Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

Mượn Ngày Nhà báo để tri ân…

nhabao-thank-card-phphuoc

 

Thời còn đi học, cứ vào hè là tôi lại nghêu ngao bài hát “Nỗi buồn hoa phượng” của nhạc sĩ  Thanh Sơn: “Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn. Chín mươi ngày qua chứa chan tình thương. Ngày mai xa cách hai đứa hai nơi…” Do ham học và hồi xưa học không phải là một gánh nặng tới ám ảnh như học trò thời nay, tôi sợ mùa hè, vì phải tạm xa trường lớp, và nhất là khi cái người “on the cloud” kia bay lên Saigon học thêm, còn tôi ở lại tỉnh lẻ biên giới chiều chiều ra Núi Đất ngồi đếm những cọng lá kim của mấy cây dương như đếm những ngày hè dài đằng đẵng.

Còn sau này, cứ vào tháng 6 là tôi lại chờ đón Ngày Nhà báo (21-6) để coi là ngày tĩnh tâm mà suy nghĩ về cái nghề là nghiệp dĩ của mình.

Có lẽ tôi hên hơn nhiều bạn bè đồng trang lứa là từ khi vào đời cho tới tận lúc ngấp nghé tuổi về hưu theo luật định, tôi chỉ phải làm một nghề, và đặc biệt lại là công việc mà mình mê say.

Thời nhỏ, tôi cứ nhảy qua nhảy lại giữa 3 cái giấc mơ nghề nghiệp tương lai: bác sĩ, phi công và nhà báo. Có một ngày, học sinh trường Trung học Kiến Tường tham dự một cuộc mít-tinh phản đối chiến tranh do tỉnh tổ chức. Cả ngàn người đứng ngồi trong cái nắng từ sáng tới quá trưa mà vẫn chưa thể bắt đầu được. Chỉ tới khi chiếc trực thăng chở anh chàng phóng viên truyền hình từ Cần Thơ đáp xuống thì ông tỉnh trưởng mới cho bắt đầu. Vừa choáng vì sức mạnh của nhà báo, vừa tức cái bụng vì giang nắng lâu, tôi lầm bầm lời thề mai kia ta mần nhà báo cho thiên hạ biết tay!

Nghề viết, cũng giống như các môn nghệ thuật, đều cần phải có cái khiếu bẩm sinh. Từ tiểu học, tôi đã khá ngon cơm với môn tập làm văn. Lên trung học, 13-14 tuổi, tôi đã sáng tác như một… chiếc máy, thơ, văn, nhạc cứ lấp đầy những cuốn tập 100 trang. Ngoài chuyện mần chủ biên những tờ bích báo của lớp (bây giờ gọi là báo tường), tôi còn là một cây bút chủ lực cho các giai phẩm xuân của trường.

Sau biến cố 1975, tôi đã có cơ duyên để bước vào nghề báo mà mình yêu thích. Chỉ sau gần một năm làm cộng tác viên thường trú của báo Long An ở vùng Đồng Tháp Mười (được tổng biên tập cấp giấy giới thiệu công tác dài hạn có giá trị cả tỉnh), một ngày năm 1976, tôi quảy cái túi du lịch bằng simili đen lên chính thức “trụ trì” tại tòa soạn ở số 49, Nguyễn Huệ, Tân An. Lúc đó tôi mới 19 tuổi. Và ngay từ ngày đầu vào nghề báo, tôi đã được coi là phóng viên đặc biệt do Tổng biên tập Lê Vân trực tiếp quản lý, với mức lương bậc 1 (59 đồng/tháng) – ngang với những anh em từ trong chiến khu ra, rồi đều đều mỗi năm lên một bậc lương. Hỗng phải giỏi gì đâu. Tổ nghiệp đãi và quới nhân thương đó thôi!

phamhongphuoc_tanan_1981_04

Trong phòng ngủ tại tòa soạn báo Long An năm 1981.

Vậy thì ra tôi đã mần báo từ năm 1976 tới nay rồi đó hả? Tôi đã đi từ viết tin lên làm báo, từ một phóng viên tới tổ chức và quản lý một tờ báo. Do quá mê nghề mà tôi dành thời gian nhiều nhất cho nghề báo. Không chỉ viết, tôi còn học chụp ảnh, làm phòng tối, vẽ minh họa, vẽ maquette (bây giờ gọi là design layout), ghép trang (dàn trang), đi nhà in, sửa morasse,… nói chung là “bá nghệ”. Nhờ vậy mà khi mần quản lý một tờ báo, tôi nắm được hết mọi công đoạn làm báo để dễ dàng cùng chia sẻ, chung sức với mọi người.

