Thứ Năm ngày 23 tháng 1 năm 2025

Lò bát quái Tân Cương lại đang sục sôi

 A Uighur man looks on as a truck carrying paramilitary policemen travel along a street during an anti-terrorism oath-taking rally in Urumqi

 

Người châu Á, đặc biệt là những người theo Phật giáo (chiếm gần 12% tổng số dân châu Á – Thái Bình Dương) tin vào luật nhân quả. Cả nhân loại cũng tin vào nền tảng đạo lý “gieo gió gặt bão”. Và như vậy, có thể nói Trung Quốc đang phải gánh chịu “quả báo nhãn tiền”. Trong khi nhà cầm quyền Bắc Kinh hung hăng dùng vũ lực quân sự và thế mạnh áp đảo để o ép, xâm lấn lãnh thổ của hàng loạt nước láng giềng trong khu vực, họ lại đang phải đứng trước cuộc khủng hoảng ly khai, bạo lực và khủng bố ở vùng Duy Ngô Nhĩ Tân Cương và Tây Tạng. Đây là hai vùng tự trị lớn nằm ở phía tây Trung Quốc, tiếp giáp với hàng loạt nước Nam Á và Trung Á.

Đặc biệt căng thẳng hiện nay là vùng tự trị Tân Cương của người Duy Ngô Nhĩ (Uyghur) theo Hồi giáo. Những căng thẳng về sắc tộc, tôn giáo và ly khai làm cho vùng đất rộng tới 1,6 triệu km vuông với hơn 22 triệu dân này chìm trong bạo lực, chết chóc. Nhà cầm quyền càng gia tăng trấn áp, bọn khủng bố càng hoành hành tàn bạo hơn.

Cơ hội ngàn vàng cho những phần tử ly khai, khủng bố ở Tân Cương và Tây Tạng chính là khi Bắc Kinh tập trung diễu võ giương oai, leo thang tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông và biển Hoa Đông.

Ngày 22-5, tức 22 ngày sau khi Bắc Kinh đưa giàn khoan dầu khí khổng lồ Haiyang Shiyou 981 (Dầu Đại dương 981) cùng hơn 100 tàu và máy bay xâm phạm vào sâu vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở biển Đông, một vụ đánh bom liều chết kinh hoàng đã nổ ra tại chợ rau quả của thành phố Urumqi, thủ phủ của khu tự trị Tân Cương, giết chết ít nhất 43 người và làm bị thương 90 người khác. Đây là một vụ thảm sát mới nhất tại thành phố 3 triệu dân này. Từ khi bạo lực bùng nổ từ năm 2009 tới nay, có gần 200 người đã bị giết chết. Chủ yếu là do sự hiềm kích, thù hằn dẫn tới đối đầu giữa hai sắc tộc Duy Ngô Nhĩ bản địa (chiếm 46,4% số dân Tân Cương) và Hán (chiếm 39%). Sau làn sóng bạo loạn năm 2009, những người Duy Ngô Nhĩ cư trú tại Urumqi đã phải chuyển tới sống ở khu phía nam thành phố, nơi tập trung người Hồi giáo. Phần còn lại của thành phố là của người Hán. Hãng tin Mỹ AP (26-5) dẫn lời một phụ nữ Duy Ngô Nhĩ nói rằng: “Chúng tôi đang sống trên mảnh đất của mình mà cảm thấy giống như là người nước ngoài.” Còn một phụ nữ Hán giấu tên cho biết bạn bè của mình gọi khu người Hoa là “vùng giải phóng” và khu của người Duy Ngô Nghĩa là “vùng kẻ thù”. David Brophy, một nhà sử học tại Đại học Sydney (Úc), từng sống tại thành phố Urumqi cách đây một thập niên, nhà cầm quyền không cho phép thực hiện một cuộc nghiên cứu độc lập nào về tình trạng di dời nơi sống vì sự nhạy cảm chính trị của những căng thẳng sắc tộc.

Giới phân tích quốc tế nói rằng cách hành xử của Bắc Kinh đối với khu vực tự trị này lâu nay mang tính Hán tộc và phân biệt đối xử. Người Hán coi người Duy Ngô Nhĩ là quân ly khai và khủng bố. Người Duy Ngô Nhĩ coi người Hán như ngoại nhân, những người chiếm hết lợi ích của mình. Họ càng bức xúc hơn khi người Hán từ các nơi khác đánh hơi được những nguồn lợi béo bở ở Tân Cương đã đổ về khu tự trị này. Ahmed A.S. Hashim, một chuyên gia về chủ nghĩa khủng bố tại Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) nhận xét: “Những lời hứa của Bắc Kinh về phát triển (kinh tế) và cung cấp việc làm (cho khu Tân Cương) dường như chẳng đem lại kết quả gì.” Đó là ý kiến của giới học giả, chứ người Duy Ngô Nhĩ thì thực tế hơn, chỉ đích danh người Hán mới chính là những người thâu tóm hết lợi lộc từ các kế hoạch phát triển ở đây.

Trong vụ đánh bom đẫm máu ngày 22-5, 4 tên tình nghi đã chết trong vụ đánh bom liều chết và tên thứ 5 đã bị nhà chức trách bắt giữ ngay sau đó. Theo dữ liệu của cảnh sát, toàn bộ 5 nghi phạm này đều là người Duy Ngô Nhĩ. Ngày 25-5, nhà chức trách kêu gọi bất cứ ai dính líu vào các hoạt động khủng bố ở Tân Cương ra tự thú sẽ được ân xá.

