Chủ nhật ngày 24 tháng 11 năm 2024

Một cơn “đại địa chấn” trong lòng Microsoft

Workers install the logo of U.S. technology giant Microsoft on the wall of Nokia's former headquarters in Espoo

 

Đồn thổi thì râm ran hỗm rày rồi, còn ngày 17-7-2014 sự thật đã rõ ràng qua lá thư của Satya Nadella, Tổng giám đốc Microsoft, gửi các nhân viên của mình. Nhà lãnh đạo “ông lớn” phần mềm này chính thức thông báo công ty sẽ cho 18.000 nhân sự nghỉ việc trong năm tới. Đây là lần giảm nhân sự lớn nhất trong lịch sử 39 năm của Microsoft và số người bị lay-off này chiếm 14% tổng nhân sự toàn cầu của hãng. Công ty sẽ chi 1,1 tới 1,6 tỷ USD trong 4 quý tới để trả các khoản chi phí cho việc cắt giảm lao động này.

Trong lá thư “khủng khiếp” này, Nadella, người vừa trở thành CEO hồi tháng 2-2014, giải thích rằng việc cắt giảm nhân sự này là để sắp xếp lại lực lượng lao động của công ty và đơn giản là cách để công ty có thể trở nên gọn nhẹ, linh hoạt hơn mà tiến nhanh hơn. Ý nhà lãnh đạo Microsoft nói rằng bộ máy của Microsoft trước nay quá cồng kềnh, nặng nề.

Như vậy là Microsoft đã vượt qua các “ông lớn” công nghệ khác là Google, Intel, HP về tỷ lệ lao động bị cắt giảm từ năm 2011 tới nay. Có tin nói rằng, trong số 18.000 lao động sẽ bị cắt giảm có tới 12.500 người từ hãng điện thoại di động Nokia mà Microsoft vừa mua lại trong một thương vụ giờ đây bị nhiều người cho là một sai lầm. Khi chính thức được Microsoft tiếp quản hồi tháng 4-2014, Nokia có 28.000 nhân viên. Sau khi hoàn tất việc cắt giảm khổng lồ này, lực lượng lao động của Microsoft trên toàn cầu sẽ là 109.000 người (tương đương 10 sư đoàn).

Nhưng giới quan sát thị trường công nghệ đã sực nhớ lại hồi năm 1995, nhà sáng lập và lãnh đạo Microsoft huyền thoại là Bill Gates đã gửi một bản ghi nhớ cảnh báo về ảnh hưởng của Internet đối với tương lai của công ty. Ông viết: “Internet là một cơn sóng cồn của đại dương. Nó làm thay đổi các luật lệ.” Nếu không biết và không có đủ khả năng thích ứng với kỷ nguyên Internet, các doanh nghiệp sẽ phải đứng trước thảm họa “ngày tận thế”.

Microsoft giờ đây cho thấy mình đang chuyển sang tập trung vào việc cung ứng các dịch vụ B2B (doanh nghiệp cho doanh nghiệp) như cơ sở hạ tầng điện toán đám mây.

Việc trở bộ như vậy có ý nghĩa “tồn tại hay không tồn tại”. Trong cái thời mà ứng dụng tin nhắn WhatsApp mới 5 tuổi đầu đã được Facebook hồi tháng 2-2014 bỏ ra tới 19 tỷ USD để mua lại, dường như các tay chơi công nghệ chính của quá khứ càng trở nên già cỗi, nặng nề. Hàng loạt hãng mới khởi nghiệp khác trên nền Internet đã thắng lớn càng làm cho bức tranh công nghệ thêm nhiều sắc màu lạ mắt hơn. Dịch vụ mạng xã hội chia sẻ hình ảnh Instagram được Facebook mua lại với giá 1 tỷ USD khi nó chỉ có 13 nhân viên. Dịch vụ lưu trữ đám mây Dropbox ra đời năm 2008 tới nay đã trị giá tới 10 tỷ USD.

Quyết định cắt giảm lao động của Microsoft làm đau lòng các nhân viên, nhưng lại khiến các nhà đầu tư hài lòng. Bằng chứng là ngay lập tức giá cổ phiếu của Microsoft đã tăng 3,8% tới mức cao kỷ lục trong vòng 14 năm nay.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 19-7-2014)

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

+ Có trên báo Tuổi Trẻ Mobile ngày 18-7-2014 (http://m.tuoitre.vn/)