Thứ Tư ngày 22 tháng 1 năm 2025

Hết còn ai dám cả gan bay ngang qua Ukraine

140717-flight-mh17-shut-down-ukraine-08

 

Cho tới sáng 18-7-2014, chưa có con số thương vong chính thức trong vụ chuyến bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines (MAS) bị tên lửa từ dưới đất bắn hạ ở miền đông Ukraine, gần biên giới với Nga, lúc 21g15ph tối 17-7 theo giờ Việt Nam (14:15 GMT). Nhà chức trách Ukraine nói với các quan chức Tòa Đại sứ Mỹ rằng mọi người trên máy bay “được tin rằng đã chết” và các mảnh vỡ rải ra khắp một vùng dài 10 dặm do máy bay nổ trên không.

Hãng MAS cho biết chiếc máy bay Boeing 777-200ER này chở 283 hành khách (có 3 trẻ sơ sinh) và 15 nhân viên phi hành, cất cánh từ Amsterdam (Hà Lan) lúc 12g15ph (giờ địa phương), tức 10:15 GMT, và dự kiến đáp xuống sân bay quốc tế Kuala Lumpur lúc 6g10ph sáng 18-7 theo giờ địa phương. Nhưng đúng 4 tiếng đồng hồ sau khi bay, máy bay mất liên lạc và sau đó được xác định rơi xuống gần làng Hrabov ở khu vực Donetsk hiện do quân ly khai thân Nga kiểm soát. Đây là vùng trong những ngày gần đây đang xảy ra giao tranh giữa quân đội Ukraine và quân ly khai.

Theo một phần danh sách hành khách mà hãng MAS công bố, được báo Mỹ Washington Post đưa lại, có 154 người Hà Lan, 27 người Úc, 28 người Malaysia (có 2 trẻ sơ sinh), 11 người Indonesia, 6 người Anh, 4 người Đức, 4 người Bỉ, 3 người Philippines và 1 người Canada. Toàn bộ đội bay 15 người là người Malaysia.

Trong khi đó, hãng tin Nga Interfax trích lời một trợ lý cho Bộ trưởng Nội vụ Ukraine nói rằng tổng số người chết trong vụ tai nạn máy bay lên tới hơn 300 người, trong đó có 23 người Mỹ. Phải chăng vụ tai nạn máy bay còn làm chết một số người dưới mặt đất?

Cho tới nay cả quân đội Ukraine lẫn phe ly khai thân Nga đều tuyên bố mình không bắn quả tên lửa đó. Có tin nói rằng quả tên lửa đã được bắn đi từ một giàn phóng Buk 9K37 (mà NATO gọi là SA-11 Gadfly) có khả năng bắn cao tới 22.000 mét (72.000 feet). Lúc bị bắn trúng, máy bay MH17 đang bay ở độ cao 10.000 mét (33.000 feet). Cả hai lực lượng Nga và Ukraine đều có loại tên lửa này. Vừa qua có tin nói rằng quân ly khai thân Nga ở Ukraine cũng đã có được hệ thống tên lửa Buk. Tuy nhiên, Igor Sutyagin, nhà nghiên cứu về Nga tại Viện các dịch vụ thống nhất Hoàng gia (RUSI) chuyên nghiên cứu về an ninh và quốc phòng của Anh, cho rằng vũ khí mà người ta biết quân ly khai hiện có không có khả năng bắn cao hơn 4.500 mét (14.700 feet).

Người ta nói rằng cho dù là ai bắn, thì quả tên lửa đó cũng có nhiều khả năng do Nga chế tạo. Lâu nay Ukraine cáo buộc Nga cung cấp vũ khí, khí tài cho quân ly khai thân Nga ở miền đông Ukraine. Cựu nữ Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói rằng nếu như chứng cứ cho thấy Nga có liên can tới vụ bắn rơi chiếc máy bay dân sự này, châu Âu sẽ càng có thêm động lực tăng cường hỗ trợ Ukraine, đối đầu với Nga.

Theo nhà chức trách Ukraine, tối 16-7, một chiếc máy bay chiến đấu Sukhoi-25 của nước này đã bị máy bay Nga bắn rớt bằng tên lửa. Thêm một chiếc Sukhoi-25 nữa đã bị trúng tên lửa từ dưới đất bắn lên, và quân ly khai đã nhận do họ bắn. Hôm 14-7, một chiếc máy bay vận tải quân sự của Ukraine đã bị bắn hạ bởi một quả tên lửa từ lãnh thổ Nga bắn qua.

Đây không phải là lần đầu tiên một máy bay hành khách bị trúng tên lửa quân sự.

– Ngày 20-4-1978: Chuyến bay 902 của hãng Korean Airlines trên đường từ Paris (Pháp) về Seoul đã bay lạc vào không phận Liên Xô. Bị máy bay chiến đấu của Liên Xô ngăn chặn, đội bay đã phải đáp cưỡng bách trong đêm xuống một hồ nước đóng băng. Có 2 trong 97 hành khách chết vì lửa.

– Ngày 1-9-1983: Chuyến bay số 007 của hãng Korean Airlines sau khi bay lạc vào không phận Liên Xô đã bị máy bay Liên Xô dùng tên lửa bắn hạ, giết chết toàn bộ 240 hành khách và đội bay 29 người.

– Ngày 3-7-1988: Chuyến bay 655 của hãng Iran Air bị tên lửa từ tàu chiến Mỹ USS Vincennes bắn hạ, làm chết toàn bộ 274 hành khách và 16 nhân viên phi hành.

Trước khi xảy ra vụ chuyến bay MH17 bị tên lửa bắn rơi, nhà chức trách hàng không nhiều nước, trong đó có Mỹ, đã khuyến cáo các hãng hàng không nước mình tránh bay qua không phận Ukraine đang có chiến sự.

Ngay sau khi xảy ra thảm kịch MH17, nhiều hãng hàng không như Lufthansa (Đức), Delta (Mỹ), KLM (Hà Lan),… phát thông báo cho biết họ đã bay tránh không phận Ukraine.

Vì sao nhiều hãng máy bay vẫn tiếp tục sử dụng đường bay qua không phận Ukraine này? Chuyên gia hàng không Norman Shanks giải thích: “Đó là đường bay ngắn hơn, có nghĩa là ít tốn nhiên liệu hơn và vì thế đỡ tốn tiền hơn.”

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 18-7-2014)

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

malaysia-airlines-boeing-777

Một chiếc Boeing 777-200ER của hãng Malaysia Airlines, cùng loại được dùng cho 2 chuyến bay định mạng MH17 và MH370.

140717-flight-mh17-shut-down-ukraine-09

Thông số kỹ thuật của máy bay B777-200ER.

140717-flight-mh17-shut-down-ukraine-10

Một tay súng ly khai thân Nga trên phần đuôi của chuyến bay MH17.

140717-flight-mh17-shut-down-ukraine-11

Cột khói nơi máy bay rơi xuống.

140717-flight-mh17-shut-down-ukraine-15

Hai mẹ con người dân địa phương đi ngang qua vị trí chuyến bay MH17 rơi xuống.

140717-flight-mh17-shut-down-ukraine-12 140717-flight-mh17-shut-down-ukraine-13 140717-flight-mh17-shut-down-ukraine-14 140717-flight-mh17-shut-down-ukraine-16