Thứ Hai ngày 23 tháng 12 năm 2024

Theo dòng di động: Phablet còn lớn tới bao nhiêu nữa?

THEO DÒNG DI ĐỘNG

 

Thế giới di động hay di động thế giới?

 

 Mobile-World-Congress-MWC-2014

 

Nghe là biết ngay có cái mùi chơi chữ. Số là trong những ngày hạ tuần tháng 2-2014, làng di động hè nhau lên cơn sốt với sự kiện đình đám nhất thế giới của làng mình hàng năm tới hẹn lại lên tại Barcelona (Tây Ban Nha).

Nếu quen lẽ thông thường như nhiều sự kiện quốc tế khác, người ta ắt gọi đây là “Đại hội Di động Thế giới” (tiếng Anh là World Mobile Congress) với ý nghĩa một sự kiện có tầm cỡ thế giới. Thế nhưng tên chính thức của sự kiện này lại là Mobile World Congress (viết tắt MWC), nên phải dịch ra tiếng Việt là “Đại hội Thế giới Di động”, nói nôm na là một sự kiện của làng di động thế giới.

Xin chớ thấy mấy năm liền MWC đều diễn ra tại Barcelona mà hiểu lầm là sự kiện này chỉ diễn ra ở thành phố lớn thứ nhì của xứ sở bò tót. Hồi năm 1995, GMS World Congress được tổ chức tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha. Từ năm sau, sự kiện này được chuyển sang Cannes (Pháp), thành phố du lịch vốn nổi tiếng với Liên hoan Phim Quốc tế Cannes Film Festival. Mãi tới năm 2011, MWC mới chuyển sang Barcelona, có hơn 60,000 khách tham quan. Cha đẻ của MWC bèn tuyên bố chọn Barcelona làm thủ phủ của MWC cho tới năm 2018 mới hạ hồi phân giải.

Ủa, mà cha đẻ MWC là ai? Tất nhiên hỗng phải là người đọc hay kẻ viết những dòng này rồi. MWC là đứa con của GSMA (GSM Association), Hiệp hội GSM. Hiện nay hiệp hội ra đời tại Copenhagen (Đan Mạch) hồi tháng 9-1987 này có mặt ở hơn 220 nước và vùng lãnh thổ, với chức năng đại diện cho công nghệ di động GSM. Đó là lý do mà trên tên chính thức của MWC ngay tại sự kiện năm 2014 này vẫn có logo của GSMA.

Tới đây lại phát sinh thắc mắc: sự kiện của GSM thì 3G, 4G có được tham gia không? Chẳng có vấn đề gì. Công nghệ 3G đã được Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) bắt đầu nghiên cứu phát triển từ đầu thập niên 1980 và sau 15 năm, tới năm 1999, nó được ITU phê chuẩn các đặc tả với cái tên IMT-2000. Và vào năm 2001, ngay khi mạng WCDMA (3GSM) đầu tiên đi vào hoạt động, sự kiện MWC tại Cannes trong năm này đã được gọi là 3GSM World Congress. Cái tên này vẫn duy trì cho tới năm 2006.

Thật ra, từ rất lâu rồi, sự kiện GSMA MWC mang ý nghĩa bao la bát ngát là một sự kiện của thế giới di động do GSMA tổ chức chứ hỗng còn bị gói gọn trong vòng GSM.

Về phần mình, tôi ưng cái bụng hơn với cách gọi là “thế giới di động” bởi nó phản ánh đúng thực tế và xu thế hiện nay là cả thế giới cùng di động. Tôi nói hỗng có phóng đại đâu à nghen. Theo GSMA, vào năm 2011, tổng số kết nối di động toàn cầu đã vượt qua ngưỡng 6 tỷ. Còn theo số liệu ước tính của ITU hồi tháng 2-2013, tổng số thuê bao di động trên toàn thế giới vào cuối năm 2012 lên tới 6,8 tỷ (so với 6 tỷ hồi năm 2011 và 5,4 tỷ năm 2010). Số lượng này tương đương 96% số dân toàn cầu (khoảng 7,1 tỷ người). Trang mạng công nghệ Digital Trends từng dẫn tuyên bố của Liên mình ITU tại MWC 2013 rằng số lượng điện thoại di động đang sử dụng còn nhiều hơn số dân trên hành tinh. Cụ thể hơn, Silicon India dự báo số lượng điện thoại di động đang được kích hoạt trên thế giới sẽ lên tới 7,3 tỷ chiếc vào năm 2014.

 

Liệu Tizen có giẫm phải vết chân Bada?

 

 tizen-smartphone

 

Tại Đại hội MWC 2014, người ta đã được nghe nhắc tới tên một hệ điều hành di động mới, đó là Tizen OS. Hãng Samsung đã cho người dùng làm quen với hệ điều hành mã nguồn mở này bằng cách ứng dụng nó cho phiên bản đồng hồ thông minh mới Gear 2 và Gear 2 Neo. Tất nhiên với một thiết bị như đồng hồ thông minh, người dùng không quan tâm tới chuyện nó chạy hệ điều hành gì, mà chỉ coi nó hoạt động như thế nào, có những tính năng gì và các ứng dụng của nó chạy ra sao. Thực tế thì Tizen OS trong Gear 2 cũng chỉ là một phiên bản rút gọn.

Tizen là một hệ điều hành mã nguồn mở mới dựa trên nhân Linux do một nhóm công ty phát triển, trong đó có Samsung và Intel. Nó được đưa ra từ năm 2012 với lợi thế dựa trên ngôn ngữ web thế hệ mới HTML5, nhằm vào các thiết bị di động như smartphone, tablet, netbook, cũng như những thiết bị gắn trên xe hơi và smart TV.

