Thứ Tư ngày 22 tháng 1 năm 2025

Vén bức màn bí mật về hai hành khách sử dụng hộ chiếu bị đánh cắp trên chuyến bay bí ẩn MH370

stolen-passport-irans-malaysia

 

Mấy ngày qua, sau khi chiếc máy bay Boeing B777-200ER số hiệu chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị mất tích khi đang trên đường từ Kuala Lumpur đi Bắc Kinh sáng sớm 8-3-2014, nhà chức trách Malaysia và quốc tế đã khẩn trương điều tra về những hành khách “lạ” có mặt trên chuyến bay. Câu hỏi ưu tiên số 1 là liệu họ có liên quan tới khủng bố không?

Malaysia cho biết có 5 hành khách đã làm thủ tục ký gửi hành lý nhưng giờ chót không lên máy bay, và theo quy định, sân bay đã giỡ hành lý ký gửi của họ ra khỏi máy bay. Kết quả kiểm tra hành lý của họ không có vấn đề gì. Cơ quan an ninh Malaysia cũng nói rằng mình có được 4 cái tên khả nghi để điều tra. Tuy nhiên, theo phóng viên báo Tuổi Trẻ có mặt tại Sebang (Malaysia), Tổng thanh tra Lực lượng Cảnh sát hoàng gia Malaysia, ông Tan Sri Khalid Bin Abu Bakar chiều 11-3 khẳng định: “Không có hành khách nào đã làm thủ tục mà không lên chuyến bay mất tích MH370”. Chỉ có điều, đây không phải là thông tin duy nhất nay nói này, mai nói khác và không thống nhất giữa các cơ quan và quan chức của Malaysia từ đầu vụ việc tới nay.

Nhưng mọi sự chú ý được tập trung vào hai hành khách sử dụng 2 cuốn hộ chiếu châu Âu bị đánh cắp ở Thái Lan trước đó. Một hộ chiếu của Ý mang tên chủ nhân là Luigi Maraldi bị mất năm 2012. Một hộ chiếu do Áo phát hành cho Christian Kozel bị đánh cắp trên Đảo Phuket hồi tháng 8-2013. Cả hai khổ chủ đều đã báo tin hộ chiếu bị mất cắp và thông tin này có lưu trong dữ liệu của cơ quan chuyên trách Mỹ và tại trụ sở Cảnh sát Hình sự Quốc tế Interpol ở Lyon (Pháp).

Khi Malaysia loan báo danh sách các hành khách đi trên chuyến bay bị mất tích, nhà chức trách Ý và Áo đã kiểm tra và thông báo rằng 2 công dân của mình thực sự không có mặt trên chuyến bay đó. Sau đó, du khách Ý Maraldi, 37 tuổi, đã xuất hiện trong một cuộc họp báo tại đồn cảnh sát Phuket (Thái Lan) và cho thấy hộ chiếu mới mà mình đang sử dụng. Anh cho biết ngay sau khi phát hiện có ai đó dùng tên và hộ chiếu của mình trong danh sách hành khách trên chuyến bay MH370, anh đã từ Thái Lan, nơi anh đang đi du lịch, gọi điện về Ý cho cha mẹ mình an tâm. Khi bị mất hộ chiếu vào năm 2013, anh đã báo cho cảnh sát Ý biết. Bộ Ngoại giao Áo cũng cho biết công dân Kozel, 30 tuổi, vẫn đang sống bình an tại nhà mình.

Vậy ai đã sử dụng hai cuốn hộ chiếu của họ để lên chuyến bay MH370 định mệnh đó?