Nghề báo đối với tôi vừa là nghiệp dĩ, vừa là thiên chức. Đó là sứ mạng phục vụ tha nhân. Tôi tiếp cận với đối tượng, đề tài không bao giờ từ góc nhìn “thông tin giùm” ai đó, mà là thu thập thông tin để chia sẻ cho bạn đọc. Đó là lý do mà tôi luôn thiệt lòng mang ơn những ai cho tôi có được thông tin để phục vụ tha nhân.

Nghề báo đối với tôi là một công việc phải không ngừng học tập và rèn luyện ít nhất là cho tới khi nào hết còn làm nghề. Thời tôi mới chập chững vào nghề báo, trường lớp và tài liệu chuyên môn cực kỳ hiếm. May mắn cho tôi (lại do tổ nghiệp đãi và quới nhơn thương), một bạn đồng nghiệp được cử đi học đại học báo chí tại trường Tuyên huấn Trung ương ở Từ Liêm (Hà Nội) đã xoay xở tìm được cho tôi trọn bộ giáo trình đại học báo chí của trường để tôi “học ké”. Chỉ trong vòng một năm là tôi thanh toán ngay trọn bộ “cẩm nang nghề” thời đó để đạt trình độ “đại học báo chí không bằng cấp”. (Nhờ học trước như vậy mà sau này, khi tiếp nhận nhóm học viên đại học báo chí của trường về thực tập ngay bộ phận mình phụ trách, tôi không bị hụt hẫng). Trước khi viết về một cái gì, tôi tìm hiểu coi các đồng nghiệp từng viết về nó ra sao. Viết xong rồi, in lên báo rồi, tôi ngồi đọc lại thiệt kỹ tác phẩm của mình với suy nghĩ liệu mình có thể viết tốt hơn như vậy không? Tôi cũng lắng nghe ý kiến của người khác, cho dù thiệt lòng không ít khi hậm hục trong bụng do cái thói hư “văn mình, vợ người” mà. Cứ như vậy mà nghề tự dạy nghề.

Nghề báo đối với tôi phải đứng trên cả 2 chân: tâm và tầm. Người xưa từng nói: “lời nói, đọi máu”, nó cũng tương tự “con chữ, đọi máu”. Phương Tây xếp báo chí vào quyền lực thứ tư (đệ tứ quyền) – sau lập pháp, hành pháp và tư pháp trong xã hội. Báo chí là công luận, được đúc kết và cụ thể hóa từ dư luận. Vì thế, nhà báo cần phải có cái tâm trong sáng, tấm lòng và sự hướng thiện khi làm nghề. Đó là lý do mà phải trăn trở, cân nhắc từng con chữ, nhất là khi “bút sa, gà chết”. Có tâm mà thiếu tầm thì chỉ là một nhà báo tốt, không phải một nhà báo giỏi. Tầm chính là năng lực nghề.

Tôi thì coi trọng cái tâm hơn cái tầm (thì cứ coi như do tôi là một kẻ dư tâm, thiếu tầm đi). Một nhà báo có thể viết dở, nhưng không được viết bậy. Sẽ là một đại nạn cho xã hội khi một nhà báo cực giỏi mà lại thiếu cái tâm.

Là một “binh nhì” – phóng viên thôi đã khó, nhiều đêm mất ngủ. Khi có được cái chức danh nào đó trong cơ cấu quản lý tờ báo, người ta càng phải cẩn trọng gấp bội lần – với level cẩn trọng tỷ lệ thuận theo độ cao chức trách (hàm ý chức vụ và trách nhiệm).

Sau 38 năm chính thức làm nghề báo, hôm nay ngồi tự kiểm lại, tôi mừng ơi là mừng vì mình chưa bao giờ dùng con chữ để làm hại ai – kể cả làm “vẩn đục” cuộc đời. Trong từng bài viết của mình, tôi đều muốn chia sẻ cho người đọc những thông tin bổ ích và những thông điệp của tôi để làm cho cuộc đời đáng sống hơn và cuộc sống tốt đẹp hơn.