Nhà chức trách Trung Quốc quy trách nhiệm về tình trạng căng thẳng và nguy hiểm ở Tân Cương cho các phần lử ly khai có quan hệ với các nhóm khủng bố Hồi giáo nước ngoài. Các chuyên gia nước ngoài cho biết chẳng có chứng cứ nào cho thấy giống như lập luận của nhà chức trách. Cho tới nay, những vụ giết chóc ở Tân Cương thường bằng dao và bom tự tạo, có nghĩa là những hành động tự phát của những kẻ gây án.

Nhiều cư dân thành phố Urumqi cũng tin rằng các vụ tấn công bạo lực xảy ra chủ yếu có động cơ sắc tộc xuất phát từ sự áp đảo của các cư dân người Hán. Không giống các sắc tộc thiểu số khác, người Duy Ngô Nhĩ bao đời nay vẫn không để cho dân tộc mình bị đồng hóa với người Hán. Họ vẫn nói bằng thứ tiếng Turkic của người Trung Á (Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan, Turkmen, Uzbek,…) chẳng có dính đáng gì tới tiếng Hoa, đồng thời theo các tập tục Hồi giáo của người Trung Á.

Bắc Kinh tuyên bố khu vực Tân Cương là một phần lãnh thổ của Trung Quốc suốt hơn 1.000 năm nay, nhưng người dân vùng này đã có cả một lịch sử dài đứng lên chống lại sự cầm quyền của Bắc Kinh mà họ coi là “quân xâm lược nước ngoài”.

Yang Hanjiang, một bác tài taxi người gốc Hán tại Urumqi, nhận xét rằng người Hán thiếu sự hiểu biết về người Duy Ngô Nhĩ. “Người Trung Quốc không tương tác thật sự với người Duy Ngô Nhĩ. Trong tim và óc của mỗi người Duy Ngô Nhĩ, độc lập chính là giấc mơ của họ.”

Chuyên gia Hashim nói rằng: Bất chấp chính sách chính thức cổ vũ cho sự đoàn kết giữa các sắc tộc, người Hán ngày càng thêm coi những người Duy Ngô Nhĩ là bọn ly khai và khủng bố Hồi giáo. Còn nhà sử học Úc Brophy cho biết cả hai sắc tộc này đều thể hiện những cái nhìn thù nghịch hay định kiến với nhau. “Những vụ bạo lực là dấu chỉ cho thấy người dân đang muốn dùng những biện pháp khốc liệt hơn để thể hiện sự chống đối của mình. Và rồi những vụ tấn công đó càng khiến cho người Hán thêm thù ghét người Duy Ngô Nhĩ. Giờ đây chúng ta đang ở trong một cái vòng luẩn quẩn.” – Brophy nói.

Thực tế cho thấy sự thù địch và chia rẽ giữa 2 sắc tộc Hán và Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương ngày càng tê hại hơn. Những cư dân Hán ở đây lâu năm thừa nhận rằng mối quan hệ giữa họ với những ngườn Duy Ngô Nhĩ đang thay đổi. Một người Hán sinh ra tại Tân Cương cho biết: “Chúng tôi ít nói chuyện với nhau hơn, và họ không còn tin tưởng chúng tôi nữa. Bây giờ có một cái gì đó giữa chúng tôi.” Khổ sở và nguy hiểm nhất là những bác tài taxi người Hán. Mỗi khi phải chở khách tới khu vực của người Duy Ngô Nhĩ, họ phải yêu cầu khách chuẩn bị sẵn, tới nơi là xuống xe ngay để họ còn… “tẩu vi thượng sách”. Từ sau 10g tối, hành khách nam bị buộc phải ngồi ở băng ghế sau của xe taxi, ngăn với tài xế bằng một hàng rào sắt. Người ta sợ rước nhầm một kẻ tấn công “thập diện mai phục”. Một phụ nữ Duy Ngô Nhĩ hậm hực khi con gái mình bị các bạn học cùng lớp người Hán gọi là “súc vật” mà thầy giáo cũng người Hán “ngoảnh mặt làm ngơ”.

Ngày 25-5, Bắc Kinh thề sẽ tiến hành một chiến dịch kéo dài 1 năm để chống chủ nghĩa khủng bố, với Tân Cương là trung tâm và sự hợp tác của các tỉnh khác. Cùng ngày, Pháp luật Nhật báo đưa tin cảnh sát tại các thành phố Aksu, Hotan và Kashgar trong tháng 5-2014 đã phá vỡ được 23 nhóm khủng bố.

Các tổ chức nhân quyền chỉ rõ rằng chính tình trạng bất bình đẳng về kinh tế và sự đàn áp về văn hóa và tôn giáo đối với người Duy Ngô Nhĩ mới là nguồn gốc của bất ổn và bạo lực ở khu vực Tân Cương. Nó có nguy cơ lan sang các vùng khác bao lâu nay cũng âm ỉ tương tự.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 28-5-2014)

 

(Nguồn ảnh: Internet. Thanks.)

 

Mời bạn xem một lip dân ca của người Duy Ngô Nhĩ:

 

 

140524-xinjiang-china-02

Cảnh sát bán quân sự phải dùng xe bọc thép để tuần tra thành phố Urumqi ở Tân Cương ngày 24-5-2014.

140524-xinjiang-china-01

Cảnh sát bán quân sự tại thành phố Urumqi ở Tân Cương ngày 24-5-2014.

Uyghur residents confront police in fresh clash in Urumqi

Phụ nữ Duy Ngô Nhĩ đối đầu vời cảnh sát Hán tộc.

  Uighur-women-01 CHINA-XINJIANG-UNREST-TIANANMEN Uighur-women-03 Uighur-women-05 Uighur-women-06 Uighur-xinjiang-01  CHINA-XINJIANG-UNREST-TIANANMEN Uighur-xinjiang-04