Trước đây, Samsung đã từng phát triển hệ điều hành riêng Bada nhưng không thành công. Intel và Nokia cũng từng thất bại với hệ điều hành mới MeeGo. Liệu lần này bộ đôi này có làm nên chuyện?

Trước đây Bada chỉ có một mình Samsung phát triển và ứng dụng. Nhảy vào cõi giang hồ di động đầy thách thức hồi năm 2010, tới tháng 2-2013, hệ điều hành này đã bị cha đẻ của mình khai tử để ông ấy còn tập trung vào việc thai nghén đứa con mới. Chỉ có điều lần này đó là một đứa con tập thể. Hiệp hội Tizen Association hiện nay bao gồm những nhà mạng di động, OEM và hãng điện toán như Fujitsu, Huawei, Intel Corporation, KT, NEC CASIO Mobile Communications, NTT DOCOMO, Orange, Panasonic Mobile Communications, Samsung, SK Telecom, Sprint, Vodafone,… Cũng có thể coi Tizen là một hậu duệ của Bada do Samsung đã sáp nhập hai dự án lại với nhau. 

Nếu như hệ điều hành Bada chỉ được ứng dụng cho dòng điện thoại Samsung Wave, thì Tizen đã có mặt trên nhiều thiết bị hơn. Hồi tháng 10-2013, chiếc máy ảnh thông minh Samsung NX300M đã trở thành sản phẩm tiêu dùng đầu tiên chạy Tizen. Trước đó, hãng Systena đã công bố chiếc tablet Tizen đầu tiên vào tháng 6-2013. Đó là một chiếc máy tính bảng 10 inch Full HD (1920 x 1200 pixel) chạy CPU ARM quad-core. Có tin nói rằng, Samsung đã dự định tung ra một chiếc smartphone high-end chạy Tizen hồi tháng 9-2013. Nhưng rồi hãng đã hoãn lại tới quý 4-2013. Cuối cùng, vào tháng 11-2013, Samsung loan báo sẽ giới thiệu điện thoại ZEQ 9000 chạy Tizen trong tháng 2-2014.

Để giải quyết cấp kỳ vấn đề công cụ ứng dụng cho Tizen, Infraware, nhà phát triển phần mềm Hàn Quốc và là nhà sáng tạo của bộ Polaris Office cho thiết bị di động, đã giới thiệu tại MWC 2014 công cụ phần mềm Polaris App Generator cho phép các nhà phát triển dễ dàng và nhanh chóng chuyển đổi các ứng dụng Android sang chạy trên Tizen. Tuy nhiên, hãng này thu phí tới 5.000 USD cho việc chuyển đổi một ứng dụng. Có nghĩa là các ứng dụng miễn phí vô cùng phong phú vốn là một thế mạnh của Android sẽ chẳng nhận được ơn huệ gì từ công cụ chuyển đổi này.

 

Phablet còn lớn tới bao nhiêu nữa?

 

 phablet

 

Phablet là thuật ngữ được dùng để chỉ thiết bị di động có màn hình lớn hơn smartphone thông thường nhưng nhỏ hơn tablet. Cụ thể, đó là thiết bị (chính xác hơn là smartphone) có màn hình từ 5 tới 6,9 inch. Bởi theo quy ước bất thành văn, thiết bị có màn hình từ 7 inch tới 10-11 inch là tablet. Đây được cho là sản phẩm đáp ứng nhu cầu của những người dùng muốn gom 2 chiếc smartphone và tablet lại làm một thiết bị.

Chỉ cách đây một năm, không ít người nghĩ rằng 6 inch sẽ là cái ngưỡng cuối cùng phablet. Một thiết bị cầm tay từ 5,5 inch đã khá là bất tiện khi dùng để gọi điện thoại rồi. Nếu quởn, bạn có thể cùng tôi thi nhau cầm chiếc Lenovo K900 màn hình 5,5 inch lên “tám” điện thoại xem ai cầm nổi lâu hơn?

Thực tế có một số sản phẩm mới cũng chỉ mon men tới gần ngưỡng 6 inch này. Như Samsung Galaxy Note 3 có màn hình 5,7 inch; Oppo N1 (5,9 inch); và HTC One max (5,9 inch).

Người ta đã hồi hộp chờ xem có hãng nào vượt ngưỡng 6 inch không? Dè đâu thiên hạ lủ khủ tung ra những chiếc phablet từ 6 inch trở lên. Như Nokia Lumia 1520 (6 inch); Huawei Ascend Mate (6,1 inch); Samsung Galaxy Mega (6,3 inch); Sony Xperia Z Ultra (6,4 inch)…

Tất nhiên, những chiếc phablet có màn hình siêu bự như thế rất thích hợp cho việc xem phim, chơi game, lướt web,… Nhưng với chức năng chính của smartphone là gọi điện thì quả là bất tiện, cần phải nhờ vả tới chiếc tai nghe Bluetooth. Và với chúng, chuyện nhét túi quần đi tới đi lui quả là khó khả thi.

Tôi nghĩ rằng khi chiếc phablet “bành trướng” tới hơn 6,5 inch, người ta sẽ bị mất công đắn đo suy nghĩ để lựa chọn một chiếc smartphone có thêm chức năng tablet hay một chiếc tablet có thêm chức năng điện thoại.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 6-3-2014)

+ Có thể đọc bản in trên tạp chí e-CHIP M! số ra ngày 5-3-2014.