Thảm kịch phà Sewol: người dân như vầy, nhà chức trách như vậy…
Một người phụ nữ có vẻ say rượu ngồi bên mép một cầu tàu lồng lộng gió khóc nức nở. Một nhà sư Phật giáo đã đến bên lau những giọt nước mắt trên mặt người mẹ mòn mỏi chờ tin con trai cưng của mình bị mất tích theo con phà biển Sewol chìm dưới đáy biển Hoàng Hải sáng 16-4-2014. Gần 2 tuần lễ đã trôi qua rồi mà núm ruột của bà vẫn còn phải nằm dưới đáy biển tối tăm và lạnh giá. Nhà sư đưa người phụ nữ đó ra khỏi mép cầu tàu trong khi bà vẫn nức nở, ông cất lên những lời kinh Phật theo nhịp gõ mõ trong một bài kinh cầu nguyện cho cậu học sinh kia sớm trở về. Tôi nghĩ rằng cả nhà sư lẫn người mẹ sẽ không muốn “làm khó” Đức Phật, mà họ chỉ muốn sớm tìm được thi thể nạn nhân và linh hồn cậu sớm siêu thoát.
Nhà sư đó là Bul Il, đến từ thành phố cảng Busan để giúp các gia đình của những nạn nhân còn mất tích những ngày qua đang sống vạ vật chờ tin trên đảo Jindo. Ông nói mình hiểu sự đau khổ mà họ đang phải chịu đựng và ông cũng đau xé lòng cùng họ.
Đảo Jindo gần nơi xảy ra một trong những thảm kịch tàu biển khủng khiếp nhất trong lịch sử Hàn Quốc được chọn làm trung tâm cứu hộ và là nơi cho các gia đình của các nạn nhân trú ngụ chờ tin người thân. Cho tới nay có hơn 16.000 người, bằng khoảng một nửa số dân của đảo, đã trở thành những người tình nguyện tới trợ giúp cho các thân nhân bất hạnh. Có cả những tình nguyện viên đến từ nước ngoài.
Những người tình nguyện này đã xúm xít chăm sóc và an ủi cho các gia đình nạn nhân. Một số người thường xuyên dọn dẹp các nhà vệ sinh và phòng tắm của nhà thể dục được dùng làm nơi cho các gia đình trú ngụ. Ngày 28-4-2014, phóng viên hãng tin Mỹ AP cho biết mình nhìn thấy một người đàn ông cầm một tấm bảng lớn ghi dòng chữ: “Tôi sẽ giặt quần áo cho quý vị.”
Nhiều người nấu những chiếc nồi lớn chứa món súp kim chi nóng; lo phân phát những chiếc mền, khăn tắm, vật dụng tắm rửa vệ sinh; hay lượm rác và dọn dẹp khu nhà này. Những tình nguyện viên tới từ Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp món bánh mì thịt kebab truyền thống của mình. Một chiếc xe tải phân phát món đậu hũ do nhà làm. Một chiếc xe khác cung cấp bánh pizza. Tất cả miễn phí.
Những tài xế taxi từ thành phố Asan gần thủ đô Seoul, nơi có ngôi trường trung học có số thầy trò chiếm tới hơn 80% tổng số nạn nhân chết và mất tích trong tai nạn này, đã sẵn sàng chở miễn phí gia đình nạn nhân tới tận đảo Jindo. Chuyến đi dài 400km trong 5 giờ đồng hồ đó bình thường có tiền xe 280.000 won (khoảng 270 USD). Tài xế Ahn Dae-soo nói: “Đây là lúc để giúp những người đang chịu tang tóc. Có bỏ nhiều ngày làm việc cũng chẳng hề gì.”
Ông Lim Jang-young, 58 tuổi, chủ một nhà hàng Nhật Bản ở tận thành phố Daejeon đã tới đảo Jindo để tự tay nấu món súp bò truyền thống phục vụ gia đình các nạn nhân, những tình nguyện viên khác, vả cả những nhà báo. Ông tâm sự là mình đã quyết định tạm đóng cửa nhà hàng để tới đây tiếp sức cho mọi người vì ông chẳng còn lòng dạ nào để buôn bán nữa. Cứ nghĩ tới các nạn nhân và gia đình của họ là ông chịu không nổi. Ông cũng có 3 đứa con nhỏ. Lim kể: có một người đàn ông vào ăn súp, đưa cho ông coi tấm ảnh chụp cô con gái mình đang mất tích rồi khóc nức nở, khiến ông không kềm nổi cũng khóc theo.