Các cơ quan điều tra Malaysia đã kiểm tra lại video do các camera an ninh sân bay ghi lại. Bộ trưởng Nội vụ Malaysia Ahmad Zahid Hamidi ngày 10-3 nói rằng: hai hành khách sử dụng hộ chiếu đánh cắp có “khuôn mặt châu Á” (Asian appearance). Điều này lập tức gây ra những lời phê bình lực lượng an ninh và hải quan đã tắc trách không đặt nghi vấn khi thấy người châu Á lại mang tên châu Âu và dùng hộ chiếu châu Âu. Trong khi đó Tổng giám đốc Cục Hàng không Dân dụng Malaysia Azharuddin Abdul Rahman lại cho biết hai hành khách đó không phải là người Malaysia hay người châu Á. Thậm chí ông còn mô tả có người trông giống danh thủ bóng đá Ý Mario Balotelli, vốn là một người da đen. Trong một cuộc họp báo cuối ngày 9-3, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Malaysia Hishammuddin Hussein quả quyết: “Tôi có thể khẳng định rằng chúng tôi đang có hình ảnh của hai người này trên CCTV.” Hình ảnh của họ đã được cung cấp cho các cơ quan tình báo quốc tế để tìm kiếm và xác minh.

Hãng tin Mỹ AP cho biết ngày 9-3 họ đã liên lạc được với nhân viên trực tổng đài hotline của chi nhánh hãng hàng không Hà Lan KLM ở Trung Quốc. Cô này xác nhận cả hai hành khách có tên “Maraldi” và “Kozel” đều đã đặt vé bay từ Bắc Kinh trên một chuyến bay của KLM tới Amsterdam (Hà Lan) ngày 8-3 (nghĩa là ngay sau khi họ từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh). Sau đó từ Hà Lan trong cùng ngày, Maraldi bay tiếp sang Copenhagen (Đan Mạch) cũng bằng máy bay KLM và Kozel bay tiếp sang Frankfurt (Đức).

Hãng tin BBC (Anh) thông tin: Hai hành khách này đã đặt vé thông qua hãng hàng không Trung Quốc China Southern Airlines cùng một lúc nên có số vé liên tục nhau. Hãng China Southern Airlines hoạt động codeshare với hãng Malaysia Airlines. Hãng cho biết ngoài 2 vé này, họ còn bán 5 vé khác cho 1 người Hà Lan, 2 người Ukraine, 1 người Trung Quốc và 1 người Malaysia trên chuyến bay định mệnh này.

Trong khi đó, báo Anh Daily Mail (10-3) cho biết nhà chức trách Thái Lan điều tra ra có một nhà doanh nghiệp Iran tên Kazem Ali đã đặt mua vé máy bay cho hai hành khách bí ẩn này. Ngay sau khi có thông tin có hành khách sử dụng hộ chiếu bị đánh cắp tại Thái Lan để lên chuyến bay MH370, nhà chức trách nước này đã mở cuộc điều tra về những tổ chức kinh doanh hộ chiếu đen đang hoạt động ở Thái Lan. Trước nay người ta vẫn biết rằng có những đường dây chuyên đánh cắp các hộ chiếu của du khách Mỹ và châu Âu để bán cho những ai có nhu cầu. Khách hàng của những hộ chiếu này thường là những người muốn nhập cư lậu, lao động lậu hay gái mại dâm quốc tế. Không thể loại trừ khả năng bọn khủng bố cũng sử dụng loại hộ chiếu thật mà giả này.

Báo Mỹ USA Today (11-3) cho biết: Theo Đại tá cảnh sát Thái Lan Supachai Phuykaeokam, những chiếc vé một chiều đi châu Âu cho hai hành khách dùng hộ chiếu mất cắp được một đại lý lữ hành tại thành phố du lịch Pattaya (Thái Lan) xuất bán. Điều lòng vòng là họ xuất theo yêu cầu của một đại lý lữ hành khác là Grand Horizon, cũng ở thành phố này. Chị Benjaporn Krutnait, chủ của hãng Global Horizon, kể rằng: Một nhà doanh nghiệp Iran tên là Kazem Ali ngày 1-3 đã liên lạc với chị yêu cầu đặt vé cho 2 người đàn ông này, nói rằng họ là những người bạn muốn trở về nhà ở châu Âu. Yêu cầu là vé rẻ nhất và khởi hành từ Kuala Lumpur, không đặt ra yêu cầu cụ thể về nơi quá cảnh. Ban đầu chị đã giữ vé trên những hãng hàng không khác, nhưng các vụ giữ chỗ này đã bị quá hạn, sau đó vào ngày 6-3, Ali yêu cầu chị đặt vé lại cho họ. Chị đã đặt vé trên chuyến bay quá cảnh Bắc Kinh vì đó là vé rẻ nhất. Chị nói mình không nghĩ cái ông Ali lại có liên quan tới khủng bố. Ông ta đã trực tiếp đặt vé và thanh toán bằng tiền mặt, cũng như là khách hàng thường xuyên của chị trước nay.

