Thứ Hai ngày 23 tháng 12 năm 2024

Nữ thủ tướng xinh đẹp của tôi rơi vào tay tướng…

Thai Prime Minister Yingluck Visits Berlin

 

 

UPDATED: TỐI 25-5.2014.

“Thôi rồi còn chi đâu Yingluck ơi… Dáng hồng giờ trong tay quân binh…” (Xin lỗi nhạc sĩ Thanh Bình vừa qua đời cho tôi mượn đỡ câu hát trong ca khúc “Tình lỡ” bất hủ của ông để diễn tả tâm trạng của tôi lúc này, thê thảm đâu kém chi khi ông năm xưa “lỡ một cuộc tình”).

Trưa 23-5-2014, tức 3 ngày sau khi quân đội đột ngột ban bố tình trạng thiết quân luật trên toàn Vương quốc Thái Lan và 1 ngày sau khi quân đội công khai đảo chính, nữ Thủ tướng bị phế truất Yingluck Shinawatra đã tới một trung tâm quân sự tại thủ đô Bangkok để trình diện nhóm lãnh đạo quân đội đảo chính gọi là Ủy ban Duy trì Trật tự và Hòa bình Quốc gia (National Peace and Order Maintaining Council, NPOMC). Bà tới sau các bộ trưởng của mình một chút. Trước đó, Tướng Prayuth Chan-ocha, Tổng tư lệnh lục quân, người lãnh đạo cuộc đảo chính, đã ban hành lệnh triệu tập bà Yingluck cùng 22 người là các bộ trưởng và người thân có quyền lực của bà. Viên tướng này có mặt trong cuộc gặp cựu Thủ tướng Thái Lan.

Và đúng như người ta lo ngại, nhóm quân đội đảo chính đã bắt giam cựu Thủ tướng Yingluck và nhiều quan chức khác. Họ giải thích rằng họ sẽ giữ các nhân vật này trong khoảng 1 tuần để cho họ “có thời gian mà suy nghĩ” và giữ cho đất nước yên ổn.

Có tin nói rằng các thủ lĩnh của các nhóm biểu tình thân và chống chính quyền đều đang bị quân đội bắt giam. Ủy ban NPOMC đã cấm 155 nhân vật, bao gồm những nhà chính trị và những nhà hoạt động chính trị, rời khỏi đất nước. Theo các nhóm nhân quyền, quân đội đã giam giữ riêng biệt hơn 150 người, hầu hết là các nhà chính trị có liên quan tới chính phủ của bà Yingluck. Đại tá Weerachon Sukondhapatipak, Phó phát ngôn viên của quân đội, cho biết các nhân vật này được đối xử tốt và mục đích của quân đội là để đạt được một thỏa hiệp chính trị.

Trong một động thái có lẽ là để giảm bớt những tiếng nói chỉ trích và nguy cơ chống đối, nhóm quân đội cầm quyền ngày 24-5 đã ra lệnh cho 35 nhân vật lâu nay lớn tiếng nhất, gồm những nhà hoạt động chính trị, học giả và nhà báo, tới trình diện quân đội.

Quân đội Thái Lan đang đứng trong một tình huống cực kỳ nguy hiểm, giữa anh hùng cứu nguy dân tộc và tội phạm quốc tế chỉ là một lằn ranh mong manh.

Họ đang thách thức với lực lượng dân chúng quá đông vẫn trung thành với cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, người mà quân đội đã đảo chính lật đổ hồi tháng 9-2006. Không ai tin rằng giới quân sự Thái Lan đứng trung lập, cho dù họ luôn cố gắng chứng tỏ như vậy. Binh lính thì không nói, họ chủ yếu thuộc tầng lớp nghèo và ở nông thôn, nhưng phải tuân lệnh thượng cấp vô điều kiện. Còn giới tướng lãnh thì thuộc tầng lớp thượng lưu và thân hoàng gia. Có nghĩa là về bản chất, họ đối kháng với lực lượng của ông Thaksin chủ yếu là những người vùng nông thôn miền bắc.