Hàng trăm người, phần nhiều thuộc các tổ chức nhân đạo, các công ty tư nhân, các nhà thờ và những tổ chức khác, hầu hết mặc đồng phục màu xanh lá cây và xanh dương, dựng những chiếc lều trắng gần cảng Paengmok và nhà thể dục để phân phát súp, kim chi, cơm, hamburger, nước uống tăng lực, thuốc men; cũng như cung cấp các dịch vụ taxi, sạc điện thoại di động, giặt quần áo, trợ giúp tâm lý và các nhu yếu phẩm hàng ngày như đồ lót, vớ, đồ cắt móng tay, bàn chải đánh răng,… Tất cả miễn phí.
Park Seung-ki, người phát ngôn của lực lượng đặc nhiệm chính phủ, hôm 27-4 cho biết có hơn 16.200 người đến đây với danh nghĩa cá nhân hay gần 730 tổ chức. Kể từ khi xảy ra tai nạn tới nay, khoảng 690.000 món hàng cứu trợ như thực phẩm, nước uống, mền và quần áo đã được chở tới đảo Jindo để phục vụ các gia đình nạn nhân.
Mà sao người ta chu đáo quá chừng. Các tình nguyện viên cho biết họ được yêu cầu không làm chạnh lòng các gia đình nạn nhân, tránh cười đùa, chụp ảnh kỷ niệm hay chuyện trò với nhau. Họ cũng được yêu cầu phải bình tĩnh, kềm chế cho dù có những thân nhân nổi giận. Có một tổ chức dân sự chịu trách nhiệm làm việc với các tình nguyện viên. Lee Sung-tae, Tổng thư ký tổ chức này cho biết những người từ 23 tuổi trở xuống thường không được phép làm tình nguyện viên vì người ta lo ngại sự có mặt của họ sẽ làm các gia đình nạn nhân thêm nhớ tới những người thân bất hạnh của mình cũng cùng trang lứa. Ông Lee nói rằng tổ chức của ông đã phải từ chối nhiều tổ chức khác vì đã có quá nhiều tình nguyện viên rồi. Hơn 16.000 tình nguyện viên đã có mặt trên một thành phố đảo rộng 363 km vuông có hơn 30.000 cư dân!
Kim Byung-jo, 52 tuổi, và Kim Yong-su, 46 tuổi, lái xe 2 tiếng rưỡi đồng hồ từ thành phố Suncheon tới đảo Jindo để lau dọn các nhà vệ sinh và phòng tắm tại nơi các gia đình nạn nhân trú ngụ. Kim Yong-su, một tài xế xe rơ-mooc, nói rằng mọi sự ở đây hoàn toàn khác hẳn những gì họ nhìn thấy trên truyền hình. “Tôi đã trở nên thật sự trầm tư. Tôi thật sự không thể diễn tả được cảm xúc của mình ra sao.”
Người ta đã lập một ngôi nhà nguyện Thiên chúa giáo và một ngôi chùa Phật tạm để những con người trong lúc đau buồn nhất đời tìm chỗ dựa tinh thần.
Người Hàn Quốc thường giữ lặng lẽ khi có tang chế. Hàng trăm thân nhân trú trong nhà thể dục và những ngôi lều mới dựng. Họ ngủ san sát bên nhau trên những tấm nệm trải trên sàn. Đó cũng là nơi mà không ngủ được thì họ ngồi xem những tin tức trên TV về hoạt động tìm cứu. Nhiều trăm người mà gần như im lặng giống trong một thư viện. Kể cả khi tới bữa ăn, họ cũng lặng lẽ. Thỉnh thoảng vang lên những tiếng la mắng giận dữ khi có quan chức chính quyền tới thăm, hay tiếng khóc than khi có gia đình nhận được thi thể con mình. Một tài xế taxi cho biết trong những chuyến xe dài 5 tiếng đồng hồ từ Asan tới Jindo, thường thì gia đình nạn nhân không hề nói một lời nào, tài xế cũng chẳng dám khơi chuyện.
