Thứ Tư ngày 22 tháng 1 năm 2025

Vì sao tôi không chào mừng ngày 8-3?

women-rose-php

 

Một cái tít dạng câu hỏi đầy tính “câu view” trong cái ngày nhạy cảm quốc tế này. Nhưng oan có đầu, nợ có chủ, phàm thì là mà rằng bất cứ sự gì trên đời này cũng đều có nguyên do của nó.

Lần đầu tiên khi tôi chúc mừng các lady ở Mỹ, họ “ngạc nhiên chưa” và nói rằng ở Mỹ không có cái ngày này. Người ta quan niệm rằng chỉ có những nước nào mà phụ nữ còn chịu nhiều “thiệt thòi” (có lẽ họ lịch sự không muốn dùng từ “đè đầu, cỡi cổ”) mới phải tổ chức cái ngày này. Còn ở Mỹ, phụ nữ là “number one”, đứng Top 4 trong xã hội (phụ nữ, trẻ em, con cún và đàn ông). Tất nhiên người Mỹ vẫn có những ngày để mọi người “tập trung chúc mừng” giới nữ là Mother’s Day, Valentine’s Day và kể cả ngày Thanksgiving Day.

Tôi bèn mò vô kho từ điển bách khoa Wikipedia tra cứu. Thì ra cái ngày mà Việt Nam gọi là Ngày Quốc tế Phụ nữ có tên tiếng Anh là International Women’s Day (IWD), hồi ban đầu gọi là International Working Women’s Day, nghĩa là chỉ dành cho tầng lớp phụ nữ lao động. Tôi nhẹ cả tấm lòng, bởi đi mần bị mấy sếp đì nên chị em mới phải vùng lên (hỗng có liên quan gì tới mối quan hệ chồng vợ trong gia đình). Vậy là ngày 8-3 hồi nguyên thủy có mùi chính trị!

Ngày xưa, ngày Phụ nữ Women’s Day được những người theo chủ nghĩa xã hội ở Mỹ tổ chức vào những ngày khác nhau tại một số địa phương, như 8-3-1909 tại Chicago, 28-2-1909 và 27-2-1910 tại New York. Vào tháng 8-1910, một Đại hội Phụ nữ Quốc tế được tổ chức trước thềm cuộc họp khoáng đại của Quốc tế II Xã hội chủ nghĩa tại Copenhagen (Đan Mạch). Được truyền cảm hứng bởi các nhà xã hội chủ nghĩa Mỹ, nhà xã hội chủ nghĩa Đức Luise Zietz đã đề nghị hình thành một “International Woman’s Day” hàng năm. Ý tưởng này được nhà nữ lãnh đạo cộng sản Đức Clara Zetkin ủng hộ. Bà Zetkin này vốn say mê với chuyện đấu tranh vì quyền phụ nữ. Thấy có lý quá, các đại biểu (gồm 100 phụ nữ của 17 nước) đã đồng ý hình thành ngày phụ nữ quốc tế này nhằm cổ vũ cho quyền bình đẳng giới, bao gồm quyền được đi bầu cử (“bầu cử” chớ hỗng dính líu gì tới “có bầu”, xin đừng méo mó). Ngày Quốc tế Phụ nữ đầu tiên được tổ chức vào ngày 19-3-1911 ở 4 nước Áo, Đan Mạch, Đức và Thụy Sĩ với hơn 1 triệu người tham dự. Người Mỹ vẫn tiếp tục mừng National Women’s Day của mình vào ngày Chủ nhật cuối cùng trong tháng 2. Mãi tới năm 1913, phụ nữ Nga mới tổ chức được ngày IWD vào ngày Chủ nhật cuối cùng của tháng 2 (theo lịch Julian hồi đó còn xài ở Nga). Vào năm 1914, ngày IWD được nhiều nước tổ chức vào ngày 8-3, có lẽ vì hôm đó là Chủ nhật. Sau này, ngày 8-3 được “kết” với ngày Quốc tế Phụ nữ.

Năm 1977, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã mời các nước thành viên tuyên bố ngày 8-3 là Ngày Liên Hiệp Quốc vì quyền phụ nữ và hòa bình thế giới. Mỗi năm, LHQ đưa ra một chủ đề cho ngày này. Ngày Quốc tế Phụ nữ 2014 có chủ đề là “Bình đẳng cho phụ nữ là tiến bộ cho tất cả” (Equality for Women is Progress for All).

Chẳng biết các bạn nghĩ sao chớ tôi thì hỗng khoái ngày Quốc tế Phụ nữ bằng Ngày của Mẹ, ngày lễ Tình nhân, vì ngày này mang hơi hướm chính trị, trong khi hai ngày kia thấm đẫm hương vị tình yêu từ trái tim. Đó là tôi nghĩ cho mình mà thôi.