Không rõ nhà chức trách Thái Lan có tìm ra người đàn ông bí ẩn tên Ali này không. Nhưng việc ông ta là người Iran được coi là có khả năng dính líu, vì nhà chức trách Malaysia chiều 11-3 cung cấp hình ảnh của 2 hành khách dùng hộ chiếu đánh cắp đã xác định được kẻ dùng hộ chiếu của công dân Áo Kozel là một thanh niên Iran 18 tuổi tên Pouria Nour Mohammad Mehrdad. Anh ta đang trên đường nhập cảnh vào Đức. Trang tin Global News của Canada ngày 11-3 dẫn lời Trung tá cảnh sát Thái Lan Ratchthapong Tia-sood nói rằng: “Chúng tôi phải tìm kiếm thêm về danh tính của ông Ali này bởi vì hầu như người ta có tập quán xài bí danh khi làm ăn tại đây.”

Trong khi nhà chức trách Malaysia mới công bố nhận dạng được một trong hai hành khách bí ẩn là người Iran, báo Mỹ USA Today (11-3) dẫn nguồn từ báo Anh The Telegraph (10-3) cho biết cả hai đều là người Iran. Họ từ Tehran (Iran) tới Kuala Lumpur và được một người bạn đồng hương chứa tại nhà mình. Người này cho chương trình tiếng Ba Tư của đài BBC Anh biết là hai người đó đã mua hai cuốn hộ chiếu bị đánh cắp đó tại Kuala Lumpur để đi định cư ở châu Âu. Một người muốn sang Frankfurt (Đức), nơi mẹ mình sống; còn người kia đi Đan Mạch. Do Iran bị Mỹ cấm vận, kinh tế suy sụp, tỷ lệ thất nghiệp cao, nhiều thanh niên nước này đã tìm cách hợp pháp và phi pháp để chạy sang châu Âu, Bắc Mỹ hay Úc. Người Iran ở Kuala Lumpur là bạn học của một trong 2 hành khách đó thời anh còn sống ở Iran. Anh đã e-mail cho BBC và kênh truyền hình Mỹ CNN tấm ảnh anh chụp chung với 2 người bạn Iran chỉ ít ngày trước khi họ lên chuyến bay định mạng. Có chi tiết trùng khớp là đợi lâu không thấy con trai qua, người mẹ ở Đức đã liên lạc với nhà chức trách Malaysia để hỏi thăm tin tức.

Hãng tin BBC (11-3) cho biết Interpol đã nhận dạng được hành khách thứ hai tên là Delavar Seyed Mohammadreza, 29 tuổi, cũng là người Iran.

Tuy nhiên, cảnh sát Malaysia chiều 11-3 cung cấp thông tin cho báo chí cho biết: Cả hai người này đều từ Thái Lan nhập cảnh vào Malaysia tối 28-2 với hộ chiếu bị đánh cắp của hai người Ý và Áo. Cảnh sát sân bay Kuala Lumpur đã đóng dấu nhập cảnh và cho phép họ lưu trú 90 ngày. Và tối 7-3, cả hai người này đều cùng xuất cảnh một lượt để bay trên chuyến bay MH370. Chi tiết khác với lời người Iran kia kể với BBC là hai người bạn đã từ Thái Lan sang chứ không phải Iran và hộ chiếu đó không phải được mua tại thủ đô Malaysia.