Năm 2006, sau khi lật đổ được ông Thaksin, quân đội cầm quyền cả năm trời mới chịu trao trả lại chính quyền cho dân sự. Họ chính là những người chủ chốt sửa lại hiến pháp và các điều luật mà họ nói rằng sẽ làm cho đất nước ổn định, hòa bình và phát triển bền vững. Nhưng thực tế là kể từ sau khi ông Thaksin bị lật đổ, Thái Lan triền miên bị nhận chìm trong bất ổn, các phe đảng luôn kình chống nhau, chẳng ai chịu ai. Phe này lên cầm quyền thì phe khác biểu tình chống đối. Mọi chuyện cứ rối bung. Năm 2010, quân đội đã ra tay trấn áp phe áo đỏ ủng hộ ông Thaksin khiến cả trăm người chết. Vậy mà một năm sau, năm 2011, một chính quyền thân ông Thaksin đã quay lại cầm quyền sau chiến thắng áp đảo trong tổng tuyển cử. Bà Yingluck Shinawatra, em gái ông Thaksin, từ một nữ doanh nhân trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên trong lịch sử Thái Lan.

Tuy đang sống lưu vong ở nước ngoài kể từ sau khi bị đảo chính và 2 năm sau bị tòa kêu án tù về tội tham nhũng, nhà tỷ phú viễn thông trở thành thủ tướng Thaksin vẫn còn có sức ảnh hưởng rất mạnh trên chính trường Thái Lan. Ai cũng hiểu rằng chính phủ của bà Yingluck có ông Thaksin đứng đằng sau. Chính điều đó làm cho những thế lực chống ông Thaksin điên tiết mà điên cuồng tung hết chiêu này tới đòn nọ tấn công vào nữ thủ tướng xinh đẹp này. Họ chẳng hề quan tâm tới lợi ích dân tộc, quyền lợi quốc gia theo chân lý ai cầm quyền cũng được, miễn là ích nước lợi dân. Và sự lộn xộn đi kèm với bạo lực này đã tạo cơ hội (nói theo cách này) hay buộc lòng (nói theo cách khác) cho quân đội can thiệp lần nữa.

Tôi đã từng có mặt tại Bangkok để tác nghiệp chỉ 4 ngày sau khi nổ ra cuộc đảo chính năm 2006. Lúc đó tuy quân đội đưa nhiều xe tăng chạy rần rần trong thủ đô và triển khai xe tăng trấn giữ nhiều nơi, kể cả những đền chùa, cung điện, nhưng binh lính có vẻ ôn hòa, chỉ là những đơn vị chính quy, đội mũ beret và trang bị súng M-16. Đặc biệt là họ được dân chúng yêu thương, hỗ trợ hết mình, luôn có những người dân đem trái cây, bánh trái, hoa tới tặng, rồi tới bữa chở cơm hộp tới cho ăn, chở nước ngọt tới cho uống. Những địa điểm quân đội triển khai thường biến thành nơi dân chúng kéo nhau tới tham quan như đi lễ hội, vui vẻ và chan hòa.

Còn lần này, qua những hình ảnh và thực tiễn đang diễn ra, tôi nhận ra có cái gì đó “rờn rợn”. Tuy không đưa xe tăng vào trung tâm thủ đô, nhưng binh lính tham gia đảo chính vũ trang như thể đang xông pha chiến trường. Hình như họ thuộc lực lượng biệt kích. Ai cũng đội nón sắt và lăm lăm súng tiểu liên hiện đại M-18. Và điều quan trọng nhất là cuộc đảo chính này đã vấp phải sự phản đối của không ít người dân.

Trong mấy ngày qua, bất chấp lệnh thiết quân luật và giới nghiêm của phe quân đội đảo chính, bất chấp lời đe dọa ai vi phạm lệnh cấm tụ tập đông hơn 5 người có thể lãnh án tù hơn 1 năm, những đám đông dân chúng – ít thì một vài trăm, đông thì cả ngàn người – vẫn rùng rùng kéo biểu tình phản đối đảo chính, yêu cầu quân đội trả lại quyền hành. Nhiều người biểu tình đã bị bắt.

Không chỉ bị người dân thách thức mà giới cầm quyền quân đội còn bị những lực lượng phiến quân ly khai Hồi giáo ở miền Nam trêu ngươi. Ngày 24-5, chúng đã cho nổ ít nhất là 10 quả bom, giết chết 3 người và làm bị thương 63 người.