Trở lại chuyện vì sao tôi không chào mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ nghen. Tôi đã thức trắng cả đêm qua để tự kiểm điểm lại mình coi có đàn áp phụ nữ không. Rõ ràng không phải chỉ có ngày hôm qua hay năm vừa qua (tình từ 8-3-2013), mà cả đời mình, tôi luôn trân trọng quý vị phụ nữ, đặc biệt là quý vị càng đẹp, càng trẻ bao nhiêu, tôi càng “cưng” bấy nhiêu. Vậy thì hà cớ gì tôi lại đi chào mừng cái ngày chỉ dành cho những phụ nữ bị áp bức như vậy? Hỗng lẽ tôi lại đi mặc nhiên công nhận hoặc là những người phụ nữ chung quanh mình còn bị áp bức, hoặc là mình không yêu thương họ hết lòng? Đó không phải PHP tôi nghen!

Thêm nữa, quý vị đồng phái người Việt của tôi bị Nhà nước “ép” mỗi năm ít nhất phải có 2 ngày, một ngày tiên thường và một ngày chánh nhựt, dành cho phụ nữ là 8-3 (Quốc tế Phụ nữ) và 20-10 (Phụ nữ Việt Nam). Tôi thì khác một cách nền tảng à nghen, tôi luôn một lòng tự nguyện tình nguyện xung phong hiến dâng cả hồn xác mình cho quý vị phụ nữ 24/7 khi nào tim tôi vẫn còn đập. Vậy thì hà cớ gì tôi phải chào mừng chỉ một ngày 8-3?

Tôi có thể vỗ ngực tự hào rằng không gã đàn ông nào trên đời yêu thương phụ nữ bao la bát ngát mặn nồng bằng tôi. Không phải vì họ là gần nửa thế giới (theo số liệu năm 2012, tỷ lệ giới tính toàn cầu là 1,01 nam và 1 nữ, chủ yếu bởi ảnh hưởng từ hai nước đông dân nhất nhì thế giới và cũng có tư tưởng “thập nữ viết vô” siêu hạng là Trung Quốc và Ấn Độ), mà đơn giản không có phụ nữ tôi chẳng còn là tôi. Không có phụ nữ, tôi hà cớ phải tốn tiền, tốn thời gian đi hớt tóc, may mặc quần áo, giữ sức khỏe, siêng năng học hành, nai lưng ra cày bừa… làm chi. Không có phụ nữ, tôi đã trở lại cái thời ăn lông ở lỗ là một người rừng mất rồi.

Liệu cơm gắp mắm và tự lượng sức mình, trong ngày 8-3 này, tôi không dám manh động, chỉ thể hiện tình yêu thương mà tôi dành cho quý vị phụ nữ một cách đơn sơ, nhẹ nhàng nhưng rất ư là thiết thực. Theo tập quán của người Việt Nam, vào mỗi dịp lễ lộc, đặc biệt là của giới, của ngành mình, người ta thường phát động thi đua làm việc bằng 5 bằng 10 để lập thành thích chào mừng. Ngày hôm nay, tôi xin được phép phá lệ, quý vị phụ nữ mà tôi yêu thương xin hãy an tâm mà nghỉ ngơi một ngày, hưởng thụ mọi niềm vui với các bạn đồng phái (tôi cẩn thận không dùng chữ đồng giới) của mình. Hôm nay không cần phải phục vụ tôi đâu. Tôi không chỉ gallant mà còn rất biết điều và hiểu biết, luôn hiểu rằng ngày còn rộng, tháng còn dài, một năm trừ 2 ngày vẫn còn tới 363 ngày để quý vị phụ nữ thể hiện “mình là phụ nữ” kia mà.

Lễ lộc (không phải lễ lạy) thường có tiết mục tặng quà. Tôi thì xưa nay nhứt quán chủ trương kiên định lập trường không để vật chất xen vào tình cảm tôi dành cho chị em phụ nữ. Vật chất nó hạ thấp vị thế cao quý, đáng yêu của người phụ nữ trong tôi, và làm hoen ố tấm lòng của tôi dành cho họ. Nhưng chẳng lẽ lại hổng có chi thấy cũng kỳ. Cái mà tôi thiệt lòng muốn dành tặng chị em phụ nữ là như vầy:

Hôm nay ngày 8 tháng 3

Anh dâng hồn xác làm quà tặng em.

Đối với tôi, ngày 8-3 chỉ đơn thuần là một cái cớ, một nhắc nhớ để quý đàn ông tập trung tư tưởng chúc mừng phụ nữ, nghĩ cho phụ nữ. Và với ý nghĩa đó, tôi rất mong có thêm nhiều nhiều ngày như vậy trong năm.

Ngày 8-3, tôi không “chào mừng” ngày Quốc tế Phụ nữ, nhưng phải nói chính xác là “chúc mừng” quý vị phụ nữ mà tôi luôn hết lòng hết dạ yêu thương. Tôi luôn yêu, rất rất yêu tất cả quý vị! Xin Thượng đế luôn giữ gìn quý vị phụ nữ giùm con!

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 8-3-2014)