Điều khó hiểu là thông tin của cảnh sát Malaysia lại khác với những gì Tổng thư ký Interpol Ronald Noble công bố ngày 11-3 với các nhà báo tại tổng hành dinh Interpol ở Lyon. Theo hãng tin Anh Reuters, người đứng đầu Cảnh sát Hình sự Quốc tế cho biết hai người Iran này đã bắt đầu cuộc hành trình từ Doha (thủ đô Qatar) và đổi hộ chiếu tại Kuala Lumpur, sau đó họ dùng hai hộ chiếu Ý và Áo bị mất để lên chuyến bay MH370. Điều này phù hợp với lời người bạn Iran ở Kuala Lumpur kể với BBC. Một lần nữa cho thấy có sự tiền hậu bất nhất và ông nói gà, bà bảo vịt của các quan chức và cơ quan hữu trách Malaysia. Người đứng đầu Interpol cũng cho biết 2 người Iran này nằm trong một đường dây buôn lậu người. Ông nhấn mạnh: “Càng có thêm nhiều thông tin mà mình tìm được, chúng tôi càng nghiêng về kết luận đây không phải là một việc có liên quan tới khủng bố.”

Hai người Iran trong tấm ảnh mà người Iran ở Kuala Lumpur cung cấp cho hãng BBC đúng là hai hành khách bí ẩn trong ảnh mà nhà chức trách Malaysia công bố, trích từ video mà camera an ninh ghi lúc họ làm thủ tục xuất cảnh.

Nhiều nguồn cho rằng đây là một vụ có liên quan tới hoạt động di dân lậu. Trước nay có rất nhiều người nhập cư lậu đã sử dụng hộ chiếu giả và hộ chiếu bị đánh cắp. Đông Nam Á được coi là một thị trường đang bùng nổ về hộ chiếu đánh cắp.

Một nhà ngoại giao châu Âu tại Kuala Lumpur lưu ý rằng thủ đô Malaysia là một trung tâm châu Á cho những di dân lậu, nhiều người trong đó dùng giấy tờ giả và đi theo những tuyến đường phức tạp như quá cảnh Bắc Kinh hay một nước Tây Phi để nối chuyến sang châu Âu. Theo chính sách của Trung Quốc, những người mang hộ chiếu châu Âu có thể lưu lại Bắc Kinh trong vòng 72 giờ mà không cần phải xin visa. Nhà ngoại giao này nói rằng một khi hiểu được vai trò của Kuala Lumpur trong mạng lưới dích dắc mà bọn buôn lậu người quốc tế sử dụng, người ta sẽ không cứ nghĩ rằng sự có mặt của hai hành khách dùng hộ chiếu ăn cắp đó là thủ phạm làm cho chiếc máy bay mất tích.

Có tin nói rằng cơ quan an ninh quốc tế đang tìm hiểu liệu coi có hành khách nào trên chuyến bay MH370 sử dụng hộ chiếu bị đánh cắp nữa không. Việc này không khó, chỉ cần lấy tên của các khành khách tra cứu trong khu dữ liệu hộ chiếu bị mất của Interpol hay cơ quan an ninh Mỹ là có thể biết ngay. Tất nhiên cũng có một số trường hợp những người mất hộ chiếu mà không khai báo.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 11-3-2014)

Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

 

stolen-passport-irans-malaysia

Ảnh hai hành khách bí ẩn do cảnh sát Malaysia công bố. Pouria Nour Mohammad Mehrdad, 18 tuổi (trái) và Delavar Seyed Mohammadreza, 29 tuổi.

 stolen-passport-irans-bbc

Ảnh hai người bạn Iran mà một người Iran sống tại Kuala Lumpur cung cấp cho hãng BBC.

stolen-passport-maraldi

Du khách Ý Maraldi xuất hiện trong một cuộc họp báo tại đồn cảnh sát Phuket (Thái Lan) và cho thấy hộ chiếu mới mà mình đang sử dụng.