Trường còn đó, lớp còn kia, bạn đâu rồi?
Chắc hẳn đã có nhiều bạn học sinh của trường Trung học Danwon tại thành phố Ansan, ngay phía nam thủ đô Seoul (Hàn Quốc) sáng nay đã có tâm trạng đau xé lòng như vậy.
Ngày thứ Năm 24-4-2014, trường đã mở cửa trở lại sau cái đại tang tập thể sáng thứ Tư 16-4-2014. Trong số 339 thầy trò của trường đang trên đường đi dã ngoại trên đảo du lịch Jeju ở miền nam, cách đó khoảng 400km, có tới 250 học sinh và thầy cô đã tử nạn khi chiếc phà biển Sewol chở họ từ cảng Incheon tới Jeju bị lật úp rồi nhanh chóng chìm xuống đáy biển Hoàng Hải khi sắp tới nơi.
Khối lớp năm thứ 2 của trường gần như bị xóa trắng. Trong tổng số 325 học sinh thuộc năm thứ 2 đi dã ngoại trên chiếc phà định mệnh đó, chỉ có 75 em sống sót trở lại trường hôm nay cùng với 13 em không tham gia chuyến đi. Khối lớp năm thứ 2 có khoảng 338 học sinh, giờ chỉ còn lại có 88 em. Học trò năm thứ 2 ở độ tuổi 16 và 17.
Trong số 14 thầy cô của trường đi theo học sinh trên chuyến phà đó, chỉ có 3 người trở về trường.
Khắp trường giăng mắc hình ảnh của các học sinh xấu số trong đồng phục nhà trường. Bao quanh ảnh là những đóa hoa cúc trắng. Những tờ giấy, những chiếc ruy-băng màu vàng ghi tên các em tử nạn và những lời tiếc thương của bạn bè. Trong lớp học, trên mỗi chiếc bàn học của các em tử nạn, người ta đặt một bó hoa.
Ngày 24-4, nhà trường đã đưa toàn bộ học sinh khối năm thứ ba đi điều trị tâm lý sau cú sốc quá nặng nề vì hàng trăm đàn em của mình tử nạn. Ngày thứ Hai 28-4, tới lượt khối lớp năm thứ nhất được đưa đi điều trị tâm lý do bị chấn động vì cái chết thảm thương của hàng trăm sư huynh, sư tỷ.
Ông Baek Min-kee, quan chức Sở Giáo dục tỉnh Gyeonggi, cho biết: phần lớn giờ học trong 2 ngày 24 và 25-4 được dành cho các nhà tâm lý học chuyên nghiệp tư vấn cho học sinh. Ngày Chủ nhật 27-4, nhà trường sẽ tổ chức buổi tư vấn tâm lý cho phụ huynh học sinh.
Nhà trường cũng đã bổ nhiệm hiệu phó mới thay cho vị hiệu phó Kang Min-Kyu, 52 tuổi, đã tự tử chết. Ngày 18-4, người ta tìm thấy thi thể hiệu phó Kang treo cổ bằng dây thắt lưng trên cây ở một hòn núi nhỏ trên đảo Jindo. Có lẽ ông cảm thấy mình có tội khi được cứu sống trong khi hàng trăm học sinh và giáo viên của mình chết và mất tích. Lá thư tuyệt mạng tìm được trong túi ông viết: “Sống sót một mình là quá đau lòng trong khi 200 người khác vẫn còn mất tích. Tôi nhận lãnh toàn bộ trách nhiệm. Chính tôi đã thúc đẩy tổ chức chuyến đi này. Tôi sẽ lại trở thành một thầy giáo ở kiếp sau cho các học sinh của tôi – những người không tìm được thi thể.” Ông cũng xin gia đình hỏa táng mình rồi đem tro rắc xuống nơi phà Sewol bị chìm để ông được ơ bên các học trò của mình. Thầy giáo Kang dạy môn đạo đức tại trường. Thầy có 20 năm dạy học. Lễ an táng thầy Kang đã được tổ chức ngày thứ Hai 21-4 tại Ansan. 4 người thân yêu nhất của thầy là phu nhân, con trai và 2 con gái mặc áo tang truyền thống Hàn Quốc màu đen đi sau xe chở linh cữu của thầy. Xe đã chở thầy đi một vòng sân trường Danwon trong chuyến về trường cuối cùng của thầy.
Lễ tang theo tập quán của người Hàn Quốc không có các nghi thức lễ nghi hay điếu văn. Đó là một sự kiện mang tính riêng tư gia đình, được tổ chức một cách lặng lẽ. Gia đình thầy Kang đã tiếp khách viếng trong 3 ngày. Hàng trăm học sinh nhà trường mặc đồng phục đã đến viếng người thầy mà các em kính trọng.
