Thứ Năm ngày 26 tháng 12 năm 2024

THẢM KỊCH CHUYẾN BAY MH17: Cha mẹ nạn nhân Fatima lặn lội từ Úc sang Ukraine tìm con gái

Fatima Dyczynski-01

 

Thật ra thì có người thân nào của 298 nạn nhân chết thảm trong vụ chuyến bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines chịu tin rằng người thân yêu của mình đã thật sự ra đi mãi mãi đâu. Chiếc Boeing 777-200ER bị hỏa tiễn của ai đó bắn rơi khi đang bay ngang qua bầu trời miền đông Ukraine ngập tràn khói lửa binh đao chiều 17-7-2014 chỉ 4 giờ sau khi rời sân bay Amsterdam (Hà Lan) để bay về Kuala Lumpur (Malaysia).

Nước chịu đại tang là Hà Lan, với 194 công dân (mới phát hiện thêm 1 người Hà Lan mang 2 quốc tịch Hà Lan và Đức mà trước đó tính vào số 4 người Đức). Kế đó là Malaysia với 43 nạn nhân, bao gồm toàn bộ đội bay 15 người. Đứng thứ 3 trong cái bảng tổng sắp cay nghiệt này là Úc với 28 công dân và ít nhất là 9 thường trú nhân.

Một trong số nạn nhân Úc đó là nhà nữ khoa học không gian 25 tuổi Fatima Dyczynski.

Hãng tin Pháp AFP (25-7-2014) cho biết cha mẹ của Fatima là ông Jerzy Dyczynski và bà Angela đã lặn lội từ quê nhà ở Perth (Úc) sang tận Ukraine để tìm người con duy nhất của mình. Hai ông bà vẫn nuôi hy vọng là con gái mình còn sống. Nói với nhật báo Úc The Australian hôm 25-7 khi hai vợ chồng vừa tới sân bay Schiphol của Amsterdam, nơi chuyến bay MH17 xuất phát, ông Jerzy, một bác sĩ, tâm sự: “Chúng tôi vẫn nghĩ rằng nó còn sống, vì thế hôm nay vợ chồng tôi bay sang Donetsk để tìm nó.” Thành phố Donetsk nằm trong nước Cộng hòa Nhân dân tự phong Donetsk đang do phe ly khai ở miền đông Ukraine kiểm soát, chính là nơi chuyến bay MH17 lâm nạn.

Phải nói rằng ông bà Jerzy yêu con biết chừng nào. Dù là một bác sĩ, một nhà khoa học và chẳng xa lạ gì với những cái chết của bệnh nhân, vậy mà ông vẫn cứ mụ mị với niềm tin con gái cưng của mình chưa hề chết. Chắc hẳn người bố này đau đón, đắng cay hơn ai hết, vì ông là bác sĩ hàng ngày hàng giờ chiến đấu với thần chết để cứu sống biết bao người, nhưng lại bất lực không cứu được con mình khỏi bàn tay những tên quỷ đội lốt người đã gây nên thảm cảnh này.

Hôm ấy, Fatima bay về Perth để thăm cha mẹ mình và khởi đầu một cuộc sống mới ở quê nhà. Cô là một nhà sáng tạo trẻ đầy hứa hẹn. Với chuyên môn là một kỹ sư không gian, Fatima đã mở một công ty riêng và đang giới thiệu ở Bắc Kinh về một ứng dụng điện thoại vệ tinh mới giúp kết nối các gia đình lại với nhau. Cô yêu môn võ kung-fu, chơi đàn guitar trong một ban nhạc rock, và đang trên đường thực hiện giấc mơ trở thành một nhà du hành vũ trụ.

Số phận nghiệt ngã hình như đã đặt để cho Fatima. Cô đâu có mua vé chuyến bay MH17 đó. Do bận công việc, cô bị lỡ chuyến bay trước nên được chuyển sang chuyến bay định mệnh này.

Vào ngày 10-6-2013, khi sắp tốt nghiệp đại học, Fatima thực hiện và post lên mạng YouTube video clip nói về giấc mơ không gian của mình. Cô viết:

Fatima Dyczynski-02

“Hôm nay, tôi sắp tốt nghiệp trường đại học tốt nhất về ngành kỹ thuật không gian ở châu Âu và đang dự định làm việc với các tổ chức lớn khắp thế giới với ý tưởng của mình về việc thương mại hóa “nanosatellite” (các vệ tinh siêu nhỏ). Giấc mơ của tôi là làm cho bất cứ ai cũng có thể tiếp cận được với không gian và các lợi ích của nó, đại loại cũng giống như chúng ta sử dụng điện thoại ngày nay. Có thể một ngày nào đó bạn sẽ có vệ tinh riêng của mình trên không gian? Nhưng để đạt được điều đó, tôi cần đi từng bước một. Để khởi sự, tôi đã được chọn trình bày báo cáo khoa học của mình tại Đại hội Du hành vũ trụ Quốc tế năm 2013, nơi tôi sẽ giải thích mô hình kinh doanh khác thường của mình về các chòm sao vệ tinh siêu nhỏ (nanosat constellations) cho cộng đồng khoa học và thu thập các ý tưởng và các mối liên hệ có giá trị để đưa dự án này tiến xa hơn nữa. Sáng kiến của tôi đạt được thành công sẽ làm cho các dịch vụ vệ tinh trở nên linh hoạt hơn và rẻ hơn trong tương lai. Chúng ta sẽ có thể phản ứng đối với các thảm họa thiên nhiên một cách tốt hơn và cứu được nhiều sinh mạng hơn. Chúng ta sẽ có thể giám sát các ngôi nhà và xe của mình trên điện thoại di động. Danh sách các lợi ích là vô tận!”

