Chủ nhật ngày 22 tháng 12 năm 2024

Có thêm một bang ở Mỹ thông qua luật chống trộm cắp smartphone

smartphone-kill-self-switch

 

Trong chưa đầy một thập niên qua, smartphone đã trở thành một phần không thể thiếu được của cuộc sống con người. Theo số liệu gần đây của ComScore, chỉ ở Mỹ thôi, hiện có 166 triệu người sở hữu smartphone. Và người ta không dùng smartphone chỉ để gọi điện thoại, mà còn làm nhiều thứ khác như nhắn tin, chat, lướt web, kiểm tra email, download các ứng dụng, … thậm chí thực hiện những giao dịch, bao gồm ngân hàng. Theo tính toán, bình quân mỗi ngày người Mỹ dành hơn 1 tiếng đồng hồ để nhìn váo cái màn hình nhỏ sáng rực trên tay mình đó. Chưa hết, người ta còn có thói quen lưu nhiều dữ liệu cá nhân, phim ảnh, tư liệu,… trên chiếc smartphone.

Vì thế, chuyện bị mất smartphone trở thành một “đại sự” đối với rất nhiều người. Nó quan trọng tới mức không phải chỉ mất chiếc này thì mua chiếc khác đâu. Có những thứ có trên chiếc smartphone mà người ta có khi phải trả giá bằng cả mạng người.

Trong khi đó, tình trạng trộm cắp smartphone lại tăng cao báo động ở Mỹ. Theo một nghiên cứu của Consumer Reports, trong năm ngoái có tới 3,1 triệu người Mỹ bị đánh cắp điện thoại di động, tăng gấp đôi so với một năm trước đó. Một khảo sát khác cho thấy chỉ có 11% số điện thoại bị mất là do bị bọn cướp giật từ người dùng, trong khi có tới 44% vụ mất là bởi chủ nhân bỏ chiếc điện thoại của mình hớ hênh ở nơi công cộng.

Đó là lý do mà nhiều nhân viên cơ quan công lực và nhiều nghị sĩ ở Mỹ yêu cầu các nhà sản xuất điện thoại và các nhà mạng bổ sung thêm tính năng chống trộm cắp điện thoại vào thiết bị. Phổ biến là tính năng “công tắc tự sát” cho phép chủ nhân có thể từ xa truy xuất vào chiếc smartphone bị mất của mình mà khóa nó và xóa sạch các dữ liệu.

Để cụ thể hóa yêu cầu này, bang California vừa thông qua luật buộc các hãng điện thoại phải tích hợp tính năng khóa máy và xóa dữ liệu từ xa. Sau khi bị Thượng viện bang bác bỏ hồi ban đầu, dự luật này cuối cùng cũng đã được hai cấp nghị viện bang thông qua và được chuyển tới thống đốc bang để ký ban hành thành luật.

smartphone-kill-self-switch-minnesota-sign-law

Thống đốc bang Minnesota ký lệnh ban hành luật chống trộm cắp điện thoại di động hồi tháng 5-2014.

Hồi tháng 5-2014, Minnesota là bang đầu tiêu và duy nhất ở Mỹ cho tới nay đã ban hành luật chống trộm cắp điện thoại di động. Khác với California, bang này không yêu cầu điện thoại có tính năng khóa máy và xóa dữ liệu từ xa, mà chỉ quy định rằng điện thoại cần có chức năng chống trộm cắp, hoặc máy được nạp sẵn khi xuất xưởng, hoặc người dùng có thể tải về cài đặt sau đó, và tất cả đều miễn phí. Luật bang Minnesota cũng coi việc mua bán điện thoại không có giấy tờ chứng minh là phạm pháp. Nó cũng cấm các nhà trung gian bán điện thoại dùng rồi cho người dưới 18 tuổi, cũng như không được thanh toán bằng tiền mặt. Tất cả chỉ nhằm giúp nhà chức trách có thể dễ dàng theo dấu những chiếc điện thoại “second-hand” bán trên thị trường.

Đáng chú ý là ở cấp liên bang cũng đang rục rịch có luật tương tự. Hồi tháng 2-2014, một nhóm thượng nghị sĩ Dân chủ đã đề xuất Luật Phòng ngừa trộm cắp samrtphone nhằm bổ sung cho Luật Thông tin liên lạc ban hành hồi năm 1934. Dự luật mới yêu cầu bất cứ điện thoại di động nào bán ở Mỹ cùng đều phải có tính năng khóa máy và xóa dữ liệu từ xa, đồng thời ngăn cản triệt để chuyện kích hoạt lại smartphone mà không nhập được mã passcode chính xác. Dự luật này cần được hai viện Quốc hội Liên bang thông qua trước khi chuyển sang Nhà Trắng để Tổng thống Mỹ xem xét ký ban hành thành luật.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 23-7-2014)

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

+ Có trên báo Tuổi Trẻ Mobile ngày 22-7-2014 (http://m.tuoitre.vn/)