Từ Nhật Bản, nơi mình đang là giáo sư khoa Đông Nam Á của Đại học Kyoto, giáo sự Pavin Chachavalpongpun, một trong những nhân vật bị quân đội phát lệnh triệu tập, tuyên bố ông sẽ không tự giao nộp mình. Ông nói rằng hành động triệu tập, bắt bớ hàng loạt này chứng tỏ phe quân đội đảo chính đã cảm thấy bất an.

Tội của giáo sư Pavin là ông thường xuyên được các hãng truyền thông nước ngoài trích dẫn như một nhà phân tích chính trị. Ông lo ngại: “Quân đội tuyên bố mình là một nhà trung gian trong cuộc xung đột Thái Lan hiện nay, nhưng tất cả chỉ là lời nói cửa miệng. Tình hình này không mở đường cho cải tổ và dân chủ hóa. Chúng tôi đang thật sự quay trở lại hình thức khắc nghiệt nhất của chủ nghĩa độc đoán.”

Người nước ngoài sẽ thắc mắc: quốc vương Thái Lan – người được tôn kính nhất ở Thái Lan, thậm chí có lẽ chỉ sau Đức Phật – ở đâu khi vương quốc lâm nguy? Kể từ khi chuyển giao quyền bính vào năm 1932 sau một cuộc đảo chính không đổ máu của nhóm quan chức quân đội và dân sự để Thái Lan trở thành nước quân chủ lập hiến, các nhà vua xứ này không còn can dự chính trường nữa, ít nhất là chính thức. Quốc vương Bhumibol Adulyadej là nhà vua trị vì lâu nhất trên thế giới, năm nay 86 tuổi và đã phải nằm trong bệnh viện suốt từ năm 2009 tới 2013. Hồi trước, ông Thaksin bị “ném đá” không thương tiếc do bị quy tội bất kính với nhà vua đang bịnh triền miên và có âm mưu gây ảnh hưởng với Thái tử Maha Vajiralongkorn, người sẽ kế vị. Ngày 24-5, văn phòng thư ký cá nhân của quốc vương loan báo đã nhận được một lá thư của tướng chỉ huy đảo chính Prayuth trình báo về việc quân đội làm đảo chính. Bữa trước có tin nói rằng Tướng Prayuth, một người thuộc nhóm thân hoàng gia, có kế hoạch yết kiến nhà vua vào ngày 23-5. Vậy là hoàng cung đã chính thức được những người làm đảo chính thông báo về cuộc đảo chính lần này. Nhưng chắc rồi cũng như thông lệ trước kia, biết chỉ để mà… được biết!

Cộng đồng quốc tế sau những quan sát ban đầu đang ngày càng phản ứng bất lợi đối với nhóm quân đội cầm quyền ở Thái Lan. Bộ Ngoại giao Mỹ đã kêu gọi “khôi phục ngay lập tức chính quyền dân sự và thả các nhà lãnh đạo chính trị đang bị giam giữ, trở lại dân chủ thông qua tổng tuyển cử sớm, và tôn trọng các quyền con người và các quyền tự do nền tảng.” Washington đã hủy bỏ các cuộc tập trận chung theo kế hoạch với Thái Lan và chương trình huấn luyện vũ khí cho cảnh sát nước này. Thư ký báo chí của Lầu Năm góc, Phó Đô đốc John Kirby cho biết Mỹ đang xem xét lại mối quan hệ quân sự lâu dài với Thái Lan. Có lẽ Mỹ cũng ngại bị “liên đới trách nhiệm” khi việc tăng cường vũ trang cho quân đội Thái Lan lại bị lạm dụng làm chuyện “nhạy cảm”.