 

Mời bạn xem clip do Fatima thực hiện:

Tại Đại hội Du hành vũ trụ Quốc tế IAC lần thứ 64 hồi tháng 9-2013 ở Bắc Kinh, Fatima đã làm quen với Leroy Chiao, một kỹ sư Mỹ, cựu nhà phi hành gia của NASA, hiện là doanh nhân. Sau khi nghe hung tin, Chiao đã viết cho cha mẹ Fatima bức thư chia buồn: “Chữ nghĩa không thể diễn tả được tôi buồn sâu xa như thế nào đâu khi nghe tin về sự mất mát của ông bà. Mặc dù tôi chỉ gặp Fatima và ông bà ngắn ngủi, tôi vẫn nhớ rõ cuộc gặp gỡ của chúng ta. Fatima đã gây ấn tượng với tôi như một người trẻ thông minh và năng động cao, với niềm đam mê các nỗ lực không gian. Tôi rất ấn tượng với cô ấy, và càng hạnh phúc hơn khi cung cấp một trích dẫn cho bài thuyết trình của cô ấy. Tôi nhớ cả hai ông bà đã tự hào như thế nào về cô ấy, nó rất ngọt ngào. Tôi sẽ giữ Fatima và hai ông bà trong mọi ý nghĩ và lời cầu nguyện của mình.”

fatima-dyczynski-with-astronaut-leroy-chiao-130925

Fatima và nhà cựu phi hành gia Mỹ Leroy Chiao tại Đại hội Du hành vũ trụ Quốc tế IAC lần thứ 64 hồi tháng 9-2013 ở Bắc Kinh.

Chẳng phải chỉ vì cảm xúc mà phi hành gia Story Musgrave đã nhận xét về cô kỹ sư không gian trẻ Fatima: “Một trong những sinh vật đầy hứa hẹn nhất, dám nghĩ dám làm nhất và đầy sinh khí trên hành tinh này giờ đây đã ra đi.”

Vậy đó, thảm kịch chuyến bay MH17 đã cướp đi của thế giới không ít những tài năng xuất chúng, như các nhà khoa học về HIV/AIDS xuất sắc của thế giới, và phải kể cả cô kỹ sư không gian tài năng Fatima.

Cha mẹ của Fatima cứ bám víu lấy ý nghĩ biết đâu chừng con gái mình đã bằng cách nào đó may mắn sống sót khỏi thảm họa đó. Người cha bác sĩ tin rằng con gái mình đã bị bắn ra khỏi chiếc máy bay trong khi vẫn ngồi trên ghế được thắt dây an toàn đàng hoàng, nhờ đó có thể chỉ bị bất tỉnh khi va chạm phải mặt đất. Họ càng thêm củng cố niềm hy vọng khi cho tới nay còn hơn 10 người trên máy bay vẫn chưa tìm được. Biết đâu chừng Fatima của họ vẫn đang bị kẹt vào chiếc ghế máy bay ở đâu đó trong cánh đồng cây trồng cao ngút.

Ngày 25-7, hai ông bà Jerzy từ sân bay Amsterdam nối chuyến tới thành phố Donetsk. “Chúng tôi sẽ đi tới tận nơi chiếc máy bay bị tấn công. Chúng tôi tin rằng con gái mình vẫn còn sống”, ông bố nói với nhà báo như vậy. Ông Jerzy còn nói với nhà báo Úc: “Anh có xem tin của CNN về những chiếc điện thoại không? Vì thế chúng tôi đi.” Ông nhắc tới những bái báo nói rằng có những thân nhân gọi vào điện thoại của những người thân yêu trên chuyến bay MH17 và đã nhận được những lời trả lời từ những người lạ.

Tại sân bay Schiphol, hai ông bà Jerzy đã tới viếng nơi người ta đặt hoa tưởng nhớ các nạn nhân. Tội nghiệp, ông bố mặc chiếc áo thun có in ảnh con gái và dòng chữ: “Fatima. Bố mẹ yêu con.”

Fatima Dyczynski-parents-amsterdam-140725

Cha mẹ Fatima tại sân bay Schiphol (Amsterdam) ngày 25-7-2014.

Sau khi cung cấp các mẫu DNA và y khoa cho các nhân viên điều tra Hà Lan, hai ông bà quyết định tới tận hiện trường bất chấp những lời khuyến cáo về sự an toàn. Hãng tin Mỹ AP cho biết bà Angela nói rằng: “Chúng tôi không ngán ngại gì hết. Các bạn đừng lo lắng. Chúng tôi ở trong những bàn tay tốt nhất.”

Ông Jerzy lưu ý rằng: “Không có ai nói về những người sống sót và phải có lý do về điều đó. Có một số bằng chứng vẫn còn những người sống sót.”

Đừng thương hại hai cha mẹ của Fatima với ý nghĩ là họ quá cố chấp, thậm chí cực đoan với niềm hy vọng con gái cưng của mình vẫn còn sống. Hãy có con đi, bạn sẽ biết lòng cha mẹ thương yêu núm ruột của mình tới chừng nào, luôn sẵn sàng hy sinh cho nó được sống. Hãy cứ để cho hai ông bà tin điều đó, ít ra cho tới khi có kết quả xét nghiệm nhận dạng tất cả 298 nạn nhân của chuyến bay MH17.

Xin mời xem clip về cha mẹ của Fatima vẫn tin con gái còn sống: 

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 26-7-2014)

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

+ Có thểm đọc bản d0a9ng trên báo Tuổi Trẻ Online tại đây.

 

 MỜI ĐỌC THÊM: 

Cha mẹ Fatima đã tới được với con gái.