebook, Google không muốn dành một chỗ ngồi trong ban lãnh đạo cho ông chủ WhatsApp.

Nghe tới con số 19 tỷ USD, ai cũng giựt mình vì quá lớn. Nhưng thực tế thì thương vụ chuyển nhượng này chỉ trị giá khoảng 9% tổng giá trị thị trường của Facebook. Đây là vụ thâu tóm trị giá kỷ lục trong giới công nghệ. Trước đó, Google mua lại Motorola Mobility với giá 12,5 tỷ USD. Thương vụ lớn nhất của Microsoft là mua Skype với giá 8,5 tỷ USD. Apple chưa bao giờ có giao dịch nào nhiều hơn 1 tỷ USD.

Còn bây giờ phía trước là chuyện của hai ông chủ và hai nhà tỷ phú công nghệ trẻ tuổi, người đầu, kẻ cuối tuổi tam thập nhi lập. Khổng Tử bây giờ mà có sống lại ắt cũng phải bái phục trước hai người trẻ tuổi “tam thập” này. Mong rằng như lời cả hai cùng hứa, họ sẽ song kiếm hợp bích làm cho người dùng ngày càng “đã” hơn! Họ cứ thoải mái mà làm giàu một cách chân chính, miễn là chớ có quay lưng hay phản bội người dùng đã hè nhau lại đẩy họ lên tới level và status này! Không có hàng trăm triệu người dùng trung thành, làm gì Facebook có đủ tiền để mua WhatsApp, cũng như làm sao Jan lại kiếm được một Zuckerberg có đủ tiền để trả cho mình như vậy!

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 20-2-2014)

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.