Trong khi đó, trên đảo Jindo gần nơi xảy ra tai nạn, cho tới nay, hàng trăm người thân của các nạn nhân chưa tìm được thi thể vẫn đang chen chúc nhau, vạ vật sống trong đau khổ chờ đợi người thân bất hạnh của mình. Ban đầu họ chờ tin vui. Từ mấy ngày qua, họ chờ nhận thi thể người thân. Trên các hàng rào trên cảng, thân nhân các nạn nhân cột đầy những dải băng màu vàng. Theo tập quán người Hàn Quốc, đó là dấu hiệu của hy vọng những người thân sẽ trở về an toàn.
Hãng tin Anh Reuters tối 24-4-2014 thuật lại một chuyện thương tâm. Một nam sinh và một nữ sinh đã cột hai chiếc áo phao của mình lại với nhau, có lẽ để khi nổi lên sẽ không bị xô tách rời nhau. Khi tìm được thi thể hai em dính vào nhau như vậy, người thợ lặn đã phải tách cả hai ra vì anh không thể nào đưa cả hai thi thể lên cùng một lúc được. Anh kể với báo Kyunghyang Shinmun trên đảo Jindo ngày 24-4 rằng: “Lúc đó tôi đã bật khóc với ý nghĩ họ đã không muốn rời khỏi nhau.”
Một số thi thể được tìm thấy với hai bàn tay giữ chặt vào nhau như các thai nhi trong bụng mẹ để giữ ấm.
Phần lớn các thi thể được tìm thấy trong mấy ngày qua đều bị gãy những ngón tay. Điều đó cho thấy các nạn nhân đã cố gắng vùng vẫy, bám chặt vào vách tàu một cách quyết liệt như thế nào để cố chống lại cái chết đang xộc tới với mình.
Theo lời một quan chức sở cứu hỏa nói với hãng tin Anh Reuters (24-4-2014), cuộc điện thoại cấp cứu đầu tiên từ con phà đang chìm là do một cậu bé gọi tới với giọng nói run rẩy. Ba phút sau khi con phà đột ngột quẹo gắt khi đang trong tốc độ nhanh làm nghiêng tàu, cậu bé đã gọi cho số khẩn cấp 119, đó là số cứu hỏa. Nơi đây đã chuyển tiếp cuộc gọi của cậu tới lực lượng tuần duyên sau đó 2 phút. Tổng cộng có khoảng 20 cuộc gọi từ các học sinh khác trên tàu tới số 119.
Cho dù có tìm cách biện minh gì đi nữa, số lượng hành khách tử nạn quá lớn như vậy là do cái lệnh chết người của thuyền trưởng Lee Joon-Seok, 69 tuổi, với hơn 40 năm kinh nghiệm hàng hải và 8 năm đi trên tuyến hải trình này. Ông ta đã ra lệnh cho các hành khách ở nguyên trong cabin của mình dưới các khoang tàu. Mãi khoảng 30 phút sau, khi ông ta ra lệnh sơ tán thì đã quá muộn. Trớ trêu thay, chính những ai cãi lời ông ta chạy lên boong tàu mới có thể thoát chết. Tôi không muốn nhắc lại những gì ông ta biện hộ cho quyết định của mình. Lẽ ra là một người lão luyện và là vị tư lệnh tối cao trên tàu, ông ta có thể phán đoán được chính xác tình hình sắp xảy ra. Có thể nói rằng người đàn ông 69 tuổi này không hề có con tim. Càng tệ hơn nữa khi ông ta là một kẻ hèn nhát và vô trách nhiệm, đã nhanh chân thoát khỏi chiếc phà, có mặt trên chiếc xuồng phao duy nhất được sử dụng trong tổng số 46 chiếc có trên phà.
Cũng đã rõ nguyên nhân làm chiếc phà tải trọng 6.825 tấn, dài 146 mét và rộng 22 mét bị nghiêng là cú quẹo gắt trong lúc tàu đang lao nhanh của cô thuyền phó thứ ba Park Han-kyul, 25 tuổi, đang trực tiếp cầm lái (sau này cô ta ân hận nếu như mình giảm tốc độ trước khi bẻ lái). Park mới có 6 tháng kinh nghiệm đi biển, và đây là lần đầu tiên cô điều khiển phà ở khu vực có các dòng hải lưu rất mạnh này. Do lúc đó thuyền trưởng xuống cabin của mình làm gì đó, Park chịu trách nhiệm lái tàu và chẳng hiểu lý do nào cô ta đã cho tàu quẹo gắt về bên phải khiến phà bị nghiêng không thể cứu được nữa.
