Thứ Tư ngày 22 tháng 1 năm 2025

Nhớ ngày giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba

140127-phphuoc-hoihoaxuan-taodan-151_resize

 

Hôm nay là ngày giỗ lớn nhất ở Việt Nam, không phải chỉ là cả nước giỗ mà là cả dân tộc, bao gồm người Việt trong nước và người Việt ở nước ngoài, nhà nhà đám giỗ, người người ăn giỗ.

Từ lâu trong dân gian đã truyền tụng câu ca dao:

Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ Tỗ mùng Mười tháng Ba.

 140127-phphuoc-hoihoaxuan-taodan-153_resize

Chúng ta cần phân biệt giữa “ông tổ” (có ý nghĩa cá nhân) và “tổ tiên”  (có ý nghĩa tập thể). Vì thế, ta nói “ông tổ của người Việt là vua Hùng” chứ không thể nói “tổ tiên người Việt là vua Hùng”. Bởi không có lẽ nào một ông vua có thể đẻ ra cả một dân tộc. Vua Hùng xưa nay được gọi chính xác là “quốc tổ”, có nghĩa là “ông tổ của nước Việt”. Người Pháp tự hào nói rằng “Tổ tiên chúng ta là người Gaulois” (Nos ancêtres sont des Gaulois) và dạy cho trẻ như vậy ngay từ khi mới đặt chân vào lớp vỡ lòng. Họ không dùng chữ “vua Gaulois”.

Một điều nữa cũng cần xác định. Vua Hùng là ông tổ của người Việt chứ không phải chỉ có người Kinh. Người Kinh dù chiếm đa số nhưng cũng chỉ là một trong 54 dân tộc ở Việt Nam. Vì thế, cho dù mỗi dân tộc có tổ tiên là ai chăng nữa, tất cả đều có chung một quốc tổ mà hôm nay cùng làm đám giỗ. Rượu làng Vân (miền Bắc), rượu Bàu Đá (miền Trung), rượu đế Gò Đen (miền Nam), rượu cần (Tây Nguyên), rượu ngô (Tây Bắc)… nào cùng…. dzô!

Thiệt tình tôi không hề thích cái cách gọi bà con mình ở xứ người là Việt kiều, hay kiều bào, vì chúng “dễ xa nhau” quá. Tôi chỉ ưng gọi họ là “người Việt ở nước ngoài” (thí dụ “người Việt ở Mỹ”) để cho nó đậm đà tình dân tộc gắn kết với “người Việt trong nước”.

130206-phphuoc-tetquyti-hoihoaxuan-taodan-saigon-046

Lâu nay vẫn có những ý nói rằng người Việt và người Trung Hoa có cùng ông tổ. Tất nhiên ở đây ta không nói tới chuyện cả nhân loại đều có chung một ông tổ, mà những người Thiên chúa giáo nói là ông Adam và bà Eva. Thực tế, xem xét sách sử của cả Trung Quốc và Việt Nam, cũng như các tài liệu về nhân chủng học, khảo cổ học đều ghi chép rằng: Vào cuối thời đồ đá mới, đầu thời đồ đồng (nghĩa là cách đây khoảng 5.000 năm), ở khu vực từ sông Dương Tử đổ xuống xuất hiện một chủng người mới gọi là chủng Nam Á (austro-asiatique), thuộc Đại chủng Á. Sau đó, chủng Nam Á được chia thành các tộc mà sử sách ta và Tàu đều gọi là nhóm Bách Việt. “Bách” ở đây không có nghĩa là “100” mà là “rất nhiều”. Lúc đó có nhiều tộc Việt như Điền Việt, Sơn Việt, Dương Việt, Mân Việt, Đông Việt, Nam Việt, Âu Việt, Lạc Việt. Các tộc Việt này sống trên một địa bàn rộng lớn có hình tam giác ở Hạ lưu Dương Tử mà đáy là sông Dương Tử và đỉnh là nơi hiện nay là Bắc Trung bộ của Việt Nam. Riêng tộc Lạc Việt sống ở vùng nay là đồng bằng Bắc bộ của Việt Nam. Sau đó, lãnh thổ Bách Việt bị người Hoa Hạ từ vùng Trung nguyên của Trung Hoa cổ tràn xuống xâm chiếm. Các tộc Việt khác dần dần bị người Hoa Hạ đồng hóa. Và đó chính là người Trung Hoa xưa và Trung Quốc ngày nay. Cho tới nay, nhiều học giả ở Trung Quốc vẫn gọi Hán tộc là người Hoa Hạ. Chỉ duy nhất tộc Lạc Việt là vẫn tồn tại và đó chính là tổ tiên của người Việt ta. Điều này nói rằng, người Việt ta chẳng có bà con gì với người Trung Hoa mà ngay từ ngàn xưa đã là những nạn nhân bị người Trung Hoa xâm lấn. Để tránh hiểm họa phương Bắc, người Việt đã “hành phương Nam”, phát triển dần xuống dưới này, mà nếu không vướng phải biển Đông ở Mũi Cà Mau thì có lẽ bây giờ nước Việt còn dài mút mùa Lệ Thủy, chứ không dừng lại ở 1.650km chiều dài như ngày nay. (Nói theo ý niệm lịch sử thôi chớ không hề là cổ súy cho bành trướng, bá quyền chi đâu.)  