Bà Jung Hye-shin, một nhà tâm lý nổi tiếng của Hàn Quốc, đã tới Jindo để tư vấn tâm lý cho các gia đình nạn nhân. Nhưng bà tâm sự với hơn 150.000 follower của mình trên mạng Twitter rằng bà chưa thể nói chuyện được với ai, vì các thân nhân nạn nhân chưa sẵn sàng để được tư vấn. Nhiệm vụ của bà hỗm rày là tư vấn tâm lý cho các tình nguyện viên, những người cũng bị suy sụp trong tình cảnh này. Bà Jung kể rằng những tình nguyện viên Công giáo làm công việc mai táng nạn nhân đã lau rửa những ngón tay, ngón chân, mặt mũi của các học sinh bất hạnh vừa được những thợ lặn tìm được và đưa về một cách nhẹ nhàng, cẩn trọng, cứ như thể đang tắm những em bé sơ sinh. Họ không muốn thể xác các em thêm đau. Sau khi được chăm sóc, các em trở nên xinh xắn như đang ngủ ngon và các tình nguyện viên hạnh phúc vì nghĩ rằng mình đã giúp xoa dịu phần nào nỗi đau lòng của các phụ huynh khi tiếp nhận thi thể con em mình.
Điều nghiệt ngã và làm người dân Hàn Quốc giận dữ là trong khi các công dân bình thường sốt sắng trợ giúp gia đình các nạn nhân, nhà chức trách ngày càng bộc lộ những điều bất cập trong việc cứu hộ tai nạn.
Bà Kim Sook Ja, 72 tuổi, nói khi ở bên đài tưởng niệm các nạn nhân của trường trung học Danwon rằng: “Bọn trẻ này bị giết chết vì những người lớn chúng ta đã không làm những việc một cách đúng đắn. Tôi rất buồn và giận dữ về đất nước này, Tôi rất buồn và rất đau lòng.”
Thủ tướng Hàn Quốc Chung Hong Won, người có quyền lực số 2 sau Tổng thống, đã tuyên bố từ chức để chịu trách nhiệm về thảm kịch này. Xuất hiện trên truyền hình ngày 27-4, ông đã xin lỗi cả nước về “sự thất bại của chính phủ trong việc ngăn ngừa tai nạn phà này và việc xử trí tai nạn không đúng đắn”. Theo người phát ngôn của Tổng thống Hàn Quốc, Thủ tướng Chung sẽ tiếp tục ở lại cho tới khi nào chính phủ hoàn tất các phần việc đối với thảm kịch này.
Theo danh sách chính thức, có tới 302 người trên con phà chở 476 người bị chết và mất tích. Những ngày gần đây thời tiết xấu đi, gây ảnh hưởng nặng tới việc tìm nạn nhân. Trong mấy ngày cuối tuần qua, có ngày các thợ lặn không tìm thêm được ai. Tính tới sáng 29-4, số người tử nạn đã lên tới 193 người. Vẫn còn 109 người mất tích.
Ngày 28-4, hai video clip ghi tại hiện trường vào lúc phà gặp nạn đã được tung lên mạng càng làm cho gia đình nạn nhân thêm giận dữ. Một video dài 3 phút ghi hình và tiếng nói hoảng loạn trên phà do một nam sinh ghi bằng điện thoại của mình. Sau khi tìm thấy thi thể cậu bé, lực lượng cứu hộ đã trao lại chiếc điện thoại nằm trong túi cậu bé cho cha cậu. Chiếc thẻ nhớ ghi những hình ảnh cuối cùng vẫn còn nguyên vẹn. Mọi người thêm xé lòng khi nghe và thấy được nỗi sợ hãi khủng khiếp mà con em mình đã phải trải qua trước khi chết. Video clip kia quay từ trên tàu cứu hộ cho thấy cảnh thuyền trưởng Lee Joon-seok tẩu thoát lên canô cứu hô khi con phà do ông ta chỉ huy đang nghiêng khoảng 60 độ. Ông ta mặc chiếc áo len màu tối và chiếc quần lót. Con người có kinh nghiệm hàng hải hơn 40 năm và từng được vinh danh là một trong những thuyền trưởng xuất sắc quýnh quáng tới mức vấp ngã khi lên tới canô cứu hộ. Chẳng hiểu do lúc đó từ cabin chạy lên đài chỉ huy khi tàu nghiêng mà ông ta ăn mặc như vậy hay do chủ ý cởi bỏ bộ đồng phục thuyền trưởng để dễ bề thoát thân? Một số thủy thủ cũng đã cởi bỏ đồng phục từ trước khi nhảy lên tàu cứu hộ. Kim Kyung Il, thuyền trưởng một trong những tàu tuần duyên đầu tiên cập vào chiếc phà đang chìm nói với báo giới: “Chúng tôi không thể hỏi ai là đội tàu, ai là hành khách vì lúc đó tình hình rất khẩn cấp.” Mà dù ông Kim có hỏi thì trong cái tình huống này, chắc chắn chẳng ai khai mình là thuyền viên. Thoát được cái đã!