Từ cú quẹo gắt đó, các hàng hóa chất trên tàu bị xô lệch sang một bên khiến tàu bị nghiêng nhanh chóng rồi không gượng lại được nữa. Người ta phát hiện các hàng hóa trên phà đã được chằng buộc ẩu tả và dằn giữ không đúng quy cách. Moon Ki-han, một lãnh đạo của hãng Uryeon (Union Transport Co.) giám sát việc chất hàng lên phà cho biết phà này chở 105 container, gồm 45 container chất trên khoang trước và 60 container ở tầng dưới. Khi tàu bị nghiêng, một số container ở bên trên đã văng xuống biển. Chính sự xô lệch của những khối hàng hóa nặng như vậy đã làm con phà nghiêng rồi lập úp thật nhanh.
Nhưng điều làm mọi người rùng mình khi biết con phà này đã chở số lượng hàng hóa quá tải gấp 3,6 lần lượng hàng cho phép. Cơ quan Đăng ký tàu của Hàn Quốc khuyến cáo phà Sewol chỉ chở được 987 tấn hàng hóa. Vậy mà trong chuyến tàu định mệnh đó, phà đã chở hơn 100 container, nhiều xe hơi và hàng hóa khác với tổng trọng lượng hàng hóa lên tới 3.600 tấn.
Trong khi khoảng 300 hành khách mắc kẹt trên phà, 22 trong số 29 thành viên đội tàu đã nhanh chóng bỏ phà thoát thân. Cho tới nay thuyền trưởng và 10 thành viên khác đã bị bắt giam để điều tra về những hành động mà nữ Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye mô tả “tương đương tội giết người”.
Nếu ai thử nhìn lại các hình ảnh con phà trước lúc lật úp và chìm sâu dưới biển ắt sẽ thấy có thể số người tử nạn đã được giảm đi rất nhiều. Khi tàu và trực thăng cứu hộ tới, phà lật nghiêng 60 độ. Gần 60 phút sau, phà mới lật úp. Vào khoảng 2 giờ sau đó, phà tuy chìm xuống biển nhưng vẫn còn ló chóp mũi tàu lên. Nếu như 22 nhân viên phà kia ở lại hướng dẫn các hành khách biết đường đi, lối rẽ của con phà để thoát ra, chắc chắn sẽ có nhiều người được cứu thoát. Trong lúc hỗn loạn đó, làm sao hành khách biết được lối đi vốn như mê cung trong các khoang tàu. Khi mới tới nơi, thay vì dùng trực thăng đủng đỉnh móc kéo từng nạn nhân lên, nếu như lực lượng cứu hộ cho họ mặc áo phao nhảy xuống biển để tàu vớt thì sẽ có nhiều thời gian để cứu người hơn. Gần 60 phút trước khi phà lật úp không phải là một thời gian quá ngắn. Rồi khi phà đã lật úp và bắt đầu chìm dần xuống biển, lực lượng cứu hộ lại chịu bó tay, lẽ ra họ phải có công cụ để phá thân tàu mở lối cho hành khách thoát ra. Phải mất mấy tiếng sau phà mới chìm hẳn kia mà.
Trong mấy ngày qua, các lực lượng cứu nạn tham gia tìm kiếm nạn nhân phà Sewol không ngớt nói với báo chí về những điều kiện khắc nghiệt, khó khăn và nguy hiểm mà họ phải đương đầu khi chui vào bên trong con phà: các dòng hải lưu chảy rất mạnh, bên trong tối như mực, đường đi lối lại trong phà như mê cung,… Họ nói đúng. Nhưng đó là sau khi con phà đã chìm hẳn xuống dưới đáy biển – vùng biển này gần bờ chỉ sâu 30 mét! Điều mà tôi muốn nói là khoảng thời gian vàng dài mấy tiếng đồng hồ sau khi phà gặp tai nạn kìa! Tất nhiên, nói gì chăng nữa, bây giờ cũng chỉ là để có được những bài học kinh nghiệm cho tương lai.
Và tôi rất kính trọng hơn 500 thợ lặn trong mấy ngày qua đang phải thực hiện một nhiệm vụ đau lòng và khó khăn nhất trong sự nghiệp của mình: lặn tìm kiếm thi thể các nạn nhân bị kẹt trong phà. Họ đã làm việc tới kiệt cả sức lực và tinh thần. Họ càng tìm được sớm chừng nào, nạn nhân càng sớm được an nghỉ và thân nhân của nạn nhân càng sớm kết thúc được tình cảnh đợi chờ nát lòng!
Từ thực tế của việc cứu hộ phà Sewol và trước sự chỉ trích của công chúng, Tổng thống Hàn Quốc tuyên bố sẽ cho xem xét lại toàn bộ quy trình cứu nạn cứu hộ của các lực lượng chức năng nước này.
Cho tới tối 24-4-2014, người ta đã tìm được 171 thi thể. Còn 131 người nữa đang ở trong con phà dưới đáy biển.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 24-4-2014)
+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.
CHÙM ẢNH TẠI TRƯỜNG DANWON NGÀY 24-4-2014.
Trên mỗi chiếc bàn của các em học sinh tử nạn, người ta đã đặt một bó hoa.