Phải chăng giới chỉ huy quân đội đảo chính lần này đã tính sai nước cờ và không hiểu hết người dân Thái giờ đây muốn gì? Một lần nữa tôi lại tự nhắc mình, đây là chuyện nội bộ của Thái Lan, phải để cho người dân Thái Lan tự giải quyết. Nhưng Thái Lan không thể nào rời khỏi tim tôi, không chỉ là nơi tôi từng hơn 20 lần có mặt từ “làm điệu” giữa khách sạn 5 sao tới lang thang cơm đường cháo chợ, mà còn là chốn có những bạn bè đồng nghiệp và đối tác của tôi sinh sống – những bạn bè thiệt là dễ thương. Cầu mong các tướng quân lần này thiệt sự là bị bắt buộc phải can thiệp để chấm dứt bất ổn triền miên ở đất nước này do cả nước bị làm trò xiếc trong tay các nhà chính trị. Một lần nữa, tôi lăn tăn rằng: Quân đội Thái Lan đang đứng trong một tình huống cực kỳ nguy hiểm, giữa anh hùng cứu nguy dân tộc và tội phạm quốc tế chỉ là một lằn ranh mong manh. Please don’t pass!

Và chuyện riêng của mình, từ khi bà Yingluck trở thành nữ thủ tướng đầu tiên trong lịch sử Thái Lan và là thủ tướng Thái Lan trẻ nhất trong vòng hơn 60 năm qua (khi lên cầm quyền năm 2011, bà mới 44 tuổi), tôi luôn cám cảnh cho một bóng hồng bị thảy vào guồng máy chính trường chẳng kém khốc liệt hơn chiến trường. Cho dù bà muốn làm chính trị hay chỉ là bị ông anh đẩy ra thế thân, Yingluck vẫn là một người phụ nữ châu Á ở một vương quốc Phật giáo. Hơn nữa, thế giới chính trị ở Thái Lan vốn cực kỳ phức tạp, thuộc loại chằn ăn trăn quấn đâu có giống như những mall thời trang mà một nữ doanh nhân trẻ đẹp và giàu có như bà thường lui tới trước kia. Mà cái gã Google Search này thiệt là kỳ cục và “thông minh” à nghen. Khi tôi search về Yingluck, gã bỏ nhỏ rằng bà ấy năm nay mới 46 tuổi và… cao 1,7 mét (chỉ thiếu số đo 3 vòng nữa Google ơi). Cầu mong Yingluck có thể mừng sinh nhật thứ 47 của mình vào ngày 21-6 tới đây một cách an lành. Giàng ơi, vậy là từ nay mỗi khi mừng ngày Nhà báo 21-6, tôi lại mừng luôn sinh nhật của Yingluck đó hả?

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 25-5-2014)

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

 

UPDATED:

+ TỐI 25-5-2014:

CNN: Cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã được trả tự do

Kênh truyền hình thời sự Mỹ tối 25-5-2014 đưa tin: Cựu nữ Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã được trả tự do trong ngày 25-5.

Trưa 23-5, bà đã cùng nhiều quan chức chính phủ của mình tới trình diện nhóm lãnh đạo quân đội đảo chính gọi là Ủy ban Duy trì Trật tự và Hòa bình Quốc gia (National Peace and Order Maintaining Council, NPOMC) theo lệnh triệu tập của Tướng Prayuth Chan-ocha, Tổng tư lệnh lục quân, người lãnh đạo cuộc đảo chính ngày 22-5. Sau đó, bà và các quan chức đã bị quân đội giữ lại.

Người ta suy đoán bà sẽ bị giam giữ khoảng 1 tuần. Đó là họ dựa vào lời của Winthai Suvaree, phó phát ngôn viên quân đội, tại một cuộc họp báo rằng: bất cứ ai đang bị giam giữ đều sẽ không bị giam hơn 7 ngày. Ông này cho biết mục đích của việc tạm giam giữ những đối tượng này là: “Chúng tôi muốn cho họ một ít thời gian để thư giãn và cho họ có thời gian để suy nghĩ về vấn đề này.” Hội đồng quân đội muốn “điều chỉnh nhận thức của họ và làm cho họ nghĩ về đất nước, nghĩ về toàn bộ nhân dân Thái, chứ không phải về một nhóm cụ thể nào.”

Truyền thông cho biết bà Yingluck đã được đưa tới một căn cứ quân sự tại tỉnh Saraburi (phía bắc thủ đô Bangkok). Nhưng một phụ tá của bà đã phủ nhận tin này, chỉ tiết lộ: “Bây giờ bà ấy đang ở một nơi an toàn… Bà không bị giam tại bất cứ trại lính nào.” Từ chối cho biết danh tính, ông này nói thêm: “Đó là tất cả những gì tôi có thể nói được vào thời điểm này.”