Trong những năm gần đây, các công trình nghiên cứu mới nhất của thế giới về Việt tộc và Hán tộc một lần nữa khẳng định rằng tộc Việt và tộc Hán là 2 tộc người khác nhau.

Theo Từ điển Bách khoa Wikipedia: Nguồn gốc tộc Việt bắt đầu từ họ Hồng Bàng. Vị vua đầu tiên là Kinh Dương Vương (vua nước Xích Quỷ) hiện còn có mộ tại làng An Lữ (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Ông lên làm vua vào khoảng hơn 2.000 năm trước Công nguyên, sau đó lấy bà Long Nữ (con gái Thần Long là vua Hồ Động Đình), sinh hạ được Sùng Lãm (lấy hiệu là Lạc Long Quân). Ông lấy bà Âu Cơ (con gái Đế Lai) sinh ra 100 trứng, nở ra 100 người con. Một hôm nhà vua bảo bà Âu Cơ: “Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, thủy hỏa khắc nhau, chung hợp thật khó”. Bèn từ biệt, hai ông bà đồng ý chia đôi số người con: 50 người con theo mẹ lên núi, 50 người con theo cha xuống biển. Sau đó, nước Xích Quỉ chia thành nhiều nước gọi là Bách Việt. Một trong các nước nhỏ này là nước Văn Lang. Lạc Long Quân về sau phong cho người con trưởng làm vua nước Văn Lang, xưng hiệu là Hùng Vương thứ 1, đặt quốc hiệu là Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu (Bạch Hạc, Vĩnh Phúc hoặc Phú Thọ). Dòng dõi Hùng Vương lưu truyền được 18 đời, đến đời Hùng Vương thứ 18 thì bị nhà Thục của Trung Hoa lấy mất nước.

Xin lưu ý: triều đại Hùng Vương là có thật, còn chuyện Lạc Long Quân – Âu Cơ sinh ra trăm trứng nở trăm con là truyền thuyết để nói lên ý nghĩa các dân tộc trên đất nước Việt đều là đồng bào, chung một ông tổ. (Nói trộm phép ông tổ, tỷ lệ ly hôn của người Việt mà có cao thì phần nào cũng là do noi gương Lạc Long Quân – Âu Cơ từng “thuận tình ly hôn và thỏa thuận chia con” hồi đó.)

Không ai ngu ngơ tới chuyện dẫn chứng việc người Việt cho tới nay vẫn duy trì nhiều phong tục, tập quán, lễ nghi, văn hóa của người Trung Hoa để nói là hai bên có bà con gốc gác với nhau. Độ dài của 1.000 năm bị Trung Hoa đô hộ không thể không để lại những ảnh hưởng và di chứng. May mắn là người Việt mình dù bị đô hộ lâu như vậy mà vẫn không bị đồng hóa (có lẽ kế thừa cái bản lĩnh bất khuất và cái gien kiên cường của tộc Lạc Việt xưa). Mà sao không có ai tra vấn ngược lại, có bao nhiêu phong tục tập quán của người Trung Hoa có nguồn gốc từ các tộc Bách Việt xưa?  

Cuối cùng, chuyện bên lề thôi, sáng nay tôi “bỗng dưng muốn… thắc mắc” rằng không biết do người Việt mình cùng một tổ, nên đều là bà con hỗng gần sát vách thì xa tới Ải Nam Quan hay Mũi Cà Mau, liệu chung sống với nhau có bị coi là lộn sòng và đồng huyết không? Hỗng lẽ để cho an tâm, tôi đi kiếm nửa quả cầu của mình ở… dân tộc khác? Tôi đi đây…

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 9-4-2014)

 

+ ẢNH: Đền Tưởng niệm các Vua Hùng tại Công viên Tao Đàn (TP.HCM). Ảnh: PHP