Chủ nhật ngày 24 tháng 11 năm 2024

Ba “ông lớn” Intel, Samsung và Dell hợp lực hình thành chuẩn “Internet cho vạn vật” mới

internet-of-things

 

Hỗm rày chắc bạn ngày càng được nghe nhiều hơn với cái khái niệm mới theo tiếng Anh gốc là “Internet of things” (viết tắt là IoT). Mọi người đang tiến tới một thế giới thông minh. Và trong cái thế giới tương lai không còn xa đó, mọi thứ trên đời này đều được kết nối với nhau thông qua Internet.

Sở dĩ nói là “tương lai không còn xa” là vì bạn cứ nhìn quanh mình đi, ngày càng xuất hiện đông đúc hơn những thiết bị có khả năng kết nối Internet. Từ cái ổ cắm điện, chiếc bóng đèn,… cho tới con tàu không gian, tất cả đều đã có tính năng Internet, cho phép điều khiển từ xa. Chuyện này “lợi hại” lắm à nghen. Nói “lợi hại” bởi vì có đủ cả hai mặt lợi và hại của cái sự kết nối tùm lum này. Chưa nói những cái hại, mà thứ gì trên đời này lại không có hai mặt, chủ yếu do hên xui và do cách mình ăn ở thôi. Thật sự là cái lợi do mọi thứ đều được kết nối này vô cùng to lớn. Tôi có một cô bạn đi nghỉ mát một tuần, lên máy bay mới nhớ là mình chưa tắt máy lạnh, cửa nhà lại khóa. Vậy là đành chịu tháng đó góp phần làm giàu cho ông nhà đèn. Nhưng nếu như nhà cô gắn những loại máy lạnh thế hệ mới có tính năng kết nối Wi-Fi, cô có thể từ bất cứ nơi đâu trên thế giới ra lệnh cho chúng nghỉ làm việc.

Chỉ có điều cho tới nay người ta vẫn chưa có được một chuẩn chung cho cái sự kết nối tùm lum tà la này. Ngay cả cái tên dịch ra tiếng Việt cũng chưa thống nhất, có người gọi là “Internet cho mọi vật”, “Internet cho tất cả”, ở đây, tôi xin phép dùng cụm từ “Internet cho vạn vật”.

Tất nhiên phải là các ông lớn có tiếng nói quyết định cùng xáp vô thì mới ra được những chuẩn chung cho số đông sử dụng. Vì thế, các nhà chế tạo công nghệ lớn như Intel, Samsung và Dell hiện nay đang hợp lực hình thành một chuẩn công nghiệp chung cho tất cả các thiết bị thông minh có thể nói chuyện được với nhau.

Nhóm của ba “ông lớn” công nghệ này gọi là Hiệp hội Tương kết Mở (Open Interconnect Consortium, OIC). Nó sẽ “cụng đầu” với một sáng kiến đang tồn tại gọi là Liên minh AllSeen Alliance (ASA) được hậu thuẫn bởi 51 hãng điện tử tiêu dùng và phần mềm ứng dụng, như Microsoft, LG, Panasonic, Sharp và Qualcomm.

Hiệp hội OIC sẽ tập trung vào việc xác định các yêu cầu kết nối cho hàng tỷ thiết bị làm nên Internet cho vạn vật. Doug Fisher, Tổng giám đốc Nhóm dịch vụ và phần mềm của Intel, cho biết một bộ khung mới sẽ tập trung vào bảo mật và các vấn đề khác mà cho tới nay nhóm ASA chưa xử lý thỏa đáng được. Mã nguồn mở OIC đầu tiên sẽ nhắm vào các yêu cầu đặc trưng của các giải pháp văn phòng và ngôi nhà thông minh, cho phép các nhà phát triển dễ dàng từ xa thông qua smartphone, tablet, PC điều khiển và nhận các thông báo từ các thiết bị ngôi nhà thông minh.

Mặc dù hãng nghiên cứu Gartner Research dự đoán rằng công nghệ “ngôi nhà thông minh” sẽ bổ sung thêm 1.900 tỷ USD vào kinh tế toàn cầu vào năm 2020, nhưng ở thời điểm này, vẫn còn có một số thách thức lớn cho Internet cho vạn vật mà cả hai liên minh sẽ phải giúp khắc phục. Cầu mong cho họ hỗ trợ nhau chớ đừng có chống lại nhau như kinh nghiệm của những liên minh chuẩn công nghệ đã qua. Chắc bạn vẫn còn nhớ vụ đụng độ nhau giữa hai chuẩn đĩa quang Blu-ray Disc và HD DVD hồi đầu thế kỷ 21?

Mời bạn xem clip giải thích về khái niệm Internet cho vạn vật: 

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 10-07-2014)

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

+ Có trên báo Tuổi Trẻ Mobile ngày 9-7-2014 (http://m.tuoitre.vn)