Theo nguồn tin của giới quân đội lãnh đạo cuộc đảo chính, bà Yingluck đã được trả tự do sau khi tường trình với quân đội. Bà đã được họ yêu cầu “giúp chúng tôi duy trì hòa bình và trật tự, và không dính líu với những người biểu tình hay bất cứ phong trào chính trị nào.”

Mặc dù một quan chức quân đội khẳng định bà Yingluck có thể tự do đi lại và liên lạc, nhưng một phụ tá thân cận của bà nói rằng chẳng thể có chuyện bà được tự do đi đâu đâu.

Phe quân đội đảo chính cho biết ngày thứ Hai 26-5, Quốc vương Bhumibol Adulyadej sẽ ra chiếu chỉ bổ nhiệm Tướng Prayuth Chan-ocha làm người đứng đầu chính phủ tạm quyền của Thái Lan. Cho tới nay ông này vẫn chưa nói tới khi nào sẽ trao trả quyền lực cho một chính quyền dân sự mà luôn khẳng định rằng trước hết phải lo chuyện cải tổ và ổn định tình hình.

 

HÌNH ẢNH CUỘC BIỂU TÌNH CHỐNG ĐẢO CHÍNH CỦA NGƯỜI DÂN TẠI THỦ ĐÔ BANGKOK NGÀY 24-5-2014.

140520-thailand-bangkok-monks-02

Khi quân đội bắt đầu thiết quân luật ngày 20-5-2014.

140520-thailand-bangkok-soldier-01

Khi quân đội bắt đầu thiết quân luật ngày 20-5-2014.

140524-thailiand-coup-anti-coup-01

Khoảng 1.000 người dân biểu tình chống đảo chính tại thủ đô Bangkok ngày 24-5-2014.

140524-thailiand-coup-anti-coup-11

Khoảng 1.000 người dân biểu tình chống đảo chính tại thủ đô Bangkok ngày 24-5-2014.

140524-thailiand-coup-anti-coup-02 140524-thailiand-coup-anti-coup-03 140524-thailiand-coup-anti-coup-04 140524-thailiand-coup-anti-coup-05 140524-thailiand-coup-anti-coup-06 140524-thailiand-coup-anti-coup-07 140524-thailiand-coup-anti-coup-08 140524-thailiand-coup-anti-coup-09 140524-thailiand-coup-anti-coup-10 140524-thailiand-coup-anti-coup-12 140524-thailiand-coup-anti-coup-13 140524-thailiand-coup-anti-coup-14 140524-thailiand-coup-anti-coup-15

 

TRƯỚC KHI QUÂN ĐỘI CAN THIỆP:

140510-thailand-pro-thaksin

Phe ủng hộ ông Thaksin (phe áo đỏ) biểu tình ngày 10-5-2014.

140508-thailand-suthep

Ông Suthep, thủ lĩnh đối lập ,trong cuộc biểu tình chống chính phủ ngày 8-5-2014.

140508-thailand-anti-yingluck

Phe chống chính phủ biểu tình chống bà Yingluck ngày 8-5-2014.

 

ĐẢO CHÍNH NĂM 2006 VUI NHƯ NGÀY HỘI

OLYMPUS DIGITAL CAMERA

Tác giả có mặt tại Bangkok 4 ngày sau cuộc đảo chính 19-9-2006.

OLYMPUS DIGITAL CAMERA

 

BÀ YINGLUCK KHI LÀM THỦ TƯỚNG (2011-2014)

yingluck-shinawatra-thailand-prime-minister

Bà Yingluck trong phẩm phục Thủ tướng Thái Lan.

Hun Sen, Thongsing Thammavong, Yoshihiko Noda, Thein Sein, Yingluck Shinawatra Nguyen Tan Dung

Bà Yingluck tại cuộc họp thượng đỉnh Nhật Bản và các nước Tiểu vùng sông Mekong tại Tokyo ngày 14-12-2013.

121218-obama-yingluck-shinawatra-thai-prime-minister-08

Bà Yingluck tiếp đón Tổng thống Mỹ Barack Obama sang thăm Thái Lan ngày 18-12-2012.

Thai Prime Minister Yingluck Visits Berlin