Trong số 29 thành viên đội tàu có 22 người thoát thân. Toàn bộ 15 người chịu trách nhiệm điều khiển con phà trong lúc lâm nạn đã bị bắt giữ để điều tra. Theo nhiều nhà phân tích, thuyền trưởng Lee khó thoát khỏi bản án tù chung thân. Nhưng đó là bản án của pháp luật. Liệu phần đời còn lại của người đàn ông 68, 69 tuổi này có yên ổn với cái chết của 302 người do mình chịu trách nhiệm? 7 thuyền viên ở lại với hành khách và đã cùng chịu chung số phận với họ xứng đáng được phong tặng anh hùng.
Mấy ngày qua, do quá bức xúc và phân tích các video và hình ảnh trên các phương tiện truyền thông ngay từ đầu, tôi đã nghĩ có cái gì bất ổn và bất cập trong chuyện cứu người như cứu hỏa này. Lúng túng và chậm chạp khó hiểu. Tôi vẫn sợ là do mình bị tình cảm chi phối mà võ đoán, nhất là không thật sự có mặt tại hiện trường. Nhưng càng về sau này, những gì diễn ra ở Hàn Quốc đã bộc lộ nhiều chuyện đáng trách. Ngày càng có thêm nhiều ý kiến cho rằng lẽ ra số người được cứu sống sẽ còn nhiều hơn con số 174 người.
Công chúng Hàn Quốc nổi giận. Nữ Tổng thống Park Geun-hye tuyên bố sẽ cho xem xét lại toàn bộ quy trình cứu hộ. Thủ tướng Chung xin từ chức vì thừa nhận có vấn đề trong cách phản ứng của chính quyền đối với tai nạn này.
Ngày 28-4, các công tố viên đã tới văn phòng Tuần duyên Mokpo để khám xét và điều tra xem liệu họ có phản ứng ngay lập tức không sau khi nhận được cú điện thoái cấp báo đầu tiên từ một nam sinh do sở cứu hỏa chuyển tiếp. Trung tâm dịch vụ cấp cứu 119 cũng đã được khám xét. Lực lượng tuần duyên vẫn còn tìm hiểu vì sao trong số 46 chiếc thuyền cứu sinh trên phà lại chỉ có một chiếc được sử dụng, cũng như vì sao số thuyền cứu sinh còn lại không tự động được bơm phồng lên khi chạm nước. Ba quan chức của Hiệp hội Tàu biển Hàn Quốc (KSA), cơ quan giám sát các hãng hoạt động phà, đã bị bắt vì tiêu hủy chứng cứ ngay trước khi cơ quan công tố tới khám xét. 12 quan chức của hãng hàng hải Chonghaejin Marine, chủ phà Sewol, đang chịu điều tra.
Khi tuyên bố việc mình từ chức trên truyền hình, Thủ tướng Chung nói rằng: “Tôi hy vọng các bất cập sẽ được chấn chỉnh từ thảm kịch này để những tai nạn như thế này sẽ không xảy ra nữa.” Tôi tin mọi người ai cũng mong muốn như ông Chung. Có như vậy thì cho dù có phần nào oan ức, 302 nạn nhân mất mạng trong thảm kịch phà Sewol cũng sẽ thanh thản hơn. Cái chết của họ âu cũng không phải là vô ích cho những người khác còn sống!
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 29-4-2014)
+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.