Nhưng nhân vô thập toàn. Có những khi, những lúc do vô tình, mà cái chính là “yếu nghề”, tôi đã làm ai đó chưa hài lòng, nhưng tuyệt nhiên chẳng có ai nghĩ rằng tôi đã làm hại họ. Tôi rất thông cảm với các đồng nghiệp, vì có những khi họ bắt buộc phải làm những điều mình chớ hề muốn, âu cũng chỉ vì cái sự “tồn tại hay không tồn tại”. Nhờ tổ nghiệp đãi và quới nhơn thương mà ngay từ khi mới bước chân vào nghề báo, tôi đã được cho phép để chỉ viết những gì mà tôi thích và muốn viết. Có lẽ nhờ vậy mà cho tới bây giờ tôi vẫn luôn được thanh thản với nghề của mình.

Nhờ tổ nghề đãi và mọi người thương mà tôi đã được trải nghiệm đủ đầy các thang bậc của nghề báo. Khi làm phóng viên, tôi yêu quý các bạn làm chung như những bạn đồng nghiệp của mình. Lúc giữ trọng trách, tôi trân trọng mọi người trong tòa soạn như những cộng sự của mình. Tên cúng cơm và những bút danh của tôi đã xuất hiện ở vị trí tác giả trên nhiều chục tờ báo, tạp chí, trong đó có nhiều tờ báo hàng đầu Việt Nam. Tôi biết ơn và trân trọng điều đó. Nhưng đối với tôi, điều làm tôi hạnh phúc nhất, sướng lâu và sướng sâu nhất chỉ là khi mình được bạn đọc nhớ tới trong lòng và trong trí. Đó chính là kim chỉ nam và mục tiêu xuyên suốt mà tôi đặt ra cho mình trong suốt gần 4 thập niên làm nghề báo. Ngay từ ngày đầu, tôi chọn nghề báo là để dấn thân và phục vụ tha nhân.

Trong tâm thế đó, Ngày Nhà báo hàng năm dối với tôi chớ hề là một cơ hội để nhận hoa và những lời chúc mừng. Đó là ngày chính nhựt để tôi tự kiểm coi trong năm qua mình đã làm được những gì tốt cho những người đọc thân thương của mình. Đâu cần đợi chi tới Ngày Nhà báo, hễ khi nào tôi làm được gì tốt đẹp và được người đọc hài lòng là lúc đó coi như tôi đã được tặng hoa rồi – đó là những đóa hoa bất tử mà chỉ có tôi mới có thể làm chúng lụi tàn!

Nhân Ngày Nhà báo Việt Nam, tôi xin chúc mừng các đồng nghiệp, mong cho họ luôn có thể “sống tốt, sống bình an và sống lành mạnh” với nghề của mình. Từ đáy lòng và trong trí mình, tôi luôn biết ơn các bạn đọc đã chịu khó đọc những gì tôi viết ra – vì nhà báo không có bạn đọc giống hệt như ca sĩ phải đút đầu vô cái lu mà ca; và rộng lượng bỏ qua cho tôi khi có những sơ suất. Và tôi chân thành cảm ơn các đối tác, các doanh nghiệp nói chung – và các bạn phụ trách truyền thông nói riêng đã nhiệt tình đồng hành cùng tôi trong suốt những tháng ngày qua. Không có các bạn, tôi biết lấy gì mà phục vụ bạn đọc yêu quý của mình.

Những người khác coi Ngày Nhà báo là dịp để tôn vinh giới làm báo. Còn tôi thì coi Ngày Nhà báo là một cơ hội nhắc nhở mình bày tỏ lòng tri ân những người đã giúp tôi có thể làm nghề cho tới tận hôm nay. Hô khẩu hiệu nghen: Các bạn ơi, tôi yêu các bạn gấp bội lần dân Brazil yêu quả bóng Brazuca!

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon, Ngày Nhà báo 21-6-2014)

phamhongphuoc_tanan_1981_03

Làm “ông bầu” gánh hát báo Long An tham gia hội diễn văn nghệ công nhân viên chức tỉnh năm 1981. Người bên trái là Võ Hồng Khanh, nay định cư ở Mỹ.

phamhongphuoc_tanan_1981_05

Trước tòa soạn báo Long An trên đường Nguyễn Huệ (Tân An) năm 1981. Từ trái: Võ Hồng Khanh (nay ở Mỹ), Ngô Thị Ngọc Mai (nay ở Mỹ), Trần Thị Vẹn và PHP.

phamhongphuoc_tanthanh_longan_041983_02

Đi công tác trên đường Tỉnh lộ 49 (nay là Quốc lộ 62) dẫn về Đồng Tháp Mười năm 1983.